Từ khi lên nắm quyền đến nay, Thủ tướng Shinzo Abe đã có những bước phát triển về mặt lý luận, trong đó ông đưa ra các chiến lược, ý tưởng mở rộng tầm ảnh hưởng của Nhật, nhất là tại khu vực Đông Á như “vòng cung thịnh vượng bốn bên” với Australia và Ấn Độ; thúc đẩy cơ chế đa phương với các nước ASEAN, tăng cường quan hệ ba bên Nhật – Trung – Hàn… Trong đó, chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với ASEAN và với Trung Quốc và Hàn Quốc là trọng tâm trong chính sách đa phương của Thủ tướng Abe tại khu vực.
2.3.1. Chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với ASEAN
So với các cường quốc tư bản Âu – Mỹ, Nhật Bản là một đối tác hàng đầu, là một trong những bên đối thoại năng động nhất của ASEAN49. Tuy nhiên, Nhật Bản chưa bằng lòng với vai trò đó mà đang nỗ lực vươn lên đóng một vai trò toàn diện hơn. Thậm chí, theo quan điểm của một số chuyên gia nghiên cứu quốc tế: Nhật Bản sẽ phải nhìn nhận những vai trò mới và góp phần vào sự hợp tác của khu vực Đông Nam Á, còn nếu không như vậy, Nhật Bản sẽ thụt lùi.
Chính sách “hướng Nam” của Chính phủ Nhật Bản trong những năm gần đây nhằm tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, được dư luận đánh giá là sự “xoay trục” trong chính sách đối ngoại của quốc gia này. Chính sách này chiếm vị trí quan trọng trong Chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản, với ưu tiên “cải
thiện môi trường an ninh khu vực châu Á - TBD” và “đóng vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết tranh chấp”, nhằm thực hiện ba mục tiêu quan trọng: phục hồi kinh tế, bảo đảm an ninh hàng hải và mở rộng ảnh hưởng. Cùng với việc ghi nhận ảnh hưởng của Cộng đồng ASEAN đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á - TBD, Chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản cũng khẳng định: Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nỗ lực nhằm duy trì và củng cố đoàn kết ASEAN.
Nội dung chủ yếu trong chính sách của Nhật Bản đối với ASEAN là: về kinh tế, đóng vai trò quan trọng; về chính trị, phát huy vai trò tích cực, xây dựng mối quan hệ đặc biệt với các nước ASEAN.
Trong những năm qua, Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh chính sách tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, nhất là trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh. Đây được xem là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe50. Thủ tướng Abe đã đưa ra 05 nguyên tắc, được gọi là Học thuyết Abe. Đó là:
(1) Cùng với các thành viên ASEAN bảo vệ và thúc đẩy các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ và các quyền cơ bản của con người;
(2) Cùng với các quốc gia thành viên ASEAN bảo đảm các vùng biển mở cửa và tự do, được quản trị bằng luật pháp và quy định chứ không phải bằng vũ lực và chào đón sự tái cân bằng của Mỹ ở Châu Á - TBD;
(3) Thúc đẩy đầu tư và thương mại thông qua mạng lưới liên kết kinh tế đa dạng, qua đó góp phần phục hồi nền kinh tế Nhật Bản và sự thịnh vượng của các nước ASEAN;
(4) Bảo vệ, duy trì và gìn giữ các di sản và truyền thống văn hóa phong phú của ASEAN;
(5) Thúc đẩy giao lưu giữa các thế hệ trẻ nhằm tăng cường hiểu biết chung. Thủ tướng Abe đã tỏ rõ tham vọng muốn nâng cao vị thế của Nhật Bản trên chính trường thế giới bởi Nhật Bản đang bị cho là “thụt lùi” so với sự trỗi dậy của
các nước láng giềng. Những bước đi mới của Thủ tướng Abe cho thấy, thay vì dùng vũ lực, Chính phủ Nhật Bản đã khôn ngoan chọn biện pháp dùng sức mạnh ngoại giao “mềm” nhưng không kém phần “cứng rắn” để khẳng định vị trí trên toàn cầu nhằm tăng cường bảo vệ chủ quyền, tạo sức bật mới trong cuộc chạy đua giành lại vị trí thứ hai về kinh tế trên thế giới.
