2.2. Quan hệ song phương
2.2.1. Chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Trung Quốc
Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia có quan hệ lịch sử lâu đời trên nhiều lĩnh vực nhưng cũng trải qua nhiều bước thăng trầm khác nhau. Mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này có tầm quan trọng to lớn tới môi trường chiến lược khu vực, tác động đến việc điều chỉnh chính sách đối ngoại của các quốc gia liên quan, đặc biệt là các nước ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, nơi mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đang ra sức tăng cường ảnh hưởng.
Dù tồn tại mâu thuẫn trong suốt lịch sử đến nay như vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, song hai quốc gia này quan hệ gắn bó trên cơ sở những ảnh hưởng văn hóa lẫn phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế34. Thủ tướng Shinzo Abe đang chơi một cuộc chơi ngoại giao quốc tế tinh vi. Một mặt, Nhật Bản tăng cường cảnh giác đối với Trung Quốc nhưng mặt khác, Nhật Bản vẫn phải xác định xây dựng mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, giúp Trung Quốc phát triển ổn định và tham gia một cách tích cực vào các diễn đàn như: APEC, ASEM, ASEAN+3… do “quan hệ Nhật - Trung là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất, việc phát triển hơn nữa quan hệ Nhật - Trung có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với hòa bình, phồn vinh của khu vực châu Á - TBD và thế giới”.
Nhật Bản chủ trương duy trì chính sách hợp tác thân thiện với Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế và chính trị; phối hợp giải quyết theo phương pháp hòa bình các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc và Đài Loan về đảo Diaoyo và Senkaku… Dù rằng vẫn còn những va chạm về lợi ích chiến lược chứa đựng nhiều tiềm ẩn bất ổn, đặc biệt là vấn đề Đài Loan nhưng có thể nhận thấy cả Trung Quốc và Nhật Bản đều vẫn cần đến nhau, cho nên hai nước vẫn phải cố gắng dàn xếp những bất đồng và thúc đẩy quan hệ phát triển hơn.
2.2.1.1. Quan hệ chính trị
Nhật Bản từ lâu đã cảnh báo về sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc, phản đối việc EU bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Cũng tại Nhật Bản, đã ra đời thuyết về “mối đe dọa Trung Quốc”. Chính vì thuyết này mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phải thuyết phục các nước Châu Á khác và tuyên truyền về “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc nhằm loại bỏ những chiến dịch tuyên truyền về thuyết “mối đe dọa Trung Quốc”. Thực chất đây là sự cạnh tranh vị thế chính trị giữa hai nước lớn đầy tham vọng trong việc xác định, giữa Nhật Bản hay Trung Quốc, nước nào nắm vai trò lớn hơn ở khu vực Châu Á- TBD, từ đó tiến hành các biện pháp ngăn chặn và kiềm chế lẫn nhau.
Cạnh tranh vị trí lãnh đạo Đông Á giữa Nhật Bản và Trung Quốc xuất phát từ lợi ích chiến lược mỗi quốc gia. Nhật Bản luôn liên minh với Mỹ nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ và nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, tranh thủ lôi kéo các nước ASEAN vào không gian kinh tế chung. Trong khi đó, Trung Quốc, do tiềm lực kinh tế và quân sự còn hạn chế so với Mỹ, nên đã hướng mạnh đến một thế giới đa cực, phản đối các liên minh quân sự, nhằm phân tán quyền lực và giảm sức ép từ Mỹ. Chính vì vậy, Trung Quốc luôn coi Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ với những sửa đổi gần đây theo hướng mở rộng không gian nhiệm vụ của nó chính là nhằm vào Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng, Mỹ lợi dụng Nhật Bản để kiềm chế Trung Quốc, luôn coi Trung Quốc là đối thủ thách thức vị trí bá quyền của Mỹ, do đó Mỹ tăng cường trợ giúp Nhật Bản biến nước này thành trợ thủ đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu của Mỹ ở khu vực Châu Á –TBD. Có thể thấy rằng, Mỹ – Nhật củng cố liên minh an ninh – quân sự của họ làm cho hố ngăn cách Nhật – Trung ngày càng lớn.
