1.5 .Tổ chức Khoa học và Công nghệ
1.5.3.2 .Tổ chức nghiên cứu ứng dụng
1.6. Khái niệm tự chủ và tự chịu trách nhiệm của tổ chức R&D
Trong từ điển tiếng việt, do tác giả Hoàng Phê chủ biên, Viện Ngôn ngữ học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992, tr 1055), tự chủ là “Tự điều hành, quản lý mọi công việc của mình, không bị ai chi phối. Tự làm chủ tình cảm, hành động của mình, không bị hoàn cảnh chi phối. Tự mình điều hành, quản lý, không bị ảnh hưởng của ai (quyền tự chủ trong sản xuất)”.
Trong Đại từ điển tiếng Việt, do tác giả Nguyễn Như ý chủ biên, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo (NXB Văn hóa – Thông
tin, Hà Nội, 1999, tr 1762), tự chủ là “Tự mình làm chủ, không để bị phụ thuộc hoặc bị chi phối”.
Các khái niệm về tự chủ đưa ra trong các từ điển tiếng Việt nêu trên gần như đồng nhất với nhau và đồng nhất một khái niệm được gọi là tự chủ thể chế - cho phép một tổ chức điều hành hoạt động của mình mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Tất nhiên mọi sự tự chủ của một tổ chức đều phải nằm trong khung khổ của pháp luật, nó là sự tự chủ có điều kiện và các điều kiện này được xác định bởi mối quan hệ giữa Nhà nước, xã hội và tổ chức. Từ đó cũng phát sinh những cách phân loại tự chủ chi tiết hơn, như tự chủ thực chất – Tổ chức có quyền xác định các chương trình hoạt động của mình và mục đích của những chương trình này, tự chủ về thủ tục – tổ chức có quyền xác định các phương tiện cần thiết để hoàn thành các chương trình hoạt động đã xác định và tự chủ về tổ chức – tổ chức có quyền xác định các đơn vị trực thuộc nó [24].
Nghị định 115/2005/NĐ-CP “quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập”. Vì thế, chúng ta thử tìm hiểu thêm về khái niệm tự chủ qua khái niệm autonomy.
Autonomy (người Hy Lạp cổ đại gọi là autonomos, người Hy Lạp dương đại gọi là autonomia, xuất phát từ auto “self” + nomos, “law”) có nghĩa là một người có sự tự do của ý chí để làm luật hay quy tắc cư xử cho mình, ngược với heteronomy – dị trị hay tha trị (lệ thuộc vào luật lệ của người khác). Autonomy là một khái niệm được tìm thấy trong triết học về luân lý, đạo đức và chính trị. Một trong những lý thuyết triết học về quyền tự chủ được biết đến nhiều nhất là lý thuyết đạo đức của Kant.
Trong một phân ngành của Xã hội học có tên gọi là Xã hội học tri thức, sự tranh luận về ranh giới của quyền tự chủ dừng lại ở khái niệm tự chủ tương đối, cho đến khi khái niệm về quyển tự được xuất hiện và phát triển trong nghiên cứu khoa học. Theo đó, hình thức hiện đại của quyền tự chủ trong khoa học là tự chủ tự thân, có nghĩa là: các nhà khoa học và các tổ chức khoa học có quyền và khả năng tác động tới việc lựa chọn các chủ đề nghiên cứu, cũng như có quyền và có khả
năng giải thích hoặc phản ánh các chủ đề nghiên cứu khác nhau, tức là tự chủ trong việc lựa chọn các chủ đề nghiên cứu, cũng như tự chủ trong cách thức thực hiện.
Theo tác giả Vũ Cao Đàm, bản chất quyền autonomy của các tổ chức KH&CN cần được thể hiện bằng các khía cạnh sau: (1) Tự trị quyết định phương hướng phát triển khoa học, (2) Tự trị tìm kiếm các nguồn tài trợ, (3) Xóa bỏ mọi rang buộc hành chính, (4) Tự trị chuyển đổi tổ chức và (5) Xác định các tiêu chí đánh giá kết quả và hiệu quả nghiên cứu dựa trên cơ sở các chuẩn mực khoa học [13].
