Luôn kiên định mục tiêu vì lợi ích dân tộc kết hợp thực hiện nghĩa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách ngoại giao hồ chí minh qua hoạt động thực tiễn của người (1945 – 1969) (Trang 28 - 32)

2.1 Phong cách tư duy

2.1.1 Luôn kiên định mục tiêu vì lợi ích dân tộc kết hợp thực hiện nghĩa

vụ quốc tế và đề cao tính chính nghĩa.

Nói đến phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh là nói đến một điều “bất biến” đó là lợi ích dân tộc.Đây luôn là mục đích tối thượng của Người, quyết định và chi phối các mặt hoạt động. Lợi ích dân tộc cũng luôn thống nhất từ trong suy nghĩ tới hành động của Người, bởi có một chân lý rằng “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Tuy nhiên cái cao quý hơn, cái đáng phục hơn khi nói về phong cách tư duy của người cộng sản Hồ Chí Minh đó là Người không chỉ hành động vì mục tiêu độc lập cho riêng dân tộc mình, mà còn kết hợp thực hiện nghĩa vụ quốc tế và đề cao tính chính nghĩa. Lợi ích dân tộc và đoàn kết quốc tế tuy là hai nhưng lại thống nhất là một, vừa là nhiệm vụ quốc gia nhưng vừa là nghĩa vụ quốc tế.Khi củng cố độc lập dân tộc thì sẽ góp phần đoàn kết quốc tế, và đoàn kết quốc tế thì lại tạo điều kiện để giữ gìn độc lập dân tộc. Đó vừa là con người, vừa là nét riêng của chủ tịch Hồ Chí Minh mà ta rất khó có thể tìm thấy ở một vị chủ tịch nào khác trên thế giới, nó trở thành phong cách tư duy riêng mang tên Hồ Chí Minh.

Ngay từ khi còn là một cậu học trò nhỏ, Nguyễn Sinh Cung đã trăn trở về vận mệnh dân tộc và đâu là con đường giải phóng dân tộc khỏi ách lầm than. Lòng yêu nước và khát vọng tìm hiểu những chữ “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” đã thôi thúc chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Trong ba mươi năm bôn ba, không lúc nào Người ngừng nghĩ về dân tộc Việt Nam, chưa bao giờ Người đòi hỏi gì cho riêng mình.“Ở Pháp lúc đó, Hồ Chí Minh dùng hơn 200 bút danh để đấu tranh chính trị. Hồ Chí Minh

chưa bao giờ rời bỏ mục tiêu của mình đó là đem lại cho dân tộc mình, trong đó có những người thân của mình, sự tự do, nhân phẩm và quyền được làm chủ” [45] - D.De MisCault, tổng biên tập tạp chí triển vọng Việt Nam – Pháp nhận xét. Giáo sư Vũ Dương Ninh thì tổng kết “nhìn lại 50 năm hoạt động tính từ bản yêu sách của nhân dân An Nam (1919) đến di chúc (1969), các hoạt động quốc tế của Hồ Chí Minh đều nhằm vào mục tiêu cao cả độc lập tự do. Đó là nguyên tắc cơ bản nhất, là điều bất di bất dịch” [31, tr.18]. Trong những ngày đầu độc lập, với vai trò là bộ trưởng ngoại giao, Người phải đấu tranh với thực dân Pháp và Tàu Tưởng. Cuộc đấu tranh này là ví dụ điển hình cho thấy Người kiên định mục tiêu độc lập dân tộc như thế nào. Khi Tàu Tưởng kéo vào miền bắc Việt Nam để giải giáp quân Nhật, Hồ Chí Minh đã hết sức nhân nhượng Tưởng nhiều việc như chấp nhận cho chúng tiêu tiền quan kim mất giá, cung cấp lương thực cho chúng. Song Người kiên quyết không để quân Tưởng can thiệp vào chính quyền, nhằm giữ vững thế hợp pháp của chính quyền. Ngay cả chuyện cung cấp lương thực, Hồ Chủ tịch cũng giữ sự cân bằng giữa nhân nhượng đối thủ và đảm bảo lợi ích dân tộc. Đòi thêm gạo không được, một viên tướng của Lư Hán và Tiêu Văn đã to tiếng hăm dọa “không có gạo thì sẽ dùng vũ lực”. Hồ Chí Minh rất bình tĩnh trả lời đầy kiên quyết “ông muốn làm gì cũng được. Nhưng tôi không thể cho ông gạo nhiều hơn khi nhân dân tôi còn đang chết đói” [28, tr. 46]. Tay này sau đó phải im miệng.

Trong đấu tranh với Pháp, Hồ Chí Minh cũng giữ vững các vấn đề về nguyên tắc là độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.Thời kỳ 1945-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ lâm thời trải qua rất nhiều cuộc đàm phán quan trọng với Pháp.Trong đó, vấn đề mấu chốt và gay cấn nhất là Việt Nam đòi Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập. Trước sau, Pháp vẫn không chấp nhận điều này, Chính phủ Hồ Chí Minh phải ký hiệp định sơ bộ 6 tháng 3 và tạm ước 14 tháng 9 với sự thừa nhận của Pháp rằng Việt Nam là một quốc gia tự do có chính phủ, có nghị viện và quân

đội riêng. Chính sách “hòa để tiến” này cũng vì mục đích tranh thủ khả năng có lợi nhất cho nền độc lập. Đó là sự nhân nhượng có nguyên tắc của Hồ Chí Minh, để tránh cho nhân dân một cuộc đấu tranh với nhiều kẻ thù cùng một lúc, đồng thời để nhân dân có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài dành độc lập hoàn toàn. Đúng như chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt” [18,tr.319].

