Nhận xét công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của cả nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng dự án nhà ở thấp tầng và dự án sở chỉ huy bộ tư lệnh hải quân tại huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 52 - 56)

Phần 2 Tổng quan các vấn đề nghiên cứu

2.5. Tình hình thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ của nhà nước khi thu hồi đất

2.5.5. Nhận xét công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của cả nước

2.5.5.1. Ưu điểm

-Thứ nhất: Đối tượng được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ngày càng được xác định đầy đủ và chính xác, phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, giúp cho công tác quản lý đất đai của Nhà nước được nâng cao, người nhận đền bù cũng thấy thỏa đáng.

-Thứ hai: Mức bồi thường, hỗ trợ ngày càng sát với giá thị trường tạo điều kiện cho người dân bị thu hồi đất có thể khôi phục lại tài sản bị mất. Một số biện pháp hỗ trợ đã được bổ sung và quy định rõ ràng, thể hiện được tinh thần đổi mới của Đảng và Nhà nước nhằm giúp cho người dân ổn định về đời sống và sản xuất.

- Thứ ba: Trình tự, thủ tục tiến hành BTHT&TĐC đã giải quyết những khúc mắc trong thời gian qua, giúp cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện công tác GPMB đạt hiệu quả.

- Thứ tư: Nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa nhân văn cũng như tính chất phức tạp của vấn đề thu hồi đất, tái định cư của các nhà quản lý, hoạch định chính sách của chính quyền địa phương được nâng lên. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để tạo cơ chế điều kiện vật chất, kỹ thuật trong công tác BTHT&TĐC.

BTHT&TĐC giữa các bộ ban ngành có các dự án đầu tư ngày càng được mở rộng và có hiệu quả.

2.5.5.2. Những tồn tại, vướng mắc

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được thì còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB, chủ yếu như sau:

- Thứ nhất: Giá đất bồi thường, hỗ trợ chưa phù hợp

+ Giá đất do UBND cấp tỉnh quy định thường thấp hơn so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường, có trường hợp sự chênh lệch này tỷ lệ khá cao.

+ Giá đất bồi thường ở các địa phương lại khác nhau, mỗi nơi một kiểu, áp dụng khung giá đất riêng dẫn đến thắc mắc, trong cư dân ở những địa bàn giáp ranh giữa tỉnh này với tỉnh kia.

- Thứ hai: Chính sách hỗ trợ

+ Chính sách hỗ trợ cho người dân để xác định, lựa chọn việc làm, lựa chọn hướng chuyển đổi nghề nghiệp, việc tổ chức đào tạo, cho học nghề đối với người dân thu hồi đất là rất khó

+ Chính sách hỗ trợ không đủ, đặc biệt người có đất bị thu hồi hết đất nông nghiệp không biết làm gì vì không có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật để vào làm các doanh nghiệp.

+ Việc thay đổi chính sách cùng với việc thiếu sự vận dụng cụ thể, linh hoạt tại các dự án mức bồi thường khác nhau do sự thay đổi chính sách đã dẫn tới sự so bì và khiếu kiện kéo dài của người có đất bị thu hồi.

Thứ ba: Cơ quan giải phóng mặt bằng chưa tuân thủ pháp luật

+ Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bình thường đã rất phức tạp, việc cơ quan chức năng mập mờ tyrong quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đồng thời gây ra nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân.

+ Sự yếu kém trong am hiểu pháp luật của cán bộ quản lý đất đai, cũng có thể xuất phát từ ý chí chủ quan, cố tình làm sai lệch hồ sơ, nguồn gốc đất, ăn chặn của người dân để hưởng lợi riêng của một bộ phận không nhỏ cán bộ,

người có quyền trong việc tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gây ra nhiều bức xúc, dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài.

+ Việc cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng không công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho người dân biết làm cho người bị thu hồi đất không có được những thông tin cần thiết diễn ra phổ biến.

- Thứ tư: Vấn đề tái định cư còn chậm, chưa được quan tâm

+ Nhiều dự án chưa có khu tái định cư đã thực hiện công tác thu hồi đất ở. Nhìn chung các địa phương chưa coi trọng việc lập khu TĐC chung cho các dự án tại địa phương; có trường hợp người có đất bị thu hồi phải đi thuê nhà ở tạm cư từ 1- 2 năm mà vẫn chưa được bố trí vào khu TĐC, một số khu TĐC lập nhưng không đảm bảo điều kiện tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, nhiều khu tái định cư chất lượng kém, mới đi vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng.

+ Nhiều khu tái định cư thiếu diện tích phục vụ cộng cộng như sân chơi, trường học....

- Thứ năm: Công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập

+ Việc xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của cấp xã đối với các trường hợp bị thu hồi có lúc, có nơi còn chậm. Hồ sơ quản lý đất đai còn thiếu ở nhiều nơi gây khó khăn cho việc xác nhận của các cấp chính quyền.

+ Công tác quản lý đất đai chưa được chặt chẽ, tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép, sai phép còn phổ biến và chưa được xử lý, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm gây khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

+ Một số địa phương thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ các quy định của pháp luật hoặc né tránh, thiếu cương quyết, không giải quyết dứt điểm, làm cho công tác GPMB bị dây dưa kéo dài nhiều năm.

+ Ngoài ra, còn có sự yếu kém về năng lực, sự thiếu tích cực của một bộ phận cán bộ trực tiếp làm công tác giải phóng mặt bằng; Ý thức của một bộ phận người dân còn thấp, còn có hiện tượng chây ỳ cố tình cản trở.

Như vậy, có thể thấy công tác bồi thường GPMB khi Nhà nước thu hồi đất là một vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, nó vừa phải đảm bảo việc thực hiện

theo đúng chính sách của Nhà nước, vừa bảo đảm quyền lợi của Chủ đầu tư, quyền lợi của người bị thu hồi đất. Mặt khác chính việc thu hồi đất sẽ ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống người dân, việc không đảm bảo được quyền lợi của người bị thu hồi đất sẽ dẫn đến việc đơn thư, khiếu kiện kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, gây lãng phí về đất đai, kinh phí để thực hiện dự án, cá biệt còn gây mất lòng tin của người dân, gây mất ổn định an ninh - xã hội. Hiện tại công tác bồi thường GPMB còn tồn tại nhiều bất cập, như: Chính sách về GPMB còn thay đổi nhiều, chồng chéo dẫn đến việc khó áp dụng, khó thực hiện; giá bồi thường về đất chưa đảm bảo được quyền lợi thực tế của người dân; các khoản hỗ trợ cho người dân do mất tư liệu sản xuất là đất chưa thực sự đáp ứng được đời sống sau khi bị thu hồi đất …Vì vậy, để đẩy nhanh công tác GPMB cần có sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước trong việc giải quyết về chính sách GPMB nói chung; cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và người dân để công tác GPMB trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước, của địa phương.

Từ những lý do nêu trên, cần có những nghiên cứu cụ thể trong công tác GPMB, đánh giá được những ưu, nhược điểm cần khắc phục giúp đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB khi Nhà nước thu hồi đất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng dự án nhà ở thấp tầng và dự án sở chỉ huy bộ tư lệnh hải quân tại huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 52 - 56)