Những tác động đến quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Nhật Bản với các nước lớn trong thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001-2006) (Trang 100 - 120)

Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Từ năm 1992, quan hệ giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng trên hầu hết các lĩnh vực và đã bước sang giai đoạn mới về chất. Các mối quan hệ kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa không ngừng được mở rộng; đã hình thành khuôn khổ quan hệ ở tầm vĩ mô; sự hiểu biết giữa hai nước không ngừng được nâng cao. Đặc biệt sau chuyến thăm của Thủ tướng Koizumi (tháng 4/2002) và chuyến thăm Nhật Bản của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 10/2002), quan hệ ngoại giao của hai nước đã được nâng lên tầm cao mới với tinh thần “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Tháng 7/2004, Ngoại trưởng hai nước ký “Tuyên bố chung vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững”, và sau chuyến thăm Nhật Bản tháng 10/2006 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản đã xác định hai nước hướng tới xây dựng “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” [62, tr.57]. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong quan hệ hai nước thời kỳ Thủ tướng Koizumi, những năm sau đó, quan hệ hai nước tiếp tục được phát triển. Hiệp định

đối tác kinh tế song phương Việt – Nhật (VJEPA) đã được ký kết ngày 25/12/2008. Đây có thể coi như một mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển toàn diện và sâu sắc hơn giữa hai nước.

Trên lĩnh vực hợp tác kinh tế, Nhật Bản luôn là đối tác thương mại lớn hàng đầu của Việt Nam (cùng với Trung Quốc). Nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản năm 2000 đạt 4,5 tỷ USD, thì năm 2005 đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng gần 2 lần so với năm 2000. Năm 2006, kim ngạch thương mại hai nước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm 2005. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2006 đạt 5,2 tỷ USD tăng 18,6% so với năm 2005 và tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ) [87]. Theo Hiệp định đối tác kinh tế song phương Việt Nam – Nhật Bản đã ký kết, Việt Nam cam kết loại bỏ thuế quan đối với 82% giá trị thương mại hai chiều Việt – Nhật trong 16 năm. Việt Nam mặc nhiên hưởng lợi từ ưu đãi của Nhật Bản cam kết dành chung cho ASEAN. Nhật Bản cam kết loại bỏ thuế quan đối với gần 94% giá trị thương mại Việt – Nhật trong vòng 10 năm. Như vậy, Hiệp định đối tác kinh tế song phương Việt Nam – Nhật Bản cùng với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản – ASEAN đã tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước, mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và lao động Việt Nam sang Nhật Bản.

Không chỉ là đối tác lớn về thương mại của Việt Nam, Nhật Bản được đánh giá là quốc gia đầu tư hiệu quả nhất tại Việt Nam, đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam được các nhà doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá là một trong bốn quốc gia Đông Nam Á có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất. Ông Kenjiro Ishiwata, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, cho biết có năm lý do để các doanh nghiệp Nhật Bản tăng đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đó là vị trí địa lý (kết nối hai thị trường lớn Trung Quốc và ASEAN), sự ổn định chính trị, lương nhân công thấp, lao động cần cù, và Việt Nam rất có thiện cảm với Nhật

Bản. Vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng mạnh cả về các dự án cấp phép mới cũng như các dự án tăng vốn đáng kể từ nửa cuối năm 2004. Theo JETRO, riêng trong 10 tháng đầu năm 2005, có 77 sự án FDI mới của Nhật Bản được Việt Nam cấp phép với tổng vốn đầu tư là 259,6 triệu USD, chiếm hơn 9% tổng số vốn cấp phép mới. Bên cạnh đó, 73 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã mở rộng hoạt động của mình với tổng số vốn bổ sung là 409 triệu USD. Ông Ishiwata cho rằng “những điều trên đây chứng tỏ niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư Nhật Bản vào môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn tại Việt Nam” [146]. Những kết quả trên là những nỗ lực của cả hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam thông qua Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản (tháng 4/2003), ký kết Hiệp định Bảo hộ đầu tư (19/12/2004)…

