2.1.3 .Khái niệm môi trường tự nhiên, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
3.2. Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên trong sinh hoạt
3.2.1. Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên trong việc ăn, uống
Theo C.Mác, tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại của con người và của mọi lịch sử chính là việc thỏa mãn nhu cầu của con người. Con người trước
hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, v.v.
Như vậy, con người muốn tồn tại và phát triển thì phải có sự liên hệ, tác động vào giới tự nhiên để tạo ra những của cải vật chất cần thiết đáp ứng nhu cầu ăn, ở, mặc, đi lại… tối thiểu của mình. Ăn, uống, chỗ ở và mặc là những điều kiện vật chất cơ bản đầu tiên để con người tồn tại và phát triển. Đồng thời, qua việc ăn, mặc, ở sẽ biểu hiện tính cách, bản chất con người, thể hiện văn hóa ứng xử của con người với môi trường tự nhiên. Người Việt Nam có truyền thống sống gắn bó, hài hòa, hòa hợp với tự nhiên, lối sống hài hòa, nương tựa vào thiên nhiên còn được thể hiện đậm nét trong việc ăn, việc mặc, việc ở, việc đi lại...
Trong quá trình tác động vào tự nhiên, con người đã không ngừng cải biến tự nhiên theo mục đích có lợi nhất cho mình. Từ đó, con người đã sáng tạo ra các sản phẩm vật chất và tinh thần khác nhau. Các sản phẩm này, một mặt nhằm đảm bảo sự sinh tồn và phát triển của loài người; mặt khác, nó còn thể hiện sự hiểu biết về tự nhiên, cách ứng xử với tự nhiên và trình độ chinh phục tự nhiên của con người ở từng thời kỳ nhất định, góp phần tạo ra môi trường sống hài hòa, gắn bó, thân thiện hơn giữa con người với tự nhiên.
- Ưu điểm của người Việt Nam trong việc ăn, uống xét từ góc độ văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên.
Ăn, uống là điều kiện vật chất đầu tiên để con người tồn tại và phát triển, ăn uống là một phần tất yếu và không thể thiếu trong cuộc sống của con người, tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây chính là cách con người ăn như thế nào, ăn cái gì, uống cái gì... điều đó sẽ trở thành nột nét văn hóa riêng của mỗi người.
Ăn uống là văn hóa tận dụng môi trường tự nhiên. Cách ứng xử tôn trọng thiên nhiên, thuận theo thiên nhiên của người Việt được thể hiện sâu sắc nhất, đầy đủ nhất trong nếp ăn, đó là việc tận dụng triệt để những sản vật vốn có của thiên nhiên và bảo đảm sự cân bằng âm dương và hòa nhập với tự nhiên. Người Việt Nam có thói quen ăn uống giản dị và tận dụng những sản phẩm sẵn có của tự nhiên hoặc do con người tạo ra từ môi trường xung quanh như vườn cây, ao cá, hay từ việc chăn nuôi. Những món ăn gắn bó với cuộc sống của con người rất đơn giản nhưng đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ người Việt Nam, khiến họ gắn bó và luôn nhớ về. Với truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước nên cơ cấu bữa ăn thiên về thực vật, bao gồm cơm, rau, cá, thịt... đó là những món ăn đơn giản nhưng thân thuộc, gần gũi, rất bình dị nhưng mãi là những món ăn thể hiện nét văn hóa Việt. Tất cả những món ăn dân dã đó đều do tự nhiên cung cấp, thể hiện sự gắn bó chan hòa giữa con người và tự nhiên, nhưng con người không chỉ sử dụng những cái có sẵn trong tự nhiên mà còn phải có trách nhiệm nuôi trồng để duy trì và phát triển sự đa dạng với tự nhiên, phục vụ cho sự phát triển bền vững của con người.
Đồ uống truyền thống của người Việt Nam là nước chè, nước vối... là những thứ có sẵn trong tự nhiên, được con người sử dụng trực tiếp như chè tươi, hoặc qua chế biến như chè khô. Người ta thường ướp chè với các loại hoa như hoa sen, hoa nhài, hoa ngâu, hoa cúc... tạo nên hương vị đặc trưng cho chè, đồng thời cũng thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt.
Ăn uống là một trong những thước đo văn minh và sự tiến bộ của nhân loại. Con người từ chuyển nhu cầu ăn no, mặc ấm sang ăn ngon, mặc đẹp. Ăn uống đã vươn lên một tầm cao mới, trở thành nghệ thuật, thành nét đặc trưng của văn hóa, thành văn hóa ẩm thực theo mùa của từng vùng, miền và của
Xã hội Việt Nam đã trải qua những giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn gắn với một thời kỳ của đất nước. Trước đây khi đời sống còn khó khăn thì người dân mong được ăn no, mặc ấm. Khi điều kiện kinh tế tốt hơn thì họ lại mong được ăn ngon, mặc đẹp. Nhưng dù cuộc sống thế nào đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất là văn hóa ứng xử giữa những con người với nhau và giữa con người với tự nhiên.
