Những đặc điểm cơ bản

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Nhật Bản với các nước lớn trong thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001-2006) (Trang 91 - 98)

Thứ nhất, phục vụ lợi ích quốc gia của Nhật Bản vì mục tiêu xây dựng “quốc gia bình thường”, trở thành cường quốc cả về kinh tế và chính trị, lãnh đạo khu vực và thế giới. Chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với các nước lớn Mỹ, Trung Quốc, Nga là kết quả của những nhận thức kịp thời và nhạy bén của giới lãnh đạo Nhật Bản, đứng đầu là Thủ tướng Koizumi trước những biến đổi của tình hình thế giới, khu vực và trước nhu cầu thực tại của Nhật Bản. Ông được đánh giá là người bắt đầu hiện thực hóa thuyết một “quốc gia bình thường” của Ichiro Ozawa. Ichiro Ozawa từng giữ vị trí Bộ trưởng phụ trách các vấn đề trong nước (1985), Tổng Thư ký LDP (1989), cho xuất bản cuốn sách “Đường hướng vì một nước Nhật Bản mới”, trong đó lần đầu tiên đưa ra khái niệm “quốc gia bình thường”. Và diện mạo của một nước Nhật Bản bình thường theo hình dung của ông Ozawa thể hiện ở tư thế chủ động hơn, quyết đoán hơn, một lập trường độc lập trong chính sách an ninh, đối ngoại. Những biến động chính trị và tình hình kinh tế suy thoái của Nhật Bản trong thập kỷ cuối của thế kỷ XX đã cản trở các nhà lãnh đạo Nhật Bản trong việc đưa đất nước trở thành “quốc gia bình thường”. Phải đến những năm đầu thế kỷ XXI, khi Junichiro Koizumi lên làm thủ tướng thì mong muốn trở thành “quốc gia bình thường” của Nhật Bản mới bắt đầu triển khai. Gọi là một quốc gia hay một cường quốc bình thường thì chỉ là cách nói của người Nhật mà đằng sau nó là khát vọng vươn lên trở thành một cường quốc thực sự vừa có sức mạnh kinh tế, vừa có sức mạnh chính trị như các cường quốc khác, có một vị thế xứng đáng trong trật tự quốc tế trên phạm vi toàn cầu.

Nhật Bản đã có những chính sách đối ngoại linh hoạt, tăng cường liên kết khu vực, lấy mối quan hệ với Mỹ là trụ cột, cải thiện và tăng cường mối quan hệ với hai nước lớn láng giềng, để tạo một tiền đề cho sự vươn lên trở thành một quốc gia không những chỉ mạnh về kinh tế “người khổng lồ một chân” mà Thủ tướng Koizumi tham vọng đưa một nước Nhật trở thành một cường quốc về chính trị, có uy tín và tiếng nói trên trường quốc tế. Xu hướng dân tộc chủ nghĩa đang nổi lên ở Nhật Bản với việc nước này hiện đang mong muốn nâng cao vai trò của mình trong cộng đồng quốc tế, ủng hộ sửa đổi Hiến pháp hòa bình, cho phép quân đội Nhật Bản có quyền hạn lớn hơn cũng như với việc mong muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Phía Mỹ bày tỏ công khai quan điểm của mình khi cho rằng Mỹ có lý do để chấp nhận xu hướng mới này trong chính sách của Nhật và Mỹ vẫn tham vấn cho Nhật Bản tránh các hành động cực đoan như vũ khí hạt nhân. Nhật Bản có thể trở thành một phần quan trọng của cán cân quyền lực châu Á. Hơn nữa, qua thời gian trong tương lai với cuộc cách mạng về quan hệ quân sự, quân đội Mỹ và các căn cứ hải ngoại của Mỹ trên đất Nhật sẽ giảm đi hoặc bị dỡ bỏ với mục tiêu mới là triển khai nhanh vũ khí hiện đại và sự ủng hộ của các đồng minh. Nhật Bản phải chuẩn bị để đóng vai trò đó, vì thế Nhật Bản đã đang và sẽ vươn lên để trở thành một người khổng lồ đứng vững bằng hai chân chính trị và kinh tế của mình.

