2.1. Những nhân tố ảnh hưởng đến việc giáo dục thế giới quan duy
2.1.1. Bối cảnh trong nước và quốc tế
* Bối cảnh trong nước
Để hoàn thành mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa vào năm 2020, công cuộc đổi mới của chúng ta phải trải qua nhiều chặng đường, và một trong những bước đi quan trọng của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Trên thực tế qua hơn 25 năm đổi mới, Đảng, nhà nước và nhân dân ta đã thu được những thành tựu hết sức quan trọng về kinh tế và xã hội.
Về kinh tế, chủ trương mở cửa, hội nhập của Đảng, nhà nước ta và các thành tựu đã đạt được trong nền kinh tế thị trường đã tạo ra những điều kiện cho việc giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng đối với sinh viên hiện nay nói chung và đối với sinh viên các Trường Cao đẳng Y tế tại Hà Nội nói riêng. Nền kinh tế thị trường chỉ thu hút những con người có năng lực thực sự, vì vậy, buộc sinh viên phải nỗ lực học tập để có vốn kiến thức phục vụ tốt cho công việc. Điều đó cũng tạo ra một đội ngũ sinh viên ngày càng chủ động, tích cực trong học tập; đồng thời làm cho mặt bằng kiến thức của sinh viên ngày càng cao. Họ không chỉ học những kiến thức trong sách vở, trong trường mà còn phải học rất nhiều kiến thức từ trong xã hội, trong cuộc sống để lập thân, lập nghiệp. Hơn nữa nó cũng có ảnh hưởng tích cực đến đội ngũ
giảng viên buộc họ phải phát huy tính chủ động tích cực và nghiên cứu khoa học. Từ đó làm cho chất lượng đào tạo được nâng lên.
Về xã hội, có thể thấy hiện nay, đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân ngày một phong phú hơn. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ngày càng được hoàn thiện, bộ máy nhà nước ngày càng có hiệu lực, quản lý thống nhất mọi lĩnh vực của đời sống xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống người dân đảm bảo quyền công dân của mình. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từng bước được đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động thiết thực hơn. Xu thế dân chủ hóa, công khai hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội kể cả trong giáo dục và đào tạo cũng tác động tích cực đến sinh viên, tạo điều kiện cho họ phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì năng lực và hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước, hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội chưa đáp ứng kịp yêu cầu của tình hình mới. Tình trạng nhiều quyết định chưa sát với tình hình và còn thiếu căn cứ khoa học, luật pháp còn nhiều khe hở để cho nhiều hành vi phạm pháp, tham nhũng, trốn thuế, buôn lậu hoành hành. Đây cũng là những trở ngại cần khắc phục, để làm cho nhân dân ta mà đặc biệt là thế hệ sinh viên ngày càng tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng; tin tưởng vào con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng đã lựa chọn; tin tưởng vào bản chất con người Việt Nam có bản lĩnh, có trí tuệ, có tinh thần dân tộc và quốc tế trong sáng. Từ đó lý tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn được nhân dân một lòng hướng tới.
* Bối cảnh quốc tế
Tình hình thế giới vào những năm cuối của thế kỷ XX cho đến nay, có những biến động lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa. Sự biến đổi đó đang tác động đến sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, trong đó có những mặt tích cực và cả những mặt hạn chế. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng ta đã xác định “Những nét mới trong tình hình thế giới và
khu vực tác động mạnh mẽ đến tình hình nước ta, trước mắt nhân dân ta có cả cơ hội và thách thức lớn” [7, tr.14].
Về mặt chính trị: Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, nó đã ảnh hưởng lớn đến những nước Xã hội chủ nghĩa còn lại trong đó có Việt Nam mà trực tiếp nhất là việc giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng.
Có thể nói, lịch sử chưa bao giờ chứng kiến một sự sụp đổ nào về chính trị ghê gớm như vậy. Nó diễn ra nhanh, rộng làm chấn động cả thế giới. Trước sự kiện ấy đã có nhiều câu hỏi được đặt ra và đã có nhiều cách trả lời khác nhau. Vậy đâu mới là sự thật cho sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu?
Thắng lợi của cách mạng Tháng Mười kéo theo sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã đóng góp to lớn cho việc giữ gìn hòa bình, bình đẳng và tiến bộ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “ Giống như mặt trời chói lọi. cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” [4, tr.67]. Cách mạng tháng Mười Nga đã từng là chỗ dựa vững chắc cho phong trào hòa bình và cách mạng trên thế giới, cho việc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân và góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhưng do duy trì quá lâu những khuyết điểm của mô hình chủ nghĩa xã hội cũ, đó là sự chậm trễ trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là do sai lầm về đường lối lãnh đạo vì vậy, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, cả về kinh tế, chính trị, xã hội và kết cục là hệ thống xã hội chủ nghĩa đã tan rã. Từ đó, phong trào cách mạng của các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào thoái trào. Cục diện thế giới có sự thay đổi mà thế mạnh nghiêng về chủ nghĩa tư bản hiện đại. Tình hình này đã làm cho các nước xã
hội chủ nghĩa còn lại và các lực lượng cách mạng tiến bộ trên thế giới đã và đang đứng trước nhiều khó khăn nghiêm trọng.
