Nhiệm vụ của hiện tượng học Husserl

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhận thức luận trong hiện tượng học Edmund Husserl (Trang 35 - 39)

1.4. Khái lược về hiện tượng học Husserl và vai trò của nhận thức luận

1.4.2. Nhiệm vụ của hiện tượng học Husserl

Husserl muốn xây dựng hiện tượng học như một triết học vì ông coi triết học là “khoa học thứ nhất”, là nền tảng của mọi khoa học. Triết học phải đi đến một căn bản chắc chắn, làm tiền đề cho tri thức con người, loại bỏ những điều siêu hình đã được xác lập sẵn, không chấp nhận bất cứ quan điểm nào chưa được khảo sát.

Vào thế kỷ XIX, chủ nghĩa thực chứng ra sức cổ vũ cho những kết quả khoa học đã đạt được; chủ nghĩa tâm lý, chủ nghĩa phê phán kinh nghiệm lan rộng khắp nơi; còn các trường phái triết học khác đã đưa ra nhiều sơ đồ lý thuyết nên Husserl thấy cần phải có một triết học thực sự khoa học. Không phải sự thúc đẩy triết học nảy sinh từ những triết học mà từ sự vật và từ những vấn đề, muốn vậy, phải đặt các triết học đó ra ngoài một cách duy lý, một cách khoa học. Theo Husserl, chúng ta phải tin vào tri giác, tin vào lý trí cũng như tin vào một đức tin

vậy. Đó là việc tìm ra một cách độc lập nghi đề của mình để thực hiện và từ đó đề ra một phương pháp đặc thù để cuối cùng đạt được những chuẩn mực thuần túy của lý trí. Đó là hiện tượng học, một bộ môn khoa học xuất phát từ tầng sâu thẳm của sự rõ ràng đã có được để khám phá ra những triển vọng của sự phát triển con người nhằm đưa lại một bộ mặt trung thực cho hiện tượng học.

“Hiện tượng học là khoa học nghiên cứu về những bản chất và đối với khoa học này thì tất cả mọi vấn đề đều quy về việc xác định những bản chất” [Dẫn theo: 12, tr. 16].

Vậy bản chất theo quan niệm của các nhà hiện tượng học là gì? Husserl và các nhà hiện tượng học phủ nhận quan điểm coi bản chất như một cái gì đó bất biến, vĩnh hằng như trong triết học truyền thống và cho rằng quan điểm như vậy là phản khoa học. Bản chất, theo quan niệm của Husserl, là quan niệm mà ta có được do kinh nghiệm sống của ta. Họ cho rằng thế giới luôn biến đổi và tiến hoá. Và vì thế, tri thức của ta về thế giới, về vạn vật cũng sẽ không ngừng biến đổi. Những quan niệm của ta không phải là những ý tưởng tự thân ta, những “ý niệm” trong triết học Plato. Quan niệm của ta chỉ là những kinh nghiệm trong thế giới của ta. Tức là tri thức của ta có được về sự vật, về thế giới là bắt nguồn từ sinh hoạt trong thế giới này. Chính vì thế, bản chất mà hiện tượng học có được là bản chất cụ thể. Nói là cụ thể vì kinh nghiệm của ta chỉ cho ta biết về sự vật, về thế giới tại chính thời điểm ta gặp gỡ thế giới, ở ngay góc độ ta tiếp xúc với thế giới.

Nhưng kinh nghiệm của hiện tượng học không được hiểu như kinh nghiệm trong cách hiểu thông thường. Kinh nghiệm sống mà hiện tượng học nói ở đây là một loại kinh nghiệm tức thời, kinh nghiệm nguyên sơ, chưa bị khúc xạ bởi nhận thức của con người. Kinh nghiệm sống, do đó, khác với kinh nghiệm thông thường theo những quan điểm truyền thống. Kinh nghiệm thông thường có ba nguyên lý sau:

- Nguyên lý đồng nhất, tức các kinh nghiệm giống nhau.

- Nguyên lý về trật tự trước, sau trong không gian và thời gian. - Nguyên lý đơn nhất.

Kinh nghiệm của hiện tượng học không có những nguyên lý trên. Thứ nhất, không thể có một đồng nhất nơi kinh nghiệm sống. Mỗi kinh nghiệm là một kinh nghiệm duy nhất, không thể lặp lại, và cũng không thể phổ quát hoá. Thứ hai, kinh nghiệm sống không theo một trật tự nhất định nào, tức là nó không nằm trong mối quan hệ với thời gian và không gian. Thứ ba, ta không thể giản lược kinh nghiệm vào một đơn vị, hay một phạm trù; nói cách khác, ta không thể đánh giá, cũng như so sánh chúng được. Chính vì thế, chỉ khi tham gia vào kinh nghiệm sống đó, tức đã trải nghiệm thì mới có thể hiểu được kinh nghiệm sống đó.

