Hỗ trợ giải quyết chiến tranh xung đột và xây dựng hòa bình

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Mĩ đối với châu Phi từ sau chiến tranh lạnh đến nay (Trang 58 - 62)

1.2 .Tầm quan trọng của châu Phi trên bản đồ thế giới

2.2. Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Phi dưới thời Tổng thống

2.2.3. Hỗ trợ giải quyết chiến tranh xung đột và xây dựng hòa bình

Chính sách của Chính quyền Bush ở châu Phi không chỉ bó hẹp trong các vấn đề nhân đạo. Tình trạng xung đột và bất ổn chính trị luôn thường trực tại các nước châu Phi. Tình trạng giao tranh tại một số nước ở châu lục này đã dẫn đến các cuộc đàm phán hòa bình trong 9 quốc gia là: Angola, Burundi, Cape Verde, Bờ biển Ngà, CHDC Congo, Miền bắc Uganda, Liberia, Sierra Leone và Sudan. Chính vì vậy chính sách hỗ trợ các nước châu Phi xây dựng hòa bình của Tổng thống G.Bush được coi là cấp bách và thiết thực. Nước Mỹ đã nỗ lực hỗ trợ hòa giải xung đột giữa các quốc gia châu Phi và tăng cường sức mạnh của châu Phi để thực hiện các hoạt động hỗ trợ hòa bình và chống khủng bố.

Trong năm tài chính 2001-2002, Mỹ đã chi 55 triệu USD cho việc trấn áp các lực lượng khủng bố tại châu Phi. Mỹ cũng cung cấp tài chính và các công tác hậu cần hỗ trợ Liên minh châu Phi xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình tại Burundi, hỗ trợ ECOWAS xây dựng lực lượng phòng thủ tại Bờ Biển Ngà… Lực lượng phòng thủ Mỹ đã hỗ trợ Lực lượng quân sự Nam Phi tổ chức một khóa đào tạo huấn luyện diễn tập cứu trợ thảm họa và cứu trợ nhân đạo nhằm nâng cao kỹ năng cho các lực lượng gìn giữ hòa bình[3].

Tại Congo, 9 quốc gia đã tham gia vào một cuộc chiến tranh kéo dài 5 năm làm hàng triệu người thiệt mạng. Các nhóm bạo động chuyển hướng sang thành lập một chính quyền thống nhất giữa các lực lượng, do đó hy vọng thiết lập hòa bình giữa chính phủ và các lực lượng chống đối vẫn rất mong manh. Hơn nữa, các quốc gia láng giềng cũng đã chính thức rút các lực lượng hỗ trợ khỏi Congo làm cho tình hình an ninh tại quốc gia này càng thêm rối ren. Mỹ quan niệm rằng muốn đảm bảo an ninh toàn châu lục, mục tiêu trước mắt là phải nhanh chóng ổn định an ninh ở khu vực trung tâm châu Phi, trong đó Congo là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Do đó, Mỹ đã có hỗ trợ khác tích cực để đảm bảo an ninh lãnh thổ, phân chia biên giới sau đó tiến đến thành lập Lực lượng quân sự liên quốc gia giữa Congo và các chính phủ láng giềng để tạo tiền đề cho quá trình chuyển giao chính quyền.

Tại Liberia, Mỹ đã hỗ trợ tích cực để ký kết hiệp định ngừng bắn nhằm hạn chế tối đa đổ máu tại đây và tất cả các đảng phái của Liberia buộc phải chấp nhận hiệp định này. Tháng 7/2003, Mỹ đã gửi 2.300 lính hải quân đến Liberia tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Liberia nói riêng và khu vực miền Tây châu Phi nói chung. Mỹ đã hỗ trợ để thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình tại Sierra Leone, Somalia, Burundi. Mỹ cũng cung cấp một khoản tiền 5 triệu USD cho công tác hỗ trợ đảm bảo an ninh tại Cộng hòa Trung Phi[3].

Tại Rwanda, Mỹ đã gửi đến một lực lượng quân gìn giữ hòa bình trong kế hoạch của Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ Rwanda chấm dứt thảm kịch tàn sát, đảm bảo an ninh quốc gia và khu vực.