Theo Pfeffer và Salancik định nghĩa tự chủ là khả năng bắt đầu hoặc chấm dứt hành động theo định hướng của chính mình.
Theo tác giả, khái niệm tự chủ là tự do hành động, có năng lực hành động để đạt được kết quả.
Tự chủ phản ánh mối quan hệ giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng để đáp ứng những thay đổi của môi trường, đáp ứng xu hướng phát triển. Trong tổ chức KH&CN, tự chủ thể hiện ở ba mặt:
Tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc chuyên môn. Tự chủ về quản lý nhân sự.
Tự chủ về quản lý tài chính.
Tự chịu trách nhiệm là sự tự đánh giá, tự giám sát việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ, sẵn sàng công khai hóa các hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền về tất cả kết quả của các hoạt động đó.
Cơ quan quản lý trao quyền tự chủ cho các chủ thể bị quản lý nhằm tạo sự chủ động cho chủ thể trong triển khai thực hiện mục tiêu đề ra, phát huy năng lực tối đa của tổ chức, cá nhân theo mục tiêu hoạt động.
Tổ chức, cá nhân theo mức độ hoạt động của mình sẽ xác định mức độ tự chủ phù hợp và buộc phải tự chịu trách nhiệm các hoạt động của mình. “Tự chủ và tự chịu trách nhiệm tồn tại song song” [4, điều 3].
1.6.1. Tự chủ trong tổ chức KH&CN
Tự chủ, tự chịu trách nhiệm là nền tảng và xuất hiện trong tất cả các mặt hoạt động của một tổ chức trên thị trường. Phát triển của các tổ chức KH&CN
không nằm ngoài qui luật này. Trong các tổ chức KH&CN, tự chủ, tự chịu trách nhiệm là quyền được chủ động thực hiện nhiệm vụ, quản lý sử dụng tài chính, tài sản, tổ chức và biên chế và chịu trách nhiệm với các vấn đề trên. Tổ chức KH&CN áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của tổ chức, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa các hoạt động KH&CN, sàng lọc và phát triển các đơn vị có năng lực.
Nghị định 115/2005/NĐ-CP ban hành ngày 05/9/2005 và các Thông tư hướng dẫn quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN, trong đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện tự chủ các mặt sau [1,tr.1].
1.6.1.1. Tự chủ về hoạt động KH&CN
Tổ chức KH&CN được tự chủ thực hiện đấu thầu cạnh tranh và chịu trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ Nhà nước giao. Tổ chức KH&CN tự chủ tiến hành các hoạt động KH&CN khác theo quy định của pháp luật như cung cấp dịch vụ KH&CN, phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ.
1.6.1.2. Tự chủ về tài chính
Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao theo phương thức khoán chi quỹ lương, hoạt động bộ máy và kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Các tổ chức này được tự chủ trong việc sử dụng các nguồn thu khác từ hợp đồng KH&CN với các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài.
1.6.1.3. Tự chủ về quản lý nhân sự
Thực hiện phân cấp và trao quyền tự chủ nhân sự cho tổ chức KH&CN trên cơ sở thực hiện chế độ viên chức và hợp đồng lao động đối với cán bộ KH&CN. Thực hiện quản lý nhân lực KH&CN nhằm phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ KH&CN, tạo động lực về vật chất và tinh thần, thực hiện chế độ thù lao, đãi ngộ theo mức độ cống hiến và các chính sách khuyến khích khác đối với cán bộ KH&CN.
1.6.1.4. Tự chủ về quan hệ hợp tác quốc tế
Tổ chức KH&CN được chủ động trong việc cử cán bộ ra nước ngoài, thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện nghiên cứu, đào tạo, tư vấn KH&CN và đảm
nhiệm chức vụ quản lý trong tổ chức KH&CN thuộc các lĩnh vực do Nhà nước quy định.