Các lãnh đạo Trung Quốc luôn tìm cách sử dụng các vấn đề lịch sử đối với Nhật Bản để thúc đẩy các lợi thế về chính trị ở trong nước, cũng như nghi ngờ về quan niệm xét lại của ông Abe đối với lịch sử hiện đại, đặc biệt là các cuộc chiến tranh và quyết định của nội các Abe về việc diễn giải lại Hiến pháp cho phép Nhật Bản có thể thực hiện các hành động phòng thủ tập thể. Trung Quốc cho rằng có
nhiều thế lực tại Nhật Bản vẫn chưa từ bỏ hẳn chủ nghĩa quân phiệt, phản đối Nhật Bản tăng cường vai trò của lực lượng quân đội và đi ngược lại Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. Thái độ của Trung Quốc đối với việc Nhật Bản ứng cử vào ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng hiện nay là chưa rõ ràng, có thể chính quyền Bắc Kinh đang nghe ngóng và có biện pháp phản đối tế nhị hơn35. Điều chắc chắn là phía Trung Quốc không muốn Nhật Bản ngồi vào chiếc ghế này và như thế đương nhiên sẽ gây trở ngại cho những cố gắng của phía Nhật Bản.
Những năm gần đây, cùng với những lo ngại khi kinh tế Nhật Bản không mấy khởi sắc và sự vượt trội của kinh tế và nội lực Trung Quốc trước Nhật Bản khiến nước này bắt đầu cho rằng trước khi Trung Quốc trỗi dậy cần lợi dụng đồng minh Mỹ để gây áp lực với Trung Quốc, hòng giành thế có lợi cho Nhật Bản. Cùng với đó, “thuyết bị Trung Quốc đe dọa”, giành nhiều nguồn lực cho quốc phòng, do đó càng bất đồng. Tuy nhiên, những bất đồng với Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh sẽ càng làm Trung Quốc canh phòng và cảnh giác. Nhật Bản cho rằng đối với Nhật Bản, sáng kiến "Vành đai và con đường" là tượng trưng của "bá quyền" Trung Quốc.
Tuy nhiên, thời gian qua, quan hệ Trung - Nhật đã được cải thiện, thể hiện rõ nhất qua việc Thủ tướng Shinzo Abe cử Toshihiro Nikai, Tổng thư ký đảng cầm quyền LDP dẫn đoàn đến Trung Quốc tham dự Diễn đàn cấp cao "Vành đai và con đường" do Trung Quốc tổ chức.
Năm 2017 là tròn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Nhật, còn năm 2018 là tròn 40 năm ký kết Hiệp ước hòa bình, hữu nghị Trung - Nhật. Ngày 31/5/2017, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có chuyến thăm Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã dành thời gian tiếp ông Dương Khiết Trì, xác nhận sẽ tiến hành điều chỉnh trong trao đổi cấp cao bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ tổ chức ở Đức vào tháng 7/2017.
Theo một số chuyên gia đánh giá Nhật Bản nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc là do Nhật Bản cảm thấy bất an đối với Trung Quốc và Mỹ xích lại gần
nhau hơn. Nếu Trung Quốc và Mỹ tăng cường hợp tác trên các phương diện như vấn đề Triều Tiên thì vai trò của Nhật Bản ở khu vực Đông Á sẽ bị thu hẹp. Chiến lược hợp tác với Mỹ ngăn chặn Trung Quốc tiến ra biển Hoa Đông và Biển Đông có thể bị mất kiểm soát.
2.2.1.2. Quan hệ kinh tế
Tại Đông Á, hội nhập kinh tế trên phương diện thực tế tiến triển mạnh mẽ với hoạt động thương mại và đầu tư năng động, tích cực giữa các nước trong và ngoài khu vực. Các quốc gia NIEs như Hàn Quốc, Đài Loan thuộc vào hàng các quốc gia (vùng lãnh thổ) phát triển, còn Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thực ra các nền kinh tế châu Á, bao gồm cả Trung Quốc sẽ khó có thể khơi dậy được tiềm năng tăng trưởng của mình nếu không có nguồn vốn và sự đổi mới của nước ngoài, những điều mà một cường quốc kinh tế như Nhật Bản có thể mang lại. Nhật Bản không chỉ cung cấp vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ mà còn hiểu rõ cách thức thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia châu Á. Nhật Bản cũng sở hữu nhiều phát minh khoa học công nghệ kỹ thuật cao, hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng lớn.
