Giai đoạn trước khi có Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng dự án nhà ở thấp tầng và dự án sở chỉ huy bộ tư lệnh hải quân tại huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 31 - 32)

Phần 2 Tổng quan các vấn đề nghiên cứu

2.3. Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của việt nam qua các thời kỳ

2.3.1. Giai đoạn trước khi có Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực

Sau cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, lần đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ban hành Hiến pháp vào năm 1946. Bản Hiến pháp này chỉ nói đến đất đai một cách khái quát như sau: “... Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là phải bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ...”.

Đến năm 1953, Nhà nước ta thực hiện cuộc cải cách ruộng đất nhằm phân chia lại ruộng đất thực hiện khẩu hiệu: “Người cày có ruộng” và Luật Cải cách ruộng đất được ban hành. Một trong những mục tiêu đầu tiên của cuộc cải cách là: Thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân Pháp và đế quốc xâm lược ở Việt Nam, xoá bỏ chế độ phong kiến, chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân. Luật này quy định các điều khoản về tịch thu ruộng đất, trưng thu, trưng mua ruộng đất tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Trên thực tế, việc trưng mua, tịch thu là chủ yếu còn việc trưng mua ít xảy ra với giá cả thị trường và được Nhà nước trả dần. Khi cuộc cải cách ruộng đất hoàn thành, Đảng và Nhà nước đã đem ruộng đất cho nông dân, hộ nông dân được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất - hình

thức sở hữu tư nhân. Sau đó Đảng và Nhà nước ta đã vận động nông dân vào làm ăn tập thể, đồng thời Nhà nước thành lập các nông trường quốc doanh, các trạm trại nông nghiệp - hình thức sở hữu tập thể .

Ngày 14/4/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 151 - TTg quy định về thể lệ tạm thời trưng dụng ruộng đất, sau đó Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ nội vụ ban hành thông tư liên bộ số 1424/ TTLB ngày 06/ 7/1959 quy định thể lệ tạm thời về trưng dụng ruộng đất để làm địa điểm xây dựng các công trình kiến thiết cơ bản, đồng thời chiếu cố đúng mức quyền lợi và đời sống của người có ruộng đất. Đất thuộc sở hữu tư nhân hoặc tập thể khi bị trưng dụng thì thuộc sở hữu của Nhà nước. Theo Nghị định 151/TTg, việc đền bù thiệt hại do lấy đất gây nên phải bồi thường hai khoản: về đất thì bồi thường từ 1 đến 4 năm sản lượng thường niên của ruộng đất bị trưng thu. Ngoài ra, còn được bồi thường những tài sản bị thiệt hại có trên đất như nhà, công trình phục vụ sinh hoạt, mồ mả, hoa màu bị thiệt hại. Cách đền bù như vậy được thực hiện cho đến khi có Hiến pháp 1980 ra đời.

Hiến pháp 1980 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, việc thực hiện đền bù về đất không được thực hiện mà chỉ đền bù những tài sản có trên đất hoặc những thiệt hại do việc thu hồi đất gây nên. Sau đó Luật Đất đai năm 1988 ban hành cũng dựa trên những điều cơ bản đó. Ngày 31/5/1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định số 186/HĐBT về việc đền bù thiệt hại đất nông nghiệp, đất có rừng khi bị chuyển sang sử dụng vào mục đích khác thì phải bồi thường thiệt hại. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp, đất có rừng để sử dụng vào mục đích khác thì phải bồi thường về đất nông nghiệp, đất có rừng cho Nhà nước. Khoản tiền này được nộp vào ngân sách Nhà nước và được sử dụng vào việc khai hoang, phục hoá, trồng rừng, cải tạo đất nông nghiệp, ổn định cuộc sống định canh, định cư cho vùng bị lấy đất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng dự án nhà ở thấp tầng và dự án sở chỉ huy bộ tư lệnh hải quân tại huyện gia lâm, thành phố hà nội (Trang 31 - 32)