1.2 .Tầm quan trọng của châu Phi trên bản đồ thế giới
3.2. Triển vọng chính sách châu Phi của Mỹ
Để dự đoán cũng như đánh giá chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Phi trong thời gian tới chúng ta cần tìm hiểu mục tiêu chiến lược đối ngoại của Mỹ cũng như tiềm năng và thực trạng hiện nay của châu Phi. Đối với Mỹ, chiến lược đối ngoại của Mỹ là nhằm củng cố vị thế siêu cường duy nhất và vai trò lãnh đạo thế giới, nắm lấy thế chủ động để ngăn cản các cường quốc khác nổi lên thách thức vai trò và lợi ích cũng như vị thế bá chủ của mình. Trong khi đó, khi bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu phủ bóng mây lên các nền kinh tế thế giới thì châu Phi vẫn có thể được coi như một “điểm sáng” nhờ triển vọng phát triển cùng những lợi thế dồi dào về tài nguyên. Châu Phi đang trở thành đích đến đầy hấp dẫn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Theo dự báo của IMF, năm 2013, châu Phi sẽ duy trì được mức tăng trưởng ít nhất là 5%, thậm chí tăng lên 6% nhờ giá dầu thô vẫn giữ ở mức cao và một phần do tiêu dùng trong nước tăng. Trong số 20 nước trên thế giới dự báo có mức tăng trưởng cao nhất giai đoạn 2013-2017 thì châu Phi có tới 13 đại diện là Lybia, Guinea, Nam Sudan, Rwanda, Gambia, Côte d'Ivoire, Ghana, Zambia, Mozambique, Cộng hòa Congo, Tanzania, Kenya và Ethiopia, trong đó phần lớn là các quốc gia có tiềm năng dầu lửa[15]. Nền kinh tế của châu Phi sẽ ngày càng phát triển dựa trên nội lực và bớt phụ thuộc vào kinh tế châu Âu. Tình hình chính trị đang ổn định trở lại và môi trường kinh doanh được cải thiện.
Ngoài việc ca ngợi tiềm năng và sự tiến bộ của châu Phi thì cũng phải nhìn nhận rõ những thách thức vẫn tồn tại. Đó là việc xung đột triền miên đã khiến hàng triệu người chết và phát sinh đại dịch về bạo lực tình dục và giới tính ở CHDC Congo. Tại Nigeria, một trong những quốc gia cung cấp dầu khí hàng đầu thế giới, người dân đã lo ngại về việc ngày càng có nhiều người hơn sống trong nghèo đói. Châu Phi cận Sahara chiếm 12% dân số thế giới, nhưng chiếm ít hơn 2% GDP toàn cầu. Và một số chỉ tiêu về mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, chẳng hạn như cuộc chiến chống bệnh tật, thì châu Phi đã thực sự mất vị trí trong những năm gần đây. Những thách thức này là thực tế và phải được cộng đồng quốc tế cùng nhau giải quyết bằng cách giải phóng tiềm năng to lớn của châu Phi. Mỹ cam kết là một người bạn và một đối tác trong việc đó.
Trước những tiềm năng, tiến bộ cũng như những thác thức của châu Phi, Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội tăng cường đầu tư vào lục địa Đen nhằm tìm kiếm nguồn năng lượng mới, đáp ứng "cơn khát" của nền kinh tế đang phát triển mạnh của họ. Hàng loạt nguồn đầu tư khổng lồ đã được Trung Quốc đổ vào các nước châu Phi. Các nhà đầu tư từ Bắc Kinh gia tăng xây dựng nhà xưởng, khai mỏ, xây dựng đường sá, đập và nhiều cơ sở hạ tầng… đã và đang tạo bước chuyển biến đáng kể cán cân thương mại giữa hai bên. Thương mại song phương Trung Quốc - châu Phi trong năm 2011 đã đạt 120 tỷ USD. Đây thực sự là cú nhảy vọt khi cách đây 10 năm con số này mới chỉ là 20 tỷ USD[15]. Sau khi nhận chức Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chọn 3 nước châu Phi (Tanzania, Nam Phi và Congo) làm chuyến công du nước ngoài thứ hai của mình, sau chuyến thăm Liên bang Nga. Thông qua chuyến công du từ ngày 24 đến 29/3/2013 tới ba nước khu vực châu Phi lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bắc Kinh trong việc củng cố các mối quan hệ và khẳng định sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc tại lục địa Đen. Từ lâu châu Phi đã trở thành mối quan tâm đặc biệt và nằm trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc. Trung Quốc luôn đánh giá cao tầm quan trọng của châu Phi. Cũng trong những thập kỷ qua, bên cạnh Trung Quốc