Sau chiến thế giới thứ II thì hợp tác kinh tế giữa 2 nước bắt đầu vào khoảng 1948-1949 và các hiệp định thương mại đầu tiên được ký kết vào năm 1952. Trung Quốc coi Nhật Bản là một nguồn cung cấp quan trọng về hàng hóa công nghiệp, công nghệ và các chuyên gia nhằm hỗ trợ tái thiết kinh tế đất nước sau năm 1949. Còn Nhật Bản coi Trung Quốc là thị trường nguyên vật liệu lớn cung cấp cho các mảng kinh tế. Quan hệ thương mại Trung-Nhật phần lớn dựa theo nguyên tắc bổ trợ cho nhau và đôi bên cùng có lợi.
Mặc dù trong một số trường hợp, lợi ích giữa 2 bên có thể không cân bằng nhưng mối quan hệ Trung-Nhật vẫn tạo nên nhiều giá trị gia tăng cho cả 2 nước, đặc biệt là trong một số ngành công nghiệp. Đối với Trung Quốc, Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và cũng là nguồn nhập khẩu lớn thứ 4. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu ô tô từ Nhật Bản sang Trung Quốc khá tương
đương với kim ngạch nông thủy sản xuất khẩu từ Trung Quốc vào Nhật Bản. Khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, xuất khẩu của Nhật Bản cũng chịu tác động tiêu cực. Trong tháng 5/2016, sản lượng công nghiệp Nhật Bản giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước còn xuất khẩu giảm 11,3% tháng thứ 8 liên tiếp. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc cũng giảm mạnh 14,9%. Ngoài ra, việc đồng Yên tăng giá cũng là một nguyên nhân khiến xuất khẩu Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng.
Theo số liệu của Ngân hàng Natixis Nhật Bản, khoảng 8,8% FDI từ Nhật Bản được đổ vào Trung Quốc trong năm 2015, chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ trong bảng xếp hạng những thị trường đầu tư FDI chủ chốt từ Nhật. Trong năm 2015, ngành sản xuất Trung Quốc chiếm 66% vốn FDI từ Nhật nhưng chi phí nhân công tăng cao đang khiến lợi nhuận của các dự án này bị giảm. Nhiều nhà máy Nhật Bản, đặc biệt là những công ty sản xuất hàng giá trị thấp đã chuyển địa điểm hoạt động từ Trung Quốc sang các nước khác như Thái Lan hay Việt Nam. Ở phía ngược lại, số liệu của JETRO cho thấy FDI từ Trung Quốc vào Nhật năm 2015 đã giảm 27,6% so với năm trước đó.
Bất chấp những căng thẳng chính trị, du khách Trung Quốc vẫn sang Nhật Bản du lịch và nghỉ mát. Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu Trung Quốc và nhu cầu được đi du lịch nước ngoài đã khiến kinh tế Nhật Bản được lợi. Trong năm 2015, du khách Trung Quốc đến Nhật Bản đã tăng 107,3% so với cùng kỳ năm trước và gấp 6 lần so với 10 năm trước đó, qua đó khiến khách Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số du khách nước ngoài đến Nhật. Một cuộc khảo sát vào tháng 3/2016 của hãng du lịch lớn nhất Nhật Bản JTB cho thấy nguyên nhân chính khiến du khách Trung Quốc đến Nhật là để “chiêm ngưỡng một quốc gia phát triển tại Châu Á”, tiếp theo đó là để “thưởng thức các món ăn truyền thống Nhật Bản”.
Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại số một của Nhật Bản và là điểm đến quan trọng của các khoản đầu tư của người Nhật. Thậm chí với sự giảm tốc gần đây của kinh tế Trung Quốc, việc khôi phục nền kinh tế Nhật Bản sẽ rất khó khăn nếu mối quan hệ chính trị trắc trở với Trung Quốc làm tổn hại đến quan hệ kinh tế Nhật Bản – Trung Quốc. Thủ tướng Abe sẽ khuyến khích những nỗ lực của giới kinh
doanh để mở rộng thương mại với những nền kinh tế đầy hứa hẹn ở Nam Á và Đông Nam Á hay ở bất cứ đâu, nhưng những thị trường đó không thể thay thế cho Trung Quốc trong một tương lai gần. Cho đến nay, thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã gần như phục hồi, trái ngược với những vấn đề trong quan hệ chính trị song phương. Nhưng nếu mối quan hệ Trung – Nhật trở nên xấu hơn dẫn tới sự tụt dốc trong xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc, chiến lược phát triển của ông Abe sẽ bị hủy hoại và do đó đe dọa tới sự tồn vong chính trị của ông.
