Cũng tương tự như tiêu chí trên, ở đây hầu hết các giáo viên đều áp dụng những cách thức sáng tạo, mới mẻ để giới thiệu về nội dung tạo hình cho trẻ.
Trong tiêu chí này, có thể có 2 loại sáng tạo: sáng tạo về hình thức và sáng tạo về nội dung. Cách thức thông thường nhất là giáo viên đưa tranh về chủ đề cho trẻ xem (không được đánh giá là có sáng tạo), thì sáng tạo về nội dung sẽ được hiểu là giáo viên sử dụng nhiều bức tranh với bố cục, màu sắc khác nhau cho thêm phần phong phú đa dạng, còn sáng tạo về hình thức là giáo viên hoàn toàn không sử dụng tranh nữa, thay vào đó là các đoạn tư liệu hoặc slide hình ảnh. Đề tài xin lấy một ví dụ để minh họa cho phần giải thích ở trên. Cùng là chủ đề vẽ con mèo, cách thức thông thường là đưa ra cho trẻ xem một bức tranh vẽ con mèo cụ thể, sáng tạo về nội dung là giáo viên chuẩn bị nhiều tranh vẽ khác nhau về chú mèo (đang nằm, đang chơi đùa, nghịch cuộn len…), sáng tạo về hình thức là ngoài việc cho trẻ xem tranh, giáo viên còn trình chiếu cho trẻ xem những đoạn clip về hoạt động của các
chú mèo. Trong hai loại hình này thì sáng tạo về hình thức được áp dụng nhiều hơn, một phần vì tính sinh động về hình ảnh mà nó mang lại, sự phát triển của internet khiến cho việc tìm kiếm hình ảnh và thông tin về bất kỳ chủ đề nào cũng trở nên dễ dàng, thêm nữa là điều kiện vật chất ở các trường mầm non hiện nay đều rất khá, đầy đủ trang thiết bị cho giáo viên thực hiện cách thức này.
Ở đây, để phân biệt giáo viên nào sáng tạo tốt hơn, chúng ta phải dựa vào sự hào hứng của trẻ. Tùy thuộc vào việc lựa chọn clip hình ảnh của giáo viên mà trẻ sẽ có những phản ứng khác nhau. Theo kết quả quan sát, trẻ có phản ứng tích cực với những đoạn phim mang tính hài hước, vui nhộn, nhiều màu sắc. Thêm vào đó, những lời dẫn dắt, giới thiệu của cô về chủ đề với trẻ cũng rất quan trọng, lời nói sinh động, hấp dẫn kết hợp với hình ảnh đa dạng sẽ lôi cuốn trẻ tích cực tham gia vào hoạt động tạo hình.
Tiêu chí số 4: Cách thức kích thích tính tích cực hoạt động ngôn ngữ, hoạt động trí tuệ của trẻ