Mạch lạc hình thành theo thời gian đa chiều

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát đặc điểm ngôn ngữ đối thoại trong kịch lưu quang vũ và vai trò của nó với việc tạo ra tính mạch lạc của văn bản kịch (Trang 112 - 120)

b. Giọng điệu đanh thép khi lên án, phê phán

3.2.2. Mạch lạc hình thành theo thời gian đa chiều

Mạch lạc hình thành theo thời gian đa chiều cũng được tính bằng trình tự các sự kiện xoay quanh nhân vật nhưng thời gian lịch sử, thời gian tự sự, thời gian phát ngôn không trùng khít lên nhau. Nghĩa là, thời gian trong kịch bản hoàn toàn bị ảnh hưởng, chi phối bởi nhân vật phát ngôn. Vì thế nó không phải là trình tự thời gian diễn biến của sự kiện trong lịch sử như kiểu thời gian một chiều nên sự kiện nào được diễn ra trước là do ý chủ quan của tác giả. Kiểu thời gian đa chiều này cũng dễ nhận thấy vì các sự kiện thay đổi trật tự so với thời gian thông thường, thời gian thực của cuộc sống. Do đó thời gian đa chiều hay còn gọi là thời gian đảo chiều (đảo tuyến): Khi thì đồng hiện, khi thì hồi tưởng, khi thì tiếp diễn… cũng là một bút pháp nghệ thuật tài hoa của tác giả kịch bản.

Khảo sát 6 vở kịch của Lưu Quang Vũ chúng tôi thấy mạch lạc hình thành theo mô tuýp thời gian đa chiều gồm 3 tác phẩm: “Tôi và chúng ta”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”.

Trước hết phải kể đến tác phẩm “ Tôi và chúng ta”. Vở kịch cũng có xuất phát điểm của thời gian phát ngôn là hiện tại như “Nguồn sáng trong đời” nhưng lúc này mọi việc đã diễn ra được 2 năm. Thời gian và không gian để Hoàng Việt xuất hiện thật rõ ràng: tại nghĩa trang thành phố, buổi chiều sắp tắt nắng, hôm nay là chủ nhật.

Mở đầu vở kịch là đối thoại của Hoàng Việt với cô gái dưới mộ tên Thanh và ông già trông nghĩa trang.

Ví dụ 14:

- Hoàng Việt: Một đoàn tàu hoả vừa chạy ngang qua đây, đất nghĩa trang rung chuyển… Thanh có nghe thấy không? Hôm nay là chủ nhật, đông anh chị em công nhân của xí nghiệp xuống thăm Thanh. Các bạn trẻ họ mang rất nhiều

hoa… hoa hồng trắng, hoa cúc vàng trên nấm mộ của Thanh… (ông già gác nghĩa trang xuất hiện, chăm chú nhìn Việt)

- Ông già: Sắp đến giờ đóng cửa nghĩa trang rồi đấy, đồng chí ạ…. Trời sắp tối…

- Hoàng Việt: (như sực tỉnh): Vậy ư? …xin…lỗi (định đứng dậy)

- Ông già: Không sao… Nếu anh muốn thì cứ ngồi nán lại. Tôi đóng cổng muộn một chút cũng được.

(Tôi và chúng ta, tr. 33)

Nhân vật chính của vở là Hoàng Việt với thời điểm phát ngôn trên trục thời gian hiện tại. Hiện tại là điểm nhấn để nhìn về mối quan hệ trong quá khứ và tương lai. Trong lượt lời của nhân vật Hoàng Việt và nhân vật ông già trông nghĩa trang, ta thấy xuất hiện trạng ngữ biểu thị thời gian hiện tại: “Hôm nay là chủ nhật” và “trời sắp tối”.

Nhưng nội dung chính kịch bản là sự hồi tưởng về những sự kiện, kỷ niệm trong quá khứ.

Ví dụ 15:

- Hoàng Việt: … “nếu như cô gái nằm dưới mộ kia biết những gì chúng tôi đã làm được trong 2 năm qua… Những điều trước đây mới chỉ là những bước đi ban đầu, những thử nghiệm táo bạo, bị phản bác, bị cấm đoán, nay đã được chấp nhận, đã là những lẽ phải đương nhiên. Cuộc sống mạnh hơn tất cả, một cuộc sống hướng tới sự hài hoà giữa một người và mọi người, giữa “tôi” và “chúng ta” như lời Thanh từng nói… Tôi nhớ lại tất cả… Hai năm trước, phải mới hai năm trước đây thôi… Đó cũng là ngày đầu tiên tôi biết Thanh…”