Mối quan hệ Trung - Nhật dù tồn tại nhiều căng thẳng trong giải quyết các bất đồng nhưng về góc độ kinh tế lại là phụ thuộc, gắn bó không thể tách rời. Hợp tác kinh tế có tác dụng như hòn đá tảng giữ vững ổn định quan hệ hai nước, làm cho quan hệ song phương “đấu nhưng không đổ vỡ”.
2.2.1.3. Các điểm nóng trong quan hệ Nhật - Trung
Trong Sách xanh ngoại giao Nhật Bản 2016, Nhật Bản nhận định một trong những tác động tới môi trường an ninh nghiêm trọng của khu vực Đông Á chính là sự trỗi dậy nhanh chóng của lực lượng quân sự Trung Quốc cùng với những tuyên bố đơn phương nhằm làm thay đổi cục diện khu vực.
Cũng quan điểm đó, trong Sách Trắng Quốc phòng năm 2016 của Nhật Bản có nhiều nội dung liên quan đến Trung Quốc, thể hiện tỏ quan tâm, lo ngại đến chiến lược biển của Trung Quốc, cho rằng chiến lược này sẽ dẫn đến những động thái khó lường. Đây là Sách Trắng Quốc phòng đầu tiên được công bố sau khi Nhật Bản thi hành Luật an ninh mới từ tháng 3/2016.
+ Vấn đề tranh chấp biển:
Trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Nhật Bản luôn muốn giành thế chủ động nhằm kiềm chế Trung Quốc trên nhiều phương diện. Trong lần đầu tiên dự Đối thoại Shangri-La 1336(tháng 6/2014), Thủ tướng Nhật Bản tỏ rõ sự không khoan nhượng trước chính sách “Nước lớn” của Trung Quốc. Ông Abe đã công bố “Học thuyết Abe” (Abe Doctrine) trong đó có những tuyên bố cứng rắn về an ninh khu vực, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và một
số nước ASEAN. Đây được coi là tuyên ngôn của Nhật Bản đối với vấn đề an ninh quốc tế trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có những hành động đơn phương mang tính khiêu khích nhằm áp đặt chủ quyền của mình đối với khu vực Biển Đông - những hành động thậm chí còn đang bị nghi ngờ là nhằm tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực với mục tiêu ám muội37.
Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp lâu dài ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản cho rằng, nếu Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông thì sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đối với tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mục đích chiến lược của Nhật Bản là hình thành thế phối hợp tác chiến hai cánh Biển Đông và Biển Hoa Đông, gây cản trở cho Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp trên biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng mong muốn việc hỗ trợ các nước ASEAN đòi quyền lợi ở Biển Đông, để đổi lại sự ủng hộ của các nước này đối với Nhật Bản trong vấn đề Biển Hoa Đông. Tạo mối liên kết giữa với các nước Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp trên biển, Nhật Bản muốn Trung Quốc phải đối phó đồng thời trên cả hai mặt trận Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đồng thời đây cũng được cho là hành động kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhật Bản muốn nhân vấn đề Biển Đông, tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước ASEAN đòi quyền lợi ở Biển Đông, đẩy mạnh viện trợ cho các nước này về kinh tế và quân sự, qua đó nâng cao hơn nữa ảnh hưởng của mình trong khu vực, từng bước gia tăng sự phụ thuộc chiến lược của các nước vào Nhật Bản, qua đó xây dựng liên minh chiến lược biển do Nhật Bản dẫn dắt để đối phó với Trung Quốc. Nhật Bản xác định tầm quan trọng của Biển Đông và thực hiện hợp tác an ninh truyền thống đối với các nước ASEAN, nhất là các nước xung quanh Biển