Kết hợp lý lẽ và tình cảm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách ngoại giao hồ chí minh qua hoạt động thực tiễn của người (1945 – 1969) (Trang 38 - 43)

2.2 Phong cách hoạt động đối ngoại

2.2.1 Kết hợp lý lẽ và tình cảm

Trong ngày đầu độc lập, trước nhân dân toàn thế giới mà đối tượng chính là đế quốc Mỹ và Pháp, Hồ Chí Minh đã dùng lý lẽ của chính kẻ thù để khẳng định quyền tự do độc lập không chỉ cả của dân tộc mình mà còn của tất cả các dân tộc trên toàn thế giới “tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc (... )Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và

quyền tự do” [15, tr. 9]. Cái “suy rộng ra” của Bác là cái được lấy từ chính cái luận cứ và lý lẽ “lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ” nhưng đó lại là sự bổ sung rất trí tuệ của Bác . Từ một chân lý đã biết, đã được công nhận, suy ra một chân lý tương tự, có chung logic bên trong . Đây là một đóng góp to lớn cho phong trào đấu tranh cách mạng toàn thế giới “với cuộc đời của dân tộc mình và cuộc đời của biết bao dân tộc bị đọa đầy khác, Bác đã đưa ra một sự bổ sung vĩ đại, góp phần xóa bỏ một vết nhơ nhục nhã trong lịch sử loài người” [39, tr. 160].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng hệ thống lý lẽ của sự thật để để bác bỏ luận điệu của đế quốc thực dân cũng như tố cáo tội ác của chúng trước dư luận quốc tế.Sức mạnh của sự thật bao giờ cũng đồng thời là sức mạnh của chính nghĩa.Tùy đối tượng, Hồ Chí Minh tìm những điểm tương đồng để khơi dậy tình hữu ái và tinh thần hợp tác giúp đỡ lẫn nhau. Người dùng lý lẽ kết hợp với tình cảm để ràng buộc họ, nếu họ không thực sự ủng hộ thì cũng đứng trung lập, không công khai chống lại ta. Sau cách mạng tháng Tám, quân đội Tưởng Giới Thạch hàng ngày hàng giờ khiêu khích, tạo cớ để lật đổ chính quyền cách mạng, Hồ Chí Minh vẫn kiên nhẫn, bình tĩnh đấu tranh thuyết phục các tướng tá của Tưởng Giới Thạch bằng lẽ phải. Hồ Chí Minh đề cao tinh thần kháng Nhật của nhân dân Trung Quốc, quan hệ truyền thống lâu đời giữa nhân dân hai nước, nêu khẩu hiệu “Hoa – Việt thân thiện”, tổ chức các hội hữu nghị Việt – Hoa. Đồng thời chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại tuyên bố của Tưởng Giới Thạch về việc “Việt Nam sẽ được tự trị để dần dần đi tới độc lập” để ràng buộc họ. Người nêu rõ “xem thế đủ thấy nước bạn Trung Hoa chúng ta từ chính giới, quân giới cho chí dân chúng đều nhiệt liệt đồng tình và viện trợ nền độc lập của chúng ta. Rất mong sự giúp đỡ bằng tinh thần đó sẽ mang lại cho chúng ta sự giúp đỡ bằng vật chất thiết thực hơn nữa”[15, tr. 129].

Sự kết hợp giữa lý lẽ và tình cảm, giữa tiếng nói của trí tuệ và tiếng nói của trái tim trong phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được thể hiện trong hoạt

động đấu tranh của Người những năm sau đó. Trước kẻ thù Người luôn giữ vững nguyên tắc độc lập tự do của dân tộc, đồng thời luôn đề cao nguyên tắc đạo lý chính nghĩa và nhân nghĩa trong quan hệ quốc tế, bảo vệ hòa bình và chống chiến tranh xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao lẽ phải, lòng mong muốn hợp tác hòa bình với nước Pháp trên cơ sở độc lập của Việt Nam và tôn trọng những quyền lợi kinh tế, văn hóa của nước Pháp ở Đông Dương. Điều đó đã thuyết phục được không ít những người Pháp có đầu óc cởi mở. Leon Blum, cựu thủ tướng Pháp sau nhiều lần tiếp xúc với Hồ Chí Minh ở Pháp, đã ủng hộ tiến trình thương lượng hòa bình để đạt được sự hợp tác với Việt Nam. Ông tuyên bố “muốn giữ vững ảnh hưởng văn minh, chính trị và văn hóa Pháp, muốn giữ gìn lợi ích vật chất của người Pháp ở Việt Nam thì có một phương pháp và chỉ một phương pháp mà thôi. Phương pháp đó tức là hợp tác thật thà trên nền tảng độc lập, tức là lòng tin nhau và nghĩa thân thiện” [16, tr. 5].

