Mạnh mẽ vượt qua mọi nỗi đau, bất hạnh trong tình yêu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức phái tính trong thơ nữ đương đại (khảo sát qua hai tác giả tuyết nga và phạm thị ngọc liên) (Trang 52)

6. Cấu trúc luận văn

2.2. Ý thức về tình yêu

2.2.2. Mạnh mẽ vượt qua mọi nỗi đau, bất hạnh trong tình yêu

Luôn khao khát yêu đương và sống hết mình trong tình yêu, nhưng không phải người phụ nữ nào cũng gặp được một tình yêu hạnh phúc. Sự đổ vỡ và những nỗi đau đôi khi là không tránh khỏi khi những tình yêu đến và đi

trong đời. Bản chất trời phú cho người phụ nữ vốn mong manh, nhạy cảm, lại thêm những khát khao hạnh phúc vô bờ, nên khi tình yêu tan vỡ, hơn ai hết, người phụ nữ là những người chịu nỗi đau nhiều nhất:

Có thể rồi chỉ còn là ảo giác mà thôi cái màu trăng đêm ấy

cả nụ cười

cả những lời đã nói

có thể chỉ còn là ký ức xa xôi

(Thành thực)

Nhưng đứng trước nỗi buồn và sự cô đơn của một tình yêu ra đi, người phụ nữ hiện đại không bi luỵ, không quá than khóc và nuối tiếc quá nhiều. Họ mạnh mẽ vượt qua nỗi buồn, mỗi người một cách khác nhau. Nếu Tuyết Nga nhẹ nhàng và điềm tĩnh bước qua nỗi buồn như một dòng sông trở về êm ả sau những sóng gió thì Phạm Thị Ngọc Liên lại đổ về biển lớn để sóng gầm gào lấn át, ngang tàng bước qua nỗi cô đơn.

Ở thơ Tuyết Nga, nguời đọc tìm thấy hình ảnh một người phụ nữ từng trải, đã trầm mình qua nhiều chông gai, giờ đây bình thản coi nhẹ nỗi đau và sống an nhiên tự tại:

Nhớ làm sao những ngày bình yên

nhưng không cơn bão kia làm sao ta biết mọi đổ vỡ đều không báo trước

phải giữ gìn, che chắn những mong manh Cám ơn anh, cơn bão nhỏ của em

(Bão)

Dù thế nào thì người phụ nữ vẫn mang bản chất ưa sự bình yên và an nhiên, nhưng khi sóng gió đi qua đời, cái tôi trong thơ Tuyết Nga cũng không vì thế mà tuyệt vọng chán chường. Cái mạnh mẽ rắn rỏi ở đây càng được bộc lộ khi người phụ nữ bình tĩnh chấp nhận sự đổ vỡ. Không chỉ vậy, cái tôi

trong thơ Tuyết Nga, sau khi đi qua những tan vỡ còn nghiệm ra những bài học cho riêng mình, nhận lại một bản thân từng trải hơn, cứng cỏi hơn và chiêm nghiệm hơn. Không một chút bi luỵ hay một giọt nước mắt, người ta vừa đọc thơ Tuyết Nga vừa hình dung ra hình ảnh một người phụ nữ điềm nhiên mỉm cười bước qua nỗi buồn chia ly.

Đó chính là bản lĩnh của những người phụ nữ hiện đại," tự mình tin yêu, tự mình nhầm lẫn", dám hết mình với tình yêu và dám đương đầu với những vấp ngã trong tình yêu mình đã chọn:

Nếu phải giã từ

nếu không thể cùng nhau

em sẽ ngang qua đời anh, như đã ngang qua tuổi mình 18 dẫu qua đi mọi nắng chiều, gió sớm

năm tháng vẫn làm thành tuổi cuộc đời ta

(Thành thực)

Tuổi trẻ được tạo nên bởi đam mê và vấp ngã. Quan niệm như vậy, Tuyết Nga nhìn những giã từ hay chia ly chỉ như một phần không thể thiếu, không thể tránh của tuổi trẻ. Chính vì vậy, nếu đã yêu cháy bỏng thì sau những đổ vỡ cũng mạnh mẽ đứng lên, để mọi nắng gió làm nên một cuộc đời dạn dĩ của người phụ nữ.

