Chương 3 NHẬN XÉT VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM CHỦ YẾU
3.2. Một số kinh nghiệm chủ yếu
3.2.2. Quán triệt, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, chính sách
sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo để đề ra chủ trương, biện pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo chính là căn cứ khoa học, cơ sở pháp lý để Đảng bộ huyện Thạch Thất quán triệt, vận dụng trong việc đề ra chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, chủ trương, đường lối của Đảng là chủ trương chung cho cả nước, mỗi địa phương lại có đặc điểm riêng, điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau nên trong việc quán triệt, vận dụng không được dập khuôn, máy móc mà phải hết sức linh hoạt, sáng tạo để đề ra chủ trương, biện pháp phù hợp với điều kiện cụ thể. Đây cũng là nguyên tắc quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng bộ huyện Thạch Thất nhằm đẩy mạnh giáo dục và đào tạo của huyện phát triển hơn nữa.
Vấn đề đặt ra đối với Đảng bộ huyện Thạch Thất là phải quán triệt, vận dụng như thế nào để vừa đảm bảo giáo dục và đào tạo của huyện luôn phát triển đúng hướng với chủ trương, đường lối phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng, vừa gắn bó chặt chẽ, phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đồng thời phù hợp với thực tiễn địa phương. Kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình Đảng bộ huyện Thạch Thất lãnh đạo phát triển giáo dục và đào tạo từ năm 1996 đến năm 2008 cho thấy, muốn vận dụng đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đề ra chủ trương, biện pháp phù hợp cần phải nắm vững những điều kiện thuận lợi, thời cơ, tiềm năng và những khó khăn, thách thức, hạn chế để từ đó xác định và thực hiện nhất quán quan điểm “giáo
dục là quốc sách hàng đầu”, phát triển giáo dục và đào tạo gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội nhằm tập hợp trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.
So với các huyện khác trong tỉnh Hà Tây, Thạch Thất là huyện có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tương đối thuận lợi. Đặc biệt, huyện còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi có truyền thống hiếu học, khoa bảng lâu đời. Đây là những đặc điểm khá riêng biệt, hết sức quan trọng mà Đảng bộ huyện cần lưu ý khi xác định chủ trương phát triển giáo dục và đào tạo của huyện. Mặt khác, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, sự đổi mới của giáo dục và đào tạo trên quy mô toàn cầu, cũng những yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời kỳ mới, giáo dục và đào tạo còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định từ mạng lưới trường lớp, quy mô, chất lượng giáo dục và đào tạo, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học,…
Trên cơ sở bám sát chủ trương của Đảng về phát triển giáo dục và đào tạo, nhận định một cách chính xác thời cơ, thách thức, căn cứ vào điều kiện thực tiễn địa phương, Đảng bộ huyện đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo trong từng giai đoạn cụ thể, xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo như: củng cố và phát triển mạng lưới giáo dục hiện có ở các cấp học, bậc học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực chất cho học sinh, có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ, đồng bộ, đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn; thực hiện tăng cường cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia; đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục,… Đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn địa phương: Phấn đấu đến năm 2007 hoàn thành phổ cập THCS đúng độ tuổi và đến 2010 phổ cập được THPT. Phấn đấu đến năm 2010 ở ngành học mầm non có số cháu trong độ tuổi nhà trẻ đến lớp đạt 45%, mẫu giáo đạt 75%, mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%; TH đạt
99,9%, THCS đạt 92% số trẻ trong độ tuổi đi học; tốt nghiệp các cấp đạt 99% trở lên,...
Đặc biệt, trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng, phân tích sát đúng điều kiện cụ thể của địa phương, Đảng bộ huyện Thạch Thất đã đưa ra một hệ thống các giải pháp chính xác, phù hợp để đảm bảo thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Nhờ đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện có sự phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Đây chính là bài học thành công mà Đảng bộ huyện cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trong giai đoạn hiện nay.
