Vấn đề Bắc Triều Tiên

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Nhật Bản với các nước lớn trong thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001-2006) (Trang 40 - 42)

2.1. Chính sách của Nhật Bản đối với Mỹ

2.1.1.3. Vấn đề Bắc Triều Tiên

Trong mối quan hệ đồng minh thân thiết Nhật Bản – Mỹ dưới thời kỳ Thủ tướng Koizumi cầm quyền, không chỉ nói đến các vấn đề chống khủng bố, cuộc chiến Afghanistan, Iraq mà còn vấn đề Bắc Triều Tiên cũng rất đáng quan tâm. Sau sự kiện 11/9, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đứng trước nhiều thách thức, trong đó thách thức đầu tiên là vấn đề khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thách thức này khiến Nhật Bản và Mỹ phải hướng tới các phương pháp tiếp cận triệt để, vạch ra được các kế hoạch rõ ràng, đồng thời phải cùng nỗ lực hợp tác nhằm cải thiện và ổn định an ninh khu vực. Nhật Bản là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Cộng hòa Dân chủ nhân dân

Triều Tiên. Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Bush liệt Bắc Triều Tiên vào “trục ma quỷ” (20/1/2002), cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu. Quan hệ Bắc Triều Tiên và Mỹ vô cùng căng thẳng. Thủ tướng Nhật Bản đã công khai ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Bush và cho rằng “Đây là biểu hiện của ý chí mạnh mẽ chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cần phải hiểu rằng đây là quyết tâm thực sự” [15, tr 36] … Sau khi cuộc khủng hoảng này bùng nổ, Mỹ nhấn mạnh giải quyết bằng biện pháp ngoại giao, không đối thoại trực tiếp hay viện trợ, mà trở lại chiến lược răn đe và ngăn chặn. Nhật Bản là nước duy nhất ủng hộ chiến lược “ngăn chặn” này của Mỹ, và sau cuộc khủng hoảng này chính Nhật Bản đã có một số bước điều chỉnh trong chính sách an ninh của mình.

Tuy Nhật Bản không là một đương sự trực tiếp trong cuộc khủng hoảng này, nhưng với tư cách là một nước láng giềng và là một đồng minh vô cùng quan trọng của Mỹ nên cũng có thể coi là một đương sự gián tiếp. Cuộc khủng hoảng hạt nhân này thực sự có ảnh hưởng rất lớn đến Nhật Bản, nếu như xảy ra vũ lực giữa Mỹ với Bắc Triều Tiên thì Nhật cũng không thể tránh khỏi việc bị cuốn vào cuộc chiến, và đó cũng là cơ hội để Nhật có thể sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp, có quân đội và sẽ dần độc lập mà không phụ thuộc vào ô bảo hộ hạt nhân của Mỹ. Đó cũng là 1 lý do nữa để Nhật ủng hộ Mỹ trong chiến lược ngăn chặn Triều Tiên và trở thành một phần quan trọng trong các cuộc đàm phán đa phương. Mặc cho Bắc Triều Tiên có phản đối việc Nhật Bản là một thành viên trong cuộc đàm phán 6 bên, thì Mỹ vẫn khăng khăng bênh vực, và khẳng định Nhật Bản có vai trò trong bất kỳ cuộc đàm phán nào về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiện. Dù cho Bắc Triều Tiên có yêu cầu để đổi lại các cuộc đàm phán đa phương trên thì Mỹ phải đưa ra cam kết đảm bảo an ninh cho họ, điều này làm cho Nhật Bản vô cùng lo ngại. Nhưng Mỹ tuyên bố cho dù có như thế nào thì liên minh Mỹ - Nhật luôn luôn vững chắc, Washington sẽ không có bất cứ hiệp định nào với bất kỳ nước nào khác làm phương hại tới quan hệ liên minh truyền thống này và cam kết coi cuộc tấn công vào Nhật Bản chính là tấn công vào nước Mỹ.

Có thể thấy rằng khủng hoảng hạt nhân của Bắc Triều Tiên tuy có gây ra một số quan ngại của Nhật Bản về liên minh Nhật – Mỹ, nhưng trên thực tế hai bên Mỹ và Nhật Bản luôn rất gần gũi trong việc giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên. Chính cuộc khủng hoảng này lại càng gắn kết hai nước thông qua những nỗ lực chung nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu nhất, tránh gây phương hại đến lợi ích của mỗi nước nói riêng và an ninh khu vực nói chung.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Nhật Bản với các nước lớn trong thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001-2006) (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)