Phạm Thị Ngọc Liên lại mạnh mẽ hơn. Táo bạo khi yêu và rắn rỏi khi tình yêu tan vỡ, đó là chân dung cái tôi trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên. Đọc thơ cô, người ta bắt gặp một người đàn bà ngang tàng và bạo liệt như một cơn gió, một con sóng cuộn nơi biển khơi:

Liên ơi đừng khóc đừng uống rượu say đừng hút thuốc lá đừng bóp chặt tay … Bao nhiêu đau khổ

sẽ thành gió bay úp mặt vào tay lăn mình trong gối sẽ qua một ngày

(Tự khúc - 3)

Thoạt mới đọc lên, nhiều người có thể nhầm tưởng đây là giọng điệu thơ nam, là thơ do đàn ông viết, vì nó dữ dội và mạnh mẽ quá. Người phụ nữ trong thơ Ngọc Liên không ngừng tự nhủ: đừng, đừng, nhưng người đọc có cảm giác cô ấy đã tìm đến rượu và thuốc lá để giải toả nỗi buồn, cái cách giải toả của những người đàn ông. Và rồi Phạm Thị Ngọc Liên cũng tự đứng lên qua nỗi buồn, hiểu rằng tất cả những đau khổ không thể khiến người phụ nữ gục ngã mà ngược lại, càng làm họ kiên cường hơn.

Có thể nói, đây cũng là một đặc điểm thể hiện rõ cá tính của những người phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ và quyết đoán, ngang tàng và bạo liệt dù phải đối diện với những nỗi buồn. Đứng trước sự cô đơn và tan vỡ, Phạm Thị Ngọc Liên đã tìm cách giải thoát cho mình: "Tôi khoả thân tôi bằng tình yêu rực lửa/ Khoả thân nỗi buồn bằng khúc hát ngông nghênh". Đó là một cách giải phóng nỗi buồn và sự bứ bối đầy táo bạo và có cả một chút ngông cuồng:

Hỡi Liên

- Ta muốn điên lên Và muốn chết

(Vực hạnh phúc)

Người phụ nữ bé nhỏ trong thơ như hét lên một tiếng vang vọng giữa không trung, để giải thoát cho nỗi buồn chật chội và giải phóng cho nỗi cô đơn của chính mình. Nếu Tuyết Nga như một dòng nước, chảy trôi và làm mát nỗi cô đơn thì Phạm Thị Ngọc Liên lại như một ngọn lửa, thiêu đốt nỗi buồn của chính mình một cách mãnh liệt. Họ làm chủ cuộc sống của chính

mình ngay cả trong những hoàn cảnh buồn bã và đơn độc nhất, nắm giữ tâm trạng chính mình, không để bản thân rơi vào đáy vực bi luỵ và nước mắt.

Chính vì vậy, dù trong hoàn cảnh nào, họ luôn đối xử với chính mình một cách tích cực nhất:

Sáng hôm nay phải dậy điểm trang để thấy ta là người còn đầy hy vọng để thấy đời không dành riêng ai phải quên để sống

(Kết thúc)

Cách sống này xuất phát từ quan niệm của người phụ nữ về chính bản thân mình, về giới mình. Đối với họ, bản thân là quý giá, đáng được trân trọng và nâng niu, nên không thể ngược đãi bản thân trong bất cứ một nỗi buồn, nỗi cô đơn nào. Phạm Thị Ngọc Liên luôn có một lòng tin đi theo cùng cô suốt những tháng năm yêu và sống: "Đời sẽ thản nhiên trôi/ Buồn thản nhiên dãy chết" (Tâm cảnh). Nỗi buồn dù có lớn đến đâu cũng luôn nằm ở phía sau lưng, còn người phụ nữ thì luôn sống hướng về những điều tốt đẹp phía trước: Đến một lúc mặc kệ ly cà phê mặc kệ nỗi buồn ám ảnh mặc kệ màn đêm mặc kệ nắng tôi cứ ngủ (Đêm vắng) 2.2.3. Khát vọng giải phóng thân xác