Như đã nói ở trên, chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kiên trì mục tiêu lợi ích dân tộc cho riêng quốc gia mình, mà luôn song hành cùng phong trào cách mạng thế giới và đề cao tính chính nghĩa. Trước 1945, các hoạt động của Người gắn liền với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, là một bộ phận của cách mạng Đông Dương và quốc tế cộng sản. Ngay khi tuyên ngôn độc lập, trong bản thông cáo về chính sách đối ngoại đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã nêu Việt Nam hợp tác thân thiện với các nước Đồng minh và các dân tộc láng giềng Trung Hoa, Khơ me và Lào. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dù gặp nhiều khó khăn, Hồ Chí Minh vẫn chỉ đạo nhân dân ta kiên trì đường lối ngoại giao hòa bình, vận động nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, xây dựng mặt trận đoàn kết chặt chẽ với ba nước Đông Dương chống kẻ thù chung, tăng cường quan hệ ngoại giao với Liên Xô, Trung Quốc. Người luôn đoàn kết quốc tế vững chắc với ba lực lượng là phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và phong trào hòa bình thế giới, đặc biệt là phong trào chống chiến tranh của nhân dân các nước đế quốc đang xâm lược Việt Nam. Người đã khẳng định nghĩa vụ quốc tế của cách mạng Việt Nam “nhân dân ta chiến đấu hi sinh chẳng những vì tự do độc lập riêng của mình mà còn vì tự do độc lập chung của các dân tộc và hòa bình trên thế giới” [13, tr. 367], “ta quyết chiến quyết thắng miền Nam chẳng những là vì nhiệm vụ của ta mà còn vì

nghĩa vụ của ta đối với cách mạng thế giới” [13, tr. 394]. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải đáp nhiều câu hỏi lớn được đặt ra trước các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập “Mỹ lấy chiến trường miền Nam làm thí điểm về chiến thuật, trang bị, vũ khí. Nếu ở miền Nam nó thắng thì nó dùng cách ấy để ăn cướp các dân tộc khác. Nếu chúng ta thắng ở miền Nam tức là chúng ta đã đè được lực lượng xâm lược của Mỹ, đó là ta góp phần vào cách mạng thế giới” [13, tr. 394], “phải tăng cường đoàn kết hữu nghị với tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, tăng cường hữu nghị với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân thế giới vì

lợi ích của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” [11, tr. 190].

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn bày tỏ lòng kính trọng của mình với nhân dân Mỹ, đó là những người thông minh, yêu hòa bình và dân chủ.Nhưng lính Mỹ lại bị đưa đến Việt Nam để giết người và để bị giết. Người đồng cảm với nỗi đau của cha mẹ họ và nhấn mạnh rằng nhân dân Việt Nam sẵn sàng hoan nghênh người Mỹ, nhưng là trong tư cách những kỹ sư, những nhà khoa học, những người yêu chuộng hòa bình chứ không phải là trong tư cách những người lính. Hồ Chí Minh nói “các ông hãy tin tôi khi tôi nói rằng tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp tổng thống Mỹ đến đây một cách hòa bình. Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị ra với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập” [15, tr. 199].Có thể nói trong quan hệ quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao nhân đạo và chính nghĩa.Ngay cả khi phải tiến hành một cuộc đấu tranh một mất một còn với thực dân để dành độc lập dân tộc, Người luôn tìm kiếm mọi cơ hội đối thoại, đàm phán để có thể tránh một cuộc chiến bạo lực và phi nghĩa. Ngọn cờ độc lập dân tộc được giương cao, tính chính nghĩa ngày càng sáng tỏ, phù hợp với xu thế chung của cách mạng và nguyện vọng của đa số nhân dân thế giới. “Chính vì thế mà xuất hiện mối quan hệ qua lại rất biện chứng mục tiêu độc lập dân tộc ngày càng được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ và sự đồng tình ủng hộ đó đã góp phần đưa cuộc đấu tranh vì độc lập- tự do đến thắng lợi hoàn toàn” [31, tr. 19].

Qua những dẫn chứng trên có thể thấy phong cách tư duy của Hồ Chí Minh luôn kiên định những điều đó là độc lập dân tộc, hòa bình cho nhân dân, đoàn kết với phong trào cách mạng thế giới, nỗ lực vì hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc và luôn đề cao tính chính nghĩa. Tư duy ngoại giao này không chỉ bắt nguồn từ truyền thống ngoại giao hòa hiếu của cha ông mà còn phù hợp với xu thế và ước muốn của nhân loại, và chính đường lối này đã tạo nên sức mạnh lớn hơn bởi có sự kết hợp giữa dân tộc và thời đại.Xin trích lời của ông H.Boumedien, Chủ tịch hội đồng bộ trưởng Algerie khi đọc lễ tang Hồ Chí Minh để khẳng định thêm một lần nữa rằng Hồ Chí Minh luôn kiên định mục tiêu vì lợi ích dân tộc kết hợp với lợi ích quốc tế và đề cao tính chính nghĩa. Ông H.Boumedien nói “Người mất đi là thế giới thứ ba mất một con người dũng cảm, vì cuộc đời chiến đấu của Người cũng là cuộc chiến đấu của tất cả các dân tộc bị áp bức châu Phi, của Palestine, của Việt Nam, của châu Á để dành lại phẩm cách và danh dự” [44, tr. 33].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách ngoại giao hồ chí minh qua hoạt động thực tiễn của người (1945 – 1969) (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)