Phương pháp nhận thức trong hiện tượng học Husserl

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhận thức luận trong hiện tượng học Edmund Husserl (Trang 57 - 62)

Phương pháp nhận thức hiện tượng học được coi là một trong những nội dung quan trọng giúp chúng ta đi tới thế giới của hiện tượng học. Nó giúp chúng ta gạt bỏ những nhận thức cũ của chủ nghĩa duy nhiên, chỉ thấy thế giới tự nhiên, thế giới của tuyệt đối, chỉ xác định được thế giới tự nhiên là có thể nhìn thấy được. Bằng phương pháp của mình, thái độ hiện tượng học đã đem lại cho chúng ta nhiều điều mới mẻ bất ngờ.

Khi đề xuất phương pháp nhận thức hiện tượng học Husserl muốn thiết lập một nền tảng chặt chẽ, thoát khỏi những thiên kiến, giả định của các khoa học, đặc biệt là triết học trước đó. Đó cũng có nghĩa là phương pháp “gác lại”, “đóng ngoặc lại”. Điều này đã được phân tích thông qua quá trình quy giản hiện tượng học ở trên. Phương pháp nhận thức hiện tượng học bao gồm hai bước: phương pháp nhận thức trở về bản chất và phương pháp nhận thức trở về tiên nghiệm. Đây là các mắt khâu quan trọng của quá trình nhận thức hiện

tượng có ý nghĩa lớn trong nhận thức luận hiện tượng học của Husserl [Xem: 22, tr. 70].

2.4.1. Phương pháp nhận thức trở về bản chất

Phương pháp nhận thức trở về bản chất được Husserl phát triển trong quá trình nghiên cứu cơ sở lôgic, trong tác phẩm: Nghiên cứu lôgic. Husserl coi trở về bản chất không chỉ cái cá biệt và cho rằng trong việc mở rộng phạm vi của quan sát, bản chất cũng có thể quan sát trực tiếp. Cho nên trở về bản chất hay còn được gọi là trực giác bản chất, chính là việc hướng đến đối tượng có tính qui luật bản chất theo kiểu phi kinh nghiệm. Nguyên tắc này được tiến hành nhất quán thông qua hai bước là phán đoán giữa chừng và việc làm cho cái chung hiện rõ trong ý thức chúng ta trên cơ sở trực quan từ sự vật cá biệt [Xem: 17, tr. 488].

Trước hết là bước thứ nhất thông qua phán đoán giữa chừng, chính vì phạm vi nghiên cứu của phương pháp trở về bản chất không phải là xét mối quan hệ tồn tại giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức mà chủ trương nghiên cứu của nó là bản chất của lĩnh vực đối tượng nhận thức. Vì thế nó cần đến loại phán đoán giữa chừng bộ phận này. Husserl yêu cầu phải đặt niềm tin về sự tồn tại của đối tượng nhận thức vào trong ngoặc. Lý do là: Chúng ta chưa biết được sự tồn tại của sự vật mà nó chỉ cho ta thấy nó là gì khi hiển hiện. Chúng ta có thể thêm vào niềm tin sau đó, giả thiết sự vật do ý thức cấu thành chứ không tồn tại một cách tự tại; bản chất là khái niệm mang nhiều nghĩa.

Nghĩa bản chất của hiện tượng học khác với nghĩa biểu thị cái tiềm ẩn của hiện tượng (biểu tượng). Theo Husserl, bản chất là hiện tượng, là sự vật cho ta thấy nó là cái gì khi hiển hiện trước ta. Bản chất mà hiện tượng học nói đến là bản chất mang tính phổ biến, là cái chung; nhận thức bản chất không dựa trên kinh nghiệm của chúng ta đối với sự vật cá biệt. Bản chất mà hiện tượng nghiên cứu là bản chất tiên thiên.