Từ những năm đầu hoạt động cách mạng, bằng nhận thức và lý luận thực tiễn cuộc sống, Hồ Chí Minh đã phân biệt rõ rệt bọn thực dân Pháp tàn ác và nhân dân Pháp yêu chuộng công lý. Ngay sau khi độc lập, Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ thái độ của chính phủ dân chủ cộng hòa trong thư gửi những người Pháp ở Đông Dương “chúng tôi không thù gì dân tộc Pháp (…). Sự chiến đấu của chúng tôi không nhằm đánh vào nước Pháp, cũng không nhằm đánh vào người Pháp lương thiện mà chỉ chống lại sự thống trị tàn bạo ở Đông Dương của chủ nghĩa thực dân Pháp” [15, tr. 72]. Đã nhiều lần Người chỉ ra tình cảnh bần cùng của người dân thuộc địa và của người dân lao động chính quốc để từ đó thấy mối đồng cảm sâu sắc và khả năng đoàn kết giữa hai lực lượng trong cuộc chiến đấu chung chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng người lao động, chống phân biệt chủng tộc. Trong thời gian sang thăm Pháp năm 1946, Người có nhiều dịp tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân Pháp. Người làm cho họ hiểu nguyện vọng chân chính của nhân dân Việt Nam, khơi gợi nỗi thương cảm chung của các bà mẹ Pháp và Việt khi chồng con họ phải

chết trong chiến tranh, kêu gọi họ hãy góp phần làm cho chính phủ Pháp ngừng tay trong cuộc chiến đẫm máu mà công nhận nền độc lập tự do của Việt Nam. Trong thư gửi phụ nữ Pháp, Người viết “khi một bà mẹ Pháp khóc thương con mình thì có biết bao nhiêu bà mẹ Việt Nam vừa khóc thương những người con mình bị chết lại vừa đau xót vì nỗi nhà tan cửa nát!...Hỡi các bà mẹ Pháp! Tôi kêu gọi tinh thần yêu nước cao quý và tình mẫu tử của các bà.Các bà hãy giúp chúng tôi ngăn chặn những sự hiểu lầm và mau chóng xây dựng mối tình hữu nghị và tinh thần hòa hợp giữa các con em chúng ta” [15, tr. 160,161].Cho đến khi nguy cơ chiến tranh ngày càng tới gần, Người nhấn mạnh “đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình.Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh, cả nước Pháp lẫn nước Việt Nam không thể phí sức gây một cuộc chiến khốc hại, và nếu phải kiến thiết trên đống hoang tàn thì thật là một điều tai hại”[15, tr. 207]. Hoan nghênh những cuộc đấu tranh vì hòa bình và hành động dũng cảm của nhân dân Pháp, Hồ Chí Minh gửi thư bày tỏ tình cảm của mình “không phân biệt namnữ, trẻ già, thợ thuyền, nông dân hay trí thức, các bạn đã đoàn kết để góp phần cố gắng và quyết tâm của mình, chúng tôi kính phục và theo dõi cuộc đấu tranh của các bạn” [16, tr. 455].

