Phong cách diễn đạt phi ngôn ngữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách ngoại giao hồ chí minh qua hoạt động thực tiễn của người (1945 – 1969) (Trang 66 - 70)

2.4 Phong cách diễn đạt

2.4.3 Phong cách diễn đạt phi ngôn ngữ

Để thể hiện tốt hình ảnh dân tộc mình, người cán bộ ngoại giao luôn phải chú ý tới phong cách của mình. Phong cách ấy không chỉ thể hiện ở lời nói và việc làm mà còn thể hiện trong tác phong cử chỉ điệu bộ của người làm đối ngoại.Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong cách phi ngôn ngữ này luôn tạo được sự cuốn hút và thể hiện rõ mong ước hòa bình của dân tộc Việt Nam.Để diễn đạt ý của mình, trong một số trường hợp cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã linh hoạt dùng những hành động tinh tế để bày tỏ chính kiến. Khi thăm khu bảo tàng Pháp ở Normandi (Pháp) năm 1946, Người đã giơ tay bịt đầu nòng pháo là một thông điệp về phản đối chiến tranh và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Hình ảnh này sau đó được báo chí và truyền thông Pháp đăng tải nhiều lần, trở thành hình ảnh có sức lan tỏa vượt thời gian chính bởi thông điệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm đó. Cũng vào năm 1946, tại Paris, một nhà báo cánh hữu muốn làm giảm thiện cảm của những người Pháp đối với Chính phủ Hồ Chí Minh, đã đưa ra một câu hỏi có phần khiêu khích: Thưa Chủ tịch, Ngài có phải là cộng sản không?. Chủ tịch Hồ Chí Minh điềm tĩnh đi tới lẵng hoa trên bàn, rút ra những bông hoa đẹp nhất, đem tặng cho

những người có mặt, và nói: Tôi là người cộng sản như thế này!. Có sức mạnh hơn muôn vàn những lời nói phô trương và những bài diễn thuyết, bàn tay bịt nòng pháo hay cử chỉ rút những bông hoa xinh đẹp tặng người tới dự đó nói lên tất cả nhân cách con người Hồ Chí Minh cũng như nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Sau cuộc đám phán ở Pháp năm 1946, Hồ Chí Minh lên tàu về Việt Nam.Chiếc chiến hạm chạy khá chậm, vài ngày lại ghé bến sửa chữa và thường bắn tập phô trương sức mạnh của quân đội Pháp. Có những lúc còi tàu rú lên báo động từng hồi, tiếng chân lính chạy rầm rập, tiếng hô khẩu lệnh, thao tác vũ khí lách cách rồi pháo tầm xa, súng phòng không, súng máy bắn loạn xạ. Trên chiến hạm ấy, Bác vẫn điềm tĩnh và ung dung ngồi hút thuốc lá. Chỉ hành động hút thuốc giản đơn đó thôi, nhưng nó đã đè bẹp sự phô trương sức mạnh quân sự của cả chiến hạm kia, thể hiện rõ ý chí vững vàng cùng niềm tin vào độc lập. Bởi đó không chỉ đơn thuần là việc hút thuốc, mà đó là cả phong thái của con người đại diện cho cả đất nước, và cao hơn là ý chí của cả dân tộc.

Có thể nói rằng từ người dân Việt Nam cho đến bạn bè thế giới ai cũng dễ dàng nhận ra nhà ngoại giao Hồ Chí Minh vô cùng giản dị. Trước hết bởi vẻ bề ngoài của Người, Người không như các lãnh tụ trên thế giới với những trang phục lượt là lộng lẫy mà luôn mang vẻ đẹp giản dị với bộ quần áo kaki và đôi dép cao su giản dị.Đó là đôi dép được làm từ chiếc lốp ô tô quân sự của quân đội Pháp năm 1947, đôi dép được Bác sử dụng trong 20 năm, theo chân Người đi thăm các quốc gia bạn, và được coi như một trong những biểu tượng cách mạng về cuộc đời cách mạng Hồ Chí Minh. Người sử dụng đôi dép đơn giản bởi sự tiết kiệm và tiện dụng, nhưng với cương vị là nguyên thủ quốc gia thì đôi dép trở thành biểu tượng tuyên truyền hiệu quả, tạo ra sự khác biệt về hình ảnh Hồ Chí Minh gần gũi với dân chúng so với các đối thủ chính trị của ông. Trong chuyến thăm Ấn Độ, khi viếng mộ Thủ tướng Gandi, Bác cúi xuống cởi dép. Một tình huống ngoài dự kiến xảy ra, các nhà báo chen lấn

