Chương 3 NHẬN XÉT VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM CHỦ YẾU
3.1. Nhận xét
3.1.2. Về hạn chế và nguyên nhân
* Hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, so với yêu cầu của sự phát triển, giáo dục và đào tạo ở huyện Thạch Thất vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém cần được nhìn nhận nghiêm túc, khách quan để kịp thời khắc phục, sửa chữa, đó là:
Về nhận thức và đề ra chủ trương, biện pháp, việc quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, chương trình của Trung ương Đảng, của Đảng bộ tỉnh ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức nên vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đúng đắn tầm quan trọng, ý nghĩa của việc phát triển giáo dục, chưa thấy được việc thực hiện “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” là sự nghiệp lâu dài, là nhiệm vụ của mỗi người,… Một số vẫn có tư tưởng phát triển giáo dục là nhiệm vụ của Ngành Giáo dục và Đào tạo, do vậy chưa tích cực tham gia đóng góp vì sự nghiệp “trồng người”. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo có nơi chưa kết hợp với công tác tư tưởng, tổ chức, kiểm tra, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của huyện.
Trong chỉ đạo thực hiện, phát triển giáo dục và đào tạo của huyện còn bộc lộ một số hạn chế sau:
- Việc chỉ đạo phát triển quy mô, mạng lưới trường, lớp:
Quy mô, mạng lưới trường lớp còn thiếu tính hợp lý, quy hoạch chưa đồng bộ. Mặc dù hệ thống trường lớp của huyện đã đáp ứng nhu cầu học tập của toàn dân, song chưa đáp ứng được nhu cầu phân luồng học sinh, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới việc phổ cập giáo dục.
- Việc chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo: Phương pháp giáo dục, phương pháp giảng dạy trong các nhà trường diễn ra còn chậm, hiệu quả giáo dục chưa cao. Chất lượng dạy và học các môn ngoại ngữ, tin học, giáo dục âm nhạc, mỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu. Cần tiếp tục đổi mới và chú trọng hơn nữa việc giảng dạy bộ môn đạo đức, giáo dục công dân trong các nhà trường.
Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của huyện, còn sự chênh lệch giữa các bậc học, cấp học, giữa các địa phương trong và ngoài sông Tích (trước năm 2001). Hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo
chất lượng cao chưa phát triển mạnh, chưa tạo thành mô hình chất lượng toàn diện để nhân rộng. Năng lực thực hành, thực tiễn, kỹ năng sống, lý tưởng sống của một bộ phận học sinh còn hạn chế. Việc tổ chức các hoạt động ngoại khoá, tổ chức các sân chơi mang tính trí tuệ chưa thực sự được quan tâm, ảnh hưởng không nhỏ tới việc rèn luyện và phát triển năng lực, trí tuệ của học sinh. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi có nhiều tiến bộ, số lượng và chất lượng học sinh giỏi đều tăng nhưng chưa ổn định.
- Việc chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục và đào tạo:
Đội ngũ giáo viên ở một số trường học chưa được bố trí, sắp xếp đồng bộ. Cán bộ thư viện, giáo viên thực nghiệm, thực hành còn thiếu, chuyên môn còn hạn chế, hoạt động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên chất lượng và hiệu quả công việc chưa cao. Giáo viên mầm non, chủ yếu là ngoài biên chế nên đời sống còn khó khăn. Một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý hạn chế về năng lực, thiếu tinh thần sáng tạo. Công tác quản lý giáo dục có nơi hiệu quả thấp, nhất là công tác tham mưu, đề xuất còn hạn chế. Một số cán bộ quản lý còn yếu về trình độ và năng lực tổ chức thực hiện. Một số nhà trường chưa thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch và quy hoạch phát triển.
- Về quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục và đào tạo:
Cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng đầy đủ cho các hoạt động giáo dục toàn diện, đặc biệt ở bậc TH, THCS. Nhiều đơn vị trường học có khuôn viên hẹp, không đủ diện tích đất theo quy định của huyện, nhiều trường không có khu dành cho giáo dục thể chất. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được chuẩn hoá cần được kiên trì nâng lên, cơ cấu các loại hình giáo dục chưa được đa dạng nhất là mô hình giáo dục chất lượng cao. Tốc độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm và không đồng đều giữa các xã.
Công tác xã hội hoá giáo dục trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, chưa khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh hiện có của địa phương.
* Nguyên nhân của hạn chế
Một số hạn chế, yếu kém trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan:
Nguyên nhân khách quan: Do tốc độ CNH, HĐH, đô thị hoá nhanh, đặt ra nhiều yêu cầu bức thiết đối với giáo dục và đào tạo, làm cho Ngành Giáo dục và Đào tạo chịu nhiều sức ép làm sao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ngoài ra, cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo nhiều thay đổi, có văn bản ban hành chậm, chưa kịp thời thông tin đến các nhà trường.
Một số nguyên nhân chủ quan:
Nhận thức của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, ban ngành về vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo còn chưa đầy đủ. Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở, của một số phụ huynh và học sinh về nâng cao chất lượng giáo dục, kiên cố hoá trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia còn hạn chế, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền còn chủ quan, chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ về phát triển giáo dục và đào tạo. Hệ thống giáo dục phát triển nhanh, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, ngân sách, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới toàn diện giáo dục. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục còn chậm. Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế. Bệnh thành tích trong giáo dục tuy đã được khắc phục nhưng còn nặng nề đối với một số giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh học sinh và một số nhà trường, cơ sở giáo dục.
Một bộ phận giáo viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chậm đổi mới về phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, lạc hậu, dẫn đến chất lượng dạy và học chưa cao, chưa đạt kết quả như mong muốn.
Công tác tham mưu, chỉ đạo của Ngành Giáo dục và Đào tạo còn nhiều bất cập, chưa tạo ra được những điển hình nổi trội và những đột phá. Hệ thống văn bản pháp lý quy định về việc phân cấp quản lý chưa đầy đủ, còn chồng chéo.
Cơ chế, chính sách khuyến khích huy động các nguồn lực từ Nhà nước, cộng đồng và các cá nhân, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia còn một số bất cập.