2.3. Nguyên lý quy giản và các phương cách quy giản
2.3.3. Quy giản hiện tượng học
Hiện tượng học là khoa học nghiên cứu về thế giới xét như nó là những hiện tượng. Quy giản hiện tượng học làm cho thế giới chỉ còn là một hiện tượng cho ý thức. Lúc đó, một bên, chúng ta có ý thức sinh hoạt thuần tuý (bản ngã thuần tuý) và đối diện với nó là thế giới hiện tượng. Nói cách khác, quy giản hiện tượng học của Husserl có tham vọng cho ta thấy thế giới đã xuất hiện với ý thức của ta như thế nào trong mỗi cái nhìn của chúng ta. Ở đây, Husserl gọi tri giác là ý thức kiến tạo. Kiến tạo ở đây là kiến tạo nên cái hiện tượng, tức là thế giới duy nhất mà ta đã thấy, đã kinh nghiệm, đã sống trải [Xem: 15, tr. 177].
Kiến tạo ở đây không như quan điểm của các nhà triết học duy chủ thể: Tôi nghĩ thế nào thì thế giới phải xuất hiện như thế. Kiến tạo trong hiện tượng học Husserl có nghĩa là: “Sự vật là thế này thế nọ, vì nó đã thực sự được truy nhận như thế bởi ý thức” [15, tr. 178]. Trước khi có sự truy nhận, tức là trước khi có sự gặp gỡ giữa ý thức của ta và hiện tượng thì thế giới vẫn có đấy rồi, nhưng tôi không biết được sự vật là như thế nào, Husserl gọi đó là “tiền thế giới”.
Hình ảnh của tôi về thế giới bằng kinh nghiệm, bằng tri giác của tôi chính là kết quả của sự gặp gỡ, đối thoại giữa ý thức của tôi và tiền vũ trụ. Nhưng tôi không thể ý thức được tất cả mọi góc cạnh của tiền thế giới; mà tuỳ thuộc vào “góc nhìn” của tôi, ý hướng lúc đó của tôi, tôi chỉ có thể tri giác đến một khía cạnh nào đó của sự vật. Tức chỉ là một trắc diện của tiền thế giới.
Chỉ khi ý thức đối mặt với tiền thế giới thì tiền thế giới đó mới trở
thành thế giới, nó chỉ là thế giới mà ý thức đón nhận. Kết quả, thế giới đối với ý thức của ta chỉ là hiện tượng. Tức là, nó chỉ là cái mà ý thức ta đã thực sự đón nhận và nó chỉ là thế. Nói cách khác, đối tượng mang tính hiện tượng. Mục đích của quy giản hiện tượng học chính là coi thế giới đúng như nó đã được ý thức truy nhận và kinh nghiệm.
Nhờ có quy giản hiện tượng học mà ta có thể đi tới hạt nhân của hiện tượng học. Ở đó, ta mới thấy được hiện tượng chính là mối liên hệ mật thiết giữa ý thức và đối tượng; vì ý thức là ý thức về đối tượng, còn đối tượng là đối tượng của ý thức cụ thể.
Quy giản bản chất giúp ta thấy được bản chất của đối tượng, còn quy giản hiện tượng học giúp ta thấy được tính hiện tượng của đối tượng. Cái diễn tả quy giản hiện tượng học là: “Tôi ý thức những cái mà tôi ý thức là những cái tôi đã ý thức như thế” [15, tr. 179].
Quy giản hiện tượng học đã làm biến mất tự nhiên và biến mất cả những cái tôi ý thức, để đặt ta trước một hiển nhiên, tức thực tại duy nhất của ý thức siêu nghiệm: Ý thức và siêu nghiệm gắn chặt lấy nhau thành một thực tại duy nhất. Đứng về phía chủ thể thực tại đó gọi là hình thái ý thức (năng tri), về phía đối tượng là hình thái cái mà tôi ý thức (sở tri). Không thể có năng tri mà không có sở tri, và ngược lại. Cả hai tạo thành sự tương hỗ lẫn nhau, cùng nhau tạo nên thực tại [Xem: 15, tr. 179].
Tính chất tương hỗ của ý thức và đối tượng được gọi là tính hiện tượng, tức là hiện tượng chỉ có thể có cả hai. Ý thức và hiện tượng gắn liền với nhau, nghĩa là năng tri và sở tri xét về hình thể và xét về bản chất cũng chỉ là một. Thực tại tâm lý cụ thể, đấy là năng tri và ý nghĩa tới ở với nó được gọi là sở tri. Husserl muốn triết học phải là khoa học chính xác và đòi hỏi triết học phải giải quyết được sự tương hỗ giữa năng tri (ý thức) và sở tri (đối tượng được ý thức). Theo Husserl, nhờ có sự tương hỗ đó, được miêu tả như những phương cách quy giản nói trên mà con người mới nhận được sự vật và xây dựng được khoa học lý thuyết có căn bản vững chắc. Đó là triết học. Chính cơ cấu của kinh nghiệm hiện tượng học nguyên khai đó khơi dậy và quyết định mọi hình thức phán đoán của ta.
Chính trên cơ sở lý luận này mà Husserl đã quả quyết rằng hiện tượng học là khoa học đặt nền tảng cho các khoa học, thoát khỏi tâm thế tự nhiên.