Lập trường nhận thức trong hiện tượng học Husserl

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhận thức luận trong hiện tượng học Edmund Husserl (Trang 62 - 65)

2.5.1. Cái tôi như một khởi nguyên tuyệt đối

Husserl phê phán những người theo chủ nghĩa duy nhiên, coi con người như là một sản phẩm của tự nhiên. Các nhà duy nhiên cho rằng con người chính là điểm hội tụ của môi trường vật lý, sinh lý và khung cảnh văn hoá, lịch sử. Họ phủ nhận tính chủ thể của con người, và chỉ lấy những biến cố vật lý cũng như những biến thái của thần kinh và bắp thịt để giải nghĩa sinh hoạt tâm linh của ta.

Hiện tượng học nhấn mạnh vai trò chủ động của con người, coi con người là một chủ thể chứ không phải là một vật thể như các vật thể khác. Merleau Ponty khẳng định rằng: “Tôi là nguồn mạch tuyệt đối, hiện sinh của tôi không do tiền nhân tôi, và cũng không do những khung cảnh vật lý xã hội” [Trích theo: 12, tr. 40].

Nếu chỉ dựa vào những sơ sở vật lý, tự nhiên và lịch sử, văn hoá để giải thích cái bản chất của tôi thì chưa đủ. Bản chất của tôi, tồn tại của tôi là một “hiện hữu tự do”. Và chỉ mình con người mới có được bản chất tự do này. Môi trường vật lý và khung cảnh văn hoá không những không thể giải nghĩa được hiện sinh của tôi mà ngược lại, chính nhờ sự hiện sinh của tôi mới khẳng định, “ban phát” sự hiện hữu cho thế giới này. Chỉ khi tôi dựa vào sự hiện sinh của tôi thì truyền thống và khung cảnh văn hoá này mới thực sự có ý nghĩa cho tôi, mới được coi là hiện hữu cho tôi.

Bên cạnh đó, hiện tượng học còn cho rằng tri thức mà ta có được về vạn vật không phải là do sự phản ánh của thế giới vào bộ não của chúng ta và được “khúc xạ” ở trong đó. Bởi vì tâm trí của chúng ta không được cấu tạo để in giữ những gì là của vạn vật, của thế giới. Nó cũng không phải là do khoa học mang

lại cho ta. Ngược lại, khoa học còn xem ta như đã có tri thức về vạn vật, đã biết vạn vật là gì rồi, tức là đã có tri thức về vạn vật. Cho nên nếu không có tri giác, không có kinh nghiệm sống thì khoa học sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết. Bởi vậy tri giác, tức sinh hoạt tại thế của ta là nguyên nhân đầu tiên của mọi tri thức của ta về thế giới, về thế giới tự nhiên cũng như thế giới khoa học.

Tất cả các tri thức của ta, ngay cả những tri thức đơn sơ nhất, đều do kinh nghiệm sống của ta mà có được. Việc khoa học coi con người hiện sinh như là sự kết tinh của các yếu tố tự nhiên, sinh lý, lịch sử chỉ là một điều ngụy tín. Bởi vì “khoa học là sự diễn tả lại lần thứ hai cái kinh nghiệm sống, tức tri giác của ta” [12, tr. 39]. Nó không bao giờ có được những ý nghĩa chân thực, hình ảnh chân thực, toàn vẹn về thế giới kinh nghiệm sống của ta. Lẽ đó, thế giới khoa học chỉ có thể được xây dựng trên cái kinh nghiệm sống của ta. Trong hoạt động của mình, khoa học chỉ lấy các đối tượng của tri giác, kinh nghiệm sống rồi kiểm tra chúng và chọn lọc những gì mà họ cho là tuân theo những quy luật nào đó. Cho nên sẽ là sai lầm vào ảo tưởng nếu ai đó có ý định sử dụng khoa học như là một công cụ để tìm hiểu bản chất của con người, cũng như tìm hiểu thế giới mà con người đã trải nghiệm.

Vấn đề đó chỉ có thể được giải quyết thông qua hiện tượng học. Chỉ có hiện tượng học mới đưa chúng ta trở về được với thế giới mà ta đã trải qua trong hiện hữu tại thế của ta, thế giới chưa phản tỉnh của ta.