Khi những nhà thơ nữ cầm bút, tình yêu và hạnh phúc luôn là đề tài được hướng tới nhiều và là thế mạnh của họ. Các sáng tác của họ cho thấy một ý thức tự giác, một nhu cầu khá nhức nhối trong việc thể hiện và khẳng

định phái tính. Tôn trọng thân xác và khát khao giải phóng thân xác, hay nói cách khác là bộc lộ tính dục trong thơ cũng được xem là sự lên tiếng đầy bản lĩnh của các nhà thơ nữ khi họ tự ý thức về giới mình. Nhất là đối với thơ ca đuơng đại, khi các nhà thơ được giải phóng khỏi những nguyên tắc sáng tác cũ và được khai mở hướng tới những điều mới mẻ, thì việc hướng về bản năng thân xác là một mảnh đất trống được nhiều nhà thơ khai thác. Họ đề cập đến những vấn đề tình yêu không chỉ là những rung động tình cảm mà còn là những rung động thể xác, một cách hồn nhiên và trần trụi nhất. Thực chất, không chỉ những người phụ nữ cầm bút mới đề cập đến vấn đề thân xác trong văn học, nhưng phải khẳng định rằng dưới ngòi bút của nữ giới, tâm lý nữ mới được miêu tả một cách cụ thể, tinh tế nhất.

Các nhà thơ nữ quan niệm trong tình yêu, tinh thần và thể xác phải hoà làm một, vì thế không thể miêu tả những thay đổi tình cảm một cách tinh vi nhất mà lại không miêu tả những khát khao thể xác. Đó là một tồn tại tất yếu và tự nhiên, không thể chối bỏ vì bất cứ lí do nào. Đây được coi là một bước tiến về ý thức phái tính mạnh mẽ trong thơ nữ, khi phái nữ dám nói tới những khát khao thầm kín mà trước giờ bị coi là một địa hạt cấm kị, chính phái nam đôi khi cũng không được nhắc tới trong thơ ca.

`Dù có một bản năng mạnh mẽ và tâm hồn cứng cỏi, nhưng so với Phạm Thị Ngọc Liên và một số nhà thơ nữ trẻ khác thế hệ sau như Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư,… thơ Tuyết Nga vẫn có những nét hiền hơn. Chính vì vậy, dù thể hiện cái tôi phái tính cá tính hay bản năng yêu đương mạnh mẽ, Tuyết Nga cũng không quá ồn ào trong ngôn từ mà vẫn cẩn trọng khi sử dụng từ ngữ. Bởi thế, trong thơ Tuyết Nga, người ta ít bắt gặp những

tuyên ngôn dục tính mà chỉ là những dòng thơ nhẹ nhàng:

Thực ra Thánh Valentine đang lướt cánh những đâu đôi môi đang thiếu nữ…

Tuyết Nga đề cập đến vẻ đẹp thể xác của giới trong tình yêu một cách uyển chuyển chứ không trần trụi, điều này hợp với con người cá tính nhưng cũng rất duyên dáng và kín đáo của cô. Nhưng cũng giống như những người cầm bút nữ khác tự ý thức về giới mình, về nhu cầu thể xác của giới, cô cũng ngầm khẳng định trong thơ: nhu cầu dục tính là nhu cầu tự do và đúng của giới, không thể né tránh và thể hiện quyền bình đẳng bất kể nam nữ. Tuyết Nga đã dùng hình ảnh "Dục vọng già nua sau tấm voan trinh nữ" (Rơi) để thể hiện quan điểm này, sự che giấu dục tính là đi ngược lại với cái tự nhiên của giới, cũng như đi ngược lại với sự phát triển tự nhiên của con người.