Tuy vậy, trong thực tiễn cách mạng hiện nay, phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội vẫn tồn tại, lý tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn không mất đi, chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn không thực hiện được âm mưu tiêu diệt hết các lực lượng xã hội chủ nghĩa. Nhưng dù sao, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu đã và đang có những tác động tới phong trào xã hội chủ nghĩa và phong trào công nhân ở các nước tư bản. Đối với nước ta, sự tác động đó diễn ra trên tất cả các lĩnh vực và đặc biệt là đối với sinh viên, họ dễ bị dao động về thế giới quan, bởi thế giới quan của họ đang trong quá trình hình thành và phát triển. Vì vậy, trong quá trình giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng cần phải làm rõ cho sinh viên, để họ có niềm tin vào chủ nghĩa xã hội trong tiến trình phát triển của lịch sử xã hội loài người, tin vào học thuyết Mác- Lênin, qua đó giúp họ có ý chí phấn đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Về kinh tế: Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của nền kinh tế thế giới, do tác động mãnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới... nền kinh tế thế giới đang có những biến động sâu sắc, đấy là cả thế giới sôi động trong một thị trường tự do, vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú phục vụ mọi đối tượng tiêu dùng. Điều này, làm cho bộ mặt của đời sống nhân dân các nước trên thế giới ngày một no đủ hơn, những nước nghèo và nhân dân những nước nghèo từng bước tiếp cận được với những sản phẩm tiên tiến của thời đại. Đặc biệt, tầng lớp trí thức ngày càng được coi trọng. Nền kinh tế tri thức đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại. Hơn nữa, những năm qua việc áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại vào đời sống kinh tế - xã hội làm xuất hiện nhu cầu phải xã hội hóa về sở hữu, về quản lý, nâng cao đời sống của nhân dân. Chủ nghĩa tư bản đã có những điều chỉnh như: cổ phần hóa đối với một bộ phận
công nhân; điều tiết thu nhập... điều đó cho thấy chủ nghĩa tư bản không những có khả năng phát triển kinh tế mà còn làm dịu các xung đột xã hội. Vì vậy, nếu không có cái nhìn tổng thể, khách quan và sâu sa thì chúng ta dễ bị những hiện tượng trên đánh lừa, làm cho bộ phận không nhỏ nhân dân thế giới nói chung, nhân dân ta trong đó có sinh viên tưởng rằng chủ nghĩa tư bản đang thay đổi bản chất để có xu hướng ngày càng tốt đẹp hơn. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng trong nhà trường để sinh viên hiểu rằng sự điều chỉnh ấy không làm giảm đi sự phân cực giữa giai cấp tư bản đang giàu lên nhanh chóng với những người lao động nghèo; mâu thuẫn cơ bản giữa chủ nghĩa tư bản với giai cấp công nhân và những người lao động trong lòng xã hội tư bản không hề mất đi.
Về văn hóa: Với chủ trương: “Phát triển văn hóa dân tộc đi đôi với mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới” [39], cho đến nay nền văn hóa nước ta đã không ngừng được bổ sung và ngày càng trở nên phong phú. Tư tưởng đó tiếp tục được khẳng định tại đại hội IX của Đảng: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của nhân loại” [8, tr.114-115]. Tại đại hội thứ X Đảng ta lại tiếp tục chủ trương: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Đặc biệt coi trọng nâng cao văn hóa lãnh đạo và quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong nhân cách của thanh niên, thiếu niên; chống những hiện tượng phi văn hóa, phản văn hóa” [9, tr.213].
Như vậy, trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề văn hóa nhất là trong thời đại hiện
nay, khi mà cùng với xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, chính trị thì giữa các nền văn hóa trên thế giới cũng có sự giao thoa, đan xen lẫn nhau. Vậy làm thế nào để chúng ta vừa “hòa nhập” với nền văn hóa tiên tiến, hiện đại trên thế giới vừa không bị “hòa tan” vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng được hình thành qua hàng nghìn năm phát triển của dân tộc ta. Trong thời kỳ bao cấp, ở nước ta mọi giá trị truyền thống được bảo tồn gìn giữ nay bước sang kinh tế thị trường toàn cầu hóa, sự nhu nhập của các nền văn hóa mới, lạ diễn ra nhanh mạnh nếu không có sự định hướng đúng đắn thì thế hệ trẻ Việt Nam dễ rơi vào tâm lý sùng ngoại, chạy theo thị hiếu văn hóa kiểu phương Tây. Họ dễ bị rơi vào những quan niệm sống tự do cá nhân, cực đoan, thái độ vô trách nhiệm với gia đình và xã hội, dễ bị nhũng nhiễu bởi hành vi bạo lực, dâm ô, trụy lạc, mê tín dị đoan lôi cuốn vào những mặt tiêu cực. Như vậy, những quan niệm, thái độ và hành vi đó sẽ gây cản trở không nhỏ đến mục tiêu giáo dục - đào tạo ở nước ta. Hiện nay, chúng ta muốn tạo ra những con người vừa “hồng”, vừa “chuyên”, những con người có phẩm chất đạo đức chính trị và lối sống tiến bộ, những con người biết sống mình vì mọi người. Điều này chỉ có thể làm được trong quá trình giáo dục cho nhân dân ta nói chung và giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng cho sinh viên nói riêng, qua đó không để cho các hiện tượng văn hóa không lành mạnh làm thay đổi bản chất con người Việt Nam nói chung, sinh viên Việt Nam nói riêng, đảo lộn các giá trị truyền thống của dân tộc.
Như vậy, sự biến động lớn của tình hình kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa đang diễn ra trong và ngoài nước đã và đang tác động đến quá trình giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng cho sinh viên nói chung và sinh viên các trường Cao đẳng y tế Hà Nội nói riêng, đặc biệt là những tác động tiêu cực, nó chính là lực cản lớn nhất trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lối sống cho sinh viên hiện nay trong đó có việc giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng.
Bên cạnh những tác động của điều kiện trong nước và quốc tế thì sinh viên trường Cao đẳng y tế Hà Nội cũng chịu những sự tác động trực tiếp của những điều kiện đặc thù đối với khối sinh viên các trường y nói chung và sinh viên trường Cao đẳng y tế Hà Nội nói riêng.