Thứ hai, Nhật Bản tập trung cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc, Nga và tăng cường liên kết hợp tác với Mỹ. Để xác lập được vị thế ở khu vực Đông Á, và trên trường quốc tế, cụ thể ở đây là trở thành ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Chính vì thế, Nhật Bản đặc biệt coi trọng mối quan hệ với một cường quốc láng giềng đang trỗi dậy đầy tiềm lực là Trung Quốc, và một cường quốc có sức ảnh hưởng lớn đến tình hình thế giới là Nga, hai cường quốc này không những có sức ảnh hưởng đến thế giới mà còn là láng giềng gần gũi của Nhật Bản. Chính phủ Koizumi chủ trương cải thiện và tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga trên mọi cấp độ, thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Quan điểm của Thủ tướng Koizumi đối với là dù cho có sự khác biệt hoặc bất đồng ý kiến về một số vấn

đề nhất định, Trung Quốc và Nga là hai nước láng giềng quan trọng, và Nhật Bản sẽ nỗ lực tăng cường sự hợp tác và phát triển quan hệ hướng tới tương lai dựa trên sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau. Ngay khi lên nắm quyền không lâu, Thủ tướng Koizumi đã chủ động cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Nga bằng các cuộc viếng thăm chính thức. Với thái độ thiện chí, Thủ tướng Koizumi nhiều lần đưa ra lời xin lỗi về cuộc chiến xâm lược với Trung Quốc đã gây nhiều đau thương và mất mát cho nhân dân nước này. Còn đối với Nga, Nhật Bản cũng thiện chí và khéo léo trong việc đàm phán về vấn đề tranh chấp vùng đảo Kuril, tăng cường sự hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Đối với đồng minh truyền thống chiến lược của Nhật Bản là Mỹ, từ khi thủ tướng Koizumi lên cầm quyền càng trở nên thân thiết hơn bao giờ hết. Hai nước coi việc tăng cường an ninh với nhau trong thế kỷ XXI có tầm quan trọng đối với an ninh và phát triển kinh tế của cả khu vực chứ không chỉ với lợi ích của riêng hai quốc gia. Quan hệ song phương này được cả hai Chính quyền hai nước xác định là hòn đá tảng vô cùng quan trọng, quan hệ an ninh này đã chuyển từ tính chất phòng thủ truyền thống sang tăng cường sự dính líu vào các vấn đề khu vực, đảm bảo cho an ninh và lợi ích chiến lược của hai quốc gia.

Ba là, chính sách “ngoại giao kinh tế” kết hợp với “ngoại giao văn hóa”. Nhật Bản muốn trở thành nước có vị thế chính trị ngày càng lớn hơn trên thế giới, trước hết đặc biệt là khu vực Đông Á, vì thế Nhật Bản đã thông qua cầu nối kinh tế để tạo dựng uy tín.

Viện trợ ODA của Nhật Bản dành cho Trung Quốc thực sự đã phát huy tác dụng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, chính điều này đã là sự đầu tư gián tiếp cho sự trỗi dậy của Trung Quốc kể cả quân sự. Thế nên từ năm 2003, sau những căng thẳng về chính trị giữa hai nước, ODA của Nhật vào Trung Quốc đã phải cắt giảm 20%/năm.

Đối với Nga, đầu tư trực tiếp FDI của Nhật Bản vào Nga trong thời gian Thủ tướng Koizumi cầm quyền cũng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và năng lượng, làm cho mối quan hệ kinh tế của hai nước ngày càng có những bước tiến đáng kể. Từ mối quan hệ kinh tế được tăng cường, thì quan hệ ngoại giao cũng sẽ có những thân tình và ngày càng nồng ấm, giúp cho hai bên có thể có những giải pháp cho những vấn đề còn bất đồng và chưa thể đi đến hồi kết đó là vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Còn với Mỹ, kinh tế Nhật Bản thực sự có ý nghĩa rất to lớn cho sự phát triển an ninh quân sự của Mỹ và cũng là của chính liên minh Nhật – Mỹ. Nhờ có tiềm lực kinh tế của Nhật Bản hỗ trợ cho Mỹ trong các vấn đề Afghanistan, Iraq, Triều Tiên, vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia mới dễ dàng được giải quyết và làm cho liên minh Nhật – Mỹ ngày càng vững chắc.

