2.2. Quá trình chỉ đạo đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng bộ
2.2.4. Tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và
và cán bộ quản lý giáo dục, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác giáo dục
Chất lượng giáo dục và đào tạo được nhìn nhận từ nhiều yếu tố như: chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, chất lượng cơ sở vật chất, thiết bị, chất lượng môi trường giáo dục, chất lượng các chính sách giáo dục,… trong đó, yếu tố then chốt, quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo xét cho cùng là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Vì vậy, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo phải gắn liền với xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, phải thường xuyên đổi mới công tác quản lý giáo dục, đó là nhiệm vụ quan trọng và là điều kiện quyết định sự phát triển của giáo dục và đào tạo.
Nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong việc phát triển giáo dục và đào tạo, Đảng bộ đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường và đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản
lý có phẩm chất cao, đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục. Nhằm thực hiện mục tiêu trên, Đảng bộ chỉ đạo các đơn vị, nhà trường cử giáo viên, cán bộ đi học nâng chuẩn theo các phương thức: đào tạo tập trung, đào tạo tại chức, đào tạo từ xa, liên kết đào tạo, trước hết tập trung vào đội ngũ giáo viên trẻ, có năng lực. Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động lập kế hoạch thực hiện liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín để nâng cao chất lượng giáo viên. Cùng với công tác chuyên môn, Đảng bộ huyện thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường công tác phát triển Đảng trong đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, gắn với việc tổ chức thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua: “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và tự sáng tạo”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”,… Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 8/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về “chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục” và hưởng ứng Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được sự chỉ đạo của Đảng bộ, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành chỉ thị về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Trên cơ sở đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức ký cam kết thực hiện Cuộc vận động “hai không” với 4 nội dung: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp. Các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cuộc vận động sát với thực tiễn, phù hợp với điều kiện cụ thể.
Để tiếp tục động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có tài năng phát huy tốt nhất năng lực, trí tuệ, yên tâm gắn bó với nghề,
góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, Đảng bộ chỉ đạo tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài. Theo đó, những người đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngoài việc được hỗ trợ học phí, tiền tài liệu, phí đi đường, khi tốt nghiệp sẽ được hỗ trợ thêm. Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại giỏi về công tác tại địa phương được ưu tiên trong quá trình tuyển dụng. Chủ trương trên đã khuyến khích giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của huyện đi học thạc sĩ, tiến sĩ, nâng cao năng lực chuyên môn, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ giảng dạy.
Thực hiện chủ trương phân cấp quản lý của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 46/2001/QĐ-UB về việc phân cấp quản lý trực tiếp giáo dục mầm non, TH, THCS cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã. Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tây đã bàn giao việc quản lý toàn diện giáo dục mầm non, TH, THCS (năm 2001 chuyển quản lý ngân sách, năm 2002 chuyển quản lý con người) cho Ủy ban nhân dân các huyện. Vì vậy, từ năm 2001, Đảng bộ đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo quy định mới, công chức, viên chức nhà nước phải trải qua kỳ thi hoặc xét tuyển. Việc giao quyền tự chủ cho các trường trong công tác tổ chức cán bộ, bao gồm: tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, tăng lương, xét tập sự, ký hợp đồng,… với cơ chế tăng quyền tự chủ cho cơ sở, nhiều trường học đã đẩy mạnh công tác dạy và học đạt hiệu quả, đời sống đội ngũ cán bộ, giáo viên được cải thiện. Mặt khác, Đảng bộ huyện cũng chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện giáo dục đơn vị, giải quyết khiếu nại của nhân dân, đã giúp cho các đơn vị, nhà trường, cán bộ, giáo viên nâng cao vai trò, trách nhiệm, đồng thời chấn chỉnh kịp thời những vi phạm trong giáo dục và đào tạo.