Thức phái tính và giọng điệu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức phái tính trong thơ nữ đương đại (khảo sát qua hai tác giả tuyết nga và phạm thị ngọc liên) (Trang 84 - 89)

6. Cấu trúc luận văn

3.3. thức phái tính và giọng điệu

Mỗi nhà thơ đều hình thành phong cách riêng, góc nhìn cuộc sống riêng của mình bằng những giọng điệu riêng. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, "Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân, sơ, thành kính, suồng sã, ngợi ca hay châm biếm. Ngoài ra, giọng điệu còn phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật" [14,112]. Có thể nói giọng điệu trong văn học nói chung và trong thơ nói riêng là một hiện tượng siêu ngôn ngữ, biểu hiện thái độ cảm xúc của tác giả đối với đời sống.

Như vậy, người đọc hoàn toàn có thể nhận ra giới tính của tác giả qua giọng điệu thơ, hay nói cách khác, giọng điệu phản ánh rất rõ nét phái tính trong thơ.

3.3.1. Giọng tha thiết tâm tình

Vốn mang một tâm hồn nữ tính nhạy cảm và dịu dàng, nên một cách tự nhiên, các nhà thơ nữ thường làm thơ với giọng điệu nhẹ nhàng thủ thỉ và tha thiết tâm tình. Trong thơ Tuyết Nga, nhà thơ sử dụng giọng điệu này trong thơ viết cho con, khi nói về mẹ hoặc trong những bài thơ mang âm hưởng lời ru:

Lẽ nào lại hát ru con bằng những lời cũ kỹ

về vầng trăng triệu tuổi vẫn còn non còn như chưa biết vuông, tròn?... Hát lời gì để ru con

mây đã xưa

gió cũng xưa mất rồi chỉ mình con mới sinh thôi

(Đi tìm lời ru)

Lời thơ như lời tâm tình chân thành của người mẹ dành cho con gái mới sinh, qua lời ru muốn nói với con về cuộc đời. Tuyết Nga viết nhiều bài thơ mang âm hưởng lời ru, lời thơ nhẹ nhàng, mang giọng thủ thỉ tâm tình dễ đi vào lòng người. Mỗi lời thơ như lời tâm sự của người phụ nữ về cuộc đời, số phận, là lời nhắn nhủ nhẹ nhàng mà thấm thía. Giọng điệu này góp phần thể hiện cái tôi nữ tính và đức hạnh trong thơ Tuyết Nga, đúng như con người của nhà thơ. Thơ Tuyết Nga mang một vẻ đẹp rất dịu hiền, rất Mẹ, ở cô thấp thoáng có cái gì đó như lời ru, như ca dao, và đoan trang quyến rũ dịu dàng như một tứ lục bát vậy.

Tuyết Nga cũng dùng giọng điệu tâm tình và xót xa khi viết về tình yêu. Hành trình cuộc đời với biết bao buồn vui, thăng trầm và mất mát đã để lại cho cô nỗi cô đơn và nỗi buồn lớn. Cô gửi gắm chúng vào thơ:

Hình như nỗi buồn dưỡng lão ở đầu phía cỏ không mùa cao nguyên người lịm gió

hoa dã quỳ hôn mê… Tóc loang ngực gió trán chiều âm u

chẳng một lời ru mà sao mắt ngủ thu sao cho đủ rụng vơi cũ càng?

Trong quan niệm mỹ học phương Đông, nhịp điệu trong thơ chính là sự vận động nội tâm của thế giới tâm hồn. Trong thơ Tuyết Nga, mỗi nhịp thơ là một nhịp thở ngắt quãng và mê man của nỗi buồn và nỗi cô đơn. Thơ cô nhắc nhiều đến những vết thương và sự trống trải bao trùm lấy câu chữ. Giọng thơ khắc khoải: "Tóc loang ngực gió/ trán chiều âm u"... cất lên như sự quẫy cựa của những vết thương trong tâm hồn và sự chìm khuất của hạnh phúc. Thơ Tuyết Nga buồn, một nỗi buồn lớn. Chính vì vậy, mỗi dòng thơ đều như một dòng tâm tình để trút bỏ những tâm tư của người phụ nữ đa cảm và đa đoan.

Khi là cô gái trẻ đắm chìm trong tình yêu, thơ Phạm Thị Ngọc Liên cũng mang vẻ đẹp dịu dàng, trìu mến, nồng nàn với cách gọi người em yêu dấu:

Mừng em sinh nhật Ngày không là ngày Mừng em sinh nhật Quà buồn đầy tay Người em yêu dấu Không về qua đây

(Sinh nhật)

Độc giả đọc những dòng thơ của Phạm Thị Ngọc Liên một cách nhẹ nhàng, có một chút gì buồn bâng khuâng của cô gái trẻ nhung nhớ người yêu, lại có một chút gì nũng nịu, trách móc rất đáng yêu và đầy nữ tính. Đôi lúc những dòng thơ thấm vào lòng người đọc một cách nhẹ nhàng như nước:

Vô tình như giọt mưa

em bao vây anh bằng điệu nhảy hồn nhiên của nước và tan thành giòng chảy dưới chân anh

(Thế giới trong tay anh)

Giọng điệu tự nhiên và hồn nhiên, tạo cảm giác bâng khuâng, mơ màng, như lời tâm sự khẽ thấm vào lòng người đọc, để lại một dư vị ngọt

ngào. Mỗi câu chữ trong thơ như được kết lại từ biết bao những yêu thương, trìu mến và bao dung vĩnh hằng của người phụ nữ.

