3 .1Không gian huyền thoại
3.1.1 Không gian núi rừng huyền bí
Dân gian quan niêm “rừng thiêng nước độc”, không gian núi rừng luôn có những điều huyền bí khó nắm bắt và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của con người sinh sống nơi đây. Thái Nguyên là vùng đất bán sơn địa nên núi rừng chiếm diện tích lớn và đóng vai trò quan trong trong văn hóa địa phương. Trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, không gian núi rừng được lặp đi lặp lại nhiều lần, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và phong phú. Không gian thực trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là những địa danh không hề hư cấu, có thật ngoài đời. Nó gắn liền với những vùng quê quen thuộc của mảnh đất Thái Nguyên như: Làng Phan, Linh Nham, Linh Sơn, núi Rùng, núi Hột, bãi Nghiền Sáng, chùa Hang, chùa Phù Liễn…. Chúng được lặp đi lặp lại trong các tiểu thuyết của nhà văn. Nhưng khác với các nhà văn khác đi sâu vào khai thác những mâu thuẫn của xã hội, những vấn đề thời sự ở các vùng quê… Nguyễn Bình Phương đào sâu vào thể hiện những tâm trạng, những con người cá nhân nhỏ bé. Không gian núi rừng được hiện lên qua hình ảnh những ngôi làng rất đỗi gần gũi, quen thuộc với đầy đủ sông, núi, ao, hồ... Làng có thực nhưng lại được xây dựng tách biệt với thế giới bên ngoài làm cho người đọc thấy mơ hồ, mông lung... Ngôi làng được Nguyễn Bình Phương có bóng dáng của ngôi làng Macoondo trong tác phẩm Trăm năm cô đơn của G.G.Marquez. Ngôi làng bị bao vây bởi núi và đầm lầy cùng với
những sự việc đậm chất kỳ ảo.
Tiểu thuyết Vào Cõi, Nguyễn Bình Phương miêu tả: “Làng bao bọc bởi
những dãy núi. Cao nhất về mé trái là ngọn Rùng.
Núi Rùng hình tam giác, đỉnh nhọn hoắt như mũi dao găm. Mặt trước dựng đứng, nhẵn lì, mặt sau tiếp giáp với cánh rừng vắt qua dốc cước. Rừng rậm, thú nhiều, thi thoảng lại xuất hiện hổ từ các vùng lân cận khác lạc sang.” (65; tr17)
Xung quanh ngôi làng bao bọc bởi những dãy núi nên không gian làng không thể mở rộng hơn. Những ngọn núi giống như những bức tường thành chặn ngang sự liên hệ giữa làng với thế giới bên ngoài.
Hình ảnh làng hiện lên mang theo cảm giác u ám “ Làng khe khẽ trở mình trên những búp non mới nhú. Những đống rơm bết lại thành từng khối vàng xỉn.
Đã chớm nắng.
Khói bốc lên từ các nóc nhà, nát vụn vì gió. Khói oằn oại như một sự thoát thai.
Cánh đồng quanh làng trơ những chân rạ đang thối rữa. Trời xanh thêm một chút.
Mây rõ thêm một chút.
Một chút gì rượi thoáng khắp làng.” (65; tr116)
Làng được nhà văn miêu tả không có màu sắc của tươi vui. Qua ngòi bút của nhà văn, làng hiện lên cũ kỹ, tàn tạ và không khí ảm đạm. Không gian được miêu tả rõ nét chân thực nhưng càng thực thì chúng ta càng cảm thấy có gì đó xa lạ. Vẫn là làng đấy, những mái nhà đấy, cánh đồng đấy nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Bình Phương chúng trở nên xa cách, mang theo một điều gì bí ẩn.
Tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già, không gian đầy huyền ảo với khu rừng Linh Nham “như chiếc quan tài đen lập lờ giữa màn sương run rẩy
huyền bí” (66; tr96); dòng Linh Nham không thơ mộng như các dòng sông được miêu tả trong thơ văn mà “đêm đêm các oan hồn hiện về kêu gào, khóc lóc đòi trả lại đầu” (66; tr209), dòng sông “rì rầm ai oán” (66; tr115). Bầu
trời “xám ngoét, nặng võng xuống” (66; tr224) và “đột ngột nứt toác ra. Từ
đỉnh trời, một chiếc cột sắt khổng lồ vùn vụt, xuyên thẳng vệ đường.” (66;
Thiên nhiên núi rừng không được tác giả miêu tả ở sự kỳ vĩ như thường thấy mà núi rừng được thể hiện trong các tiểu thuyết đầy dữ dội, biến động…Không gian miền núi rừng vô cùng kỳ bí với bầu trời, khu rừng, dòng sông…có những âm thanh và hành động khiến cho người đọc cảm giác tò mò nhưng cũng sợ hãi. Những chiếc quan tài, những tiếng gào khóc, những lời ai oán làm cho núi rừng trở nên kỳ bí. Đặc biệt trong làng còn có những hiện tượng kỳ lạ mà không ai lý giải được như làng của nhân vật “ông “cho dù người làng có đi đâu chết xác cũng tự trôi về cây si, như về với cuội nguồn. Nguyễn Bình Phương muốn nhấn mạnh cái bất thường trên không gian rất thực. Những không gian ấy gợi cảm giác vừa quen vừa lạ. Đây là điểm riêng, đặc trưng trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương.
Tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy hình ảnh thiên nhiên được miêu tả đầy ma quái: “Bên rặng bạch đàn rì rầm đen, những đám sương lóe sáng. Từng luồng
trắng vươn đến, uốn cong, va chạm rồi ngả ra, sáp lại, quằn quại, rạp xuống, xắn bện thành một mớ hỗn độn, bùng nhùng.” (69; tr36) Cảnh vật làng Phan
chìm trong “ao Lang đen thẫm, lầm lì, bí ẩn như khuôn mặt người câm.” (69; tr41) Núi Hột không có hình dáng bình thường mà “quả núi bị vẹt một nửa
trông như cơ thể mất thịt, lộ ra màu trắng pha chút đỏ của máu”; (69; tr12)
“núi ở trên đầu, một khối nhọn hoắt đâm vào cổ lợn.” (69; tr50) Hình như Nguyễn Bình Phương có ý khắc sâu sự man dại, hoang vu của núi rừng nên các chi tiết nhà văn xây dựng đầy ám ảnh trở thành nỗi sợ hãi của các nhân vật. Cảnh vật được miêu tả đều chứa đựng những điều kỳ quái với những dáng hình không tưởng tượng nổi.
Nguyễn Bình Phương có một thời gian dài gắn bó với núi rừng Thái Nguyên đã giúp cho các nhà văn có sự hiểu biết sâu sắc về đất nước và con người nơi đây. Thời điểm nhà văn sáng tác các tiểu thuyết mảnh đất ấy đã phát triển rất nhiều so với lúc chiến tranh. Tuy nhiên, những giai thoại về con người và thiên nhiên nơi đây đã để lại cho nhà văn những ấn tượng sâu sắc.
Nên không gian huyền bí của núi rừng đã trở thành không gian quen thuộc trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương và cũng là không gian nghệ thuật để nhà văn thể hiện quan niệm của mình về cuộc sống.