Có thể nói, dục tính và những khát khao thân xác là biểu hiện cao nhất, là sự phát triển đến đỉnh điểm của phái tính trong thơ nữ. Nếu Tuyết Nga ý tứ hơn thì Phạm Thị Ngọc Liên đã thể hiện bản năng đó một cách mãnh liệt nhất:

Em và anh có - không, Anh và em không - có, đôi ta tan vào nhau, như sương trên lá cỏ - đằm đằm cơn sóng tình, ta trôi theo cơn gió - mồ hôi và hơi thở tắp đến bến bờ yêu…

Để cho ta ân ái - suốt ngày ngày năm năm…

(Quà tặng của thượng đế)

Phạm Thị Ngọc Liên đã không ngại phô bày khát khao giải phóng thân xác chân chính của mình. Điều này đúng với tinh thần tự ý thức về giới và sự tôn trọng bản thân. Xuất phát từ sự tôn trọng bản thân mình, cả về tâm hồn và thể xác, cái tôi trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên không để cho chính mình bị giam hãm, dù là trái tim hay thân xác, đều phải được tự do và sống đúng là nó. Đây là một cách khẳng định bản ngã và khẳng định phái tính của Phạm Thị Ngọc Liên nói riêng và các cây bút nữ nói chung. Họ không hề mặc cảm hay dè dặt khi thể hiện mong muốn và khao khát của chính mình:

ta cũng muốn được yêu được sống được ăn được ngủ

được làm tình mà không bị dày vò cắn rứt không ta đã có sự hiến dâng mà người chẳng biết (Tự khúc 2)

Phạm Thị Ngọc Liên đã tuyên ngôn trong thơ mình khát khao tính dục của bản thể nữ, xé tan được bức bình phong giam hãm thân thể người phụ nữ và những nhu cầu cơ bản của người nữ. Khao khát tình dục được thể hiện một cách trực tiếp và cháy bỏng. Ở đây, cô viết về tính dục như một đòi hỏi giải phóng về thân xác, đòi hỏi hoan lạc và sự chủ động hưởng lạc như một phần chính đáng của tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Đây cũng là ý thức vươn tới sự bình đẳng giới và sự hoà hợp khoáng đạt, tự do.

Nhận mình là một nhà thơ tình, Phạm Thị Ngọc Liên đưa vào thơ mình rất nhiều những nụ hôn. Có nụ hôn tình tứ, có nụ hôn dịu nhẹ, có nụ hôn khoáng đạt như biển cả, lại có những nụ hôn được nhà thơ phơi bày như một sự khám phá cảm giác thân xác đầy thú vị trong tình yêu:

môi hôn mùi mỡ mùi tỏi

mùi sữa mùi phô mai mùi da thịt

những chiếc hôn trên khắp châu thân những chiếc hôn duỗi dài chờ đợi đêm yêu

(Không có phiên bản thứ hai)

Phạm Thị Ngọc Liên đã viết về cái tôi thân xác một cách đầy nhiệt tình và đam mê, viết về giới, khám phá về giới một cách bản năng và nguyên thuỷ.