Đôi khi, người đọc lại bắt gặp trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên những trăn trở rất nữ tính trong tình yêu:

Biển đến từ nơi đâu Biển chẳng bao giờ cạn Nên tình yêu đại dương Càng uống càng khao khát Nên tình yêu tẻ nhạt

Tan dần vào hư không

(Biển em khi trở lại)

Cái cách mà Phạm Thị Ngọc Liên trăn trở về tình yêu cũng dịu dàng và bồi hồi như cái cách mà trước đây Xuân Quỳnh đã từng trăn trở trong Sóng. Đó dường như là những băn khoăn muôn đời của những người con gái trong tình yêu, vừa trầm lắng, vừa da diết, lại vừa suy tư. Tình yêu luôn được ví với cái vô cùng vô tận của không gian, và người con gái trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên luôn thao thức và đắm mình trong những khát khao về sự vĩnh hằng của tình yêu.

3.3.2. Giọng sôi nổi, mạnh mẽ

Nếu nữ tính vĩnh hằng chảy trai trái tim mỗi người phụ nữ đem đến cho thơ Tuyết Nga và Phạm Thị Ngọc Liên giọng điệu tha thiết tâm tình thì lý trí sắc bén và cứng cỏi lại đem cho thơ cô giọng điệu sôi nổi, mạnh mẽ. Đứng trước cuộc sống, các nhà thơ nữ mang cho mình một lăng kính riêng, một thái độ riêng qua đó khẳng định một cái tôi riêng không phụ thuộc, không uỷ mị.

Khi nhìn về cuộc sống, thơ Tuyết Nga khoác lên mình giọng điệu rắn rỏi:

Một bữa ăn của cơn đói của cái nghèo

hay khô khỏng những tâm hồn hoá đá đã thiêu nghìn năm thành những tro tàn

(U-minh cháy)

Không còn giọng nồng nàn tình cảm hay xót xa cay đắng. Trong thơ Tuyết Nga, đối mặt với hiện thực cuộc sống là một cái tôi quyết liệt và mạnh mẽ, dám nhìn trực diện vào những thay đổi tiêu cực của thế giới xung quanh. Tuyết Nga dùng giọng điệu mạnh mẽ để viết về những đổi thay cô nhìn thấy trong cuộc đời. Trước cảnh tượng rừng U-minh cháy, cô không chỉ làm thơ để xót thương cho một cánh rừng "đang biến thành cổ tích", điều nhà thơ muốn nói còn có tầm vang vọng và sâu xa hơn thế. Bằng giọng rắn rỏi và triết lý, Tuyết Nga mạnh mẽ bày tỏ những trăn trở và nỗi lo của mình về sự ra đi của những giá trị đáng quý, thay vào đó là những giá trị phù phiếm hiện đại.

Nếu nói thơ Tuyết Nga mạnh mẽ thì với thơ Phạm Thị Ngọc Liên, có lẽ phải dùng từ ồn ào. Giọng điệu trong thơ Ngọc Liên đã vượt ra khỏi cái ngưỡng sôi nổi thường thấy trong thơ nữ, đi tới ranh giới của sự phá phách

ồn ào. Đôi lúc thơ cô như tiếng hét đòi giải thoát khỏi những cầm tù chật hẹp trong tâm hồn:

Ta muốn điên lên Và muốn chết

(Vực hạnh phúc)

Đọc thơ Ngọc Liên, người ta bắt gặp một cái tôi cô đơn nhưng ngông cuồng và táo bạo bước đi trong thơ. Sự ầm ào toát ra từ thơ cô khiến đôi lúc người ta tưởng mình đang đọc thơ của một đấng nam nhi nào đó đang mượn rượu giải sầu:

Nào chúng ta cụng ly cùng nhau một ly rồi tiếp thêm ly nữa ta sẽ uống cả phần người yêu uống xong rồi ta sẽ phiêu diêu

Mạnh mẽ, một chút ngang tàng, một chút phá phách, một chút ngông nghênh, một chút nghịch ngợm… tất cả làm nên một Phạm Thị Ngọc Liên đầy phái tính trong thơ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức phái tính trong thơ nữ đương đại (khảo sát qua hai tác giả tuyết nga và phạm thị ngọc liên) (Trang 84 - 89)