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hồ Chí Minh vẫn đặt niềm tin vào nhân dân Mỹ, phân định rõ ràng giữa những người Mỹ hiếu chiến với nhân dân Mỹ yêu tự do và hòa bình. Qua tuần báo Mỹ, Người nói “nhân dân chúng tôi được giáo dục theo tinh thần quốc tế chân chính. Trước đây, chúng tôi đã chú ý phân biệt thực dân Pháp với nhân dân Pháp yêu hòa bình thì ngày nay chúng tôi cũng chú ý phân biệt nhân dân Mỹ vĩ đại có truyền thống tự do với bọn can thiệp Mỹ và bọn quân phiệt ở Hoa Thịnh Đốn đang nâng đỡ chúng” [22, tr. 339]; “nhân dân Việt Nam không bao giờ nhầm lẫn nhân dân Mỹ yêu chuộng công lý với những chính phủ Mỹ đã phạm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam chúng tôi từ mười năm nay. Chính những kẻ đang phá hoại nền độc lập tự do của dân tộc chúng tôi cũng là những kẻ phản bội bản

Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ” [22, tr. 728]. Trả lời phỏng vấn của báo Mỹ, Người chia sẻ nỗi đau mất người thân của người phụ nữ Mỹ “chẳng những chúng tôi đau xót vì đồng bào miền nam chúng tôi phải gian khổ hi sinh mà chúng tôi cũng thương xót cho các bà mẹ và các người vợ Mỹ đã mất con, mất chồng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở miền Nam Việt Nam do bọn quân phiệt Mỹ tiến hành” [23, tr. 271].Ở Mỹ đã dấy lên phong trào phản chiến mạnh mẽ đến mức người ta nhìn nhận nước Mỹ đang chạm trán với hai cuộc chiến tranh dữ dội, một cuộc chiến ở Mỹ, một cuộc chiến ở Việt Nam.

Trong “điện gửi các bạn người Mỹ nhân dịp năm mới 1968”, Chủ tịch nêu rõ “các bạn đều biết, không hề có người Việt Nam nào đến khuấy rối nước Mỹ. Vậy mà có nửa triệu quân Mỹ đến miền nam Việt Nam, cùng với hơn 70 vạn quân ngụy và quân chư hầu, hàng ngày bắn giết người Việt Nam, đốt phá thành phố và xóm làng Việt Nam (…) hàng chục vạn thanh niên Mỹ phải chết và bị thương vô ích trên chiến trường Việt Nam. Chính phủ Mỹ xài phí về chiến tranh ở Việt Nam mỗi năm hàng chục tỷ đô la tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân Mỹ. Các bạn ra sức đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt xâm lược Việt Nam, vừa bảo vệ chính nghĩa, vừa ủng hộ chúng tôi” [23, tr. 325]. Tấm lòng chân thành cùng sự mẫn cảm chính trị đề cao chính nghĩa, đạo lý và khả năng xử thế linh hoạt trong giao tiếp đối ngoại đã tạo ra sức cảm hóa và trở thành nét đặc trưng của phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.

Sự kết hợp giữa lý lẽ và tình cảm này này đã khẳng định quyền độc lập tự do và tăng tiến sức mạnhngoại giao. Bằng lẽ phải và đạo lý, Người đã thu phục lòng người bằng chính nghĩa, chinh phục bằng nhân tình,thuyết phục được đông đảo nhân dân thế giới ngay cả đối thủ bên kia chiến tuyến. Bằng tình cảm, Người đánh thức tính hướng thiện của mỗi con người bởi “tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng dân nào cũng ưa sự lành mà ghét sự dữ”. Người chia sẻ các giá trị nhân văn chung của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Lý lẽ và tình cảm này cũng tạo nên sức cuốn hút của “ngoại giao tâm công” – vốn là một cách đánh ngoại giao rất hiệu quả và rất Hồ Chí Minh.Đằng sau

những lý lẽ ấy là một tầm tư tưởng, một tầm văn hóa lớn, là tình yêu của con người suốt đời đấu tranh vì độc lập tự do của các dân tộc. Lý lẽ và tình cảm trong con người Hồ Chí Minh hài hòa nhuần nhuyễn nên không chỉ có lý lẽ của chính nghĩa mà còn là đạo lý của cả dân tộc, là lẽ sống cao đẹp, là khát khao vươn tới cuộc sống độc lập tự do và hòa bình toàn nhân loại. Lý tưởng của Người vừa mang tầm vóc quốc tế vừa mang ý nghĩa nhân đạo của nhân loại thế kỷ XX.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách ngoại giao hồ chí minh qua hoạt động thực tiễn của người (1945 – 1969) (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)