- Quan điểm trong nhiệm kỳ Thủ tướng năm 2007
Ông Abe từng giữ cương vị trên trong nhiệm kỳ năm 2006 - 2007. Ông nổi tiếng với các quan điểm dân tộc chủ nghĩa. Trong thời gian nắm quyền Thủ tướng, ông luôn kêu gọi sửa đổi hiến pháp, tăng cường giáo dục lòng yêu nước, phát triển quốc phòng, tăng cường vai trò gìn giữ hòa bình trên phạm vi quốc tế của Nhật Bản.
Ông Abe luôn kêu gọi chính phủ Nhật Bản phải cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Ông cho rằng, Nhật Bản cần "làm rõ quan điểm cứng rắn đối với chính phủ Trung Quốc và không cho phép tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Nhật Bản"20.
Trong thời gian vận động tranh cử, ông Abe đưa ra cương lĩnh hành động với những lời hứa hẹn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và vực dậy nền kinh tế Nhật Bản. Ông cho biết, nếu tái đắc cử ông sẽ vực dậy nền kinh tế đang trì trệ và yếu kém cùng với nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ. Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Senkaku /Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng, quan điểm cứng rắn của ông Abe nói riêng và đảng LDP nói chung là điểm mạnh để thu hút cử tri Nhật.
- Quan điểm trong nhiệm kỳ tái đắc cử năm 2012
Ngày 18 tháng 12 năm 2012, ĐảngLDP đã giành chiến thắng đầy thuyết phục trong cuộc bầu cử Hạ viện ở Nhật Bản. Chiến thắng này đã mở đường cho sự trở lại của LDP với tư cách là đảng cầm quyền sau hơn ba năm để mất vị trí này vào tay Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ). Với thắng lợi vang dội của LDP trong cuộc tổng tuyển cử này, ông Shinzo Abe tái đắc cử, trở thành Thủ tướng Nhật Bản.
Theo các nhà phân tích, bản thân đường lối chính trị của ông Abe đã có nhiều thay đổi so với những gì ông đã làm trước năm 2007, cũng như những gì các nhà lãnh đạo Nhật Bản khác đã làm trong thời gian qua. Thay vì chú trọng vào những tranh cãi lãnh thổ gay gắt với nhiều nước lân cận, chính quyền của ông Abe sẽ chuyển hướng sang tập trung phục hồi nền kinh tế đang hấp hối của Nhật Bản, các nhà phân tích nhận định.
Như vậy, trong lần trở lại này, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tập trung nhiều hơn vào các vấn đề kinh tế trong nước, thay vì những tranh chấp lãnh thổ.Và ngay khi chính thức trở thành thủ tướng Nhật Bản, ông Abe đã cho thấy một loạt các động thái củng cố nhận định này. Đầu tiên đó là việc ông Abe tuyên bố Nhật Bản sẽ không tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào về tranh chấp biển đảo. Thay vào đó, ông dành những phát ngôn cứng rắn của mình để hứa hẹn sẽ thay đổi nền kinh tế, cam kết tăng chi tiêu công, chấm dứt tình trạng giảm phát triền miên cũng như thực hiện các biện pháp táo bạo để kìm giá đồng yên nhằm vực dậy hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản.
Sau khi trở lại vị trí người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã có những bước đi mạnh mẽ với ưu tiên tập trung vào an ninh quốc gia và tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm hướng tới việc khôi phục vị thế trong quá khứ của Nhật Bản trên trường quốc tế21.
Trong vòng hai năm đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Shinzo Abe đã đi thăm 50 nước – một kỷ lục đối với một lãnh đạo cấp cao Nhật Bản – nhằm thúc đẩy một
chính sách “ngoại giao hòa bình chủ động”22, nhằm tái khẳng định vai trò của Nhật Bản là một cường quốc trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Shinzo Abe chủ trương Nhật Bản cần phải áp dụng chính sách ngoại giao và an ninh quyết đoán hơn. Ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng là tăng cường mối quan hệ đồng minh với Mỹ, hợp tác với Mỹ vẫn là nền tảng của chính sách đối ngoại của Nhật Bản, bởi vì đây chính là đồng minh quân sự và là đối tác kinh tế hàng đầu của Nhật Bản. Trong bối cảnh phải đối mặt với “mối đe dọa an ninh” đến từ Trung Quốc và sự bất ổn trên bán đảo Triều Tiên cùng với sự chuyển hướng chiến lược sang châu Á- TBD của Mỹ thì hợp tác với Mỹ vẫn là nền tảng của chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Điều này được thể hiện rõ rệt là sau khi giành được thắng lợi trong cuộc tranh cử, nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới mà Thủ tướng Abe chọn điện đàm là cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cho thấy quan hệ với Mỹ có tầm quan trọng như thế nào đối với Chính quyền của Thủ tướng Abe. Chuyến thăm Mỹ 4 ngày từ 21 đến 24/01/2013 của Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định niềm tin của LDP vào mối quan hệ song phương gắn bó với Mỹ. Chính quyền đương nhiệm của Nhật Bản cũng cố gắng giải quyết các vấn để rắc rối liên quan tới Hiệp ước an ninh Nhật- Mỹ như căng thẳng với Mỹ về việc di chuyển căn cứ quân sự Futenma, sự phản đối của người dân Nhật Bản đối với căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa, vấn đề hợp tác kinh tế TPP do Mỹ chủ đạo.