Với tham thoại trên của Hoàng Việt ta nhận thấy dấu hiệu hình thức là các từ ngữ chỉ dẫn thời gian quá khứ:

* Yếu tố phụ của động từ: “đã” (láy lại 3 lần), “từng”

* Trạng ngữ biểu thị thời gian: “hai năm qua”, “hai năm trước” (láy lại 2 lần)

* Từ ngữ biểu thị thời gian có tính chất phiếm định: “trước đây”

* Động từ có tính chất hồi tưởng: “nhớ lại”

Và cứ như vậy hồi ức quá khứ lần lượt hiện về trong 9 cảnh (gồm 158 trang văn bản). Mặc dù các sự kiện trong 9 cảnh còn lại của kịch bản vẫn được kể lại theo trình tự tuyến tính trước sau nhưng đan xen vào đó là sự nhận xét, bình luận đánh giá, nhìn nhận bản thân mình trong 2 hoặc 3 chiều của thời gian: hiện tại, quá khứ, tương lai…

3.2.2.1.Thời gian hai chiều - sự đan cài giữa quá khứ và hiện tại

* Ví dụ 16:

(cảnh 2, tại phân xưởng 1)

- Hoàng Việt: Vâng, mời bác… Hôm nay tôi xuống đây để nghe mà.

- Ông Quých: Vâng… Xí nghiệp chỉ đòi hỏi công nhân thực hiện nghĩa vụ mà chẳng đoái hoài mấy đến quyền lợi của công nhân thì … xin lỗi anh, không ổn đâu…

(cười, chào Việt, bỏ đi)

- Hoàng Việt: (nhìn theo ông Quých rồi quay lại Thanh): Cô thấy bác nói thế nào?

- Thanh: Anh phải nói chứ, bác ấy nói cốt để anh nghe mà.

- Hoàng Việt: Tôi nghĩ khác, tôi quen được dạy rằng “không được sống vì mình, phải biết quên mình”. Tôi là người lính, mà cả Thanh, Thanh cũng từng

chiến trường. Ngày đó chúng ta không đòi hỏi quyền lợi, mạng sống của mình cũng sẵn sàng hy sinh và rất nhiều người hy sinh không do dự. Điều đó thật tự hào, vậy mà bây giờ thì…ở đây người ta hỏi nhiều về quyền lợi… ngay cả cô, cả tiểu đội trưởng cũ của cô, cái cô Ngà dứt khoát đòi quyền tự dưng có một đứa con ấy…

- Thanh: Ngay cả chị Ngà, chị ấy cũng đã từng sẵn sàng hy sinh không do dự và bây giờ lúc cần chị ấy cũng sẽ lại như thế! Hồi đó là chiến tranh. Chiến trang không phải là đời sống, chỉ là sự bất bình thường của đời sống.

- Hoàng Việt: Nhưng bây giờ đâu phải là thực hoà bình, vẫn còn những người đang chiến đấu.

- Thanh: Ngay cả trong chiến đấu người ta cũng không coi rẻ bản thân mình đâu, người ta hy sinh vì tôn trọng phẩm giá của chính mình. Còn anh thì anh đã nói về công nhân với một cái nhếch mép coi thường. Chẳng lẽ trước kia

anh cũng coi thường các chiến sĩ của anh? … Trước kia, những ngày ở đỉnh đèo Bác-ba-lăng ở ngã ba Đông Dương, anh nhớ chứ?

- Hoàng Việt: Thanh cũng đã từng ở đó sao?

- Thanh: Ngày đó, tôi hay nghe các anh lái xe và các cô thanh niên xung phong kể về đại đội trưởng công binh Hoàng Việt, con người nghiêm khắc nổi tiếng, gan dạ nổi tiếng…

- Hoàng Việt: Vậy là chúng ta đã từng ở cùng một chỗ mà không gặp nhau.

Bây giờ lại ở cùng một xí nghiệp (chợt nghiêm lại). Nhưng Thanh ạ, bây giờ rất có thể chúng ta đang ở cùng một chỗ mà vẫn không gặp nhau, thậm chí đối nghịch nhau nữa, nếu như cô… Tôi đang cố đưa xí nghiệp vào nề nếp, vậy mà cô lại…

Đối thoại giữa Thanh và Hoàng Việt là cuộc tranh luận thế nào là “quyền lợi”. Sau khi nghe ông Quých công nhân lâu năm của xí nghiệp phát biểu, Hoàng Việt lắc đầu phủ nhận. Thanh, Hoàng Việt lần lượt hồi tưởng lại những năm tháng chiến đấu ở chiến trường, họ đã hy sinh quyền lợi của mình với tinh thần “ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” thế mà bây giờ ngay trong xí nghiệp, cá nhân đòi hỏi rất nhiều quyền lợi . Tác giả khéo léo cho các nhân vật tranh luận trên phông nền của quá khứ đối lập với hiện tại và qua đó khẳng định quan điểm của mình. Như vậy, rõ ràng việc sử dụng thời gian đa chiều (quá khứ, hiện tại) là một trong những bút pháp nghệ thuật của tác giả.