nhau để quay phim, chụp ảnh, bà con thì đến gần để nhìn tận nơi hay sờ cho được đôi dép cao su. Tất cả thực sự xúc động về sự thanh cao giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Hôm sau, các tờ báo đều in hình ảnh đôi dép của Bác.Một nhà báo nước ngoài gọi đôi dép của Bác là “đôi dép hải, lục, không quân” vì với đôi dép ấy, Bác từng đi lên máy bay, xuống thăm các tàu hải quân và hành quân trên đường đi chiến dịch. Nhà văn, nhà viết kịch An-giê-ri đã viết một vở kịch về Bác với nhan đề “Người đi dép cao su”; còn đồng chí Noxoca Xando, nguyên chủ tịch Đảng cộng sản Nhật khi sang thăm Việt Nam đã viết “hai bàn chân của đồng chí Hồ Chí Minh thu hút tâm chí tôi. Tôi nghĩ hai bàn chân này đã đi khắp thế giới”. Đúng là như thế, bao địa danh trên thế giới đã in dấu chân Người, và qua phong cách giản dị của Người, nổi lên hình ảnh đất nước con người Việt Nam thân thiện, yêu độc lập tự do. Ông Petr Simpson John –cựu sĩ quan quân đội Hoàng Gia Anh đến Đông Dương năm 1946 với tư cách quan sát viên của chính phủ Anh gặp Hồ Chí Minh bàn về việc thả một nhóm lính Ấn Độ nói “gần như ngay lập tức tôi cảm thấy ở ông có một cái gì đó rất hấp dẫn. Ông là một người rất giản dị, không khoác những bộ cánh đại lễ với những huy chương lấp lánh. Đó là một người hình dáng cân đối nhỏ nhắn, hơi già. Ông nói được 6 ngoại ngữ, đặc biệt ông nói tiếng Anh rất chuẩn.Do vậy chúng tôi hiểu nhau rất nhanh” [37, tr. 91].

Không chỉ có trang phục, mà ánh mắt và nụ cười Hồ Chí Minh cũng là tâm điểm chú ý của bạn bè trên thế giới. Từ ánh mắt sáng quắc đầy cương quyết của chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc khi nhìn vào thực dân trong khi Người đọc bản yêu sách Tám điểm tại đại hội Tua năm 1923 đến những ánh mắt đầy bản lĩnh và thân thiện trong các hoạt động đối ngoại sau này. Nụ cười của Người cũng luôn khiến đối phương phải băn khoăn. Ông P.J.Nehru người Ấn Độ đã nhận xét “Người luôn luôn giải quyết những vấn đề khó khăn với nụ cười trên môi”. Ông cũng nói “tiến sĩ Hồ Chí Minh là một nhân vật có sức thuyết phục và là một tấm gương vĩ đại cho thấy, rốt cuộc chính là cá tính

riêng, chứ không phải lý luận cao siêu mới làm nảy sinh ra tình hữu ái và hài hòa” [44, tr. 7].

Tiểu kết:

Như vậy, ta có thể thấy rõ ràng có một phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, và phong cách ấy luôn thể hiện từ tư duy tới hành động của Người, từ suy nghĩ bên trong tới vẻ bề ngoài, từ lời nói việc làm tới cả tác phong cử chỉ phi ngôn ngữ của Người. Cho dù là đối thoại với các chính khách, với báo giới và học giả hay với quần chúng nhân dân thế giới, Người luôn bình tĩnh và tự chủ, thông minh và linh hoạt, và luôn cởi mở chân tình khiến cho ai gặp Người cũng có ngay cảm giác gần gũi thân quen. Nét độc đáo trong phong cách ấy chính là con người, là nhân cách đạo đức và văn hóa Hồ Chí Minh, thể hiện rõ hình ảnh dân tộc Việt Nam.

Chương 3

Ý NGHĨA PHONG CÁCH NGOẠI GIAO HỒ CHÍ MINH VÀ VẬN DỤNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách ngoại giao hồ chí minh qua hoạt động thực tiễn của người (1945 – 1969) (Trang 66 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)