Khi ta nói một câu bình thường ta thực hiện một nhận định, tư duy logíc xác lập mệnh đề. Đó là một hành động mệnh đề. Đồng thời ta cũng thực hiện một hành động giao tiếp nhất định. Nội dung của hành động giao tiếp ấy được biểu hiện trong lời nói. Đó là các hành động ngôn trung như miêu tả, trình bày, giải thích, cảnh cáo, thề, mắng nhiếc, khẳng định, phủ định, phán xử, thanh minh, khuyên bảo, hứa hẹn, phản đối, cam kết.
Theo tác giả Cao Xuân Hạo danh sách hành động ngôn trung có thể kéo rất dài nhưng về cơ bản thường phân loại câu như ngữ pháp nhà trường vẫn gọi là: “mục đích nói (năng)”:
1. Câu kể (Trần thuật) 2. Câu hỏi (nghi vấn)
3. Câu cầu khiến (mệnh lệnh, yêu cầu, sai khiến) 4. Câu cảm (than, gọi …)
Một hành động ngôn trung, cũng như các hành động khác, có nội dung và mục đích của nó và cũng có hình thức, cách thức thực hiện của nó. Vì thế có khi người ta thực hiện hành động hỏi không phải để hỏi mà để cầu khiến hay bày tỏ cảm xúc, bác bỏ, thanh minh … Tức là ý nghĩa của câu nói không hoàn toàn bộc lộ trên bề mặt phát ngôn mà nó phụ thuộc vào tình huống ngữ cảnh. Lúc ấy, người nói đã tạo ra một lực ngôn từ gián tiếp (hành động ngôn từ gián tiếp). Mỗi hành động ngôn từ gián tiếp đảm nhiệm một chức năng và một cấu trúc nhất định. Loại lực ngôn trung gián tiếp này ta gặp khá nhiều trong kịch bản Lưu Quang Vũ.
Căn cứ vào thao tác nhận diện lời cầu khiến gián tiếp trên tư liệu lời hỏi - cầu khiến của PGS.TS Đào Thanh Lan [23 ] để tìm hiểu ngôn ngữ đối thoại kịch
Lưu Quang Vũ, chúng tôi thấy hành động cầu khiến gián tiếp trong tham thoại dẫn nhập rất phong phú.
Trong phạm vi của luận văn, ở đây chúng tôi chỉ xem xét, khảo sát các kiểu cấu trúc trong tham thoại dẫn nhập và cấu trúc trong tham thoại hồi đáp.