Giai đoạn Luật đất đai năm 1993 có hiệu lực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng dự án nhà ở thấp tầng và dự án sở chỉ huy bộ tư lệnh hải quân tại huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 32 - 34)

Phần 2 Tổng quan các vấn đề nghiên cứu

2.3. Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của việt nam qua các thời kỳ

2.3.2. Giai đoạn Luật đất đai năm 1993 có hiệu lực

Khi Hiến pháp 1992 ra đời thay thế Hiến pháp 1980 đã quy định: “Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có

sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN”. Tại Điều 17 quy định: “Đất

đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”. Và Điều 18 quy định: “Các tổ chức và cá nhân được Nhà nước giao đất sử dụng lâu dài và được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”. Đặc biệt, tại Điều

23 quy định : “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”. Những quy định trên đã tạo điều kiện củng cố quyền hạn riêng của Nhà nước trong việc thu hồi đất đai cho mục đích an ninh, quốc phòng và các lợi ích quốc gia.

Luật Đất đai năm 1993 đã có hiệu lực từ ngày 15/10/1993 thay thế cho Luật Đất đai năm 1988. Đây là văn kiện chính sách quan trọng nhất đối với việc thu hồi đất và đền bù thiệt hại của Nhà nước. Luật Đất đai quy định các loại đất sử dụng, các nguyên tắc sử dụng từng loại đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. GCNQSDĐ làm căn cứ cho quyền được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Sau khi Luật Đất đai 1993 được ban hành, Nhà nước đã ban hành rất nhiều các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư và các văn bản pháp quy khác về quản lý đất đai như đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất, khung giá các loại đất nhằm cụ thể hoá các điều luật để thực hiện các văn bản đó.

Năm 1998, Luật Đất đai sửa đổi một số điều của Luật đất đai năm 1993 được ra đời. Về cơ bản Luật đất đai sửa đổi năm 1998 vẫn dựa trên nền tảng cơ bản của Luật cũ, chỉ một số điều được bổ sung thêm cho phù hợp với thực tế. Vấn đề định giá đất và công tác đền bù thiệt hại chưa được đề cập nhiều dù hiện nay vấn đề GPMB đang là việc làm hết sức nóng cần giải quyết. Thực tế hiện nay công tác GPMB diễn ra quá chậm và các chính sách chưa rõ ràng.

Tháng 10/1999, Cục quản lý Công sản - Bộ tài chính đã tiến hành dự thảo lần thứ nhất về việc sửa đổi bổ sung Nghị định 22/CP về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất. Trong đó, một số điều cơ bản đã được đề nghị sửa đổi như xác định mức đất để tính đền bù, giá đền bù, lập khu tái định cư, quyền và nghĩa vụ của người bị thu hồi đất phải chuyển đến nơi ở mới, các chính sách hỗ trợ và các điều kiện bắt buộc phải có của khu tái định cư, Hội đồng đền bù GPMB và thẩm định phương án đền bù GPMB.

Năm 2001, Luật Đất đai sửa đổi được ban hành, cơ bản các nội dung về thu hồi, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất không có gì thay đổi so với Luật Đất đai 1993, sửa đổi năm 1998 và cụ thể là Nghị định 22/1998/ NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào các mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng dự án nhà ở thấp tầng và dự án sở chỉ huy bộ tư lệnh hải quân tại huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 32 - 34)