Tại Darfur, Sudan cuộc xung đột kéo dài giữa chính phủ và các nhóm chống đối có thể được coi như bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa các dân tộc sống trong quốc gia. Khoảng 85.000 người đã bị sát hại, 200.000 người khác đã thiệt mạng vì nạn đói và bệnh tật liên quan đến cuộc chiến, khoảng 2 triệu người phải rời bỏ quê hương và bị dồn vào các trại tập trung. Coi đây là “tội ác diệt chủng” hoặc “thảm họa nhân quyền”, ngày 5/5/2006, Mỹ cùng với Anh đóng vai trò trung gian dàn xếp để chính phủ Sudan và người cầm đầu nhóm nổi dậy lớn nhất tại Darfur là một phe phái của Lực lượng quân đội giải phóng Sudan (SLA) do Minni Minnawi lãnh đạo ký một biên bản ghi nhớ, coi đó như cơ sở cho Hiệp định Hòa bình Darfur. Kế hoạch hỗ trợ của Tổng thống Bush ở Darfur gồm hai yếu tố chính: Một là, Mỹ và một số quốc gia tăng cường thực hiện viện trợ nhân đạo khẩn cấp. Mỹ được coi là nhà viện trợ lớn nhất ở Sudan với tỷ lệ 85% tổng lượng viện trợ lương thực khẩn cấp thông qua Chương trình lương thực thế giới (World Food Program- WFP). Song, có một thách thức lớn với chương trình viện trợ nhân đạo này. Chẳng hạn theo yêu cầu của WFP, số lượng lương thực viện trợ nhân đạo cho Sudan phải đủ cung cấp cho 6 triệu người trong một vài tháng; Mỹ đảm bảo thực hiện viện trợ như

cam kết, nhưng một số nước khác thì không. Vì thế WFP phải giảm tỷ lệ viện trợ lương thực cho Sudan xuống một nửa. Tuy nhiên Mỹ vẫn duy trì, thậm chí tăng mức viện trợ cho nước này lên 225 triệu USD. Tổng thống Mỹ thành lập liên minh chính phủ thực hiện các chương trình cứu trợ cho người dân Darfur. Tổng thống chỉ định USAID xây dựng kho dự trữ hàng cứu trợ cho Darfur và ngây lập tức chuyển 5 tàu hàng lương thực cứu trợ đến cảng Sudan. Tiếp đó sẽ chuyển đến Sudan khoảng 40.000 tấn lương thực khẩn cấp qua đường biển. Tất cả những hoạt động trên nhằm hỗ trợ WFP khôi phục hàng cứu trợ cho Sudan trong năm 2007 theo đúng cam kết. Hai là, Mỹ có kế hoạch cộng tác với một số quốc gia khác nhanh chóng thực thi kế hoạch đảm bảo an ninh cho Darfur. Mỹ đã hội đàm với các quốc gia thành viên NATO nhằm hỗ trợ Liên minh châu Phi tăng cường đảm bảo an ninh, thực hiện các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp khác như xây dựng kế hoạch trấn áp, hoàn thiện công tác hậu cần, thực thi các biện pháp hỗ trợ linh hoạt khác tại Darfur. Nhưng công tác hỗ trợ gìn giữ hòa bình tại Sudan lúc này vấp phải một trở ngại khá lớn, đó là trong khi Mỹ nỗ lực hỗ trợ an ninh và lương thực tại Sudan thì lực lượng Al Qaede tiếp tục sát hại dân thường, tấn công tiêu diệt binh lính Mỹ và lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế… khiến cho tình hình Sudan càng thêm lộn xộn. Trong Sáng kiến thực hiện hòa bình toàn cầu (GPOI: Global Peace Operation Initiative) do Tổng thống Mỹ ký năm 2004, Mỹ dự định hỗ trợ 660 triệu USD trong 5 năm nhằm hỗ trợ công tác gìn giữ hòa bình toàn cầu mà phần lớn trong số đó hướng đến châu Phi[3].

