Chuẩn bị nguyên vật liệu là bước đầu tiên trong quá trình tổ chức hoạt động tạo hình. Vật liệu ở đây tùy thuộc vào tính chất của tiết học, ví dụ như với bộ môn vẽ là giấy bút, bộ môn nặn là đất màu chuyên dụng và bộ môn xé dán là giấy màu. Đó là những công cụ để các em học sinh thực hiện bài học của mình, do đó vật liệu càng phong phú, mới lạ thì càng thu hút học sinh tham gia.
Tuy vậy, phần lớn các giáo viên chỉ sử dụng những đồ dùng cơ bản, trong số các giáo viên được đánh giá là có sáng tạo hơn thì phần nguyên vật liệu chuẩn bị thêm cũng tương đối ít và đơn giản. Để lý giải điều này, giáo viên Ng.T.L (Trường Mầm non Khương Đình) cho biết: “ Toàn bộ những đồ dùng dạy học này đều do giáo viên tự chuẩn bị trước giờ học dựa trên kinh phí được cấp hoặc đồ dùng sẵn có của nhà trường, do đó nếu muốn làm cho phong phú thêm thì giáo viên phải đề đạt hoặc tự bỏ tiền cá nhân ra để chi tiêu. Việc đề đạt cũng cần có thời gian và được sự chấp nhận của ban giám hiệu mới được duyệt, do đó thông thường tôi chỉ sử dụng những nguyên vật liệu cơ bản để lên tiết cho các em. Hơn nữa, với những đồ dùng này là các em có thể hoàn thành tốt bài học của mình rồi.”
Có thể thấy rằng lý do chính dẫn đến nguyên nhân nguyên vật liệu dùng cho hoạt động tạo hình còn sơ sài là vấn đề kinh phí. Giáo viên nhận thấy rằng việc chuẩn bị vật liệu mới lạ gây tốn kém, nhà trường chưa thực sự nhận thức được mức độ cần thiết trang bị đồ dùng dạy học cho bộ môn tạo hình, vì vậy những nguyên vật liệu cơ bản vẫn là lựa chọn hàng đầu cho các tiết học.
Tuy nhiên có thể khẳng định rõ ràng rằng một khi thay đổi việc sử dụng nguyên liệu, hiệu quả của tiết học sẽ được cải thiện rất nhiều. Trong một tiết học vẽ hoa mùa xuân, giáo viên M.H (Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc) thay vì sử dụng giấy đã sử dụng mành cỡ nhỏ và cho học sinh dùng màu nước để vẽ, kết quả là tất cả các em học sinh đều phản ứng hào hứng hơn, tích cực tạo hình và tạo ra nhiều sản phẩm đẹp. Hoặc cũng có những giáo viên sử dụng bìa cacton, cho trẻ trang trí thêm bằng nhũ… Nhưng vì chi phí dành cho những nguyên liệu này khá đắt nên hầu như giáo viên chỉ sử dụng trong những tiết dự giờ hoặc hội giảng.
Tiêu chí số 2: Cách thức dẫn dắt, chuyển tiếp trẻ từ các hoạt động khác sang hoạt động tạo hình
Số lượng giáo viên sử dụng cách thức sáng tạo: 30, đạt 100%
100% các giáo viên đều lựa chọn cách hát một bài hát hoặc đọc một bài thơ, đưa ra một câu đố liên quan đến chủ đề của tiết học tạo hình sắp tới… để thu hút sự chú ý của trẻ, giúp trẻ hào hứng để bắt đầu bài học. Trẻ em trong độ tuổi mầm non đều chưa có sự tập trung cao, vì vậy việc nghe theo một hiệu lệnh thông thường từ giáo viên như “Tất cả các con tập trung ra đây chúng mình cùng nhau học vẽ” sẽ kém hiệu quả hơn rất nhiều so với những cách trên. Nhận thức được điều đó, toàn bộ giáo viên đều xem việc chơi trò chơi, hát hoặc đố vui là phương tiện để kếtnối trẻ chuyển từ hoạt động này sang một hoạt động khác.
Tiêu chí số 3: Cách thức đặt vấn đề, cung cấp thông tin cho hoạt động và giải thích, hướng dẫn cho trẻ