+/ Thời gian quá khứ được biểu hiện qua các từ ngữ: - Ngày đó (láy lại 2 lần)

- Đã

- Đã từng (láy lại 3 lần)

- Hồi đó

- Trước kia (láy lại 2 lần) - Nhớ (động từ hồi cố) +/ Thời gian hiện tại:

- Bây giờ (láy lại 5 lần) -Đang

* Ví dụ 17:

- Bộ trưởng: Có đấy, tội đã đi quá sớm

- Hoàng Việt: Cũng phải có người đi trước chứ anh?

- Bộ trưởng: Ngoài mặt trận, chưa có lệnh đã nổ súng, người ta gọi là cướp cò. Rất có thể phải kỷ luật anh lính đó.

- Hoàng Việt: Tôi nghĩ là đã có lệnh. Chính các anh đã ra cái lệnh ấy. Tôi vẫn nhớ lời anh thường nói: “hăng hái xông lên tìm tòi sáng tạo”. Trước kia, anh đã dạy tôi như thế.

- Bộ trưởng: Với cương vị người thầy. Còn bây giờ với cương vị người lãnh đạo… Chức giám đốc của cậu chưa to, chức Bộ trưởng và Uỷ viên TW Đảng của tôi cũng chưa to. Chúng ta chỉ là những chiến sĩ trong một cuộc chiến rộng lớn: “Chiến đấu chống lại cái cũ, cái bảo thủ, trì trệ của một đất nước nông nghiệp lạc hậu”…

(Tôi và chúng ta, tr. 160)

Ở trên là đối thoại của Bộ trưởng và Giám đốc Hoàng Việt. Sau một thời gian anh tiên phong làm cách mạng về đổi mới cơ chế quản lý, bứt phá trong kế hoạch sản xuất kinh doanh cho xí nghiệp Thắng Lợi. Thành công ấy đã được công nhân nhiệt tình ủng hộ nhưng những kẻ chuyên lợi dụng các nguyên tắc làm bình phong “giá đỡ” cho sự vô trách nhiệm, hưởng lợi cá nhân như Nguyễn Chính, Trần Khắc, Trương (quản đốc) thì câu kết, gửi đơn tố cáo Hoàng Việt. Bộ trưởng - thầy giáo của Hoàng Việt đã trực tiếp trao đổi, tranh luận vì trên mặt trận chống lại cái cũ, cái quan liêu, trì trệ mới thực sự bắt đầu. Những thử nghiệm táo bạo của Hoàng Việt chưa được đánh giá vẫn đang bị phản đối, cấm đoán… nên anh mắc vào “tội đi quá sớm” trên chiến trường không tiếng súng này.

Để lập luận, lý lẽ của đôi bên đối thoại có sức thuyết phục nhờ việc họ đều có sự đối chiếu, so sánh giữa hai trục thời gian: quá khứ - hiện tại thông qua từ ngữ sau:

+ Đã : láy lại 3 lần

+ Trước kia + Bây giờ

Nhờ 2 trục thời gian này mà người đọc tiếp nhận thông tin và suy luận logic khiến cho các đối thoại trở nên mạch lạc, nối liền tư tưởng chủ đề của kịch. Chủ đề chính của vở kịch này cũng chính là quan điểm mới mẻ về việc cần cải cách, đổi mới quản lý hành chính, kinh tế, chống lại tệ nạn quan liêu…

* Ví dụ 18:

- Hồn Trương Ba: Bà đã quen với cái hình vóc này của tôi chưa? - Vợ Trương Ba: Đã gần một tháng, cũng… cũng quen dần ông ạ.