nhiều cường quốc trên thế giới tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi, như Cộng hòa Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ…
Đứng trước những nguy cơ lợi ích của Mỹ bị ảnh hưởng ở châu Phi, chính quyền của Tổng thống Obama càng thôi thúc Mỹ quyết "trở lại" châu Phi và đã chú trọng nhiều hơn đến khu vực này so với thời gian trước. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Obama, Mỹ đang tham gia một cách tiếp cận mới ở châu Phi, bắt nguồn từ quan hệ đối tác chứ không phải bảo trợ. Điều đó có nghĩa là Mỹ đang tìm kiếm các chiến lược bền vững giúp các nước xây dựng năng lực và chịu trách nhiệm, cung cấp cho mọi người những công cụ mà họ cần để giúp bản thân và cộng đồng, trao quyền cho những người giải quyết vấn đề cấp địa phương và khu vực, có thể là doanh nhân, các tổ chức phi chính phủ, hoặc chính phủ. Mỹ cũng làm việc để phối hợp các chiến lược thương mại và phát triển với việc nhấn mạnh hơn nữa từ dưới lên, những giải pháp của địa phương, thúc đẩy thị trường khu vực trong châu lục, thúc đẩy thương mại và hiệu quả viện trợ, và làm việc với các chính phủ đối tác để thúc đẩy cải cách cơ cấu và tự do hóa thị trường. Chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ vào năm 2012 đã làm rõ thêm quyết tâm của Tổng thống Obama nhằm can dự vững chắc tại lục địa Đen. Đặc biệt đáng chú ý là chuyến công du của Tổng thống Mỹ Obama tới ba quốc gia châu Phi gồm: Senegal, Nam Phi và Tandania từ ngày 26/6 đến 3/7/2013, nhằm mở rộng quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại; thúc đẩy dân chủ và tăng cường sự hiện diện cũng như ảnh hưởng của Mỹ tại lục địa Đen, một địa bàn đầy tiềm năng. Chuyến thăm của Tổng thống Obama đã “làm mới” quan hệ đối tác với châu Phi.
Chuyến công du châu Phi của Tổng thống Mỹ Barack Obama là một minh chứng cho việc Mỹ đang tìm cách thúc đẩy và “làm mới” hơn nữa quan hệ đối tác với châu lục này. Chính sách của Mỹ đối với châu Phi có được thể hiện trên các lĩnh vực sau:
Một là về kinh tế, theo nhìn nhận của giới phân tích, Mỹ "trở lại châu Á" là
một thôi thúc chiến lược tình thế nặng về an ninh quân sự; còn "chiến lược châu Phi mới" là một nỗ lực chủ động toàn diện của chính quyền Tổng thống Obama. Nó vừa
phát huy quyền lực cứng, nhưng lại sử dụng tối đa quyền lực mềm. Một cách tiếp cận toàn diện địa - chính trị, kinh tế, quân sự phục vụ lợi ích toàn cầu của Mỹ trong thế kỷ XXI. Mỹ rất chú ý tới nguồn tài nguyên khoáng sản như dầu lửa của châu Phi và đã có những bước tiến chiến lược nhằm tiếp cận nguồn dầu mỏ ở khu vực này. Bộ Năng lượng Mỹ đã từng cam kết rằng, đến năm 2020, mỗi năm Mỹ sẽ nhập khẩu trên 770 triệu thùng dầu của châu Phi. Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ còn ước tính, vào năm 2015, lượng dầu nhập khẩu từ châu Phi sẽ chiếm 25% tổng khối lượng dầu nhập khẩu của Mỹ, so mức 15% hiện nay... [14]
Các doanh nghiệp Mỹ không những tăng cường đầu tư, mà còn tạo cơ hội cho các thỏa thuận thương mại song phương hứa hẹn đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Mỹ trở lại châu Phi là bước hiện thực hóa chiến lược can dự toàn cầu của Mỹ nhằm tạo dựng không chỉ một nền tảng bền vững ở châu lục nhiều tiềm năng này trong tương lai mà còn góp phần giúp nước Mỹ thoát cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Hai là về an ninh, trước thực tế lục địa Đen đang trở thành một trong những chiếc nôi nuôi dưỡng và ẩn náu của các phần tử khủng bố, Washington càng không thể xem nhẹ cuộc chiến chống khủng bố nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.
