1.4. Khái lược về hiện tượng học Husserl và vai trò của nhận thức luận
1.4.1. Khái niệm hiện tượng học
Theo ý nghĩa của từ Hy Lạp, hiện tượng học chính là khoa học về các hiện tượng, là phenomenology gồm hai thành tố là phainomenon và logos, như là cái bày tỏ mình ra trong chính nó, từ chính nó.
Trước hết là thành tố phainomenon, bản thân nó cũng gồm hai nguyên nghĩa: Một là chỉ cái khai mở; hai là chỉ cái biểu hiện, cái hiện tượng bề ngoài. Thành tố thứ hai logos chỉ lời nói, ngôn từ, ngôn thuyết, lôgic. Logos còn được giải thích như là lý trí, phán đoán, ý niệm, nền tảng, tương quan theo như lịch sử
phát triển triết học sau này. Nhà triết học Aristotle quan niệm logos chứa hai chức năng là chứa đựng điều gì đó trong lời nói và làm sáng tỏ sự vật.
Theo như lịch sử xuất hiện của khái niệm này, hiện tượng học được Lambert - nhà triết học và khoa học tự nhiên người Đức lần đầu tiên sử dụng trong cuốn Bộ công cụ mới [Trích theo: 35, tr. 282]. Hiện tượng là để chỉ một trong các bộ phận của khoa học luận đại cương - lý thuyết về cái thấy được. Dựa vào điều này Kant đã đề xuất ý tưởng xây dựng hiện tượng học đại cương như là bộ môn đứng trước siêu hình học và thực hiện nhiệm vụ có tính phê phán. Kant đã bổ sung một nội dung mới mang ý nghĩa tích cực hơn như là công cụ chuyển hiện tượng và sự vận động thành kinh nghiệm. Khái niệm hiện tượng để chỉ những gì xuất hiện trong kinh nghiệm ý thức của con người. Hiện tượng là lĩnh vực mà người ta có thể nhận thức được. Tuy vậy, Kant vẫn chưa xây dựng được học thuyết về hiện tượng một cách đầy đủ. Dù vậy, khái niệm hiện tượng của ông cũng góp phần to lớn vào thế giới lý luận nhận thức [Xem: 35, tr. 282].
Với Hegel, hiện tượng học lúc đầu được hiểu như là phần thứ nhất của triết học và nó phải trở thành nền tảng cho các môn khoa học còn lại như lôgic học, triết học tự nhiên và triết học tinh thần. Sau này, Hegel hiểu hiện tượng học chỉ là một bộ phận của triết học tinh thần. Trong triết học của ông, học thuyết hiện tượng còn được coi là hình thái học tinh thần. Hình thái học tinh thần có đặc trưng lịch sử của nó. Nó mô tả quá trình chủ thể tinh thần tự mình chuyển hóa thành khách thể và đối lập với chính mình; sau lại bỏ sự chuyển hóa đó, để làm cho khách thể và chủ thể tự đồng nhất với nhau. Thế nên, hiện tượng học Hegel là học thuyết cho rằng, trong quá trình vận động biện chứng, tinh thần tự giới thiệu về chính mình, tự nhận thức về mình [Xem: 22, tr 48].
Còn theo Brentano, hiện tượng là kết quả có được nhờ quan sát đời
sống tâm lý. Ở nghĩa rộng, theo Brentano, “hiện tượng” là tất cả những gì có thể trở thành khách thể của sự xem xét khoa học. Đó chính là các hiện tượng tâm lý “bên trong” và các hiện tượng vật lý “bên ngoài”. Việc các hiện tượng tâm lý vốn có sự tồn tại được nhằm tới bên trong quyết định đến sự đa dạng đặc thù của chúng [Xem: 35, tr. 283].
Dựa trên quan điểm riêng trong quá trình nghiên cứu, mỗi nhà triết học đều đưa ra những hiểu biết của mình về khái niệm hiện tượng học. Nhưng những tư tưởng hiện tượng học thời kì trên mới chỉ là manh nha. Chỉ sau khi có sự sáng tạo của Husserl, hiện tượng học mới thật sự được coi là một khoa học độc lập, có kết cấu chặt chẽ, có quan điểm và phương pháp riêng biệt. Husserl muốn chủ tâm “xây dựng một khoa hiện tượng học để ghi nhận những biến thái muôn màu của thế giới; hiện tượng học của ông không dành ưu tiên cho chủ thể như hiện tượng học về tinh thần của Hegel, nhưng đặt đối tượng và chủ thể đồng hàng với nhau” [15, tr. 159]. Nói cách khác, theo hiện tượng học, ý nghĩa chỉ hiện ra khi chủ thể thực sự gặp đối tượng và cũng chính là lúc mà đối tượng được một ý thức truy nhận, cho nên ý nghĩa là thành quả cuộc đối thoại giữa tôi và thế giới, giữa chủ thể và đối tượng [Xem: 15, tr. 160].
Hiện tượng học đã chấm dứt thời kỳ ngây thơ của các triết gia và khoa học gia trước đó. Hiện tượng học được coi là khoa học đặt nền cho tất cả các khoa học như tâm lý học, sử học, xã hội học. Từ phía các khoa học lý thuyết đã cho thấy các khoa học đều xây dựng trên cái nhìn của ta về thế giới: Thế giới không có tính chất tuyệt đối, ta không thể nhìn nó mãi theo một cách. Hai nhà toán học Lobatchewsky và Riemann đã tìm ra khoa hình học đa hướng, khác hẳn với khoa hình học ba chiều của Euclide mà con người đã tưởng là duy nhất; Einstein, Heisenberg đã phát minh ra khoa vật lý tương đối, khác
với khoa vật lý xác định của Newton mà chúng ta cũng tưởng là duy nhất. Qua những điều trên, ta có thể khẳng định rằng: Các khoa học không phải là hiện tượng nguyên thủy, nhưng hiện tượng học mới là khoa học đặt nền cho các khoa học vì hiện tượng học giúp ta nhận thấy ta đã thực sự nhìn thế giới theo quan điểm nào [Xem: 15, tr. 171].
Thông qua việc hiểu hiện tượng học Husserl, ta hiểu thêm ý nghĩa của chữ hiện tượng. Hiện tượng ở đây không phải sự xuất hiện kiểu thần bí, hay hiện tượng như kiểu bao bọc lấy bản thể tự nó ở Kant; hiện tượng ở Husserl có nghĩa là “chính sự vật xét như nó là đối tượng cho một ý thức, nên hiện tượng ở Husserl không che sự vật, nhưng là chính sự vật theo chiều hướng tôi thấy nó” [15, tr. 172]. Về thực chất, hiện tượng học là học thuyết về ý thức thuần túy. Hiện tượng học chỉ một khoa học, một hệ thống của những quy phạm khoa học, trước hết nó chỉ một phương pháp và thái độ của nội tâm, của trực giác bản chất.