Sáng tạo trong hình thức đấu tranh ngoại giao

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách ngoại giao hồ chí minh qua hoạt động thực tiễn của người (1945 – 1969) (Trang 34 - 38)

2.1 Phong cách tư duy

2.1.3 Sáng tạo trong hình thức đấu tranh ngoại giao

Hồ Chí Minh là nhà ngoại giao đầy sáng tạo. Chính mục đích cách mạng rõ ràng, kết hợp với trí tuệ minh triết, và tư duy độc lập trong đánh giá tình hình đã giúp Người có cái nhìn bao quát về tình hình chính trị trong nước và quốc tế, từ đó đưa ra được những hình thức đấu tranh ngoại giao đầy sáng

tạo và hiệu quả. Hình thức đấu tranh ngoại giao của Người là một mặt trận được triển khai theo nhiều hướng, nhiều phương diện nhằm tạo dựng mặt trận đoàn kết nhân dân toàn thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Câu nói “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Người dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi sang Pháp năm 1946 đã thể hiện rõ sự linh hoạt sáng tạo trong đấu tranh ngoại giao của Người.

Trong những ngày đầu độc lập nhiệm vụ đối ngoại của Đảng ta là làm sao duy trì được hòa bình càng lâu càng tốt trên phần lớn đất nước. Là người đứng mũi chịu sào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương không chỉ đơn thuần là hòa hoãnđể tránh đối đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc mà còn phải biết sống chung với kẻ thù để kiềm chế chúng. Đây là sự vận dụng linh hoạt sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin về tranh thủ khả năng hòa hoãn với kẻ thù, là sự thỏa hiệp có nguyên tắc trong hoạt động đối ngoại của Bác Hồ và Đảng ta trong 15 tháng (23/9/1945 đến 19/12/1946). Lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp, lúc thì tạm hòa hoãn với Pháp để đuổi Tưởng ra khỏi nước ta mà không dùng đến biện pháp chiến tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, phân hóa và cô lập chúng đến cao độ. Trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh đã khôn khéo vận dụng mâu thuẫn giữa phái chủ chiến Đắc giăng liơ và phái chủ hòa Lơ Clec, mâu thuẫn giữa Pháp và Tưởng, lợi dụng mâu thuẫn giữa lực lượng Lưỡng Quảng do Lư Hán cầm đầu và phái Trung ương do Chu Phúc Thành chỉ huy, triển khai thuận lợi chính sách hòa hoãn với Tưởng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bác và Đảng đã lợi dụng mâu thuẫn giữa các phe phái, đảng ở Mỹ, giữa Pháp và Mỹ, giữa Mỹ và bè lũ tay sai Sài Gòn để triển khai biện pháp đấu tranh ngoại giao có lợi cho cách mạng. Tổng Bí thư Lê Duẩn viết “những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lê-nin-nít về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch và sự nhân nhượng có nguyên tắc” [5, tr. 31].

Xuất phát từ tư tưởng mong muốn hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đấu tranh ngoại giao bằng nhiều con đường. Trong hai cuộc kháng chiến, với hy vọng thức tỉnh lương tri của những người trong bộ máy điều hành của đối phương, Người trực tiếp gửi thư tới các chính giới Pháp và Mỹ. Theo thống kê chưa đầy đủ về các thư, điện báo, diễn văn, bài trả lời phỏng vấn…thì trong những năm kháng chiến chống Pháp, Người đã viết 30 tài liệu gửi chính phủ và nhân dân Pháp, tập trung nhất là vào những năm 1945 – 1947 là 24 bản, tức là trước và sau khi bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc, kể cả thời gian Người sang Pháp. Nội dung cơ bản là khẳng định quyền độc lập hoàn toàn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thiện chí hòa bình của Việt Nam. Trong thư gửi ông Bi đôn – lãnh tụ gia tôn giáo, ông Lêông Blum – lãnh tụ đảng xã hội Pháp, và ông Tô Rê – lãnh tụ đảng cộng sản Pháp, Người nói “tôi có thể đảm bảo với các ngài rằng nếu nước Pháp chịu thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, dân chúng Việt Nam sẽ hết sức hòa hảo với nước Pháp. Trái lại thế, dân chúng Việt Nam quyết rỏ đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ sự nghiệp tự do” [15, tr. 106].

