2.3. Nguyên lý quy giản và các phương cách quy giản
2.3.1. Quy giản triết học
Phương cách quy giản triết học không phải đến Husserl mới có, trước Husserl, Descartes đã từng sử dụng phương pháp này. Vì thế, Husserl không bàn nhiều về quy giản triết học. Nội dung của phương pháp này là chúng ta không đi theo những lối mòn, phải có một cái nhìn trung lập đối với tất cả mọi quan điểm, mọi vấn đề từng tồn tại. Chúng ta chỉ chấp nhận những gì là đúng một khi chúng ta chứng thực được là nó hiển nhiên đúng.
Quy giản triết học buộc chúng ta phải xem lại các triết học đã có, “bỏ qua” mọi học thuyết và chỉ giữ lại cái gì là minh nhiên. Hai hệ thống triết học mà Husserl đòi xem xét lại là:
Thứ nhất là chủ nghĩa duy chủ thể, trong triết học của Kant và của Hegel. Quan điểm này cho rằng tất cả thế giới hiện hữu này chỉ là phản ánh của tinh thần con người, của ý niệm; lịch sử của thế giới cũng là lịch sử của tinh thần đó.
Thứ hai là chủ nghĩa kinh nghiệm, hay còn gọi là chủ nghĩa duy khách thể. Những người theo chủ nghĩa này cho rằng thế giới là tất cả, chủ thể chỉ là hình ảnh in lại nguyên bản của thế giới. Nhận thức của con người chỉ là chấp nhận định luật bất biến của vũ trụ con người không có khả năng nào nắm được bản tính của vũ trụ. Đó cũng là một thứ chủ nghĩa duy lịch sử [Xem: 15, tr. 160].
Mục đích của quy giản triết học là giúp ta thoát ra khỏi những áp đặt, thiên kiến của quan điểm truyền thống, của số đông một khi chúng ta chưa chứng thực được chúng. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận các quan điểm đó, mà chúng ta chỉ tạm gác các quan điểm đó sang một bên, hãy khoan sử dụng chúng. Gác lại chứ không có nghĩa là xoá bỏ, phủ nhận nó.
Bởi vì chúng ta sẽ quay lại với những quan điểm đó một khi chúng ta chứng thực được chúng.
Điều đó giải thích tại sao mặc dù yêu cầu xem lại các triết học từ trước tới nay, nhưng Husserl vẫn quan tâm tới Plato, Leibniz và đặc biệt là Descartes, Kant và chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm của ông. Husserl coi Descartes là người góp phần quyết định cho sự ra đời của hiện tượng học, còn Kant là người phát kiến đầu tiên trong lịch sử hiện tượng học. Husserl nhấn mạnh đến giản lược đầu tiên này là cần thiết đối với sự chuyển hướng hiện tượng học, những giản lược khác với tư cách là giản lược kế tiếp cần phải có cái đầu tiên, nhưng không vì thế mà nó là thứ yếu.