Vấn đề Afghanistan

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Nhật Bản với các nước lớn trong thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001-2006) (Trang 36 - 38)

2.1. Chính sách của Nhật Bản đối với Mỹ

2.1.1.1. Vấn đề Afghanistan

Có thể nói năm 2001, sau khi ông J.Koizumi lên nắm quyền lãnh đạo Nhật Bản thì quan hệ chính trị an ninh quân sự Nhật - Mỹ đã gia tăng đáng kể. Việc hai quốc gia cùng phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp ước an ninh Nhật Bản – Mỹ và Hiệp ước hòa bình Sanfrancisco giữa Nhật Bản với lực lượng đồng minh sau chiến tranh thế giới thứ II, được các giới phân tích quốc tế coi như một dấu hiệu của sự gia tăng quan hệ hợp tác song phương giữa Nhật Bản và Mỹ. Đặc

biệt trong vấn đề an ninh quân sự, sau sự kiện khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 và sau đó là cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động được bắt đầu bằng cuộc chiến tranh ở Afghanistan. Thông qua các cuộc đàm thoại và thông điệp ngoại giao, chính phủ Nhật Bản đã cam kết đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố cùng với Mỹ, và sẵn sàng hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến tại Afghanistan. Ngày 19/9/2001, Thủ tướng Koizumi thay mặt Ủy ban an ninh quốc gia công bố chính sách 7 điểm trợ giúp Mỹ, bao gồm việc cử lực lượng vũ trang bảo vệ các căn cứ quân sự và các trách nhiệm phối hợp như bảo vệ, y tế, vận chuyển, tiếp nhiên liệu cho quân đội Mỹ, cử tàu trinh sát quân sự đến thu thập thông tin ở khu vực hữu quan, gây sức ép kinh tế buộc Ấn Độ, Pakistan..ủng hộ hành động quân sự của Mỹ…Ngày 30/9/2001 Cục phòng vệ Nhật Bản cho biết lực lượng phòng vệ nước này sẵn sàng tham gia hỗ trợ hậu cần cho Mỹ. Điều đáng quan tâm là sự ủng hộ của chính phủ Nhật Bản đối với cuộc chiến chống khủng bố ở Afgahnistan được 62% những người Nhật đồng thuận, chỉ có 25% số người được hỏi là phản đối (báo Ashahi phỏng vấn ngày 1/10/2001) [19, tr. 29]. Có lẽ dựa vào sự ủng hộ của đa số người Nhật đối với chính phủ của họ trong việc hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố mà Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật mới cho phép quân đội nước này tham gia giúp đỡ hậu cần cho quân đội Mỹ ở Afghanistan vào cuối tháng 10/2001. Để có điều kiện tham gia các hoạt động quân sự do Mỹ lãnh đạo trong cuộc chiến chống khủng bố mà vẫn phù hợp với Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, Thượng viện Mỹ đã thông qua 3 dự luật về biện pháp đặc biệt chống khủng bố, sửa đổi luật phòng vệ và luật bảo vệ an ninh trên biển. Các nội dung sửa đổi cho thấy đây là một bước ngoặt trong chính sách an ninh đối ngoại của Nhật Bản và cũng là sự tiến triển lên một tầm mới trong chính sách quan hệ đối ngoại Nhật – Mỹ. Ngày 9/11/2001 bốn chiến hạm của quân đội Nhật Bản tiến vào Ấn Độ Dương để thực thi nhiệm vụ hỗ trợ quân đội Mỹ trong cuộc chiến tại Afghanistan.

Có thể nói rằng với những hành động ủng hộ và hỗ trợ Mỹ, chính phủ Nhật Bản dưới sự cầm quyền của Thủ tướng J. Koizumi đã gửi một thông điệp rõ ràng cho người đồng minh Hoa Kỳ rằng họ tiếp tục chia sẻ trách nhiệm với Mỹ trong

cuộc chiến chống khủng bố, giống như họ đã làm trong cuộc chiến Vùng Vịnh 10 năm trước. Chính cuộc chiến chống khủng bố đã thúc đẩy sự sắp xếp lại quan hệ của các nước lớn, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ. Nhật Bản là một nhân tố điển hình trong cuộc chiến này với tư cách là đồng minh truyền thống của Mỹ. “Nhật Bản đã trực tiếp cải thiện quan hệ với Mỹ và có bàn đạp mới trong các vấn đề an ninh quốc tế. Tư duy an ninh của Nhật đã xuất hiện sự nhảy vọt về chất, tích cực phối hợp hành động quân sự với quân đội Mỹ” [71, tr. 36]. Nhật Bản đã thông qua các dự luật, đạo luật cho phép quân đội Nhật tích cực tham gia vào hành động quân sự của Mỹ. Đây là lần đầu tiên sau Thế chiến II, Nhật Bản đưa ra nước ngoài, tổng số 1160 sĩ quan và binh lính. Và cũng là nước viện trợ nhiều nhất cho công cuộc tái thiết lại Afghanistan với cam kết hỗ trợ hơn 500 triệu USD trong khi tổng số tiền cam kết tái thiết Afghanistan là 1,8 tỷ đô la (61 nước và 20 tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ). Với những giúp đỡ của Nhật Bản trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ mà mở đầu là cuộc chiến Afghanistan (cả về quân sự và phi quân sự) đã khiến Tổng thống Mỹ coi Nhật là nhân tố bảo vệ hòa bình quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với lời tuyên bố của Tổng thống Mỹ Bush “Tôi tin tưởng liên minh Nhật – Mỹ là nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng ở châu Á – Thái Bình Dương. Hòa bình thế giới đang bị đe dọa bởi khủng bố toàn cầu. Và chúng tôi không có người bạn nào tốt hơn, không một nước nào đưa ra tuyên bố hậu thuẫn và ủng hộ chúng tôi mạnh mẽ, nhanh chóng như Chính phủ Nhật” [2, tr39].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Nhật Bản với các nước lớn trong thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001-2006) (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)