3.2.3. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của các tổ chức chính trị - xã hội cho phát triển giáo dục và đào tạo
Phát huy sức mạnh tổng hợp là yêu cầu khách quan có tính quy luật của cách mạng Việt Nam, là sự sáng tạo có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn. Phát triển giáo dục và đào tạo là sự nghiệp khó khăn, phức tạp, đặc biệt trong điều kiện hiện nay trước sự đan xen của những thời cơ thuận lợi và khó khăn mà nước ta đang phải đối mặt nên phát huy sức mạnh tổng hợp là con đường duy nhất để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, coi giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân nhằm xây dựng một xã hội học tập, phát huy trách nhiệm của cả cộng đồng là chủ trương đúng đắn của Đảng. Xã hội hoá giáo dục nhằm phát huy nguồn lực to lớn của toàn xã hội cùng tham gia vào quá trình phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời tạo điều kiện để mọi người dân được hưởng thành qua do giáo dục mang lại. Vì vậy, xã hội hoá giáo dục là quá trình làm cho xã hội nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của giáo dục và đào tạo để vừa chia sẻ khó khăn, vừa tham gia các hoạt động giáo dục, làm cho giáo dục phát triển theo mục tiêu đã đề ra.
Hiện thực hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, từ năm 1996 đến năm 2008, Đảng bộ huyện Thạch Thất đã từng bước chỉ đạo đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục và đào tạo với các nội dung chủ yếu sau: Đảng bộ đã chú trọng đến việc tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng xã hội cùng tham gia, tạo sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phát triển giáo dục và đào tạo; đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội đến từng cá nhân. Việc phát triển quy mô, mạng lưới, đa dạng hoá trường lớp được quan tâm. Bên cạnh việc củng cố các loại hình công lập, huyện còn mở ra các loại hình trường lớp như dân lập, tư thục để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình và năng lực, sức học của từng học sinh. Huy động và sử có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục và đào tạo. Triệt để khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xã hội, bao gồm: nhân lực, vật lực, tài lực và trí lực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Vì vậy, hàng năm, cùng với việc tăng thêm ngân sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, sử dụng hiệu quả nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn xây dựng cơ bản tập trung của huyện, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, Đảng bộ huyện Thạch Thất đã khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội và nhân dân đóng góp kinh phí phục vụ phát triển giáo dục và đào tạo của huyện.
Với quyết tâm cao độ của các cấp chính quyền, sự đồng thuận sâu sắc của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhà hảo tâm và nhân dân đã tạo ra một nguồn lực không nhỏ, khắc phục khó khăn về tài chính, kinh phí cho giáo dục và đào tạo. Không chỉ dừng lại ở nhu cầu tài chính, xã hội hoá giáo dục còn được thể hiện ở việc thành lập Hội đồng giáo dục các cấp để huy động trí lực của toàn dân, tăng cường khả năng phát kiến,
nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác giáo dục và đào tạo.
Kế thừa truyền thống hiếu học của địa phương, Hội khuyến học các cấp đã từng bước phát triển với tổng số quỹ huy động lên tới hàng trăm triệu, nhiều dòng họ cũng có nhiều hình thức động viên con em học hành tiến bộ. Với những hoạt động tích cực trên, ngày càng có nhiều học sinh chăm ngoan, học giỏi. Trong đó, xã Hương Ngải là một địa phương điển hình về phong trào khuyến học, khuyến tài. Quỹ khuyến học của xã được thành lập từ năm 1995, đến năm 2008, quỹ đã có số tiền lên đến 53.300.000 đồng. Nhờ sự ủng hộ, đóng góp của các gia đình, tổ chức, cá nhân, việc xây dựng và phát triển quỹ khuyến học đã có tác dụng tích cực trong việc khuyến khích con em trong xã rèn luyện, học tập, góp phần đáng kể vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của xã nói riêng, huyện Thạch Thất nói chung.