Kiến nghị với Chính phủ

Một phần của tài liệu hậu - luận văn Ths bảo vệ tháng 10 pps (Trang 74 - 78)

- Các công tác khác:

3.2.4.Tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ

3.3.4. Kiến nghị với Chính phủ

Thực tiễn cho thấy, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, đặc biệt là quy mô tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, đã vượt ra ngoài khả năng kiểm soát các rủi ro tín dụng và năng lực đáp ứng yêu cầu về mặt thông tin tín dụng toàn diện, chất lượng và kịp thời của CIC. Chính NHNN cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng nhanh của tín dụng thì một cơ quan như CIC chưa thể đáp ứng đầy đủ được. Việc ra đời các Trung tâm thông tin tín dụng tư nhân có thể bổ sung cho các Trung tâm tín dụng công bằng cách mở rộng diện

thu thập và lưu giữ thông tin vay nợ sang nhiều loại đối tượng, công ty và cá nhân mà các Trung tâm tín dụng công hiện nay không đảm nhận hết được.

Theo ngân hàng thế giới, các Trung tâm thông tin tín dụng tư nhân được hình thành do những nhu cầu của thị trường, thường hoạt động tốt hơn các Trung tâm thông tin tín dụng công trong việc hỗ trợ cho các giao dịch tín dụng. Các Trung tâm thông tin tín dụng tư nhân sẽ thu thập thông tin từ nhiều nguồn rộng rãi – các nhà cung cấp tín dụng thương mại, người bán lẻ, toà án và các công ty cung ứng dịch vụ - và các thông tin này có thời hạn lưu trữ dài hơn. Do đó, kiến nghị Chính phủ cần sớm hoàn thiện quy chế để thành lập các Trung tâm thông tin tín dụng tư nhân, đặc biệt tập trung đối với khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân.

Hiện nay, do nhiều lý do như tâm lý của một số doanh nghiệp muốn tránh thuế, sự quản lý yếu kém của cơ quan thuế, chế độ chứng từ hóa đơn chưa phù hợp gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp, trình độ và đạo đức của cán bộ thuế... mà các doanh nghiệp Việt Nam thường có 2-3 hệ thống kế toán sổ sách, một dành cho cơ quan thuế, một dành cho ngân hàng và một báo cáo thực tế. Do đó, Chính phủ cần hoàn thiện các quy định về thuế, chế độ kế toán, báo cáo tài chính, chế độ hóa đơn để giúp các doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ, nâng cao tính chính xác cho báo cáo tài chính doanh nghiệp. Vừa tạo nguồn thu ngân sách, giúp tăng cường công tác quản lý số liệu thống kê doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện giám sát, đánh giá hoạt động của khách hàng là doanh nghiệp, nhất là về tình hình tài chính, giúp việc cho vay của ngân hàng có cơ sở và thuận lợi hơn.

Xây dựng hệ thống thông tin thống nhất về khách hàng là doaanh nghiệp, một mặt giúp cho quá trình hậu kiểm hoạt động của khách hàng sau đăng ký kinh doanh, cung cấp thông tin cho các nhà tài trợ, cơ quan quản lý. Mặt khác, cung cấp thông tin về thị trường, pháp luật, chính sách, thông tin về công nghệ, nguồn nguyên liệu trong và ngoài nước cho các khách hàng, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhanh, kịp thời nắm bắt các cơ hội kinh doanh.

Phối hợp, kiến nghị Cơ quan Nhà nước có liên quan như tòa án, bộ, ngành, cơ quan địa phương tạo điều kiện, cơ chế hỗ trợ quá trình thực hiện các biện pháp xử lý nợ tồn đọng cho ngân hàng.

KẾT LUẬN

Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của nền kinh tế đang mở ra cơ hội đồng thời cũng đặt ra không ít những thách thức đối với tất cả các doanh nghiệp. NHTM với vai trò là kênh dẫn vốn cho toàn bộ nền kinh tế cũng phải không ngừng đổi mới, tự hoàn thiện để có thể chiến thắng ngay trên sân nhà.

Hiện nay, đối với các NHTM, hoạt động tín dụng vẫn là hoạt động chủ yếu mang lại lợi nhuận chính cho ngân hàng. Tuy nhiên đây cũng là hoạt động tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Do vậy, quản trị rủi ro tín dụng là vấn đề được tất cả các NHTM trong nước cũng như trên thế giới quan tâm.

Là một chi nhánh trong hệ thống ngân hàng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, cùng với sự phát triển của toàn hệ thống, Chi nhánh Chương Dương những năm gần đây đã phát triển với quy mô và tốc độ khá lớn. Do đó, để đảm bảo an toàn vốn vay, quản trị rủi ro tín dụng là một yêu cầu tất yếu.

Với mong muốn góp phần hạn chế rủi ro tín dụng tại chi nhánh, xây dựng chi nhánh ngày càng phát triển, luận văn với đề tài “Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam – Chi nhánh Chương Dương” đã đề cập

đến một số vấn đề cơ bản sau:

1. Hệ thống hóa các vấn đề cơ bản về quản trị rủi ro tín dụng tại các NHTM.

2. Qua đánh giá thực trạng quản trị rủi ro tín dụng tại Vietinbank Chương Dương, chỉ ra những thành công hạn chế, và nguyên nhân của hạn chế đó.

3. Đề xuất một số biện pháp góp phần tăng cường công tác quản trị rủi ro tín dụng tại Chi nhánh .

Với sự cố gắng và nỗ lực trong nghiên cứu và tìm hiểu tình hình thực tế tại chi nhánh, cùng với sự nhiệt tình giúp đỡ của giáo viên hướng dẫn TS. Đặng Ngọc Đức, hy vọng luận văn sẽ là tư liệu hữu ích để Vietinbank Chương Dương xây dựng cơ chế phù hợp để quản rủi ro tín dụng, góp phần vào sự phát triển chung của toàn chi nhánh, của Vietinbank và hệ thống ngân hàng trong cả nước.

Trong phạm vi của một bản luận văn sẽ không thể đề cập hết và không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, thầy giáo, cô giáo và đồng nghiệp để đề tài được hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu hậu - luận văn Ths bảo vệ tháng 10 pps (Trang 74 - 78)