Vấn đề Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD)

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Nhật Bản với các nước lớn trong thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001-2006) (Trang 42 - 44)

2.1. Chính sách của Nhật Bản đối với Mỹ

2.1.1.4. Vấn đề Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD)

Năm 1972 Mỹ có ký kết với Liên Xô Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM), nhưng sau sự kiện khủng bố 11/9 Mỹ đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước này, nó đã chứng tỏ Tổng thống Mỹ Bush quyết tâm phát triển Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia. Tuyên bố này của Mỹ gặp phải sự phản đối rộng rãi của dư luận toàn thế giới, nhưng một lần nữa Nhật Bản lại là nước ủng hộ tích cực và quyết định tham gia vào chương trình NMD đó. Hơn thế nữa, Nhật Bản còn chủ động đề nghị thảo luận với Mỹ ở cấp cao về khả năng triển khai các hệ thống này, cũng như tác động của nó đối với đảm bảo an ninh của Nhật Bản. Tháng 5/2002, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi và Tổng thống G.W.Bush đã đạt được sự đồng thuận rằng hai nước sẽ tăng cường hợp tác song phương trong chương trình NMD. Ngày 23/6/2003, Cục phòng vệ Nhật Bản cho biết NMD không chỉ nhằm bảo vệ Nhật Bản trước các vụ tấn công tên lửa, mà còn ngăn chặn những tên lửa bay qua bầu trời Nhật vào nước Mỹ, điều này có nghĩa là Nhật Bản sẽ phá hủy những tên lửa do một quốc gia thù địch phóng đi nhằm vào nước Mỹ. Ngoài việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên các đảo của mình, Nhật cũng trang bị hệ thống này cho lực lượng hải quân của lực lượng phòng vệ.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản có quan hệ gắn bó với chương trình tên lửa của Chính quyền Bush, một chương trình nhằm xây dựng chiến lược bảo đảm an ninh toàn cầu cho Mỹ. Việc hai nước hợp tác nghiên cứu chế tạo và bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực sẽ đẩy cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực lên một tầm cao mới. Qua những hành động hợp tác trên, có thể thấy hệ

thống đảm bảo an ninh toàn cầu Nhật Bản có thể sẽ hòa nhập vào chiến lược an ninh toàn cầu.

Trong năm 2005, chính quyền Koizumi đẩy nhanh tiến trình xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD), tăng cường khả năng tự chủ phòng vệ của mình. Mỹ không những không cản trở mà còn ra sức ủng hộ. Tháng 10/2005 Tổng thống Bush đã có chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản hết sức thân tình. Sau hội nghị chéo “2+2” hiệp thương an ninh (29/10/2005), Mỹ và Nhật Bản đã ký kết văn bản hợp tác “Quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật: vì cải cách và điều chỉnh tương lai”. Với văn bản này Mỹ đã có thể đưa tàu sân bay hạt nhân tới đóng quân lâu dài trên đất Nhật Bản. Cuối năm 2005, Tokyo và Washington cũng đã nhất trí triển khai hệ thống rada phòng thủ tiên tiến ở Nhật Bản.

Với các vấn đề và sự kiện nổi bật nói trên, có thể khẳng định được rằng, Nhật Bản với tư cách là đồng minh thân thiết và lớn nhất của Mỹ ở châu Á luôn có vị trí rất quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Đặc biệt từ khi Nhật Bản được lãnh đạo bởi Thủ tướng J.Koizumi và Mỹ sau sự kiện khủng bố 11/9, hai bên càng mong muốn thúc đẩy quan hệ với nhau hơn nữa. Trong hơn 5 năm cầm quyền của Thủ tướng Koizumi, chính sách đối ngoại, chính trị của Nhật Bản đối với Mỹ chủ yếu là diễn ra trên lĩnh vực hợp tác an ninh. Và thực tế sự kiện 11/9 lại thúc đẩy quan hệ Nhật – Mỹ, coi đó là thứ keo dính mới cho quan hệ song phương. Những đóng góp, ủng hộ cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã khiến cho quan hệ liên minh Mỹ - Nhật ngày càng được tăng cường và được đánh giá là mạnh hơn bao giờ hết. Thực vậy, quan hệ đồng minh truyền thống chiến lược giữa Nhật Bản – Mỹ trong thời kỳ lãnh đạo của Thủ tướng Nhật Koizumi luôn rất tốt đẹp như chính mối quan hệ cá nhân giữa ông Koizumi và Tổng thống Mỹ Bush. Cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng Koizumi 6/2006 Thủ tướng Nhật Koizumi đã lại có chuyến thăm chính thức tới Mỹ, hội đàm cùng Tổng thống Bush và cùng Tổng thống Mỹ đến thăm Graceland trang trại của Elvis Presley, và Nhà Trắng cũng đã có bữa tiệc long trọng cấp quốc gia để thiết đãi Thủ tướng Koizumi như một lời chia tay tới nhiệm kỳ

thành công của Thủ tướng. Trong bữa tiệc này Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đã hát ca khúc “Love me tender” của Elvis Presley với đoạn mở đầu là “Hold me close, hold me tight”. Hẳn là ông muốn dùng đoạn trích này để minh họa cho những lời phát biểu của ông về mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước Mỹ - Nhật. Theo Thủ tướng Koizumi, liên minh Nhật – Mỹ luôn đóng vai trò là trụ cột chính của hòa bình và an ninh của Nhật Bản từ sau Chiến tranh Lạnh và “Mỹ là một quốc gia duy nhất trên thế giới quan tâm tới một cuộc tấn công xâm lược từ bên ngoài vào Nhật Bản cũng như một cuộc tấn công và xâm lược vào chính nước họ” [98].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Nhật Bản với các nước lớn trong thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001-2006) (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)