Nhật Bản còn là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Từ năm 1992 – 2005, đạt khoảng 11 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 30% tổng số khối lượng ODA của cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam [22], trong đó viện trợ không hoàn lại khoảng 1,2 tỷ USD. Từ năm 2001, Nhật Bản cắt giảm 10% ngân sách ODA nhưng vẫn giữ và tăng kim ngạch ODA cho Việt Nam. Năm 2003, mặc dù cắt giảm 5,8% ODA cho các nước nói chung, nhưng ODA cho Việt Nam vẫn là 91,7 tỷ Yên, giảm khoảng 1,2% so với năm 2002. Hai bên đã thỏa thuận chương trình viện trợ lâu dài của Nhật Bản cho Việt Nam nhằm vào 5 lĩnh vực chính là: phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế; xây dựng và cải tạo các công trình giao thông và điện lực; phát triển nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển giáo dục đào tạo và y tế; bảo vệ môi trường. Ngày 2/6/2004, Nhật Bản đã công bố chính sách viện trợ ODA mới cho Việt Nam với 3 mục tiêu chính: Thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện đời sống – xã hội, hoàn thiện cơ cấu.

Ngoài ra, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian Thủ tướng Koizumi cầm quyền, cũng được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực hợp tác khác: du lịch – dịch vụ, văn hóa, giáo dục – đào tạo, trao đổi khoa học – công nghệ…

Rõ ràng, những kết quả đạt được trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản nói trên gắn liền với chính sách đối ngoại ưu tiên thúc đẩy hợp tác với khu vực Đông Á nói chung và ASEAN nói riêng của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Koizumi. Hơn thế nữa chính sách đối ngoại của Nhật Bản lại có sự ảnh hưởng rất lớn từ chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong khi Mỹ lại có chính sách đối ngoại với Việt Nam rất ưu ái, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn. Chính vì những lý do đó mà đã có tác động rất lớn đến chính sách đối ngoại của Nhật Bản với Việt Nam, ngày càng có những bước tiến tốt đẹp. Chính sách đó đã tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Nhật Bản phát triển. Giáo sư Kazuhiro Takanashi, Trường Đại học Keio, Tokyo, cho rằng “Việt Nam sẽ ngày càng quan trọng trong chính sách đối ngoại hướng về Đông Á của Nhật Bản bởi Việt Nam là chiếc cầu nối của sự hợp tác kinh tế giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á” [2, tr.47]. Bối cảnh này sẽ là cơ hội thuận lợi cho quan hệ Việt Nam – Nhật Bản phát triển. Việc hai nước tăng cường các cuộc tiếp xúc cấp cao, mở rộng các cuộc giao lưu, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, ưu tiên tài trợ ODA cho Việt Nam…trong những năm gần đây cho thấy Việt Nam đã phần nào nắm bắt được cơ hội đó. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào Việt Nam khai thác cơ hội này một cách hiệu quả hơn nữa. Trong tình chính trị khu vực và thế giới có nhiều thay đổi, các nước ngày càng phát triển theo kịp xu thế toàn cầu hóa. Và Nhật Bản đã ngày càng dành cho Việt Nam những chính sách rất ưu ái, quan hệ hai nước ngày càng mật thiết. Vì vậy, Việt Nam cần phải hoạch định một chiến lược phát triển quan hệ với Nhật Bản theo hướng dành cho Nhật Bản những ưu tiên, trên cơ sở đó chúng ta mới có thể chủ động khai thác những cơ hội, phòng ngừa những tác động tiêu cực và thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản phát triển lên một tầm cao mới, và cũng chính là giúp cho Việt Nam phát triển ngày một giàu đẹp, và có vị thế trên trường quốc tế.

KẾT LUẬN

Bước vào thế kỷ XXI, tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi căn bản, xu hướng khu vực hóa, toàn cầu hóa ngày càng diễn ra cao độ, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế. Sự lớn mạnh và cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, sự tiến bộ đáng kinh ngạc của nền kinh tế cùng sức mạnh ngày càng tăng của lực lượng quân sự của Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Mỹ,…cùng với thực trạng kinh tế, chính trị, xã hội Nhật Bản có nhiều biến động đã trở thành những yếu tố bên trong và bên ngoài tác động đến chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với các nước lớn dưới thời Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001- 2006).