Ăn, uống là một phần quan trọng không thể tách rời khỏi cuộc sống. Việc ăn, uống không chỉ để sống mà còn là hoạt động văn hóa của con người và thể hiện tính cách của mỗi cá nhân và là hoạt động tinh thần của xã hội. Ăn, uống mang chiều sâu triết học, thể hiện ở việc các món ăn, uống trong văn hóa ẩm thực của người Việt là sự kết hợp hài hòa về màu sắc, mùi vị, sự cân bằng âm dương trong các món ăn giữa các mùa, thể hiện tính biện chứng trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt. Các món ăn còn được thay đổi để phù hợp với khí hậu, thời tiết của bốn mùa, mùa nào thức nấy. Đồng thời, con người phải điều chỉnh nhu cầu và lựa chọn một cách tự giác trong ăn uống để hòa nhập vào tự nhiên, thức ăn còn là những vị thuốc để điều chỉnh sự mất quân bình âm dương trong cơ thể. Việc ăn uống theo mùa, theo thời tiết chính là việc tận dụng tối đa môi trường tự nhiên để phục vụ con người, là hòa mình vào tự nhiên, tạo nên sự cân bằng biện chứng giữa con người với môi trường [104, tr.198].
- Hạn chế của người Việt Nam trong việc ăn, uống xét từ góc độ văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên.
Ngày nay, khi kinh tế đã phát triển hơn, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao thì nhu cầu của con người trong việc ăn uống đã nâng cao, từ việc ăn những món ăn dân dã thì một số người có nhu cầu ăn sơn hào hải vị, của ngon vật lạ, thậm chí ăn thịt động vật hoang dã một cách dã man như ăn
óc khỉ sống, uống máu rắn, ba ba,… Nếu như trước đây ăn uống thể hiện sự hài hòa, nho nhã của con người thì hiện nay một số người có nhiều tiền, muốn thể hiện đẳng cấp bằng việc ăn tiêu xa xỉ. Để thỏa mãn nhu cầu ẩm thực của một bộ phận không nhỏ thực khách thích hàng “độc”, hàng “lạ”, người ta ra sức săn các loại thú rừng, chim muông và nhiều loài động vật hoang dã khác, bất kể đó là loài nằm trong sách đỏ hay các loài thiên địch có lợi.
Việc ăn uống đó vô tình phá vỡ cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến sự tồn vong của một số loài động vật quý hiếm, việc ăn uống và giết mổ động vật còn gây ô nhiễm môi trường, điều đó sẽ tác động trực tiếp tới sức khỏe của con người. Thú rừng ngày càng bị săn lùng ráo riết thành món đặc sản cho những đại gia lắm tiền nhiều của, tin vào những lời đồn thổi về tác dụng bồi bổ, chữa bệnh thần kỳ của một số loài quý hiếm, hoặc thành món quý để người ta đãi khách, họ ăn động vật hoang dã, uống máu động vật hoang dã, uống mật gấu… Điều đó góp phần tận diệt các loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Hậu quả, động vật hoang dã ngày càng bị tiêu diệt gây mất cân bằng sinh thái, sâu bọ và các loài có hại thì sinh sôi, phát triển ngày càng nhiều. Để tiêu diệt chúng, con người phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tại khu vực lễ hội Chùa Hương để xảy ra các hoạt động bầy bán, treo móc động vật, quảng cáo bán thịt động vật hoang dã. Việc treo bán thịt động vật tại nơi đất Phật là hết sức phản cảm và là sự bất bình đẳng giữa con người và tự nhiên. Việc ứng xử đối với động vật cần được xem là vấn đề mang tính đạo đức của con người. Thói quen ăn uống của người Việt, đặc biệt là thói quen ăn nhiều thịt đã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cạn kiệt tài nguyên. Vì vậy, cần thay đổi thói quen ăn uống của một bộ phận người Việt, góp phần bảo vệ động vật nói riêng và bảo vệ môi trường sống của chúng ta nói chung.