Hy vọng chính sách ngoại giao “cứng rắn” mang đậm nét của “ngoại giao giá trị quan” của Thủ tướng Shinzo Abe mà trước hết là thông qua việc diễn giải lại Điều 94 Hiến pháp Nhật Bản sẽ góp phần cải thiện tình hình căng thẳng hiện nay giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc liên quan đến lãnh thổ, cũng như sẽ góp phần ổn định tình hình ở Biển Đông hiện nay.
“ASEAN+Nhật Bản” là một thành phần quan trọng trong cơ chế hợp tác “ASEAN+1”, có tác động trực tiếp đến “ASEAN+3” và việc thúc đẩy hợp tác Đông Á. Trong quá trình phát triển, “ASEAN+Nhật Bản” đã thể hiện quỹ đạo phát triển, đặc điểm và vai trò của riêng mình.
Trong các nước “ASEAN+1”, Nhật Bản là nước sớm nhất thiết lập mối quan hệ đối tác với các nước ASEAN. Từ năm 1977, hai bên tổ chức hội nghị lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo ASEAN-Nhật Bản, và thông qua dự án hợp tác trong các lĩnh vực như công nghiệp, kỹ thuật, văn hóa, thương mại, đầu tư, thành lập mối quan hệ hợp tác đa tầng. Từ những năm 90 thế kỷ XX đến nay, cùng với Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự phát triển của kinh tế Đông Á, trọng điểm ngoại giao của Nhật Bản bắt đầu chuyển sang châu Á. Để không bị tụt hậu, Nhật Bản dự tính thực thi chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa khu vực. Một mặt trong đó, Nhật Bản thông qua việc tăng cường quan hệ với ASEAN để hướng tới tạo vai trò chủ đạo trong hợp tác Đông Á. Cuối những năm 90 thế kỷ XX, quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản đã được cơ chế hóa. Tháng 01/1997, khi tới thăm Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Hashimoto Ryutaro đã đề xuất mở rộng và làm sâu sắc thêm việc đối thoại ở các lĩnh vực và các cấp giữa Nhật Bản và ASEAN. Bắt đầu từ năm này, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN-Nhật Bản tổ chức không định kỳ trước đây chuyển thành hội nghị thường niên. Nhưng để giảm đi những nghi ngờ của nước khác, Hội
nghị các nhà lãnh đạo ASEAN-Trung Quốc, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN- Hàn Quốc cũng đồng thời tổ chức, cơ chế “10+3”, “10+1” chính thức khởi động thúc đẩy hợp tác Đông Á. Năm 1998, Nhật Bản đã khởi động Hội nghị nhóm bàn bạc ASEAN-Nhật Bản, thành lập Ủy ban hợp tác công nghiệp kinh tế nhằm thúc đẩy hợp tác công nghiệp giữa Nhật Bản và ASEAN, giúp các nước ASEAN tăng sức cạnh tranh công nghiệp, đem lại sự viện trợ cho các nước thành viên mới của mình. Ngoài ra, Nhật Bản còn xây dựng một loạt cơ chế hợp tác mới, chẳng hạn như “Hội nghị bàn tròn phát triển Nhật Bản-ASEAN”, “Kế hoạch phát triển nguồn tài nguyên nhân lực toàn diện”, “Hội nghị chống khủng bố Nhật Bản-ASEAN” v.v... Tháng 12/2003, Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN được tổ chức tại Tokyo là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra ngoài khu vực.
Quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản có nền tảng sâu đậm. Lâu nay, do thúc đẩy kinh tế các nước ASEAN chủ yếu bằng phương thức phát triển “đàn nhạn bay”, Nhật Bản đã xác lập được vị thế chủ đạo đối với đầu tư, thương mại của các nước ASEAN cũng như sự phụ thuộc về kinh tế của các nước này vào Nhật Bản. Nhưng từ những năm 90 thế kỷ 20 đến nay, do kinh tế Nhật Bản ảm đạm, thương mại giữa Nhật Bản và ASEAN đã từ đỉnh cao 121 tỷ USD hạ xuống 990 triệu USD. Năm 2000 và 2001, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào ASEAN chỉ bằng 60% mức bình quân những năm 90 thế kỷ 20, dẫn đến quan hệ kinh tế song phương nảy sinh những thay đổi lớn, làm yếu đi vị thế truyền thống của Nhật Bản trong việc đầu tư và thương mại vào các nước ASEAN. Cho dù như vậy, Nhật Bản hiện vẫn là nước viện trợ kinh tế và đầu tư lớn nhất, đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của ASEAN. ASEAN tăng cường hợp tác kinh tế với Nhật Bản có lợi cho việc thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Cho dù gặp phải vấn đề tiếp cận thị trường, nhất là về mặt các sản phẩm nông nghiệp, nhưng người dân Đông Nam Á vẫn coi Nhật Bản là thị trường thu được thắng lợi; cho dù họ rất oán trách về sự hà tiện của Nhật Bản trong việc chuyển nhượng kỹ thuật, nhưng cũng không phủ nhận Nhật Bản đã đầu tư và trang bị kỹ thuật cho các nước Đông Nam Á, giúp các nước
này thúc đẩy công nghiệp hóa. Mặt khác, viện trợ phát triển chính thức (ODA) là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản.