Tóm lại, phán đoán giữa chừng được tiến hành đối với phương pháp trở về bản chất, là điều kiện tất yếu để trực giác bản chất. Qua đó, ta sẽ chú ý tập trung vào một nét nào đó của sự vật đang hiện rõ trực tiếp trước ta để đạt tới hiện tượng thuần túy [Xem: 17, tr. 490].

Bước thứ hai được thể hiện trên cơ sở trực quan sự vật cá biệt, làm cho cái chung hiện rõ trong ý thức chúng ta. Điều đó có nghĩa là khi quan sát một đối tượng cá biệt có thật hoặc trong tưởng tượng ta, đồng thời tự do biến đổi đối tượng đó trong tư duy, ta sẽ nhận thấy vô số các thuộc tính xung quanh nó, vấn đề là phải tập trung xem xét chỉnh thể, mối liên hệ của chúng. Từ đó, có thể tìm ra cái chung của các thuộc tính của các đối tượng đó, cái chung ấy chính là bản chất của nó. Một vấn đề đăt ra là khi không ngừng biến đổi từ đối tượng này sang đối tượng khác thì đã làm mất đi sự vật ban đầu chưa. Phương pháp nhận thức trở về bản chất yêu cầu phải bỏ qua sự niềm tin về sự tồn tại của sự vật cá biệt nhưng không yêu cầu bỏ qua sự tồn tại của ý thức. Bởi vì đó là cơ sở cho việc tiến hành phương pháp này. Sự tồn tại của ý thức là sự tồn tại khác, có tính tất nhiên còn sự tồn tại của sự vật cá biệt thì không. Phương pháp nhận thức trở về bản chất không giải quyết được vấn đề trên. Nó cũng không nghiên cứu việc tồn tại như thế nào của bản chất, hay vấn đề mối quan hệ giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức; mà nó được làm rõ trong phương pháp nhận thức trở về tiên nghiệm [Xem: 17, tr. 491].

2.4.2. Phương pháp nhận thức trở về tiên nghiệm

Phương pháp nhận thức trở về tiên nghiệm hay còn gọi là phương pháp nhận thức trở về hiện tượng học. Lý do là Husserl đã thay đổi từ cách nắm bắt mô tả bản chất của hiện tượng học sang việc lấy hoạt động nhận thức làm nền tảng của hiện tượng học tiên nghiệm. Đây là phương pháp cơ bản của hiện tượng học với ý nghĩa chính là phương pháp “gác lại”.

Để hiểu rõ phương pháp trở về tiên nghiệm, chúng ta cần làm rõ khái niệm “tiên nghiệm”. Từ quan niệm của triết học kinh viện thời trung cổ, “tiên nghiệm” dùng để chỉ phạm trù vượt qua mọi loại hình khác nhau của hiện hữu để đạt tới phạm trù chung hiện hữu là chân lý. Kant đã tiếp thu bổ sung quan niệm này với ý nghĩa mới. Kant cho rằng tính khả năng của nhận thức cần phải được nghiên cứu đầu tiên trước khi nghiên cứu cái hiện hữu và các phạm trù khác. Việc nghiên cứu tiên nghiệm không được dựa vào kinh nghiệm hay theo kiểu tiên thiên. Nó không nghiên cứu đối tượng của nhận thức mà nghiên cứu phương thức nhận thức đối tượng, làm cho nhận thức bằng kinh nghiệm trở thành có khả năng. Ý nghĩa tiên nghiệm này của Kant được Husserl sử dụng gọi là hiện tượng học tiên nghiệm. Husserl chú trọng nghiên cứu khả năng của nhận thức. Nhưng khác với Kant, Husserl dùng phán đoán giữa chừng phổ biến để nghiên cứu; việc này giúp cho việc xem xét khả năng của nhận thức sẽ không có một giả thiết nào trước đó.