Ba là về mặt đối ngoại, Mỹ cần chứng tỏ là một cường quốc có trách nhiệm trước một châu Phi còn đầy rẫy những khó khăn cả về an ninh lẫn kinh tế cũng như các vấn đề xã hội. Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Obama đã gây thất vọng cho lục địa Đen khi chưa có sự quan tâm đúng mức đến châu Phi, hầu như chưa có chính sách cụ thể nào đối với châu Phi, ngoại trừ vài tuyên bố mang tính tượng trưng trong chuyến thăm ngắn ngủi chưa đầy 22 giờ đồng hồ tới Gana vào năm 2009[36].
Trở lại châu Phi là cơ hội để ông Obama chứng minh với lục địa Đen rằng, Mỹ không “bỏ rơi” châu lục này dù Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á- Thái Bình Dương. Điều này đã phần nào được khẳng định trong chiến lược mới đối với châu Phi được Tổng thống Mỹ công bố tháng 6/2012, trong đó Tổng thống Obama nhấn mạnh: “khi chúng ta nhìn hướng về tương lai, rõ rằng là châu Phi sẽ có vai trò rất quan trọng hơn bao giờ hết đối với an ninh và thịnh vượng của cộng đồng
quốc tế, đặc biệt là Mỹ...”[15]. Tuyên bố này cho thấy triển vọng rằng, chính sách đối ngoại của Mỹ với châu Phi trong thời gian tới sẽ là một hướng đối ngoại được quan tâm, được đầu tư xứng đáng.
KẾT LUẬN
Chiến tranh Lạnh kết thúc cùng với đó là sự chấm dứt tình trạng đối đầu hai cực giữa Liên Xô và Mỹ. Thế giới có nhiều thay đổi khi các quốc gia lớn khác lần lượt nổi lên, đe dọa đến vị trí bá chủ của Mỹ. Trong khi đó với tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên châu Phi đang là lựa chọn ưu tiên của nhiều cường quốc trên thế giới, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.
Có thể nói sau chiến tranh Lạnh, do nhiều nhân tố tác động Mỹ đã dần có sự điều chỉnh thích hợp hơn trong chính sách đối ngoại với châu Phi. Nếu Chính quyền của Tổng thống Bush (cha) không mấy mặn mà với châu Phi thì sự thay đổi trong chính sách đối ngoại với châu Phi được thể hiện rõ nét hơn dưới thời Chính quyền Tổng thống Bill Clinton (1993-2001). Khi lên nhậm chức Tổng thống, Bill Clinton đã phát triển chính sách châu Phi với các nguyên tắc rõ ràng với thành tựu đáng chú ý về mặt kinh tế là việc ban hành "Đạo luật cơ hội và tăng trưởng châu Phi” (AGOA). Chính quyền Bill Clinton cũng có những quan tâm đến dân chủ hóa của châu Phi, tuy nhiên có hạn chế là không thực sự phát triển chính sách cụ thể để hỗ trợ châu Phi trong nỗ lực xây dựng một hệ thống quản lý điều hành dựa trên pháp quyền và tôn trọng nhân quyền.
Đến thời Tổng thống G.Bush, châu Phi trở thành ưu tiên trong kế hoạch chiến lược của Mỹ. Về mặt kinh tế Tổng thống Bush đã mở rộng "Đạo luật cơ hội và tăng trưởng châu Phi” (AGOA) dành ưu đãi cho nhiều quốc gia châu Phi hơn. Ngoài ra, trong khuổn khổ AGOA, Mỹ còn xây dựng một hệ thống các hoạt động hỗ trợ khác dành cho châu Phi như hỗ trợ tài chính của Tài khoản Thách thức Thiên niên kỷ (MCA), các chương trình hỗ trợ của USAID, hợp tác đầu tư tư nhân tại hải ngoại (OPIC), sáng kiến ngân hàng nhập khẩu, sáng kiến của Phòng Thương mại Mỹ… Một trong những chính sách của Tổng thống Bush có ảnh hưởng tích cực nhất ở châu Phi là Kế hoạch hỗ trở khẩn cấp phòng chống AIDS (PEPFAR).
Đến thời Tổng thống Obama, ở nhiệm kỳ đầu dường như những chính sách dành cho châu Phi lại một lần nữa trở nên mờ nhạt, do chính quyền của ông Obama
còn lo giải quyết khủng hoảng tài chính trong nước nên đã cắt giảm nhiều chính sách hỗ trợ cho châu Phi. Tuy nhiên, Tổng thống Obama vẫn tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố của Tổng thống tiền nhiệm George W Bush ở châu Phi và cũng chú ý đến vấn đề dân chủ và nhân quyền tại đó bằng những phương cách linh hoạt, uyển chuyển hơn thời Chính quyền Bush. Khi sắp kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Obama đã công bố chiến lược mới đối với vùng phía Nam sa mạc Sahara cùng với đó là chuyến công du 11 ngày tới châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Đây có thể coi là dấu hiệu cho việc Washington muốn tạo dựng một nền tảng chắc chắn ở lục địa Đen và không để bị chậm chân trước các đối thủ tại châu lục giàu tài nguyên này.