Bên cạnh hình thức ngoại giao nhà nước, Hồ Chí Minh còn rất sáng tạo với hình thức ngoại giao nhân dân. Bởi theo Hồ Chí Minh ngoại giao không chỉ là việc riêng của “các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán là những cơ quan chuyên môn phụ trách, mà còn là các tổ chức khác như ngoại thương, văn hóa, thanh niên, phụ nữ, công đoàn cũng đều làm ngoại giao cả” [30, tr. 168].Người luôn tận dụng mọi cơ hội để có những cuộc tiếp xúc bên lề với nhân dân thế giới, làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ về Việt Nam, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, tập hợp các lực lượng ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố độc lập từ 1945 nhưng không có nước nào công nhận Việt Nam. Cho đến 1949 khi cách mạng Trung Quốc thành công và tình hình có nhiều biến động, Hồ Chí Minh đã sáng suốt khi quyết định chuyến đi băng rừng sang Trung Quốc vào đầu năm 1950 rồi

đến Liên Xô. Trong tình thế Việt Nam bị bao vây cô lập thì chuyến đi ngoại giao này đã mang lại những thắng lợi lớn cho cách mạng Việt Nam. Bước đi ngoại giao 1950 này đã đưa Việt Nam vượt khỏi tình trạng cách biệt với thế giới bên ngoài, làm cho các nước hiểu rõ thực chất vấn đề chiến tranh Đông Dương và tính chính nghĩa của cách mạng Việt Nam. Nhờ đó dấy lên phong trào ủng hộ Việt Nam ngày càng lan rộng trên thế giới. Sự viện trợ của Trung Quốc và Liên Xô khi đó có giá trị rất lớn với cách mạng nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là con người tiêu biểu cho phong cách ngoại giao “tâm công” rất độc đáo. Phong cách ngoại giao của Người luôn đề cao lòng nhân ái, thái độ chân thành, biết cảm thông và chia sẻ, xóa bỏ được ranh giới và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước đế quốc đang tiến hành chiến tranh ở Việt Nam. Trong bối cảnh thực dân Pháp đang cố tình gây chiến, chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và người Việt ngừng chảy.Những dòng máu đỏ chúng tôi đều quý như nhau” [15, tr. 310]. Và với nhân dân Mỹ, người nhiều lần khẳng định “chúng tôi phân biệt rõ ràng đế quốc Mỹ là kẻ thù và nhân dân Mỹ là người bạn của nhân dân Việt Nam” [23, tr.270 ]. Ít có vị lãnh tụ nào trên thế giới trong khi đang lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc mình, lại vẫn luôn bày tỏ sự cảm thông với nhân dân các nước ở phía bên kia chiến tuyến. Trong các bức thư gửi nhân dân Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bày tỏ Người không lên án bản thân những người lính Mỹ bị đưa sang Việt Nam vì họ cũng như các binh lính thuộc địa trước kia chẳng qua là công cụ của nhà cầm quyền. Vì vậy, Người nói “chẳng những chúng tôi đau xót vì đồng bào miền Nam chúng tôi phải gian khổ, hi sinh, mà chúng tôi cũng thương xót các bà mẹ và các người vợ Mỹ đã mất con, mất chồng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam do bọn quân phiệt Mỹ tiến hành” [23, tr. 271]. Tiếng nói chính nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân Mỹ đồng tình và chính họ đã tạo nên những làn sóng đấu tranh liên tục

chống chính quyền Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “nhân dân Mỹ đánh từ trong đánh ra, nhân dân ta đánh từ ngoài đánh vào.Hai bên giáp công mạnh mẽ thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thắng. Đó sẽ là thắng lợi vẻ vang của mặt trận tấn công hai nước, mà cũng là thắng lợi chung của nhân dân yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa” [23, tr. 524].

Sáng tạo là vận dụng đúng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, cái đặc thù. Đồng thời sáng tạo cũng là tìm tòi, đề xuất những cái mới để có thể trả lời được những đòi hỏi của cuộc sống đặt ra. Cái mới cái sáng tạo của Bác là phù hợp với quy luật khách quan của cách mạng Việt Nam, đồng thời phù hợp với quy luật chung của phát triển xã hội loài người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách ngoại giao hồ chí minh qua hoạt động thực tiễn của người (1945 – 1969) (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)