Kinh nghiệm chính là những gì ta có được khi mà ta chưa có bất kỳ một ý thức nào về hành động của ta, tức là khi ta chưa phản tỉnh về hành động của mình. Hành động chưa phản tỉnh đó của ta chính là sinh hoạt trong thế giới này của ta. Husserl cho rằng khi mà ta đã phản tỉnh về hành động của mình thì chúng ta đã rút mình ra khỏi sinh hoạt trong thế giới của ta. Vì sao vậy? Bởi vì khi phản tỉnh, ý thức của ta về hành động của ta không còn là vô tư, là ngây thơ nữa. Lúc đó ta có cảm giác như ta hành động không phải cho chính bản thân ta nữa, mà dường như có một lực lượng tinh thần nào đó buộc ta phải hành động như vậy. Như vậy, phản tỉnh chỉ đến sau khi chúng ra thực hiện hành động của mình. Phản tỉnh tức là phản tỉnh về một quãng đời đã sống, về một hành động đã làm. Cho nên Merleau Ponty mới quả quyết “phản tỉnh là phản tỉnh về cái chưa phản tỉnh” [Trích theo: 12, tr. 120].

Từ đó, hiện tượng học phân biệt hai hình thái của ý thức: ý thức chưa phản tỉnh và ý thức phản tỉnh. Ý thức chưa phản tỉnh còn gọi là ý thức sinh hoạt, nó hướng tới thế giới sinh hoạt của ta. Còn ý thức phản tỉnh lại nhằm vào

hành động đã hoàn thành của ta. Trong sinh hoạt của ta, các hoạt động sau đều tiếp nối, xuất phát từ hành động trước đó. Nó nhằm bổ sung, hoàn thiện hành động trước đó. Như vậy, hành động đến trước, tự nó là hành động chưa phản tỉnh, còn hành động sau, khi mục đích của nó là hoàn thiện hơn nữa hành động trước, lại là một hành động phản tỉnh cho hành động trước. Nhưng chính hành động sau, khi xem mục đích phản tỉnh là đối tượng của nó thì nó lại trở thành hành động chưa phản tỉnh. Và cứ như thế, hành động sau nữa nhằm phản tỉnh cho hành động trước nó. Đó chính là sự phản tỉnh liên tục.

Hiện tượng học coi ý thức chưa phản tỉnh là sự gặp gỡ đầu tiên giữa ta và thế giới đó chính là ý thức tri giác. Và kinh nghiệm chính là cái mà ta thu được từ sau gặp gỡ đầu tiên này. Tóm lại, theo Husserl thì ý thức chưa phản tỉnh, tri giác và kinh nghiệm là đồng nhất với nhau.

Nỗ lực của hiện tượng học chính là tìm ra một quy chế triết lý cho sự gặp gỡ ngây thơ này. Hay nói cách khác, hiện tượng học nghiên cứu về sự hình thành đối tượng (sự vật, thế giới) mà ta có kinh nghiệm sống. Trong khi đó các khoa học khác đặc biệt là các khoa học thực nghiệm, chỉ dựa vào đối tượng của tri giác để xây dựng hệ thống tri thức của chúng. Họ cũng nói về đối tượng, về những sự vật trong thế giới, nhưng các khoa học này lại không làm sao biết được bằng cách nào con người có những đối tượng đó, thế giới đối tượng được hình thành như thế nào, làm sao tri giác của ta lại có được như vậy. Các khoa học này coi tri giác, kinh nghiệm như một tiền đề mà không bàn sâu thêm đằng sau tri giác, kinh nghiệm đó là gì. Chỉ có hiện tượng học mới giúp ta khám phá được thế giới ẩn sâu trong tri giác, kinh nghiệm đó. Đó là lý do tại sao Husserl coi hiện tượng học như là một “khoa học chặt chẽ”. Vì vậy, Husserl khẳng định rằng hiện tượng học không thể, không cần dựa vào bất kỳ kết quả nghiên cứu nào của các khoa học khác, mà hiện tượng học phải tự làm lấy công việc một mình, không chút bận tâm gì tới các khoa học kia.

Như vậy bản chất của sự vật, của thế giới chính là những gì mà kinh nghiệm sống của ta có được, bản chất là những bản tường trình về kinh nghiệm sống của ta. Chính ý thức chưa phản tỉnh của ta, tri giác của ta đã làm xuất hiện thế giới cho mỗi chúng ta. Thế giới đó chỉ xuất hiện khi mà ý thức của ta gặp gỡ được với nó. Thế giới mà hiện thực nói tới ở đây không phải là thế giới tự nhiên, thế giới khách quan trong triết học Mác - Lênin (mặc dù hiện tượng học vẫn thừa nhận có một thế giới tiền thế giới tồn tại trước khi ý thức chúng ta xuất hiện. Nhưng thế giới đó không phải là thế giới vật chất quyết định thế giới tinh thần, ý thức của ta). Khi ta đối mặt với thế giới thì tri giác, ý thức của ta nhìn thế giới như thế nào thì nó là như thế. Bản chất của nó chính là kinh nghiệm sống, là tri giác của ta.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhận thức luận trong hiện tượng học Edmund Husserl (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)