Cảm giác thân xác đi cùng với cảm giác tâm hồn, khẳng định nét đẹp và quyền được giải phóng bản thể của giới nữ. Cái tôi trong thơ Ngọc Liên, khi yêu được đắm chìm trong những nụ hôn như một cách thức của sự biểu hiện tình yêu và dâng hiến. Cao hơn, nụ hôn trong thơ cô có thể trở thành một biểu tượng: "Màu son chờ đợi/ Như chiếc hôn đầy" (Sinh nhật)," Nụ hôn đầu ngày tách vỏ những niềm vui" (Phút lặng thầm trái tim), "Bóng tối gửi môi hôn trên vai/ Bàn tay trên tóc" (Điệu Slow bóng tối), "Nơi chiếc hôn mát như lá non/ Giấc ngủ thơm mùi mật" (Chiều Mimôsa)… Tất cả đều nhằm thể hiện một tình yêu to lớn, mạnh mẽ và thiêng liêng. Tình yêu trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên không chỉ dừng lại ở những rung cảm trái tim và sự tâm tình, mà là sự cởi mở không giới hạn của thể xác. Qua đó, cô cũng ngầm khẳng định sự bình đẳng chủ động về mặt thể xác của cả hai giới, đồng thời giải phóng hoàn toàn sự lệ thuộc thân xác của phái nữ.

2.3. Ý thức về cuộc sống xã hội

Tạo hoá ban cho giới nữ sự nhạy cảm và tinh tế với những giác quan đặc biệt nhạy bén. Chính vì vậy, không chỉ trong tình yêu, mà trong cuộc sống, người phụ nữ cũng có những góc nhìn riêng biệt và sắc bén mang đậm màu sắc giới. Trước hết, họ khẳng định cái tôi công dân của mình là bình đẳng và ngang bằng với vị trí công dân của người nam. Không phải cứ thơ nữ là thơ tình, và tình yêu không phải là đề tài duy nhất trong thơ nữ. Người phụ nữ hiện đại mang tầm nhìn rộng và vượt ra khỏi những tình cảm riêng tây, hay những góc nhỏ trong gia đình để vươn ra ngoài xã hội, có vị thế và tầm nhìn độc lập trong xã hội. Trong thơ, các nhà thơ nữ cũng thể hiện rõ góc nhìn của mình về nhiều mặt của cuộc sống một cách mạnh mẽ và trực diện, với tư cách một cái tôi công dân và một cá nhân độc lập về quyền cũng như nghĩa vụ. Họ dám viết về cuộc sống với giọng điệu chất vấn và phản biện, không né tránh. Đồng thời, bản năng nhạy cảm trời phú cũng đem đến cho họ những góc nhìn mới mẻ và lăng kính riêng về những vấn đề xã hội.

Nhà thơ Tuyết Nga đã từng tâm sự: "Tôi đã có một sự biến đổi về cảm quan trước đời sống và đó là một điều bất ngờ cả với chính tôi. Khi cảm quan trước đời sống thay đổi tôi nghĩ rằng thơ sẽ thay đổi theo". Quả thực, tập thơ thứ ba - Hạt dẻ thứ tư của Tuyết Nga ra đời với một diện mạo khác hai tập thơ trước đó và mang góc nhìn gai góc của nhà thơ về cuộc sống. Lúc này, cái tôi trong thơ Tuyết Nga được đặt trực diện trước cuộc sống, đối mặt với cuộc sống một cách quyết liệt và mạnh mẽ nhất. Người thiếu phụ khi xưa sau những khúc quanh dông bão của cuộc đời, đã trở nên thâm trầm, điềm tĩnh và mạnh mẽ, sẵn sàng đối đầu một cách quyết liệt với cuộc đời, nhìn cuộc đời bằng cá tính của riêng mình, vẫn đằm thắm đấy nhưng cũng đầy gai góc:

Cái nhìn

dựng tháp hoang

mi đen tóc xanh cỏ non khói lam thành một miền dã sử

Cái nhìn liếc dao cắt

tiện ý nghĩ thành khúc

đứt đoạn ngổn ngang một ngày

(Dưới bóng ca dao)

Cái nhìn ấy xuyên suốt những bài thơ của Tuyết Nga trong tập Hạt dẻ thứ tư, là cái nhìn bắt rễ từ ca dao nhưng lại không phải là cái nhìn dịu hiền

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức phái tính trong thơ nữ đương đại (khảo sát qua hai tác giả tuyết nga và phạm thị ngọc liên) (Trang 52)