Quy giản bản chất

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhận thức luận trong hiện tượng học Edmund Husserl (Trang 52 - 55)

2.3. Nguyên lý quy giản và các phương cách quy giản

2.3.2. Quy giản bản chất

Husserl coi quy giản triết học chỉ mới là cái cổng, mới là sự khởi đầu, có trải qua quy giản bản chất chúng ta mới đến được với hiện tượng học.

Hiện tượng học là khoa học về bản chất. Mục đích của nó là khảo sát mối quan hệ bản chất giữa nhận thức và đối tượng được nhận thức. Vì vậy, nó không phải là khảo sát những đối tượng cá biệt, đặc thù. Nếu làm như vậy, chúng ta không thể có được tính xác định bản chất phổ biến và có hiệu lực cần thiết. Hiện tượng học phải từ nghiên cứu những cái riêng đến nghiên cứu cái chung. Để làm được việc đó, hiện tượng học phải sử dụng quy giản bản chất [Xem: 22, tr. 83].

Quy giản bản chất là “tạm đặt thế giới tự nhiên vào trong ngoặc”. Tức là chúng ta không từ chối sự hiện hữu của tự nhiên, chỉ là chúng ta tạm thời không bận tâm về nó, không để ý đến sự hiện hữu của nó lúc này. Nói cách khác, quy giản bản chất là làm cho đối tượng thoát ra khỏi tính chất hiện hữu của nó, chỉ là giữ lại bản chất của nó, cái đó Husserl gọi là Eidos. Khi đó, mỗi đối tượng, nói chung là cả thế giới, chỉ là một cái gì tôi đã ý thức [Xem: 15, tr. 175].

Husserl phê bình luận điểm của Descartes “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” là không minh nhiên, không hợp lý. Ở đây, theo Husserl, sự hoài nghi của Descartes đã phạm vào một nghịch lý. Đó là Descartes hoài nghi không có thế giới, rồi lại dùng tư duy trừu tượng, lôgic để kết luận phải có thế giới. Husserl cho rằng tôi tồn tại và tôi tư duy, thì việc tôi tư duy là đáng nghi ngờ nhất.

Mượn cách nói của Descartes, Husserl cho rằng điều hợp lý ở đây phải là “Tôi tư duy, vậy tôi có tư duy một cái gì”.

Eidos, ý niệm có tính bản chất chính là cái mà tôi đã thực sự ý thức, tức là ý thức. Nó không có tính chất cụ thể, rõ ràng như mọi sự vật trong tự nhiên. Nó thuộc lĩnh vực ý thức, tinh thần. Cho nên, khi tôi chú ý tới mà cái mà tôi tư duy (ý thức) thì tôi không chú ý tới thế giới tự nhiên, đó là lý do tại sao Husserl gọi hành động đó bằng điển ngữ “đặt thế giới vào trong ngoặc” [Xem: 15, tr. 176].

Quy giản bản chất đi từ lĩnh vực ý thức cá biệt đến lĩnh vực ý thức phổ biến, từ đối tượng, sự vật cá biệt đến đối tượng bản chất. Muốn thực hiện phương cách quy giản bản chất thì không thể tách rời quá trình nhận thức cụ thể. Hoạt động nhận thức gắn liền với phương pháp quy giản bản chất là hoạt động tri giác (trực quan) nó không bó hẹp trong việc trực quan cảm tính đối với đối tượng cá biệt, mà là “trực giác bản chất” (chữ dùng của Husserl) nhằm nắm bắt đặc tính chung của sự vật. Đó là trực giác tức thời, không thể hoài nghi, là kiểu nhận thức phi lôgic. Nó là ngọn nguồn của nhận thức, đi trước nhận thức lý tính.

Khác với cái biết được thông qua giác quan đánh động vào ý thức, trực giác cho phép ta khám phá lập tức bản chất vật. Cho nên, trực giác có tính bản chất, mà bản chất của đối tượng, theo Husserl, được tạo thành bởi “cái bất biến” luôn luôn đồng nhất qua mọi biến thiên. Nó chính là nguyên nhân của nó, không bị quy định bởi phạm trù nào hết. Cái biến thiên đó là ý thức

nguyên thuỷ của con người, là cái tôi tự khẳng định trước mọi suy luận duy lý. Do vậy, những bản chất mà hiện tượng học đạt được chính là cấu trúc của tinh thần, của ý thức.

Phương pháp quy giản bản chất bao gồm 3 bước:

Thứ nhất: Đây là phương pháp được tiến hành trong tưởng tượng. Ở

đây chính là hồi tưởng lại những gì đã được kinh nghiệm, đã tri giác, đã sống trải. Nếu chưa bao giờ sống trải, chưa từng trải qua thì không thể tưởng tượng. Vì vậy kinh nghiệm là tiền đề và cơ sở của tưởng tượng.

Trong quá trình tưởng tượng, tức là trước khi chúng ta đạt tới bản chất, chúng ta không biết được đối tượng mà chúng ta hướng tới (hiện tượng, bản chất) là gì; chỉ biết đó là một đống tài liệu cảm giác lộn xộn. Chúng ta có thể thay đổi nội dung chúng ta tưởng tượng theo những chiều hướng khác nhau. Nhưng chúng ta nhận thấy một điều rằng, trong quá trình biến đối đó và chính trong những cái biến đổi được sản sinh trong quá trình đó đều xuyên suốt một dạng chung. Cái dạng chung đó là cái bất biến, là vật nói chung trong mọi quá trình biến đổi. Nó là bản chất. Bản chất đó là tính khả năng thuần tuý, mà tính khả năng đó đồng thời cũng có nghĩa là tính tất yếu [Xem: 22, tr. 86].

Thứ hai: Tiếp đến chúng ta có thể thoát khỏi kinh nghiệm để thay đổi

tượng tượng của ta một cách tự do đối với cái bản chất nói chung đã có được ở công đoạn trước. Với đối tượng mới, chúng ta lại có thể tưởng tượng ra những điểm chung mới. Và cứ tiếp tục như thế, chúng ta sẽ đến được với cái bản chất ở cấp độ cao hơn. Đó là lĩnh vực bản chất nói chung, cao nhất [Xem: 22, tr. 88].

Thứ ba: Cuối cùng là việc khái quát sự biến đổi bản chất. Đó là việc đặt

tên, miêu tả những bản chất đã nắm được. Những khái niệm và miêu tả đó có thể tiếp tục trở thành đối tượng và biến đổi để tiến tới khái niệm và miêu tả chung cao hơn.

Như vậy, quy giản bản chất giúp ta thoát ra khỏi thế giới duy nhiên để đưa tới được với thế giới sống đích thực. Nhờ quy giản bản chất, ý thức của ta đã giành lấy quyền năng của mình. Thế giới không phải là tuyệt đối, nó chỉ là “cái tôi đã thấy”. Nhưng đó không phải là cái tôi thấy bằng sự phản tỉnh của tôi mà đó là cái tôi thấy được bằng kinh nghiệm của tôi. Hay nói cách khác, nó là kinh nghiệm của tôi, là cái tôi nhận thức được trực tiếp và hiển nhiên [Xem: 22, tr. 88].

Quy giản bản chất đưa ta đến thế giới tinh thần. Ở đó diễn ra cuộc gặp gõ giữa ý thức và đối tượng một cách minh nhiên. Nhờ đó chúng ta có thể nhận thức được thế giới một cách chính xác, hiển nhiên.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhận thức luận trong hiện tượng học Edmund Husserl (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)