Vấn đề Iraq

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Nhật Bản với các nước lớn trong thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001-2006) (Trang 38 - 40)

2.1. Chính sách của Nhật Bản đối với Mỹ

2.1.1.2. Vấn đề Iraq

Kết thúc năm 2002 với vấn đề Afghanistan, với nhiều biến chuyển trong quan hệ chính trị an ninh quân sự Nhật Bản – Mỹ, được đánh dấu bằng sự kiện Tổng thống Mỹ G.Bush trong chuyến viếng thăm chính thức Nhật Bản (tháng 2/2002). Một lần nữa Tổng thống Mỹ đã ca ngợi quan hệ đồng minh Nhật Bản – Mỹ, và phía Nhật Bản luôn thể hiện là một đồng minh có quan hệ chặt chẽ toàn diện với Mỹ, luôn ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu do Mỹ khởi xướng. Bước sang năm 2003 Mỹ coi vấn đề khủng bố quốc tế là quốc sách

hàng đầu mà Iraq nhanh chóng bị Washington liệt vào mục tiêu quốc sách này và vào “trục ma quỷ”. Hơn nữa, tấn công Iraq là bước đầu tiên để Mỹ gạt bỏ những trở ngại và khống chế được Trung Đông, nhất là khu vực vùng Vịnh – cũng có nghĩa là khống chế được nguồn năng lượng ở đó. Và Mỹ đã tiến hành cuộc chiến rầm rộ tấn công Iraq từ 20/3/2003 với cái cớ là Iraq tàng trữ và sản xuất vũ khí hàng loạt. Cuộc chiến này đã gặp phải sự phản đối của dư luận toàn thế giới. Nhật Bản với tư cách là đồng minh số một của Mỹ ở châu Á , Thủ tướng Koizumi không chỉ trên cương vị đặc biệt coi trọng mối quan hệ đồng minh này mà còn là người bạn thân thiết của Tổng thống Mỹ G.Bush (một tình bạn được đánh giá là hiếm có của hai nhà lãnh đạo hai siêu cường của thế giới), đã ủng hộ cuộc chiến này của Mỹ cho dù người dân Nhật Bản phản đối. Chính phủ Nhật Bản ủng hộ cuộc chiến này của Mỹ bằng cách thảo luận về chính sách viện trợ cho Mỹ, với trọng tâm là lĩnh vực phi quân sự. Trong lĩnh vực chi viện quân sự: Nhật Bản có thể chi viện cho quân đội Mỹ ở nhiều mức độ khác nhau, trước hết là Mỹ có thể sử dụng căn cứ quân sự trên đất Nhật. Cuộc tấn công Iraq của Mỹ kéo dài hơn một tháng, đến trung tuần tháng 4/2003. Tuy nhiên Mỹ không thể lường trước được những khó khăn gặp phải ở một Iraq hậu chiến. Công cuộc khôi phục và tái thiết Iraq khó khăn khiến Mỹ càng cần đồng minh. Thủ tướng Nhật J.Koizumi là người luôn theo Mỹ, ra sức ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần hai này. Ngay sau khi cuộc chiến kết thúc được hai tháng, từ 24/6/2003 Hạ viện Nhật Bản đã bắt đầu xem xét và sửa đổi, bổ sung thêm Dự luật chống khủng bố và dự thảo luật về viện trợ khôi phục tái thiết Iraq. Trong thời gian thảo luận hai vấn đề này, các đảng trong liên minh cầm quyền đã ưu tiên nhiều hơn cho vấn đề “ dự luật khôi phục Iraq”. Dự luật này được coi là một cam kết của Thủ tướng Nhật Koizumi với chính phủ Mỹ trong vấn đề chia sẻ trách nhiệm khôi phục đất nước Iraq sau chiến tranh. Nhật Bản đã coi vấn đề của Mỹ ở cuộc chiến Iraq như vấn đề của chính nước mình. Trong thời gian này chính phủ Thủ tướng Koizumi cũng có kế hoạch gửi Lực lượng phòng vệ SDF tới Iraq và tham gia chương trình trong và xung quanh Baghdad. SDF tham gia vận chuyển người và lương thực, đồng thời chính phủ Nhật cũng đưa 6 máy bay vận tải C130

tới Kuwait và Cata vận chuyển người và lương thực sang Iraq bằng đường hàng không. Đáp ứng lời kêu gọi chia sẻ gánh nặng Iraq hậu chiến của Mỹ, trong Hội nghị quốc tế về tái thiết Iraq tổ chức ở Madrid – Tây Ban Nha cuối tháng 10/2003, Chính phủ Nhật đã tuyên bố quyết định đóng góp 5 tỷ USD trong bốn năm tái thiết Iraq, trong khi đó tổng số tiền mà 73 nước và hơn 20 tổ chức quốc tế, hơn 300 doanh nghiệp tham gia cam kết tài trợ cho Iraq là 33 tỷ USD. Tất cả những động thái này đều thể hiện thái độ cộng tác nhiệt thành của Thủ tướng Koizumi đối với công cuộc khôi phục và tái thiết Iraq. Sự nhiệt thành của Nhật Bản không chỉ dừng lại ở lĩnh vực viện trợ kinh tế mà còn thể hiện cả trong các lĩnh vực khác. Ngay sau thắng lợi của cuộc bầu cử toàn quốc ngày 9/11/2003 thì Thủ tướng J.Koizumi đã ra quyết định cuối cùng về việc phái các nhân viên quân sự và dân sự (gần 1000 người) tới Iraq theo Luật đặc biệt chi viện tái thiết Iraq vào đầu năm 2004. Như vậy, nếu như trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất, đồng minh Nhật Bản đóng góp 13 tỷ USD cho Mỹ để tránh không phải gửi binh lính Nhật tới Iraq thì trong cuộc chiến vùng Vịnh lần 2 này Thủ tướng J.Koizumi đã hỗ trợ Mỹ cả về tài chính và quân sự. Có thể nói rằng đồng minh Nhật Bản của Mỹ dưới thời Thủ tướng Koizumi lãnh đạo đã có những hành động để càng chứng tỏ được sự nhiệt thành và khăng khít hơn trong quan hệ với Mỹ.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Nhật Bản với các nước lớn trong thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001-2006) (Trang 38 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)