Mặc dù vẫn lấy quan hệ Nhật-Mỹ làm nền tảng chính sách đối ngoại, song từ khi tái đắc cử năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược "Trở lại châu Á", phát huy vai trò người đại diện cho châu Á trong khối G7, lấy châu Á làm bàn đạp để từng bước đưa Nhật Bản trở thành cường quốc về chính trị. Nhìn chung, ở chừng mực nhất định, vai trò quốc tế của Nhật Bản đã được cải thiện hơn; vị thế của Nhật Bản đã được coi trọng hơn trong một số vấn đề quốc tế và khu vực như WTO, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ARF, ASEM, UNHCR, G7, Ủy ban sông Mê Kông, ADB, … Dư luận chung tỏ ý đồng tình với việc Nhật Bản cần có vai trò to lớn hơn, đặc biệt trong những vấn đề kinh tế và các vấn đề toàn cầu vì Nhật Bản có ưu thế về tài chính.
Sự thịnh vượng của Đông Á đang dựa trên một sự ổn định mỏng manh dựa trên ba yếu tố. Thứ nhất, Đông Á đang đối mặt với những mối đe dọa từ toàn cầu hóa như sự trỗi dậy của các phần tử Hồi giáo cực đoan dưới ảnh hưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mặt khác, sự bất ổn cũng đến từ yếu tố hiện đại gây ra như các cuộc tranh chấp về biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia có chủ quyền. Chiến tranh, chủ nghĩa khủng bố và thảm họa thiên nhiên, tất cả đều đặt sinh mạng của nhân loại trước rủi ro. Thứ hai, hiện không có một thể chế an ninh nào bao trùm toàn bộ khu vực. An ninh quốc tế tại Đông Á dựa trên một hệ thống các liên minh do Mỹ lãnh đạo và các quan hệ an ninh. Tuy nhiên, những mối quan hệ vẫn đang ở giai đoạn đầu hình thành và liên minh song phương với một cường quốc như Mỹ thường rất khó để quản trị vì tính bất đối xứng về quyền lực. Hơn nữa, hệ thống trên không có sự tham gia của nền kinh tế lớn nhất khu vực, Trung Quốc. Thứ ba, Mỹ, với tư cách là trung tâm của an ninh khu vực, lại có vị trí địa lý cách xa các nước đồng minh châu Á58.
Do đó, để tiếp tục duy trì trật tự quốc tế tại Đông Á, Nhật Bản phải giải quyết vấn đề này một cách chủ động. Trước hết, Nhật Bản phải hỗ trợ các nước trong khu vực đạt được sự ổn định trong nước, cơ sở để duy trì nền dân chủ. Thứ hai, mạng lưới các liên minh mà Mỹ làm trung tâm tại khu vực cần phải được tăng cường, đặc biệt là liên minh Mỹ-Nhật. Thứ ba, Nhật Bản tiếp tục tăng cường năng lực quân đội để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ trong một môi trường cạnh tranh gay gắt. Nhật Bản cũng cần phải trở nên hấp dẫn đối với thế giới. Đó cũng là một sự lan truyền mang tính văn hóa. Thứ tư, Nhật Bản cần chia sẻ những quan điểm về các thách thức an ninh mà họ phải đối mặt tại Đông Á với các quốc gia châu Á vì Nhật Bản là một phần trong một thế giới kết nối. Cuối cùng, Nhật Bản cần phải chủ động chia sẻ với thế giới về cách thức mà nước này có thể đóng góp cho an ninh quốc tế.
Ngay sau khi thắng cử, ông Shinzo Abe đã có hàng loạt cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ và lãnh đạo một số nước trên thế giới, tiếp đó là một loạt những chuyến thăm chính thức trong tháng 01 và tháng 02/2013 tới một số nước Đông Nam Á và Mỹ. Những động thái trên cho thấy sự đổi mới trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản nhằm tái khẳng định vai trò của nước này là một cường quốc trong khu vực và trên thế giới như ông Abe đã loan báo trong chiến dịch tranh cử về "sự hồi sinh của nền ngoại giao Nhật Bản".
Trong nhiệm kỳ mới này, Thủ tướng Shinzo Abe chủ trương áp dụng chính sách ngoại giao và an ninh quyết đoán hơn. Ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng là tăng cường mối quan hệ đồng minh với Mỹ, bởi vì đây chính là đồng minh quân sự và là đối tác kinh tế hàng đầu của Nhật Bản. Trong bối cảnh Nhật Bản phải đối mặt với “mối đe dọa an ninh” đến từ Trung Quốc và sự bất ổn trên bán đảo Triều Tiên cùng với sự chuyển hướng chiến lược sang châu Á- TBD của Mỹ thì hợp tác với Mỹ vẫn là nền tảng của chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Điều này được thể hiện rõ rệt là sau khi giành được thắng lợi trong cuộc tranh cử, nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới mà Thủ tướng Abe chọn điện đàm là Tổng thống Mỹ Obama. Mặc dù cuộc điện đàm chỉ diễn ra trong khoảng 10 phút, nhưng cũng đủ thấy tầm quan trọng đặc biệt trong quan hệ của Mỹ đối với Nhật Bản. Chuyến thăm Mỹ 4 ngày từ 21 đến
24/02/2013 của Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định niềm tin của LDP vào mối quan hệ song phương gắn bó với Mỹ.
Tóm lại, từ những động thái trên có thể nhận thấy định hướng trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Abe là chủ trương tăng cường mối quan hệ đồng minh với Mỹ và các nước đồng minh với Mỹ, thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN, đối phó với sự trỗi dậy và những thách thức an ninh từ phía Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, khẳng định vai trò và vị thế của Nhật Bản trong khu vực Đông Á nói riêng và trên trường quốc tế nói chung.