Ngôn ngữ thơ dịu dàng nữ tính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức phái tính trong thơ nữ đương đại (khảo sát qua hai tác giả tuyết nga và phạm thị ngọc liên) (Trang 89 - 91)

6. Cấu trúc luận văn

3.4. Ý thức phái tính và ngôn ngữ

3.4.1. Ngôn ngữ thơ dịu dàng nữ tính

Một cách tự nhiên như sinh ra đã có, thơ nữ bao giờ cũng mang âm hưởng ngôn ngữ dịu dàng như chảy về từ ca dao, dân ca, ngọt ngào như lời ru của mẹ, giản dị như biết bao đời nay vẫn thế. Cách sử dụng ngôn ngữ này phản ánh cách cảm, cách nghĩ và cách nhìn nhận thế giới của các nhà thơ nữ như Tuyết Nga và Phạm Thị Ngọc Liên. Dù vững chãi và gai góc trước cuộc đời, nhưng như một sứ mệnh của tạo hoá, họ vẫn là những người mẹ, người chị, vẫn mang trong mình thiên tính nữ vĩnh hằng. Điều đó khiến thơ họ không bao giờ mất đi nét hiền của tính nữ truyền thống.

Tuyết Nga làm thơ như viết nhật ký, lời thơ như lời nói dồn nén những tâm tư, tình cảm chân thành của người viết. Để thể hiện cái hồn nhiên dân dã của tình cảm, Tuyết Nga cũng đi theo một trong những khuynh hướng sử dụng ngôn ngữ hiện nay là đào sâu vào truyền thống, mô phỏng âm điệu, hình ảnh và hình thức dân gian:

Nụ tầm xuân…

“Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc” Mẹ từng hát ru ta lời Ngoại thuở nào ta làm mẹ

và một chiều mây trắng

chợt thấy tầm xuân xanh biếc trước hiên

(Hoa tầm xuân)

Ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc, đằm sâu bộc lộ những suy tư trăn trở đầy tính nữ. Bất cứ ai đọc Hoa tầm xuân của Tuyết Nga cũng sẽ ngân nga và bâng khuân như ngâm khúc ca dao "Bước lên vườn cải hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân" thuở nào.

Và đúng với bản chất mà tạo hoá sinh ra người phụ nữ vốn đa cảm đa đoan, thơ Tuyết Nga sử dụng rất nhiều câu cảm thán, câu cầu khiến:

Chậm rồi, xin đừng đến bên em (Hoa mùa thu trước)

Thôi em xin trở về giản dị và bình tâm

(Lời hứa của một người mơ mộng)

Đôi lúc lời thơ cất lên như tiếng thở dài của người phụ nữ. Nó là biểu hiện cho những ước vọng và suy nghĩ của người phụ nữ trong tình yêu, vừa tha thiết vừa nồng nàn. Nó cũng thể hiện bản chất vốn yếu đuối của người phụ nữ, hay lo lắng, hay trăn trở và suy tư về tình yêu, cuộc sống.

Phạm Thị Ngọc Liên, sau những lúc gồng mình lên với Rượu, Biển và Đêm, cũng có những phút quay trở về với chính lòng mình, đối diện với mình một cách chân thật nhất:

Tôi thấy tươi vui thấy tôi già cỗi Thấy tôi chân thật, thấy tôi lọc lừa… … Tôi nhìn tôi không thể nào che giấu Và tôi nhìn tôi

(Độc thoại trắng)

Cái tôi đứng trước lòng mình, soi lại lòng mình là cái tôi chân thật nhất. Đó là những giây phút người phụ nữ không muốn gồng mình lên, không còn muốn "giăng tay giữa trời mà hét", chỉ đơn giản là chững lại một chút, tĩnh tâm và thả lỏng mình, để mình được là mình một cách thật nhất, không bóng bẩy, không lên gân. Có thể nói, ngôn ngữ độc thoại cũng là một nét tiêu biểu của ngôn ngữ nữ tính. Các nhà thơ nữ thẳng thắn bộc bạch những tình cảm, suy tư cá nhân của mình không che đậy, điều này cho thấy nhu cầu khẳng định những cảm xúc riêng của giới và tự ý thức sâu sắc về bản thân cũng như giới mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức phái tính trong thơ nữ đương đại (khảo sát qua hai tác giả tuyết nga và phạm thị ngọc liên) (Trang 89 - 91)