Tình hình chính trị- an ninh rối ren, phức tạp tại Trung Đông và các nước Bắc Phi, nhất là ở Ai Cập- một nước châu Phi có vị trí địa chính trị, địa chiến lược cực kỳ quan trọng đối với Mỹ, sẽ đòi hỏi từ phía Mỹ một sự tham dự tích cực và bài bản vào tiến trình chính trị của châu Phi. Điều này cũng có nghĩa Mỹ sẽ phải tiếp tục điều chỉnh chính sách châu Phi của mình trong tương lai.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt
1. Tạ Ngọc Ái, biên dịch (2006), " Geoge W.Bush TT nước Mỹ tham vọng và quyền lực". Nxb Lao Động, Hà Nội.
2. Bruce W.Jentleson (2000), "chính sách đối ngoại Hoa Kỳ - động lực của sự lựa chọn trong thế kỷ XXI".
3. Nguyễn Thanh Hiền (chủ biên-2008). Hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu của châu Phi. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
4. Randall B.Riplley và James M. Lindsay (2002). Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sau chiến tranh Lạnh. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
5. Lê Quang Thắng (2012). Châu Phi- Trung Đông năm 2011. Một số sự kiện kinh tế chính trị nổi bật. Nxb Khoa học xã hội
6. Viện sử học (2002), Thế giới những sự kiện lịch sử thế kỷ XX(1945- 2000). Nxb Giáo dục, Hà Nội
7. Viện thông tin khoa học xã hội (2001), Trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh, phân tích và dự báo. Hà nội.
8. Châu Phi trên đường hội nhập trở lại với thế giới. Tài liệu tham khảo đặc biệt- TTX, chuyên đề 5/2012, tr3-5.
9. Châu Phi : Ưu tiên chính sách hàng đầu trong kế hoạch chiến lược mới của Bush. Chương trình nghị sự chính sách đối ngoại Mỹ, 12/2009. Tr 34-38 10. Chiến lược an ninh quốc gia của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (2002). Tr 29. 11. Hà Mỹ Hương (2001), "Sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ từ G.Bush
(cha) đến Bill Clinton", tạp chí Châu Mỹ ngày nay (số 1/2001).
12. Lê Thế Mẫu (2011). Biến động chính trị-xã hội ở Bắc Phi và Trung Đông nhìn từ “Đề án Đại Trung Đông” của Mỹ. Tạp chí nghiên cứu châu Phi và Trung Đông số 9 (năm 2011)
13. Minh Lan (2009). Về “Chiến dịch ngoại giao toàn diện” của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến thăm 7 nước châu Phi. Thông tin tư liệu- TTXVN -100(1234).
14. Mỹ can dự vững chắc vào châu Phi trên lĩnh vực kinh tế và an ninh. Thông tin Tư liệu- TTXVN. 13/8/2012
15. Mỹ xây dựng kỷ nguyên mới trong quan hệ với châu Phi. Thông tin Tư liệu- TTXVN. 03/7/2013
16. Ngô Thị Trinh (2005), Cơ chế khai thác sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên châu Phi : Hiện trạng, xu hướng cải cách và triển vọng. Tạp chí Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông số 2 (2005)
17.Nguyễn Khánh Vân (2011). “Chính sách của Mỹ đối với châu Phi từ sau thế chiến thứ II đến thời Tổng thống G.W.Bush”. Tạp chí nghiên cứu châu Phi và Trung Đông số 12(76)
18.Tổng thống Obama phát biểu về chính sách Trung Đông và Bắc Phi của Mỹ. Tài liệu tham khảo đặc biệt- TTX, số 138 ngày 25/5/2011.
19. Trần Nguyễn Tuyên – Nguyễn Kỳ Sơn (2010), “Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Chính quyền Obama hiện nay”, Nghiên cứu quốc tế số 1 (80),3/2010, tr.69-82.
Tiếng nước ngoài
20.Bob Woodward, Julie Rubenstein (Editor- 1993), "The Agenda: Inside the Clinton White House.
21.Bastien Brunis (2006), Politique extérieure énergétique de la Chine – Discours sur la stratégie de puissance de la RPC, Master 2 recherche Science politique Relations Internationales, Panthéon – Sorbonne , Université Paris 1, Paris.