Trong sản xuất nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên ở việt nam hiện nay (Trang 90 - 94)

2.1.3 .Khái niệm môi trường tự nhiên, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên

3.1. Văn hóa ứng xử với môi trường trong sản xuất

3.1.3. Trong sản xuất nông nghiệp

Nước ta hơn 80% là nông thôn, nông nghiệp và nông dân với hai vùng đồng bằng cơ bản là đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ, nông nghiệp nước ta chủ yếu là trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi.

Trong sản xuất nông nghiệp, đa số người dân đều có hành vi ứng xử có văn hóa với môi trường tự nhiên; điều đó thể hiện ở chỗ họ có nhận thức đúng đắn, có ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm trong việc sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp sạch, hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng cho cây trồng, vật nuôi. Đây không chỉ là những hành vi ứng xử có văn hóa với môi trường tự nhiên, mà còn là hành vi mang tính đạo đức vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của con người, đó là ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ và lương tâm của nhà sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều người có những hành vi ứng xử chưa văn hóa với môi trường tự nhiên trong sản xuất nông nghiệp, những hành vi ứng xử chưa văn hóa này ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Chẳng hạn như việc con người sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp đã làm cho môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái và ảnh hưởng đến chính bản thân con người. Vì vậy, cần lựa chọn công nghệ sản xuất phù hợp, ít gây ảnh hưởng đến môi trường để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của tự nhiên.

Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, việc ưu tiên áp dụng công nghệ sạch, công nghệ khép kín vào sản xuất vừa tạo ra năng xuất cao, an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường đang là hướng được khuyến khích áp dụng, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp là một nhiệm vụ tất yếu và rất quan trọng, nhờ đó mới có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng lạc hậu và kém phát triển, nhiều thành tựu của những công nghệ hiện đại đã được người dân ứng dụng vào sản xuất và tiêu dùng. Việc thay thế công nghệ mới vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trong các hoạt động sản xuất, các chất thải cũng ngày càng nhiều và đa dạng hơn. Điều này dẫn tới sự ô nhiễm môi trường ở nước ta ngày càng trầm trọng. Để khắc phục tình trạng này, bước đầu chúng ta đã áp dụng một số công nghệ khép kín trong sản xuất, vừa giảm được ô nhiễm môi trường, vừa có thể được tận dụng làm nguyên liệu phục vụ cho quá trình sản xuất khác.

Các hoạt động sản xuất nông nghiệp chi phối và tác động nhiều mặt đến vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường, thực trạng ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là rất đáng lo ngại. Ô nhiễm môi trường

do sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật không đúng theo quy định, ảnh hưởng hóa chất đến môi trường nông thôn và sức khỏe của người dân. Vì vậy, trong quá trình sản xuất cần phải xử lý tốt các chất thải này, để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới môi trường.

Theo Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2015, 100% diện tích đất canh tác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với trên 1000 chủng loại thuốc, một năm nước ta sử dụng 15.000 – 25.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, bình quân 1ha gieo trồng sử dụng đến 0,4 - 0,5 kg thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không ít loại thuốc có độ độc cao đã cấm bị sử dụng, cả nước còn 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang lưu giữ chờ xử lý [135].

Môi trường đất đang có xu hướng bị ô nhiễm, suy thoái do lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Ô nhiễm nông nghiệp do sử dụng không hợp lý phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật chưa được cải thiện. Trong những năm qua, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV ngày càng gia tăng cả về số lượng và liều lượng hoạt chất (kg/ha). Ngày càng nhiều các trường hợp ngộ độc thực phẩm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng ruộng bị ô nhiễm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả xét nghiệm môi trường cho thấy, một số vùng đất nông nghiệp bị ô nhiễm rất nặng. Chẳng hạn, vùng trồng rau tại thành phố Hồ Chí Minh, hàm lượng CO trên tầng mặt đất dao động từ 9,9-15mg/kg. Vùng rau Hóc Môn có hàm lượng chì trong đất từ 23-59mg/kg. Vùng Thanh Trì, Từ Liêm (Hà Nội) hàm lượng nitơ trong đất từ 30-102mg/kg. Vùng đất gần nhà máy phân lân Văn Điển còn bị nhiễm các

kim loại nặng như Cd, Cu, Pb và Zn. Tất cả những số liệu trên đây đều vượt quá ngưỡng cho phép về an toàn. Đặc biệt, ô nhiễm môi trường nông nghiệp còn đang ngày một gia tăng với một lượng lớn vỏ bao thuốc BVTV (trung bình là 19.637 tấn/năm), chủ yếu là các vỏ bao giấy tráng kẽm, túi nilon, các loại chai nhựa và thuỷ tinh, hầu như không được thu gom mà bị thải bỏ vương vãi trên đồng ruộng, kênh, mương. Đây là nguồn ô nhiễm khá nghiêm trọng cho môi trường đất và nước.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do: Sử dụng phân bón hóa học không cân đối, không đúng lúc cây cần và bón ít phân hữu cơ; Chưa triển khai triệt để Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); Các tiêu chuẩn an toàn lao động không đủ nghiêm ngặt theo phương châm 4 đúng: “Đúng thuốc; đúng liều lượng; đúng lúc và dùng đúng cách”; Người dân thiếu kiến thức khoa học, thiếu thông tin tư vấn về sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật, nên có thói quen thường xuyên sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật, một số khác thì vì ham lợi nhuận, mà bất chấp sự đe dọa của hoá chất bảo vệ thực vật đối với sức khỏe của người khác, thậm chí ngay cả bản thân mình.

Ngày nay, trong sản xuất nông nghiệp nên sử dụng các loại hóa chất có nguồn gốc từ thiên nhiên và tận dụng hiệu quả mối quan hệ đấu tranh sinh tồn giữa các loài trong tự nhiên để thay thế cho việc sử dụng hóa chất. Vì việc lạm dụng và sử dụng không hợp lý, không tuân thủ theo đúng những quy định nghiêm ngặt về quy trình sử dụng, nên thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất trong sản xuất nông nghiệp gây nhiều tác hại cho chính người sử dụng thuốc và người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường sống. Vì vậy, “nói không với thực phẩm bẩn” là trách nhiệm không chỉ của người sản xuất mà còn là tiếng nói của các cấp, các ngành và là sự lựa chọn thông thái của người tiêu dùng.

Sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của con người, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe và tính mạng của con người. Vì vậy, ngành sản xuất nông nghiệp không chỉ cần đảm bảo an ninh nông nghiệp mà còn cần có một nền nông nghiệp sạch để đáp ứng nhu cầu của con người trong giai đoạn hiện nay. Chỉ khi nào người sản xuất nông nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất sạch quan trọng hơn lợi nhuận thì khi đó người tiêu dùng mới có thể yên tâm khi sử dụng những sản phẩm từ nông nghiệp. Sản xuất sạch cho con người, hướng tới con người và vì thế hệ tương lai, vừa đảm bảo an ninh môi trường, vừa đảm bảo sức khỏe con người, chính là văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của con người trong sản xuất.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên ở việt nam hiện nay (Trang 90 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)