Husserl đã xây dựng được một hệ thống nhận thức đáng tin cậy nhờ việc gác lại không bàn đến niềm tin về sự tồn tại của thế giới bên ngoài và dựa vào cái bản thân đã rõ ràng. Ý thức thuần túy là khởi điểm tuyệt đối rõ ràng, tin cậy của nhận thức. Rút ra được kết luận này Husserl đã nhờ đến phương pháp hoài nghi kiểu Descartes. Theo Husserl từ “tôi hoài nghi” suy ra “tôi tư duy” đến “tôi tồn tại trong tư duy” là phát hiện thiên tài của ông. Nhưng Husserl đã phê phán nhận thức luận của Descartes ở hai điểm: Nhị nguyên luận từ “tôi tư duy” suy ra “tôi tồn tại”, một cái là tôi tâm tư phi vật chất một cái là cái tôi thể xác vật chất thì không thể tác động qua lại với nhau; thứ nữa Husserl phê phán Descartes khi chứng minh sự tồn tại của Thượng đế và coi sức mạnh Thượng đế là toàn năng để giải quyết sự nhận thức giữa các cá thể khác nhau, chứng minh niềm tin của chúng ta vào thế giới vật chất, bên ngoài. Husserl cho rằng sức mạnh của lý tính có thể giải quyết được vấn đề cơ bản của nhận thức luận chứ không phải nhờ đến

sức mạnh của Thượng đế. Ông cũng quan niệm rằng cái được rút ra thông qua con đường hoài nghi kiểu Descartes là cái tự ngã thuần túy, ý thức thuần túy khi đã trải qua phán đoán giữa chừng trong hiện tượng học, chứ không phải là “tôi” và “tư duy của tôi” [Xem: 17, tr. 494].

Con đường trở về tiên nghiệm theo quan niệm của Husserl là việc khẳng định hoạt động của ý thức, chủ thể thực hiện hoạt động ý thức đó với tư cách tự ngã và trình bày hoạt động ý thức ấy cấu thành đối tượng của hoạt động ý thức như thế nào. Ví như khi tôi ngắm nhìn một bông hoa từ phía xa, cái mà tôi phải hoài nghi ở đây là có phải cái tôi đang ngắm nhìn ở xa đó đúng là bông hoa không. Liệu hình ảnh bông hoa ấy có tồn tại hay không, có độc lập với ý thức hay không, vì tôi chỉ nhìn thấy bông hoa ấy chứ không nhìn thấy sự tồn tại của bông hoa. Hành vi nhìn thấy bông hoa của tôi là cái không thể hoài nghi, tôi là người nhìn thấy bông hoa và tôi là người thực hiện việc nhìn đó.

Việc nghiên cứu hiện tượng học theo Husserl được tiến hành trong lĩnh vực ý thức thuần túy, ông coi đó là lĩnh vực bên trong, còn đối tượng có tồn tại khách quan hay không được coi là siêu vấn đề. Ông cũng đưa ra quan niệm về cái gọi là thời gian bên trong được cấu thành bởi hành vi hiện tại, quá khứ, tương lai, gọi chung là ý thức thời gian bên trong. Husserl cũng cho rằng sự vật khách quan xét cho cùng cũng là tồn tại trong mối tương quan với ý thức của ta, mọi đối tượng đều do hoạt động ý thức cấu thành [Xem: 17, tr. 495].

Từ việc phân tích trên, ta thấy tư tưởng trở về tiên nghiệm của Husserl chưa triệt để. Thứ nhất, về vấn đề thời gian bên trong, ngay đến Kant người đặt nền móng cho chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm cũng cho rằng không thể nhận thức được mà chỉ có các mối liên hệ lâu dài ở khắp mọi nơi mới xác định được chúng. Ngay đến phản tỉnh đơn thuần, nếu như không lấy sự vật bên ngoài làm tiêu chuẩn định hướng thì khó thu được kết quả luôn. Thứ nữa, quan niệm về

hoạt động ý thức cấu thành sự vật khách quan khiến người ta liên hệ đến quan niệm sự vật là phức hợp cảm giác của Berkeley [Xem: 17, tr. 496].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhận thức luận trong hiện tượng học Edmund Husserl (Trang 57 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)