Nhật Bản với chiến lược đối ngoại xuất phát từ lợi ích và nhu cầu của mình, tất cả với mục tiêu cơ bản là quyết tâm “đưa Nhật Bản thoát khỏi thể chế sau chiến tranh”, tạo dựng Nhật Bản với một hình ảnh mới, không chỉ là một cường quốc mạnh về kinh tế, mà sẽ trở thành một cường quốc toàn diện, người khổng lồ với hai chân mạnh cả về kinh tế và chính trị quân sự. Nhật Bản phấn đấu trở thành một nước có vị trí quan trọng về chính trị trên trường quốc tế, có tiếng nói và trọng lượng, trở thành Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mở rộng hình ảnh có tính chi phối ở châu Á – Thái Bình Dương. Nhật Bản từng bước điều chỉnh chính sách của mình theo hướng ưu tiên và định hình lại mối quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ: Vẫn giữ vai trò chủ đạo trong chính sách đối ngoại, quan hệ Nhật – Mỹ càng thân thiết hơn trong thời Thủ tướng Koizumi, Nhật gần như ủng hộ mọi chính sách của Mỹ trong các vấn đề quốc tế, nhưng chính sách của Nhật Bản cũng có sự giảm sự phụ thuộc, tăng tính bình đẳng với Mỹ. Chính sách ngoại giao, như Ngoại trưởng Taro Aso nhận xét, chiến lược Tokyo là “xây dựng quan hệ mạnh với Mỹ và dựa vào nền tảng này, tăng cường quan hệ với các quốc gia khác” [14]. Tuy nhiên trong thực tế, Chính phủ Junichiro Koizumi đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu trong hoạch định chính sách; nâng cao uy tín và vai trò trong cộng đồng quốc tế với việc trợ giúp các nước đang phát triển, tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, các

xung đột khu vực; và ưu tiên cao cho chính sách châu Á, quan hệ với các nước lớn ngoài Mỹ là hai láng giềng lớn mạnh Trung Quốc và Nga.

Hướng tới vai trò chủ đạo ở Đông Á, Nhật Bản tập trung cải thiện mối quan hệ then chốt là quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc. Tuy nhiên Chính quyền Thủ tướng Koizumi đã gặp phải không ít những trở ngại trong quá trình thực thi chính sách đối ngoại của mình đối với Trung Quốc. Đó là những mâu thuẫn vốn có trong quan hệ hai nước láng giềng lại bùng phát trước đường lối cứng rắn của Thủ tướng Koizumi trong các vấn đề: Tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải; vấn đề sách giáo khoa lịch sử, và đặc biệt các cuộc viếng thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Koizumi. Thủ tướng Koizumi trong những năm cầm quyền lãnh đạo đã có những sáng kiến quan trọng trong việc đối ngoại với nước láng giềng này. Thế nhưng cơ hội cải thiện và phát triển mối quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc lại bị bỏ lỡ vì hành động thường xuyên viếng thăm ngôi đền Yasukuni của Thủ tướng Koizumi. Những vấn đề hết sức nhạy cảm, phức tạp đã gây tác động tiêu cực đến quá trình thực thi chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong quan hệ láng giềng Nhật – Trung. Hơn nữa “sự trỗi dậy” của Trung Quốc đe dọa trực tiếp đến vị trí dẫn đầu khu vực và sự chi phối từ phía đồng minh quân sự Mỹ là những trở ngại không hề nhỏ mà Nhật Bản phải đối mặt. Nhìn lại một cách tổng thể chính sách đối ngoại đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Koizumi, có thể nói rằng ông đã đạt được thành công ít hơn mong đợi. Việc làm rạn nứt mối quan hệ với láng giềng Trung Quốc của ông đã đem lại bất lợi cho Nhật Bản trên con đường gây dựng vai trò của mình ở khu vực. Do đó, các nhà lãnh đạo Nhật Bản sau thời Koizumi cần có những chính sách mềm dẻo hơn, tìm cách lấp hố ngăn cách với nước láng giềng ngày càng hùng mạnh này.