2.5.2. Thế giới đã có trước khi ta phản tỉnh

Hiện tượng học phê phán quan điểm coi thế giới như là một cái gì bất biến, vĩnh hằng. Các nhà hiện tượng học khẳng định thế giới này luôn biến đổi. Mặt khác, thế giới kinh nghiệm sống của chúng ta lại không giống nhau ở mỗi người. Mỗi người chúng ta chỉ biết có kinh nghiệm sống của mình: Đó là thế giới và cũng là thế giới xuất hiện trong ý thức của ta mỗi khi ta giao tiếp với người khác. Ý thức, theo cách hiểu của hiện tượng học, không đồng nghĩa

với ý thức trong triết học truyền thống. Ý thức mà các nhà hiện tượng học nói tới ở đây là ý thức sinh hoạt, ý thức chưa phản tỉnh, và ý thức đó là mục tiêu nghiên cứu của hiện tượng học. Trong khi đó, triết học truyền thống coi ý thức như là ý thức phản tỉnh, họ không biết tới một ý thức sinh hoạt của hiện tượng học cũng như của triết học hiện sinh về sau đó. Tức là không biết đến tri giác sinh hoạt tại thế của con người.

Với Descartes, những đối tượng của tri thức là những ý tưởng rõ ràng, minh nhiên, chúng không do kinh nghiệm sống của ta có được, chúng là do Thượng Đế đặt vào trong tâm trí ta từ khi lọt lòng mẹ, cho nên chúng được gọi là những “ý tưởng bẩm sinh”. Nói cách khác, đối tượng của tri thức trong triết học của Descartes không phải là những sự vật trong thế giới mà là những ý tưởng. Còn với Kant thì tư tưởng để trở thành tri thức phải bao gồm cả trực quan cảm tính. Tuy nhiên, Kant lại đặt các khái niệm, phạm trù thuần tuý lên trước tri thức, coi tri thức của ta chỉ là việc tìm lại nội dung các khái niệm, phạm trù đó.

Cả Descartes và Kant đều cho rằng tri thức của ta chỉ là sự trở về với những quan niệm thuần tuý, những quan niệm có trước khi ta tri giác, tức là trước khi ta có kinh nghiệm sống. Husserl phê phán quan điểm đó và cho rằng như vậy thì tương quan giữa chủ thể và đối tượng không phải là song phương. Họ đã có xu hướng duy tâm (chủ quan) khi cho rằng quyết định về kinh nghiệm tại thế có trước khi ta có kinh nghiệm tại thế, trước khi ta gặp thế giới, gặp đối tượng. Tức là họ đã tạo ra những điều họ nói về kinh nghiệm sống chứ họ không chú ý đến quan sát kinh nghiệm sống. Cái mà họ nói tới (tri thức) chỉ là một bản tái thiết về thế giới. Hiện tượng học khẳng định kinh nghiệm sống, tức tri giác là chỗ nguyên khởi của tri thức mà ta có về sự vật. Tức là chỗ phát sinh một hình thái sinh hoạt của chủ thể, đồng thời đó cũng là chỗ phát sinh cái hình ảnh mà tôi có về sự vật. Husserl quả quyết rằng ý thức của ta không tạo nên hình ảnh của thế giới, nhưng nó đã sống cái hình ảnh đó

theo cách chưa phản tỉnh. Vì thế khi phản tỉnh, nghĩa là khi coi thế giới là đối tượng khách quan thì thế giới đã được hình thành ở đấy từ bao giờ.

2.5.3. Viễn cảnh cái tôi như một tồn tại trong thế giới

Hiện tượng học chủ trương con người là một tồn tại trong thế giới, nghĩa là không có tâm linh và cũng không có tinh thần con người nếu không có sinh hoạt tại thế của con người. Sinh hoạt tại thế chính là sinh hoạt của chúng ta tại thế giới này. Đó là sinh hoạt chưa phản tỉnh của ta.

Hiện tượng học cho rằng con người (chủ thể của sinh hoạt trong thế giới) cũng là sinh hoạt chưa phản tỉnh, là tồn tại trong thế giới (Heidegger). Mỗi con người chúng ta chỉ là người theo mức chúng ta là những chủ thể sinh hoạt trong thế giới. Tính cách của mỗi chúng ta là kết tinh những hành vi trong sinh hoạt của mỗi người. Như vậy, kinh nghiệm sống, sinh hoạt trong thế giới là nguồn phát sinh chủ thể tính cách của con người (tức là sinh hoạt lao động hình thành nên nhân cách của mỗi người).

Lập trường này là cơ sở cho luận điểm: “Với con người, tồn tại có trước bản chất” của chủ nghĩa hiện sinh sau này.

Từ đó, hiện tượng học đi đến khẳng định chân lý là cái ta đã có kinh nghiệm sống; tức là sinh hoạt chưa phản tỉnh của ta. Chân lý không phải là cái hợp lý theo quan điểm thông thường. Chân lý chính là hình ảnh sinh hoạt trong thế giới.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhận thức luận trong hiện tượng học Edmund Husserl (Trang 62 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)