Tăng cường hợp tác, trao đổi văn hóa với các nước lớn cũng chính là chính sách “ngoại giao văn hóa” được Nhật Bản sử dụng như một công cụ ngoại giao hữu hiệu giúp Nhật Bản và các nước nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ cho “ngoại giao kinh tế”. Trong chính sách “ngoại giao văn hóa” của Nhật Bản, đáng chú ý là sự quan tâm quan trọng của Thủ tướng Koizumi, người lãnh đạo đi đầu trong chiến lược này. Thủ tướng Koizumi đã tổ chức một cuộc “Hội đàm thúc đẩy ngoại giao văn hóa” vào năm 2005, tại cuộc hội đàm quan trọng này, đã có sự góp mặt của các học giả, chuyên gia hàng đầu Nhật Bản cùng nghiên cứu những vấn đề làm sao để nâng cao quốc lực văn hóa của Nhật Bản, triển khai ngoại giao văn hóa, nâng cao ảnh hưởng quốc tế của Nhật Bản, với một chính sách ngoại giao mới mang tên “ Một quốc gia hòa bình của giao lưu văn hóa” đã được ra đời. Mục tiêu là nâng cao sự hiểu biết về đất nước, con người, văn hóa Nhật trong con mắt quốc tế, nuôi dưỡng sự tin tưởng hiểu biết lẫn nhau. Nhật Bản muốn dùng sức mạnh của văn hóa tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý cả thế giới, từ đó nâng cao hình ảnh của Nhật Bản là một vấn đề trọng yếu của ngoại giao văn hóa Nhật Bản trong thế kỷ XXI. Các hoạt động “ngoại giao văn hóa” được tổ chức dưới nhiều hình thức như

hoạt động giao lưu giữa các đoàn nghệ thuật, liên hoan lễ hội, tổ chức triển lãm nghệ thuật, giao lưu giữa các trường đại học, giao lưu nhân dân, hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật, trao đổi học thuật, trao đổi giáo dục và đào tạo…Một hình thức trao đổi văn hóa nổi lên trong thời kỳ này là tổ chức các hoạt động chung mang tính quốc gia. Năm 2002, một loạt các sự kiện và các hoạt động trao đổi được tổ chức trên quy mô lớn tại Nhật Bản và Trung Quốc với chủ đề “Năm Nhật Bản” “Năm Trung Quốc”. Hàng loạt các hoạt động văn hóa được tổ chức mang tầm quốc gia giữa hai nước Nhật Bản – Nga, và Nhật Bản – Mỹ khác… Chính sách “ngoại giao văn hóa” giúp cho Nhật Bản hiểu được suy nghĩ và tâm lý của những người bạn láng giếng lớn, đồng minh truyền thống của mình, đồng thời tạo ra hình ảnh một đối tác luôn đáng tin cậy đối với các nước lớn Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Bốn là, nhân tố Mỹ trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản nói chung và với hai nước Trung Quốc và Nga nói riêng. Mặc dù Nhật Bản đã xác định tự chủ và độc lập hơn trong đường lối đối ngoại, song Nhật Bản vẫn coi trọng quan hệ đồng minh với Mỹ. Chủ trương của chính quyền Koizumi là xây dựng mối quan hệ khăng khít với Mỹ, và dựa vào mối quan hệ này mà củng cố quan hệ với các nước lớn khác cụ thể là Trung Quốc và Nga. Ảnh hưởng của Mỹ đến chính sách đối ngoại của Nhật Bản được khẳng định bởi việc Thủ tướng Koizumi từng tuyên bố sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ nhất (14/12/2005) “Quan hệ Nhật Bản – Mỹ có tốt thì quan hệ Nhật bản với các nước mới tốt được” [92]. Thậm chí trước đó Nhật Bản còn đề xuất mời Mỹ làm quan sát viên cho hội nghị Thượng đỉnh Đông Á nhưng không được ủng hộ.

Trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, nhân tố Mỹ lại ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ vốn đã lạnh lẽo này. Quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ càng khoét sâu thêm hố ngăn cách giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Sự thiếu lòng tin trong quan hệ Nhật – Trung, cộng thêm việc Mỹ lợi dụng nước này để kiềm chế nước kia làm cho quan hệ hai nước thêm khó khăn, trắc trở. Ngoài ra thì việc Nhật Bản và Mỹ đưa eo biển Đài Loan vào mục tiêu chiến lược bảo vệ an ninh chung khi sửa đổi

Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ (2005) cũng làm yếu tố tác động tiêu cực đến quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc. Đài Loan là quân bài mà Nhật Bản và Mỹ đang đặt vào ván bài chính trị kiềm chế sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Đối với mối quan hệ Nhật Bản với Nga cũng vậy, chính sách đối ngoại của Nga đối với Nhật Bản cũng chính là chính sách đối ngoại của Nga với Mỹ. Trong mối quan hệ hai nước Nhật – Nga còn tồn tại rất nhiều vấn đề đặc biệt là trong việc tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên khi Mỹ có những chính sách cải thiện mối quan hệ với Nga, quan hệ Nga – Trung Quốc xích lại gần nhau thì Nhật Bản với Thủ tướng Koizumi đã có những chính sách hợp tác với Nga nhiều hơn nữa. Mối quan hệ này không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, mà có những tiến triển trong hợp tác văn hóa, khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong đối ngoại vấn đề tranh chấp lãnh thổ cũng có những cuộc đàm phán tích cực hơn. Có thể nói rằng nhân tố Mỹ có ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản với các nước lớn Trung Quốc và Nga.

Năm là, những hạn chế trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với các nước lớn. Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Koizumi, Nhật Bản tuy đã có nhiều thành công trong chính sách đối nội và đối ngoại, tuy nhiên ngoài sự ngày càng nồng ấm, thắt chặt mối quan hệ hợp tác, đồng minh chiến lược với Mỹ và những thành tựu trong mối quan hệ này. Tuy nhiên không phải là không có hạn chế trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản với Mỹ. Hạn chế mà có thể thấy ở đây, chính là sự lệ thuộc - mặc dù Nhật Bản đã có những thay đổi để độc lập hơn nhưng chính sách của Nhật còn bị chi phối quá nhiều bởi Mỹ, bởi mối quan hệ đồng minh truyền thống này. Chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ của Thủ tướng Koizumi đối với các nước lớn ở đây còn có thể nói đến Nga, tuy còn một số vấn đề về tranh chấp lãnh thổ chưa thể đi đến sự thống nhất cuối cùng, nhưng mối quan hệ hai nước Nhật Bản và Nga đã có những thành công lớn trong việc cải thiện và nâng cao sự hợp tác, sự hạn chế ở đây chỉ có thể nói đến là việc hai nước chưa thể ký kết được hiệp ước hòa bình, giải quyết được vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Hạn chế trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ này chỉ có thể nổi bật nhất là chính sách đối ngoại của Thủ tướng Koizumi đối với Trung Quốc. Mặc dù Nhật Bản đã có những nỗ lực cải thiện quan hệ với nước láng giềng này, thế nhưng việc thực thi chính sách không nhượng bộ của Thủ tướng Koizumi đối với các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, vấn đề sách giáo khoa lịch sử, việc viếng thăm đến Yasukuni,…đã làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc. Đặc biệt, việc duy trì đều đặn hàng năm tới thăm đền Yasukuni của ông bất chấp sự phản đối gay gắt của chính quyền cũng như người dân Trung Quốc đã khiến cho căng thẳng leo thang trong mối quan hệ với nước này. Trung Quốc đã hủy bỏ tất cả các chuyến thăm chính thức đã được sắp xếp trước với Nhật, người dân Trung Quốc xuống đường biểu tình phản đối rộng rãi. Ngôi đền Yasukuni bị các nước láng giềng không chỉ riêng Trung Quốc coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, và Trung Quốc lo ngại về sự trở lại tư tưởng dân tộc trong quá khứ. Theo Thủ tướng Koizumi, những chuyến thăm viếng đền của ông chỉ là vấn đề tôn giáo và là vấn đề nội bộ của Nhật Bản. Ông đến đền Yasukuni để tỏ lòng thành kính đối với những người đã chết trong chiến tranh của Nhật, và cầu ước cho hòa bình. Song một số phụ tá thân cận của Koizumi cũng phải thừa nhận rằng họ không thể hiểu được quan điểm của Thủ tướng trong vấn đề này. Thực tế, việc thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản là vấn đề gây quá nhiều tranh cãi ngay chính trong lòng nước Nhật. Người ta cho rằng, hành động này của Koizumi không chỉ nhằm giữ lời hứa trước

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Nhật Bản với các nước lớn trong thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001-2006) (Trang 91 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)