Lãng phí thức ăn cũng là một trong những nguyên nhân gây tổn thất về kinh tế và ô nhiễm môi trường. Xã hội phát triển, đời sống con người ngày càng nâng cao, được ăn ngon mặc đẹp. Tuy nhiên cũng chính vì vậy mà ngày nay trong nhiều gia đình, thức ăn thừa rất nhiều gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Hàng ngày ở bất kỳ đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh thức ăn thừa bị vứt bỏ la liệt khắp mọi nơi như ở trong gia đình, ở cơ quan công sở, ở nhà hàng, ở trên đường phố… Thức ăn thừa không chỉ gây lãng phí mà còn làm ô nhiễm môi trường, và hơn nữa còn thể hiện sự thiếu công bằng đối với con người và tự nhiên, thiếu trân trọng tự nhiên, là cách ứng xử thiếu văn hóa với môi trường tự nhiên. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho con người biết bao của ngon vật lạ, thiên nhiên đã cung cấp thức ăn cho con người để duy trì sự tồn tại và phát triển. Thức ăn là thành quả của một quá trình lao động vất vả, nên việc lãng phí thức ăn là một hành động không biết trân trọng và nâng niu thành quả lao động và tài nguyên mà thiên nhiên đã ban tặng. Hơn nữa, hàng ngày bên cạnh những người giàu thừa thãi thức ăn phải đổ đi thì có không ít những người nghèo không có cái gì để ăn thậm chí chết vì đói. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, nhiều người đã chia sẻ với cộng đồng theo tinh thần tương thân tương ái, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” thì xã hội sẽ bớt đi những người mảnh đời cơ cực.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), mỗi năm có 1,3 tỉ tấn lương thực bị lãng phí. Khối lượng này tương đương với giá trị sản xuất được của khu vực châu Phi cận Sahara. Đồng thời, cứ 7 người trên thế giới có 1 người đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi ngày vì đói [137]. Hiện nay trong số 7 tỷ người trên trái đất thì có 1 tỷ người thiếu ăn hàng ngày thậm chí bị chết vì đói, trong khi đó số lượng thức ăn do 6 tỷ người còn lại vứt đi hoặc không sử dụng là 1,3 tỷ tấn/ 4,4 tỷ tấn đồ ăn được sản xuất ra [136]. Nếu
số thức ăn đó giúp cho những người nghèo thì sẽ không còn người chết vì đói hoặc ít nhất cũng giảm được số người nghèo đói và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Vì vậy, mọi người nên đối xử thân thiện với môi trường tự nhiên, trân trọng những gì thiên nhiên ban tặng và cùng nhau xóa bỏ nạn lãng phí đồ ăn để cứu lấy môi trường sống của chúng ta.
Thức ăn thừa hàng ngày thải ra môi trường và tạo ra các tác động tiêu cực về môi trường, gây lãng phí và ảnh hưởng không tốt đến môi trường tự nhiên. Thức ăn thừa ở khắp mọi nơi như trong các nhà hàng, khách sạn hay các bếp ăn tập thể, thậm chí cả các quán ăn vỉa hè... Hàng ngày đi trên đường chúng ta bắt gặp những điểm tập kết rác thải có rất nhiều thức ăn thừa bị vứt bỏ, điều này vừa gây lãng phí, thiệt hại về kinh tế, vừa gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Để có được một môi trường tốt, trong lành phụ thuộc rất nhiều vào hành vi, lối sống của mỗi người và cộng đồng xã hội. Việc sử dụng lương thực và thực phẩm như thế nào để vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường là việc chúng ta cần làm.
Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư cần tránh lãng phí trong sử dụng thức ăn. Mỗi cá nhân nói riêng và tập thể nói chung cần học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về tiết kiệm, trong đó đặc biệt là tiết kiệm trong việc ăn uống, khi ăn cơm với cán bộ chiến sĩ Bác nhắc nhở phải ăn hết thức ăn, thậm chí cả nước mắm cũng phải hết, không được lãng phí. Khi Bác đi công tác ở nước ngoài, Bác gói phần thức ăn thừa mang ra ngoài cho những người nghèo ăn. Đất nước mình còn nghèo, phải biết tiết kiệm, tránh lãng phí, và phải biết trân trọng những sản phẩm của thiên nhiên ban tặng và bàn tay và khối óc của con người tạo ra, phải biết học hỏi những điều tốt đẹp từ những điều xung quanh. Trên thế giới có rất nhiều nước giầu, nhưng họ nổi tiếng với sự tiết kiệm, chẳng hạn như nước Đức là một đất nước phát triển về kinh tế, nhưng
người Đức nổi tiếng thế giới bởi sự tiết kiệm của họ, trong khi Việt Nam của chúng ta còn đang rất nghèo, vậy không có lý do gì để chúng ta lãng phí.
Ngày nay vì lợi nhuận kinh tế, con người đã tận dụng quá mức việc sử dụng các hóa chất trong việc nuôi trồng, thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường tác động vào cơ thể và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, những người sản xuất cần có trách nhiệm đối với sức khỏe đồng loại và đối với môi trường chung của nhân loại. Đồng thời, để thực hiện tránh lãng phí thực phẩm, bảo vệ môi trường và giữ gìn sức khỏe, chúng ta sẽ là những người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn thực phẩm, phải có kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời phải tiết kiệm thức ăn một cách tối đa để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường và tiết kiệm ngân sách của gia đình và quốc gia, đồng thời hướng tới tiêu dùng xanh để bảo vệ môi trường, đó là sự lựa chọn thông minh của con người vì sự nghiệp bảo vệ môi trường của toàn nhân loại.