- Hồn Trương Ba: … Đã gần một tháng, tôi là tôi mà cứ như không phải tôi… Trước kia, tôi đâu có biết anh hàng thịt là ai… (ngắm nghía lại tay chân mình). Cái thân xác cũ của tôi, tôi đã mang hơn 50 năm, chứ cái thân xác cồng kềnh này… (lắc đầu)

- Vợ Trương Ba: Quen dần… nhưng mà… lắm lúc, không hiểu sao, tôi vẫn cứ nhớ tới hình vóc ông hôm qua, lại thương cái người đã nằm dưới đất ấy…

- Hồn Trương Ba: Người nào? Dưới đất chỉ là cái xác thế mà bà bảo: Chỉ có cái hồn mới là đáng kể! Thân xác kẻ khác nhưng hồn vẫn là mình cơ mà.

- Vợ Trương Ba: Ừ! giờ một bữa ông ăn 8, 9 bát cơm. Trước ông ăn yếu lắm! Mà giờ ông lại hay đòi uống rượu.

- Hồn Trương Ba: (ngậm ngùi): Chẳng hiểu tại sao. Chắc vì anh hàng thịt nghiện rượu. Xưa tôi ghét nhất thứ đó! Bây giờ tôi vẫn ghét, nhưng cái thân xác tôi mang đã quen với thói cũ của nó.

(Hồn Trương Ba da hàng thịt, tr. 364 - 365)

* Ví dụ 19:

- Hồn Trương Ba: Đến lúc này, cả nhà chỉ còn mình con vẫn thương thày như xưa.

- Chị con dâu: Hơn xưa nữa, thưa thày… Bởi con biết giờ thày khổ hơn

xưa nhiều lắm (khẽ). Mà u con cũng khổ hơn xưa nhiều lắm…

- Hồn Trương Ba: Thày đã làm u khổ. Có lẽ cái ngày u chôn xác thày xuống đất, tưởng thày đã chết hẳn, u cũng không khổ bằng bây giờ.

- Chị con dâu: Thày bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thày ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy… mỗi ngày thày một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhoà mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thày nữa… Con càng thương thày… làm sao giữ được thày ở lại hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thày của chúng con xưa kia? Làm thế nào, thày ơi.

- Hồn Trương Ba: (Mặt lặng ngắt như tảng đá): Giờ thì cả con cũng… - Chị con dâu: Thày đừng giận nếu con đã nói điều gì không phải

- Hồn Trương Ba: Không, ta không giận. Cám ơn con đã nói thật. Bây giờ

thì… đi đi, cho ta được ngồi yên một lát. Đi đi!

(Hồn Trương Ba da hàng thịt, tr. 415)

Ví dụ 18, 19 trong vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” là đối thoại giữa Trương Ba với bà vợ và chị con dâu. Hai người thân thiết của Trương Ba ngày càng nhận ra sự đổi thay, tha hoá, lạ lẫm đến kinh sợ trước bi kịch hồn nọ - xác kia. Tấm thân anh hàng thịt to kềnh khiến ông Trương Ba trước kia chỉ ăn mỗi bữa vài bát cơm vậy mà bây giờ mỗi bữa ông ăn hết bảy, tám bát cơm. Không còn đâu cái phong thái nho nhã, thanh thoát của ông Trương Ba ngày nào nữa mà thay vào đó là sự thô lỗ, tục tằn của anh hàng thịt. Chính Trương Ba cũng

nhận ra sự thay đổi xấu xa ấy, ông day dứt, đau khổ và tìm mọi cách để gắng gượng, kiềm chế…

Gia đình nuối tiếc hình ảnh Trương Ba xưa và đau đớn trước hình ảnh của Trương Ba hiện tại. Sự đối lập này được ngòi bút tài hoa của Lưu Quang Vũ sử dụng các trạng từ, trạng ngữ, động từ chỉ dẫn thời gian 2 chiều: quá khứ - hiện tại để làm nổi bật bi kịch của sự tha hoá nhân phẩm dưới tác động của hoàn cảnh. Các từ ngữ chỉ thời gian này đã khiến các chi tiết, diễn biến tâm lý nhân vật như được “mắc vào nhau” tạo ra mạch lạc cho văn bản kịch nói chung và tô đậm cho sự giằng xé, bi kịch nội tâm của nhân vật Trương Ba nói riêng.

- Trục thời gian quá khứ: Đã gần một tháng (lặp 2 lần), đã hơn 50 năm, đã

(lặp 6 lần), trước kia, hôm qua, trước, xưa (láy 3 lần), xưa kia, nhớ.

- Trục thời gian hiện tại với các từ, cụm từ: Giờ (láy 3 lần); đến lúc này,

bây giờ (lặp 2 lần).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát đặc điểm ngôn ngữ đối thoại trong kịch lưu quang vũ và vai trò của nó với việc tạo ra tính mạch lạc của văn bản kịch (Trang 112 - 120)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)