Sự phá vỡ chuẩn mực của thể thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức phái tính trong thơ nữ đương đại (khảo sát qua hai tác giả tuyết nga và phạm thị ngọc liên) (Trang 80 - 84)

6. Cấu trúc luận văn

3.2. Ý thức phái tính và thể thơ

3.2.2. Sự phá vỡ chuẩn mực của thể thơ

Nhu cầu giải phóng bản thân không cho phép các nhà thơ nữ bó mình trong những khuôn khổ chật hẹp. Nhu cầu tìm đến những hình thức mới, những hình thức vừa vặn hơn với sự gai góc trong tư duy thơ là nhu cầu bức thiết và chính đáng của các nhà thơ. Chính vì vậy, Tuyết Nga và Phạm Thị Ngọc Liên đã tìm đến với thơ tự do với nhiều biến thể để khẳng định cái tôi không trùng lặp của mình. Khác với các thể thơ khác phải gò mình theo một khuôn mẫu nhất định thì đặc điểm nổi bật của thơ tự do là không tuân theo những quy tắc về cách luật. Thơ tự do phóng túng trong cách biểu đạt, nhịp điệu phóng khoáng, được cấu tạo bằng những câu thơ tự nhiên đa dạng về tổ chức kết cấu, có số lượng từ ngữ co giãn linh hoạt. Về mặt hình thức, thơ tự do có thể có vần nhưng nó không trở thành một quy tắc chặt chẽ và ở đó, nhịp điệu được nổi lên như một yếu tố chủ đạo. Nhịp điệu ở đây không do cách luật xác định mà do những cảm xúc nội tại của nhà thơ. Sự phát triển của thơ tự do là để đáp ứng như cầu của thơ ca đòi hỏi đi sâu vào những đề tài mới, bắt nhịp với hơi thở của thời đại.

Tuyết Nga lựa chọn thơ tự do bởi những ưu thế ấy của nó. Trong sáng tác thơ tự do, bên cạnh việc biến đổi thể thơ bảy chữ thành những dòng thơ dài ngắn khác nhau một cách linh hoạt uyển chuyển, Tuyết Nga thường sử dụng thủ pháp ngắt dòng để tạo nên những câu thơ ngắn:

Cái nhìn liếc dao cắt

tiện ý nghĩ thành khúc

đứt đoạn ngổn ngang một ngày… Đổ bóng

mát xanh đổ bóng tăm tối

ngàn xôn xao ngàn khuất lấp ngàn rơi rụng vòm anh

(Dưới bóng ca dao)

Tuyết Nga đã bỏ đi một loạt giới từ, liên từ, thậm chí cả chủ ngữ để làm nên hiệu quả cho những câu thơ ngắt dòng như vậy. Những dòng thơ đứt đoạn như một nhát cắt của cái nhìn sắc nhọn, như những mảnh ngổn ngang của không gian. Dưới bóng ca dao là một trong những bài thơ được Tuyết Nga sử dụng một cách hiệu quả thủ pháp ngắt dòng, tạo nhịp điệu nặng nề và gấp gáp trong thơ. "Đổ bóng/ mát xanh/ đổ bóng/ tăm tối", mỗi câu thơ cất lên ngắn gọn và dứt khoát, mang trong nó sức nặng của những ý nghĩ đứt đoạn ngổn ngang. Và nối tiếp ngay sau đó là câu thơ 9 chữ "ngàn xôn xao ngàn khuất lấp ngàn rơi rụng" như sự đổ về ào ạt của những mảnh vỡ bị đè nặng trong ý nghĩ của cái tôi trữ tình.

Đinh Nam Khương đã nhận xét về nghệ thuật thơ Tuyết Nga: "Tuyết Nga thường có những câu thơ dấp dính, lòng thòng, chẳng ra thơ cũng chẳng ra văn xuôi, những câu thơ như từ một hành tinh xa xôi vừa được đĩa bay mang đến, đồn rằng ở nơi đó, con người thông minh hơn con người ở trái đất này. Đó là sự lòng thòng đầy gia công nghệ thuật cao siêu, là chỗ mà Tuyết Nga khác người, hơn người" [52]. Người đọc có cảm giác mỗi câu thơ của Tuyết Nga là một dải suy nghĩ của cái tôi đầy nhạy cảm:

Lặng nghe gió reo lặng nghe sóng reo tóc xanh luội bờ cát trắng lặng nghe gió reo lặng nghe sóng reo mắt xanh vịn chân trời lặng người đi rạc rời con nước ngăn ngắt miền cô đảo xa

chợt hồn lông chông trên cát quá khứ vỏ ốc nhạt nhòa

(Biển 2008)

Sự dài ngắn khác nhau trong thơ Tuyết Nga khiến nhà thơ có điều kiện thỏa sức tung bút theo cảm xúc của mình. Điều này là một yếu tố thuận lợi cho phép cô đưa vào thơ những bộn bề của cuộc sống và cả những ngổn ngang trong suy tư, trăn trở.

