b. Giọng điệu đanh thép khi lên án, phê phán
3.2. Mạch lạc hình thành theo thời gian trong đối thoại kịch Lƣu Quang Vũ
Lý thuyết về thI pháp học đã định nghĩa: “Thời gian là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật” [17, tr.219]
Cụ thể hơn, giáo sư Trần Đình Sử đã khẳng định: “Thời gian nghệ thuật trong văn học không phải chỉ là quan điểm của tác giả về thời gian mà là một hình tượng thời gian sinh động, gợi cảm, là sự cảm thụ, ý thức về thời gian được dùng làm hình thức nghệ thuật để phản ánh hiện thực, tổ chức tác phẩm”
[41, tr. 242]
Thời gian trong văn học nói chung và trong các tác phẩm kịch bản của Lưu Quang Vũ nói riêng được quan sát ở cả 3 hướng vận động trên trục thời gian: quá khứ - hiện tại – tương lai. Vì thời gian là một hình thức nghệ thuật nên trong các vở kịch tác giả Lưu Quang Vũ đã vận dụng cả phương thức tổ chức
thời gian một chiều (diễn ra tuần tự theo trật tự trước sau của quy luật tự nhiên). Và đặc biệt hơn là thời gian đa chiều với việc đảo ngược thời gian, đồng hiện cả quá khứ, hiện tại. Qua sự lao động sáng tạo linh hoạt của nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ, thời gian là yếu tố quan trọng để phát triển các tình tiết kịch và tạo ra sự mạch lạc cho văn bản kịch, làm rõ ý đồ nghệ thuật của tác giả.
Thời gian đối với Lưu Quang Vũ nói riêng và nhiều tác giả khác nói chung như một sự ám ảnh bởi sự hữu hạn của đời người, bởi tình yêu đối với cuộc sống, bởi niềm say mê với khám phá nghệ thuật. Vì thế mà: “Người nghệ sỹ có thể làm sống lại khoảng thời gian đã mất bằng cách để cho con người tìm về với quá khứ, vui say với hiện tại hoặc tha thiết hướng tới tương lai. Thêm vào đó, thời gian đồng hiện giúp con người khắc phục những giới hạn đơn thuần của thời gian, vươn tới một tiếp xúc đa chiều: cái hôm qua, cái hôm nay và cái ngày mai. Có thể nói rằng qua bàn tay tái tạo của người nghệ sỹ, thời gian nghệ thuật có thể là một sự vận động đơn chiều, đơn điệu mà trở nên đa dạng nhiều chiều và hết sức gợi cảm” [38, tr.865].
Thời gian của tác phẩm kịch bị chi phối bởi thời gian của sân khấu nghệ thuật biểu diễn (từ 2 – 3 giờ đồng hồ phải hoàn thành toàn bộ vở kịch). Do đó, sự hữu hạn của thời gian sân khấu đòi hỏi tài năng xử lý các quan hệ thời gian trong tác phẩm kịch. Xử lý thời gian trong kịch có thể được coi là thời gian khó nhất trong các thể loại văn học. Trong kịch thời gian có thể là một giờ, một khoảnh khắc hay thời gian ước lệ là 10 năm, 20 năm… 1000 năm; lúc thì quá khứ, lúc thì hiện tại nhưng người xem vẫn hiểu được, vẫn lĩnh hội được nội dung, chủ đề tác phẩm nhờ tính mạch lạc của thời gian thông qua các phương tiện là từ ngữ chỉ dẫn thời gian.
Căn cứ vào lý thuyết về thi pháp học và việc khảo sát mạch lạc thời gian trong các tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ, chúng tôi chia làm hai loại:
- Mạch lạc hình thành theo thời gian một chiều. - Mạch lạc hình thành theo thời gian đa chiều.