Tóm lại, Nghị định 115/2005/NĐ-CP đã trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN, tập trung thực hiện các công viêc duy trì hoạt động, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nhà nước (bao gồm tự chủ trong các hoạt động để đảm bảo thực hiện với nhiệm vụ của Nhà nước giao, kinh phí nhà nước cấp cho tổ chức KH&CN) và thực hiện các hoạt động trên thị trường dịch vụ KH&CN.
1.6.1.5. Quyền tự chủ
- Trong những năm đầu thế kỷ, châu Âu cũng từng sôi nổi nhiều với câu chuyện trao quyền tự chủ cho các đại học công lập và các viện nghiên cứu. Một tiền đề cho câu chuyện này là chất lượng của các đơn vị này có thể được cải tiến một cách tuyến tính so với mức độ tự chủ được trao. (Reicher & Tauch 2005 , Sursock & Smidt 2010 ).
Ta nên hiểu về việc trao quyền tự chủ như thế nào? Có phải đó là trao quyền tự do cho tất cả những cá nhân có trách nhiệm thực hiên công việc được giao. Tự chủ có phải là tự do hay không? Và tự do đó là gì? Hay là đó chính là quyền tự trị và tự quản của một tổ chức? Rồi nhiệm vụ của đơn vị, trách nhiệm đối với cơ quan chủ quản cũng như đối với xã hội có được đảm bảo hay không khi nhiệm vụ và trách nhiệm được chuyển giao cho một cá nhân hay một tập thể chịu trách nhiệm lãnh đạo tiến hành nhiệm vụ đó?
“Quyền tự chủ, khi thực hiện với tinh thần trách nhiệm (responsibility) và trách nhiệm-liên đới (accountability) chắc chắn sẽ dẫn đến sự xuất sắc trong học thuật, quản trị và quản lý tài chính của các tổ chức. Nếu nó không dẫn đến điều này, ta có thể kết luận một cách an toàn là quyền tự chủ đó đã bị lạm dụng.” (Triết lý Giáo dục của Trường Đại học Mumbai). Các dự thảo của Hiệp ước Bologna năm 2003 (P. Nyborg 2003 ) cho thấy việc tự quản về tài chính và tự do học thuật của một tổ chức là những yếu tố cần thiết cho sự phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học tạị Châu âu. Họ định nghĩa như sau:
Quyền tự chịu trách nhiệm trong học thuật (academic autonomy) là quyền tự do quyết định về các vấn đề học thuật như chương trình đào tạo, giáo trình và các công cụ giảng dạy, phương pháp sư phạm, kỹ thuật đánh giá học tập của sinh viên.
Quyền tự trị (administrative autonomy) là quyền tự do trong việc quản trị của cơ quan, đơn vị đối với cơ quan chủ quản. Đó là quyền tự do được quản lý các công việc theo hướng tác động và khuyến khích các tư duy cầu tiến, sáng tạo (initiatives) trong công việc và phát triển con người đang công tác cho cơ quan, và như vậy phát triển cơ quan theo chiều hướng năng động và sang tạo. Việc phát triển nguồn nhân lực là một trong những việc quản trị, và quyền tự do tuyển nhân sự và quyết định lương của các nhân sự này là một thành phần của quyền tự trị. Sự tự chủ của các tổ chức nghiên cứu được thiết kế gần giống như sự phân quyền (decentralized management), tuy nhiên trách nhiệm liên đới (accountability) chính là khung văn hoá đảm bảo sự thành công của việc tự quản của một đơn vị.Phải chăng quyền luôn luôn đi với trách nhiệm, mà nếu trách nhiệm không được đảm bảo thì quyền này sẽ đi đến đâu? Có ảnh hưởng gì cho cơ quan, đơn vị được giao quyền?