Sự nối tiếp mạch nguồn thể thơ truyền thống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức phái tính trong thơ nữ đương đại (khảo sát qua hai tác giả tuyết nga và phạm thị ngọc liên) (Trang 78 - 80)

6. Cấu trúc luận văn

3.2. Ý thức phái tính và thể thơ

3.2.1. Sự nối tiếp mạch nguồn thể thơ truyền thống

Sự nữ tính, một cách hữu ý hay hồn nhiên thường được các nhà thơ nữ bộc lộ qua việc lựa chọn những thể thơ trữ tình truyền thống. Những ngày đầu làm thơ, Tuyết Nga cũng sử dụng thể thơ năm chữ trong một số bài thơ đầu tay của mình. Thể thơ năm chữ được các nhà thơ hiện đại Việt Nam kế thừa từ những tinh hoa của hát dặm và thơ ngũ ngôn Đường luật, nhưng đồng thời cũng có sự sáng tạo phá cách, tạo nhiều vần điệu. Đây là thể thơ thường phù hợp với giọng kể thủ thỉ tâm tình, những lời tâm sự nhẹ nhàng, tình cảm và sâu lắng. Tuyết Nga làm thơ 5 chữ không nhiều, chỉ trong những bài thơ đầu tay, nhưng cũng đủ để lại ấn tượng trong lòng độc giả về một tâm hồn thiếu nữ nhạy cảm và dịu dàng:

Giờ ngọn gió heo may Dịu dàng bay qua tóc Bên lề đường cỏ thơm Thoáng vai mình giọt nắng Có gì như tiếng hát

Sông trong như đứng yên Nỗi cồn cào lắng lại

(Đổi mùa)

Người đọc bắt gặp một cái tôi trữ tình đầy nữ tính và nhạy cảm trong thơ năm chữ của Tuyết Nga, không phải là cái tôi phá cách và táo bạo như trong thơ tự do. Những câu thơ này mang âm hưởng rất gần gũi với thơ Xuân Quỳnh:

Cuối trời mây trắng bay Lá vàng thưa thớt quá Phải chăng lá về trời Mùa thu đi cùng lá

(Thơ tình cuối mùa thu)

Tuyết Nga viết 3 bài thơ 5 chữ: Đổi mùa, Tháng Chín Hương cỏ và cả 3 bài đều nói về thiên nhiên và bộc lộ trong mình một tâm hồn nữ sĩ nhạy cảm, đẹp và buồn. Đây chính là nét nữ tính truyền thống trong thơ Tuyết Nga, khi cô sáng tác bằng tâm hồn dịu dàng như bắt rễ từ mạch nguồn thơ truyền thống. Lời thơ 5 chữ khiến người đọc có cảm giác như được hòa mình vào một giai điệu êm ái, nhịp nhàng, thong thả. Cảm xúc đều đặn và nhẹ nhàng, bình dị. Ba bài thơ năm chữ của Tuyết Nga không chỉ là những bức tranh thiên nhiên sinh động, mà vượt qua khuôn khổ nhỏ hep của câu chữ, Tuyết Nga gửi vào đó độ rộng dài của tình cảm và những rung động chân thật đầy nữ tính trước thiên nhiên.

Cái tình tứ và nữ tính trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên lại được chảy trôi từ cái tình của lục bát:

Guốc xanh ai gõ lên đồi cỏ xanh đã rối

ai ngồi đợi ai vẩn vơ

gió thổi ngang tai lời yêu dấu

cũng nhạt phai mất rồi

(Trên đồi xanh)

Những dòng thơ lục bát biến thể cũng trữ tình và dịu dàng, nữ tính như trôi về từ lời ru của mẹ, như lời trách móc tình tứ, nhẹ nhàng từ ca dao, dân ca thuở nào. Thơ ai sắc như Phạm Thị Ngọc Liên? Ấy vậy mà cũng có những lúc thơ Ngọc Liên nghe hiền đến lạ, nghe dịu dàng như của cô gái đôi mươi còn e ấp buông lời giận hờn trách cứ xa gần. Đó là vẻ nữ tính vốn có của thơ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức phái tính trong thơ nữ đương đại (khảo sát qua hai tác giả tuyết nga và phạm thị ngọc liên) (Trang 78 - 80)