9. Kết cấu Luận văn
1.1. Khái niệm cán bộ, công chức, tiêu chuẩn, chức danh và tiêu chuẩn
1.1.4. Tiêu chuẩn của cán bộ, công chức
Kết quả hoạt động công vụ phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được hình thành dựa trên cơ sở tiêu chuẩn cán bộ, công chức và chịu ảnh hưởng của các nội dung quy định trong tiêu chuẩn cán bộ, công chức.
Trong hoạt động thực tiễn, các cơ quan quản lý cán bộ, công chức đều căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ, công chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý cán bộ, công chức. Ở một mức độ nhất định có thể coi tiêu chuẩn cán bộ, công chức là nền móng để tạo nên và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Luật cán bộ, công chức năm 2008 được ban hành có những quy định mới về phương thức quản lý công vụ, công chức. Một số nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức mang tính cải cách đã được thể hiện tại Điều 5 của Luật - đó là: “kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”; “việc sử dụng, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ”.
Bên cạnh đó, Luật quy định việc “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng” (Điều 6). Các quy định này của Luật cán bộ, công chức đã khẳng định và nhấn mạnh: việc quản lý công chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn, đặc biệt chú trọng đến năng lực, tài năng. Nội dung này phải thực hiện song song với xác định vị trí việc làm và gắn với chỉ tiêu biên chế. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Nhà nước tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hệ thống tiêu chuẩn
cán bộ, công chức. Hơn nữa, yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bối cảnh hiện nay đặt ra sự cần thiết phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức.
Tiêu chuẩn cán bộ, công chức bao gồm tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể. Tiêu chuẩn chung là điều kiện cần, mang tính chất “cứng” mà bất cứ công dân nào muốn tham gia công vụ đều phải hội đủ. Tiêu chuẩn cụ thể là điều kiện đủ, gắn với từng vị trí việc làm cụ thể. Nó thể hiện tính chất, đặc điểm riêng của ngành, lĩnh vực và mang tính chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể. Người được tuyển dụng vào mỗi vị trí công tác cụ thể hoặc bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý, bên cạnh tiêu chuẩn chung đối với cán bộ, công chức, còn phải đạt các tiêu chuẩn cụ thể liên quan đến ngạch công chức hoặc chức vụ tương ứng.
Ngay từ những ngày đầu lập nước, trong Sắc lệnh 76/SL năm 1950 về Quy chế công chức Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành đã quy định các tiêu chuẩn về cán bộ, công chức. Sau đó, từ Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998 cho đến Luật cán bộ, công chức năm 2008 đã quy định những tiêu chuẩn mà công chức phải đạt được.
Đến nay, theo quy định của Luật cán bộ, công chức, tiêu chuẩn chung đối với công chức bao gồm:
Phải là công dân Việt Nam, mang một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Luật quốc tịch năm 2008 đã có sửa đổi và cho phép công dân Việt Nam được mang nhiều quốc tịch. Nhưng hoạt động công vụ là một hoạt động nhân danh quyền lực Nhà nước, thực thi và thừa hành pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhân dân, của xã hội và quốc gia. Công chức phải có nghĩa vụ trung thành với thể chế chính trị, với Nhà nước. Vì vậy, nhất thiết công chức Việt Nam tham gia vào công vụ phải là công dân Việt Nam và chỉ mang một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Luật không cho phép vừa mang quốc tịch Việt Nam vừa mang thêm quốc tịch của nước khác. Thông lệ và tình hình chung ở các nước
khác cũng vậy, người đăng ký tuyển dụng vào công chức chỉ được phép mang một quốc tịch của nước đó.
Đạt độ tuổi quy định từ đủ 18 tuổi trở lên. Đây cũng là điểm mới trong tuyển dụng công chức. Trước đây, pháp luật quy định tuổi đăng ký dự tuyển công chức là từ đủ 18 tuổi đến 40 tuổi, một số trường hợp tuổi dự tuyển có thể cao hơn nhưng không quá 45 tuổi. Quy định như vậy là nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người tham gia vào công chức khi đến tuổi được nghỉ chế độ trong điều kiện chế độ bảo hiểm xã hội trước đây còn những hạn chế. Nhưng quy định như vậy đã hạn chế cơ hội của công dân, không tạo điều kiện thu hút được người có tài năng từ khu vực tư tham gia vào công vụ. Do đó, Luật cán bộ, công chức chỉ quy định tuổi tuyển dụng ở mức sàn - là từ đủ 18 tuổi trở lên - mà không khống chế độ tuổi tuyển dụng ở mức trần, miễn là còn trong độ tuổi lao động. Điều này có nghĩa là nếu còn trong độ tuổi lao động - dưới 55 tuổi với nữ và dưới 60 tuổi với nam - mọi công dân có đủ điều kiện quy định đều có cơ hội tham gia vào công vụ.
Bên cạnh các tiêu chuẩn chung nói trên, căn cứ vào từng ngành, từng lĩnh vực của hoạt động công vụ, người dự tuyển vào công chức phải đạt được tiêu chuẩn cụ thể tương ứng với mỗi vị trí công tác. Luật cán bộ, công chức cũng quy định một số trường hợp không được đăng ký dự tuyển vào công chức.
Nhìn tổng thể, bên cạnh hệ thống các ngạch chức danh đã được ban hành tương đối đầy đủ, hệ thống các chức vụ quản lý trong các cơ quan hành chính vẫn còn nhiều chức vụ khác chưa có tiêu chuẩn cụ thể. Điều đó dẫn đến, khi thực hiện việc bổ nhiệm, đề bạt công chức vào các chức vụ quản lý, các cơ quan có thẩm quyền thường chỉ căn cứ vào các quy định về tiêu chuẩn cán bộ nói chung do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định hoặc căn cứ thêm vào các tiêu chuẩn Vụ trưởng hoặc Giám đốc sở để thực hiện xem xét bổ nhiệm đối với Phó Vụ trưởng hoặc Phó Giám đốc sở. Thực trạng này cho thấy tiêu chuẩn cụ thể của công chức hiện nay vẫn còn thiếu, chưa đủ để phục vụ cho công tác quản lý.