Nhật Bản với tư cách là nước khởi nguồn quan trọng trong đầu tư vốn, kỹ thuật cho các nước ASEAN, viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản chủ yếu dùng để xây dựng các cơ sở thiết bị và công nghiệp nặng51. Vì thế, việc tăng vốn ODA đã thúc đẩy Nhật Bản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước ASEAN. Nhật Bản đã thực thi chiến lược “viện trợ, thương mại, đầu tư”, xây dựng mạng lưới kinh tế độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á và kết hợp giữa sản xuất, phân phối, chi trả và cung cấp vốn, giúp đỡ các nước ASEAN đẩy nhanh việc phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo. Tuy nhiên, cách làm kết hợp giữa viện trợ, thương mại, đầu tư lại khiến cho các nước ASEAN lo ngại Nhật Bản khống chế Đông Nam Á về kinh tế. Mặt khác, Nhật Bản thường không tích cực tham gia việc nhất thể hóa kinh tế khu vực, luôn khao khát tìm cách đạt được thương mại tự do đa phương, coi hợp tác kinh tế-thương mại song phương với các nước khác là con đường trợ giúp mở rộng thương mại thế giới. Nhưng từ những năm 1990 đến nay, hợp tác Đông Á từng bước phát triển, kinh tế trong khu vực ngày càng sôi động, buộc Nhật Bản bắt đầu tham gia hợp tác khu vực Đông Á. Sau khi bước vào thế kỷ XXI, hợp tác khu vực Đông Á dưới khuôn khổ “ASEAN+3” nhanh chóng phát triển đã khiến Nhật Bản tỏ rõ thái độ tích cực đối với hợp tác khu vực. Với bối cảnh trên, Nhật Bản mong muốn tìm được điểm hội tụ, xây dựng lại mối quan hệ kinh tế với ASEAN để duy trì lợi ích và địa vị của mình ở Đông Nam Á. Còn việc xây dựng Khu thương mại tự do “Nhật Bản-ASEAN” luôn là một lựa chọn sáng suốt. Tháng 11/2002, việc Nhật Bản và ASEAN công bố “Tuyên bố chung” thành lập mối quan hệ đối tác toàn diện đã đạt được nhận thức chung về ý nghĩa, nội dung, con đường, mục tiêu và nguyên tắc trong việc xây dựng Khu thương mại tự do “Nhật Bản-ASEAN”. Tháng 10/2003, tại Hội nghị thượng đỉnh “ASEAN-Nhật Bản”, hai bên đã chính thức ký “Hiệp định khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện”. Nội dung chủ yếu của hiệp định
này bao gồm: lập tức thực hiện các biện pháp như viện trợ kỹ thuật và thúc đẩy đầu tư, thương mại cũng như trao đổi và tập hợp những số liệu liên quan về thuế quan và thương mại song phương. Hai bên quyết định vào năm 2012 thành lập Khu thương mại tự do và khiến cho xuất khẩu của ASEAN sang Nhật Bản đến năm 2020 nâng lên 44,2% so với mức năm 1997, và xuất khẩu cùng kỳ của Nhật Bản sang ASEAN tăng thêm 27,5%, nhưng các sản phẩm nông nghiệp, gạo và thịt bò v.v... bị gạt ra ngoài việc tự do hóa thương mại52. Nhật Bản phát triển thương mại tự do thành “quan hệ đối tác kinh tế toàn diện”, lấy điều kiện viện trợ phát triển, đầu tư và hợp tác kỹ thuật thay thế các điều kiện thương mại không bình đẳng mà các nước ASEAN phải chịu, bên cạnh đó mở ra thị trường ASEAN để bảo vệ ngành nông nghiệp của nước mình.
