2.3 Phong cách ứng xử
2.3.3 Đối với quần chúng nhân dân thế giới
Đối với bạn bè đồng chí quần chúng nhân dân thế giới, Hồ Chí Minh có cách ứng xử tự nhiên, bình dị, cởi mở chân tình, vừa chủ động linh hoạt lại vừa ân cần tế nhị và khiêm nhường. Mặc dù là lãnh tụ của một đất nước nhưng giữa người và nhân dân không hề có khoảng cách, nhân dân thế giới cũng như nhân dân Việt Nam. Người luôn thấu hiểu và đồng cảm với những khổ đau của họ, người quan tâm chăm sóc các em thiếu nhi, tới phụ nữ, khiến cho những người bạn quốc tế có cảm giác như được gặp gỡ với người thân trong một gia đình.
Trong chuyến đi thăm 9 nước anh em, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện phong cách ứng xử gần gũi thân tình như những người anh em đồng chí, không chỉ là với các chính khách mà còn gần gũi với nhân dân các nước, quan tâm đặc biệt tới các em thiếu niên nhi đồng thế giới. Người thường dùng các từ như “anh em”, “các bạn’, “chúng ta”…. Trong các cuộc tiếp xúc, Người bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc về sự ủng hộ vật chất cũng như tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhấn mạnh sự đoàn kết hơn nữa để chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Trong chuyến đi này Người luôn nhấn mạnh “Việt Nam độc lập thống nhất muôn năm”, tình đoàn kết các nước đại gia đình xã hội chủ nghĩa muôn năm, tình hữu nghị của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới muôn năm,và hòa bình thế giới muôn năm.
Khi Bác đi thăm Ấn Độ, Bác đã nhận được 150 bức thư của các đoàn thể và cá nhân từ các nơi gửi đến. Một cụ bác sĩ 90 tuổi viết : Nếu ta cần đến nghề thuốc của cụ, cụ sẽ xung phong sang phục vụ nhân dân Việt Nam. Một thanh niên què tay, cố gắng hết sức viết thư chào mừng Bác và chúc nước ta mau chóng thống nhất. Hội nhi đồng xứ Ufien gửi một bản quyết nghị cảm ơn Bác đã cho các em Ấn được gọi Bác là Sasa Hồ và xin liên lạc với nhi đồng Việt Nam. Hội các em gái mù mắt, khẩn khoản mời Bác đến thăm các cháu
dù là chỉ vài phút đồng hồ. Hội đấu tranh giải phóng xứ Goa, chi hội hòa bình thế giới của Ấn Độ, nhiều đoàn thể và nhân sĩ khác cũng gửi thư tỏ cảm tình và kính trọng Bác.
Phong cách ứng xử của Người chứa đựng những giá trị nhân bản của con người. Yêu thương, quý mến, trân trọng con người, hướng con người đến chân thiện mỹ.Mỗi hành động của Người đều thể hiện tính nhân hậu, khoan dung. Khi thăm trại tù binh trong chiến tranh Biên giới 1950, thấy một đại úy quân y Pháp ở trần đang run lên vì lạnh, Người đã cởi chiếc áo khoác của mình trao cho anh ta. Viên sĩ quan Pháp cảm động trào nước mắt. Trong buổi tiếp đồng chí Mác Dephrin, chủ tịch Ủy ban Việt Nam của Cộng hòa dân chủ Đức vào mùa xuân 1969, thấy đồng chí húng hắng ho, Chủ tịch Hồ Chí Minh cởi chiếc khăn quàng của mình, quàng cho đồng chí khỏi lạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người phi thường và xuất chúng. Những vị khách quốc tế gặp Người bao giờ cũng giữ lại ấn tượng sâu sắc và luôn tìm cách lý giải về sức cảm hóa kỳ lạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi vốn hiểu biết uyên bác, tài trí thông minh tuyệt vời, ý chí nghị lực, hoặc cũng bởi sự giản dị, lạc quan, thẳng thắn, kinh nghiệm và tự tin kết hợp với phong cách lịch thiệp nho nhã.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng xử rất nhanh nhạy nhưng cẩn trọng. Bác thường nhắc nhở cán bộ ngoại giao cần có thái độ và cách ứng xử phù hợp với từng đối tượng cụ thể khác nhau. Đối với các nước nhỏ thì đối xử càng phải thận trọng và khôn khéo. Trong chương trình thăm chính thức nước ngoài đầu tiên tới các nước xã hội chủ nghĩa năm 1955, dự định Bác sẽ thăm hai nước lớn là Trung Quốc, sau đó sang Liên Xô. Trên đường máy bay sẽ quá cảnh ở sân bay Ulan Bato. Biết được điều đó, Bác đề nghị cùng chính thức thăm Mông Cổ. Người không máy móc về hình thức, luôn uyển chuyển chủ động trong hoạt động đối ngoại. Bác đã nhắc nhở cán bộ ngoại giao “Các chú phải làm sao để mỗi người bạn quốc tế đến nước ta là gần và yêu Việt Nam hơn” [46]. Người quan tâm tới tất cả mọi người, không quên một ai, quả đúng là “Người thấy rừng và người thấy cả từng cây”.