Đối với Nga, chính quyền Koizumi đã đề cao mối quan hệ này, Nhật Bản đã có những chính sách tăng cường hợp tác với Nga hơn nữa không chỉ về mặt kinh tế, năng lượng, vấn đề vùng Viễn Đông mà trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ vùng đảo Kuril cũng có những động thái tích cực, tuy là vấn đề lãnh thổ hai nước chưa đi đến được kết luận chung và ký kết Hiệp ước Hòa bình. Nhật Bản và Nga cũng đã ký kết

với nhau nhiều Hiệp định về thương mại, kinh tế, và các tuyên bố chung thông qua các chuyến viếng thăm cấp cao, các cuộc tọa đàm, hội nghị thượng đỉnh của các cấp lãnh đạo hai nước. Có thể thấy được rằng, quan hệ giữa hai nước trong thời kỳ này đã trở nên nồng ấm hơn bao giờ hết kể từ khi Thế chiến hai kết thúc đến đầu thế kỷ XXI. Và đây cũng là cơ sở để những nhà kế nhiệm Thủ tướng Koizumi cần phát huy hơn nữa, để hướng đến mục tiêu “một quốc gia Nhật Bản bình thường”.

Trong lịch sử chính trường Nhật, ít thủ tướng nào có khả năng đóng đậm dấu ấn trong thời gian tại chức như ông Junichiro Koizumi. Nhìn ở nhiều góc độ, ảnh hưởng Koizumi lên chính trị trong nước, cũng như môi trường kinh tế, quan hệ đối ngoại và đặc biệt là quan hệ đối ngoại với các nước lớn là điều có thể thấy rất rõ và thậm chí kéo dài đến nhiều năm. Trước khi Junichiro Koizumi lên ghế thủ tướng, chính trường Nhật từng khủng hoảng nghiêm trọng khi có đến 10 thủ tướng trong 12 năm; kinh tế què quặt và chính sách ngoại giao không cụ thể. Trong thời Koizumi, hình ảnh Nhật lại nổi bật với chính sách ngoại giao tham vọng nhất kể từ sau Thế chiến II (trong đó có việc gửi lính Nhật đến Iraq năm 2004 cũng như loạt

chương trình củng cố quốc phòng).Có thể thấy rõ rằng Koizumi cũng là người đầu

tiên có tham vọng trong việc xây dựng lại quân đội Nhật khi đã tăng cường quân sự, chi hàng tỷ USD cho các hệ thống tên lửa, bất chấp việc Nhật bị cấm tái vũ trang

dưới mọi hình thức.Thủ tướng Koizumi chủ trương giữ vững mối quan hệ thân tình

với Mỹ. Củng cố và tăng cường quan hệ với các quốc gia khác, đặc biệt các nước trong khu vực và các nước lớn. Tuy thất bại của ông trong nhiệm kỳ 5 năm là đã làm rạn nứt mối quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc bởi chính sách cứng rắn của mình, thì người kế nhiệm Thủ tướng Koizumi đã có những kinh nghiệm từ vị Thủ tướng mang dấu ấn đặc biệt trong lịch sử chính trường Nhật, và sẽ có những chính sách mềm dẻo hơn trong đối ngoại cũng như kinh tế. Trong tương lai, người ta cũng vẫn dự đoán Nhật Bản sẽ là một cường quốc không thể thiếu trong khu vực, và thế giới. Tình hình khu vực cũng như quan hệ Nhật Bản với các nước lớn có biến đổi như thế nào thì Nhật Bản vẫn đóng vai trò ở một vị trí vô cùng quan trọng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tài liệu tiếng Việt

- Sách tham khảo

1. Mason, R.H.P & Caiger, J. G. (2003), Lịch sử Nhật Bản, Nxb Lao Động, Hà

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Nhật Bản với các nước lớn trong thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001-2006) (Trang 100 - 120)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)