Khi nói đến tầm quan trọng của Nhật Bản đối với ASEAN, Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir từng đưa ra một loạt lý do sau: một là, về kinh tế, Nhật Bản là nước hùng mạnh, lời nói và hành động của nước này tất nhiên được các nước khác của châu Á quan tâm chặt chẽ. Hai là, tầm quan trọng của Nhật Bản đối với tương lai kinh tế Đông Á là Nhật Bản đầu tư lượng lớn các cơ sở và thiết bị sản xuất vào khu vực này, trong đó “23% tổng sản phẩm quốc nội của Malaysia là do các công ty Nhật Bản kinh doanh ở nước này đem lại”. Ba là, đạo đức nghề nghiệp của người Nhật Bản và nền văn hóa đặc sắc của nước này có ảnh hưởng rất lớn đến các nước khác Đông Á. Đạo đức nghề nghiệp, tính kỷ luật, kỹ thuật, kỹ năng của người Nhật Bản vẫn rất đáng để các nước học tập, và Nhật Bản không thể vì nền kinh tế suy thoái lâu nay mà đánh mất đi. Đặc điểm về kinh tế, cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản” lấy hợp tác song phương làm chính. Khác với “Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện Trung Quốc-ASEAN”, “Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản-ASEAN” quy định bất kỳ một nước thành viên ASEAN nào đều có thể cùng với Nhật Bản đàm phán xây dựng mối quan hệ đối tác kinh tế song phương, hơn nữa không cần phải tiếp tục đàm phán về thời gian tự do hóa trong “Hiệp định
khung đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản-ASEAN”. Tính đến sự nhạy cảm của ngành nông nghiệp đối với nền chính trị Nhật Bản cũng như tình hình xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của một số nước thành viên ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam, phương thức quan hệ đối tác kinh tế song phương này đã chứng minh là có hiệu quả hơn so với khu thương mại tự do “Nhật Bản-ASEAN”.
Những năm gần đây, tiến độ hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN được đẩy nhanh, quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN tương đối ngừng trệ53. Trong tình hình kinh tế Trung Quốc phát triển với tốc độ nhanh và vị thế quốc tế được nâng cao chưa từng thấy, hợp tác với ASEAN đối với Trung Quốc là điều vô cùng tất yếu. Mặt khác, Trung Quốc vừa là thị trường lớn có sức hấp dẫn, vừa là đối thủ cạnh tranh. ASEAN lo lắng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc lớn mạnh sẽ mở rộng hơn nữa ảnh hưởng chính trị và sức mạnh quân sự của Trung Quốc. ASEAN cho rằng điều này không có lợi cho sự ổn định và phồn vinh lâu dài của khu vực này, dễ khiến cho “chính sách cân bằng nước lớn” của ASEAN mất hiệu quả, trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh của ASEAN. Vì vậy, ASEAN mong muốn bên cạnh việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc, còn tăng cường hợp tác với Nhật Bản để bảo đảm duy trì thế cân bằng khu vực. “Nhưng do kinh tế Nhật Bản lâu nay ảm đạm, kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh, vị thế của Nhật Bản sẽ có phần hạ xuống trong thời gian tới”. Đối với ASEAN, việc làm thế nào tìm kiếm điểm cân bằng giữa Trung Quốc và Nhật Bản là một sự lựa chọn lưỡng nan.
Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, ngay trong nội bộ ASEAN vẫn còn tiềm ẩn những ý kiến trái chiều, điều này làm phát sinh lo ngại về sự mất ổn định và khó duy trì tính nhất thể của ASEAN. Nhằm duy trì và tăng cường tính nhất thể của ASEAN, Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ khu vực này trên nhiều phương diện. Việc chuyển giao 10 tàu tuần tra mới cho Philippines là một phần chiến lược của Nhật Bản nhằm tăng cường sức mạnh hàng hải, giúp nâng
cao vị thế chiến lược của Nhật Bản tại Đông Nam Á54. Đối với Nhật Bản, Biển Đông là một trường hợp thử nghiệm về cách hành xử của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Hơn nữa, Nhật Bản thấy rằng bằng cách tăng số