Vốn gai góc, nên thơ tự do của Phạm Thị Ngọc Liên cũng nhiều góc cạnh:

Tháng Năm rượu tháng Sáu hẹn hò tháng Bảy gan lỳ tháng Mười dư luận

có đổi được một ta nồng nàn một ta kỳ hoặc

một ta điên

(Tự khúc 1)

Phạm Thị Ngọc Liên đã khoác cho thơ mình một vẻ ngoài góc cạnh cũng giống như chính tâm hồn cô sau bao nhiêu giông bão. Những vần nhịp của thơ trữ tình truyền thống dường như đã cũ và quá chật để chất chứa một cái tôi muốn vươn ra ngoài biển lớn, muốn chứng tỏ bản thân và muốn cháy nhiều hơn nữa.

Cùng với thủ pháp ngắt dòng, Phạm Thị Ngọc Liên cũng viết nhiều thơ văn xuôi. So với thể thơ niêm luật truyền thống và thơ tự do thông thường thì thơ văn xuôi có thể được hiểu như một sự phá tung về loại hình và xóa bỏ những trói buộc về hình thức câu. Câu thơ dài rộng chứa chất nhiều tâm sự,

có khi bộc bạch những tâm sự cá nhân, có lúc trầm tư suy nghĩ về cuộc sống trước mắt: "Những chấp nhận đắng cay và thua thiệt, những rạn nứt và trăm điều bi thiết, chảy thành sông thành biển cuốn trôi rừng. Hạnh phúc bỗng là con cá quẫy, theo sóng về vượt chín từng không. Hạnh phúc như cánh chuồn quá mỏng, ngẩn ngơ bay chờ bão thổi về. Em cuối cùng gói đời cất vội, sợ mai này hồn ngập rêu rong…"(Thu khúc)

Người đọc cũng có thể dễ dàng bắt gặp những câu thơ văn xuôi rải rác trong ba tập thơ của Tuyết Nga, đặc biệt trong Hạt dẻ thứ tư, mật độ của thơ văn xuôi lại càng dày đặc:

Đừng nói với tôi rằng sông đang chết, tôi từng học cánh buồm cách đi tới giấc mơ cách khép lại một chân trời ảo vọng ngày số phận đặt vào anh như vào một khoang thuyền…

Mẹ lượm từ sông một đêm không trăng con chim ba con cá lội ủ ấm lành giấc ngủ tuổi thơ em. Ngày bão đổ mùa nước lên Cha gánh từ sông cầu vồng năm sắc, gỗ lim chìm bắc lớn ước mơ anh.

(Nếu những dòng sông chết)

Với việc loại bỏ một số dấu câu khỏi văn bản, Tuyết Nga dường như chỉ cung cấp cho người đọc một chuỗi ngữ lưu để ngỏ, buộc người đọc phải căn cứ vào cách hiểu của mình mà phân ý, ngắt câu. Nhịp điệu của bài thơ vì thế cũng chịu sự chi phối từ cách hiểu, cách cảm riêng của mỗi người. Lối viết với những dòng chữ miên man không nghĩ còn gợi cho người đọc cảm giác về một cuộc chạy đua của ngôn từ với dòng ý thức ào ạt của cái tôi trữ tình. Dường như khi bỏ qua yêu cầu suy nghĩ cho rạch ròi về ngắt câu, ngắt ý hay chuẩn chính tả, nhà thơ sẽ có điều kiện bắt kịp dòng chảy của tâm tư. Hình thức tuyệt đối tự do của văn bản cũng thể hiện một cách sống động tính chất liên tục, hỗn độn của dòng ý thức.

Có lẽ chỉ có hình thức thơ văn xuôi mới thực sự phù hợp và đủ sức chứa cho những tâm sự ngổn ngang và nhiều dang dở của người phụ nữ đa

cảm và tinh tế, dễ rung động trước mọi đổi thay của cuộc sống. Mỗi dòng thơ như một hơi thở dài của người phụ nữ sau những năm tháng buồn vui đau khổ với cuộc đời nhiều khúc quanh, nhiều ngã rẽ. Trong thơ văn xuôi, Phạm Thị Ngọc Liên và Tuyết Nga mặc sức để cho cảm xúc kéo gọi cảm xúc, nối tiếp nhau chảy trôi trong thơ. Mọi khuôn khổ dường như là qúa chật hẹp trên con đường các nhà thơ nữ tìm đến và khẳng định nội tâm của chính mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức phái tính trong thơ nữ đương đại (khảo sát qua hai tác giả tuyết nga và phạm thị ngọc liên) (Trang 80 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)