Ngày 01/7/2014, nội các Nhật Bản đã chính thức thông qua việc diễn giải lại Điều 9 của Hiến pháp hòa bình của nước này. Theo đó, thay vì chỉ phòng vệ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia như quy định trước đây, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản được quyền tham gia sứ mệnh phòng thủ tập thể bên ngoài lãnh thổ. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình điều chỉnh chính sách quốc phòng của Nhật Bản, nhằm đưa nước này trở thành một cường quốc thực sự trên thế giới.
Theo Thủ tướng Shinzo Abe, cùng với việc diễn giải lại Điều 9 của Hiến pháp, Nhật Bản đã xây dựng 4 phương án để thực hiện quyền phòng vệ tập thể.
Phương án 1: sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để đánh chặn các tên lửa tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ. Phương án 2: triển khai Lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF) khi các tàu của đồng minh bị tấn công ở các vùng biển xa.
Phương án 3: sử dụng các Lực lượng phòng vệ (JSF) để thực hiện một cuộc phản
công nếu một Bộ chỉ huy liên quân có sự tham gia của Nhật Bản bị một quốc gia khác tấn công ở lãnh thổ nước ngoài. Phương án 4: sử dụng lực lượng quân sự để loại bỏ những trở ngại đối với Nhật Bản trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.23 Bốn phương án trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ cũng như bảo đảm lợi ích an ninh của Nhật Bản. Như vậy, theo cách giải thích này, Nhật Bản vẫn tuân thủ chủ trương phòng vệ chứ không phải tiến công, kể cả khi phải đối phó với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. Ngoài ra, Nhật Bản còn ngỏ ý tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực, như: Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, Phi-li-pin và các nước ASEAN khác, nhằm tạo một hệ thống an ninh mới có thể đối phó với mối đe dọa từ phía Trung Quốc. Đây cũng là một trong sự dịch chuyển mới, đáng chú ý trong quan điểm của Nhật Bản đối với cục diện địa - chính trị Đông Á hiện nay.
Tóm lại, từ những động thái trên có thể nhận thấy định hướng trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Shinzo Abe là chủ trương tăng cường mối quan hệ đồng minh với Mỹ và các nước đồng minh với Mỹ, thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN, đối phó với sự trỗi dậy và những thách thức an ninh từ phía Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, khẳng định vai trò và vị thế của Nhật Bản trong khu vực Đông Á nói riêng và trên trường quốc tế nói chung.
Tiểu kết
Tình hình khu vực Đông Á đang thay đổi nhanh chóng, tầm quan trọng của các vấn đề nội bộ khu vực tiếp tục mở rộng. Những yếu tố an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội cho thấy sự liên kết chặt chẽ giữa Nhật Bản với phần còn lại của khu vực.
Với vị trí địa chính trị quan trọng của Đông Á, Nhật Bản xác định cho mình một vai trò quan trọng không thể thiếu trong khu vực. Qua các đời Thủ tướng, Nhật Bản đã xây dựng và phát triển các học thuyết liên quan tới chính sách đối ngoại đối với các quốc gia và tổ chức trong khu vực, từ đó hướng tới xây dựng Cộng đồng Đông Á, mà ở đó Nhật Bản có vai trò chi phối.
Trong cục diện mới của khu vực với bối cảnh biến động phức tạp, khó lường, ông Shinzo Abe lên nắm quyền với những quan điểm chính trị vừa cứng rắn vừa mềm dẻo. Bên cạnh việc tập trung vào giải quyết vấn đề trong nước, Thủ tướng Shinzo Abe không ngừng khôi phục và đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của Nhật Bản đối với khu vực Đông Á thông qua việc tiếp tục thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp và nâng cao năng lực quốc phòng, hướng tới mục tiêu đưa Nhật Bản trở thành một cường quốc thực sự, cả về kinh tế và chính trị.
Chương 2: CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA NHẬT BẢN ĐỐI VỚI ĐÔNG Á