Năm 2007, đầu tiên Mỹ đã thiết lập một phái bộ ngoại giao bên cạnh Liên minh châu Phi (AU), có trụ sở tại Ethiopia, với một đại sứ và một nhóm nhân viên giúp việc hoạt động toàn bộ thời gian. Nhiệm vụ của phái bộ này là thúc đẩy quan hệ thương mại và ngoại giao với toàn châu lục, kể cả hỗ trợ cho lực lượng gìn giữ hoà bình hỗn hợp của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi tại Sudan. Phái bộ Mỹ tại AU cũng hỗ trợ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi thúc đẩy quan hệ đối tác an ninh và chống khủng bố với các nước châu Phi.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao AU ở Ghana tháng 07/2008, Đại sứ mới của Mỹ tại AU Cindy Courville cho biết phái bộ Mỹ đang thử nghiệm cái mà Ngoại

trưởng Mỹ lúc đó Condoleezza Rice gọi là “ngoại giao chuyển hoá” ở châu Phi. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí sau đó, bà Cindy giải thích thêm rằng đó là nỗ lực “xây dựng mối quan hệ đối tác, chứ không phải phụ thuộc lẫn nhau”, là “chính sách can dự liên tục và nhất quán” về lâu dài của Mỹ với châu Phi và chính sách “thực sự nhằm giải quyết các vấn đề của châu Phi”. Điều đáng chú ý là cách tiếp cận chính sách mới này của Mỹ với châu Phi diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện của họ ở nhiều lĩnh vực và nhiều khu vực ở châu Phi.

Mỹ đã đào tạo 40.000 nhân viên gìn giữ hòa bình ở châu Phi thông qua Sáng kiến hợp tác hòa bình toàn cầu (GPOI) và các chương trình hỗ trợ đào tạo và hoạt động dự phòng châu Phi (ACOTA). Người dân châu Phi đang chia sẻ gánh nặng với lực lượng bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế bằng việc đáp ứng 30% lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trên toàn thế giới. Bốn quốcgz gia là Ethiopia, Ghana, Nigeria và Nam Phi đang ở trong tốp mười quốc gia tham gia vào lực lượng quân đội của Liên hợp quốc. Một chương trình khác là sáng kiến trao quyền lực và công lý cho phụ nữ, đang mở rộng các nỗ lực để giúp các nạn nhân của sự ngược đãi và bạo hành tình dục phục hồi nhân phẩm[25].

Việc từ bỏ vũ khí hạt nhân của Nam Phi đã chứng minh rằng việc từ bỏ WMD và tham vọng hạt nhân có thể nâng cao vị thế và ảnh hưởng toàn cầu của một quốc gia. Cùng với đại sứ và sứ quán của Mỹ ở châu Phi, chính quyền Bush theo đuổi các ưu tiên chính sách về châu Phi cho 48 quốc gia châu phi cận Sahara. Chính quyền của tổng thống Bush đã nhận định mối quan hệ của Mỹ với các quốc gia châu Phi cải cách kinh tế và dân chủ mạnh mẽ (như Benin, Botswana, Ghana, Mali, Mozambique, Senegal, Tanzania…); và với các quốc gia có quyền lực ảnh hưởng nhất như Nigeria và Nam Phi là rất quan trọng. Theo quan điểm của Mỹ, nước Mỹ đã đầu tư vào thành công chứ không theo đuổi khủng hoảng và sức mạnh quan hệ đối tác của Mỹ với châu Phi được xây dựng trên quan hệ giữa người với người. Liên kết văn hóa của Mỹ với châu Phi ở các giá trị bên trong: chia sẻ cùng một di sản chung. Thông qua hoạt động ngoại giao công chúng và tiếp cận thanh niên, chính

quyền Bush tiếp tục tăng cường liên kết và muốn minh chứng cho sự liên kết giữa sự thịnh vượng của nước Mỹ và sự tiến bộ của châu Phi. Tiếp tục đi sâu hơn nữa các giao lưu truyền thống giữa các chính sách ngoại giao để kết hợp một chính sách ngoại giao văn hóa làm phong phú thêm sự hiểu biết và xây dựng nguyên tắc chung giữa Mỹ và châu Phi. Thông qua sáng kiến hoạt động châu Phi, Mỹ hợp tác với những nhân vật xuất xắc của châu Phi như Angelique Kidjo, Bono, Salif Keita và ngôi sao bóng rổ của Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ- NBA Dikembe Mutombo[25].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Mĩ đối với châu Phi từ sau chiến tranh lạnh đến nay (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)