Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên ở việt nam hiện nay (Trang 50 - 55)

2.1.3 .Khái niệm môi trường tự nhiên, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên

2.2. Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa

2.2.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên

Phần lớn các quốc gia trên thế giới hiện nay đều hướng tới sự phát triển bền vững. Phát triển không phải chỉ là tăng trưởng đơn thuần là phát triển kinh tế với bất kỳ giá nào, thậm chí hy sinh mặt xã hội, mặt văn hóa, hy sinh môi trường sinh thái, mà mục tiêu của phát triển bền vững là nâng cao chất lượng cuộc sống con người, bảo đảm phát triển hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, bảo vệ môi trường sinh thái, sống hòa hợp với tự nhiên. Trong việc giáo dục nhận thức, hành vi, ứng xử của con người với môi

trường, yếu tố văn hóa đóng vai trò rất quan trọng. Khả năng bền vững sinh thái của nhân loại trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của mỗi cá nhân và cộng đồng...

Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên là một phần quan trọng trong tư tưởng văn hóa của Hồ Chí Minh, mặc dù không có tác phẩm nào bàn về “Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên”, nhưng cả cuộc đời của Người là một tấm gương sáng về tình yêu sâu sắc, gắn bó với thiên nhiên, đó là một trong những phương châm sống của Người.

Từ lời căn dặn tại Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc tháng 9/1959: “Phải biết khai thác và sử dụng thiên nhiên một cách hợp lý và sáng tạo” [7, tr.45], cho thấy Người rất quan tâm đến sự ứng xử của con người với tự nhiên.

Hồ Chí Minh là người suốt đời sống gắn bó với thiên nhiên, biểu hiện qua cách ăn, cách mặc, cách ở và cách đi lại. Người yêu quê hương giàu đẹp rừng vàng, biển bạc của mình, nhưng cũng không quên cảnh báo rằng, không thể và không được khai thác và sử dụng của cải “vàng bạc” vốn có một cách tùy tiện, bừa bãi, vì hậu quả của những hành động vô ý thức đó đối với thiên nhiên sẽ vô cùng to lớn, không sao lường trước được [7, tr.46].

Trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Người chỉ rõ “Nếu rừng kiệt thì không còn gỗ, và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán” [89, tr.243] và những hậu quả của việc phá rừng “... Phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng thì phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống rất nhiều”

[89, tr.134]. Những điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến năng xuất mùa màng và cuộc sống của người nông dân. Người coi thiên tai như lũ lụt, hạn hán... cũng là một loại giặc giã nguy hiểm, chẳng kém gì giặc ngoại xâm.

Bởi vậy, con người cần phải biết cách đề phòng, ra sức đấu tranh ngăn chặn và chiến thắng chúng [7, tr.47].

Trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Người cộng sản hiểu biết tự nhiên để buộc tự nhiên phục vụ hạnh phúc loài người...”

[87, tr.535]. Nghĩa là, con người sống không chỉ biết dựa vào thiên nhiên, mà còn phải biết khai thác và sử dụng một cách hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, biết cách khắc phục và chiến thắng thiên tai. Người dự báo trước những hậu quả tiêu cực của việc phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi và đưa ra giải pháp khắc phục những hậu quả tiêu cực đó [7, tr.47] như: “Ngoài việc đánh bắt cá, phải chú ý nuôi cá” [86, tr.153], “Trồng cây gây rừng là rất quan trọng. Bây giờ dân chưa thấy đâu. Có khi các chú cũng chưa thấy” [88, tr.446], “Cây ăn quả, cây làm củi, cây công nghiệp cũng là nguồn lợi to lớn... trồng cây để chống gió cát, bảo vệ ruộng, chống xói mòn” [89, tr.357], “Cây cối còn ảnh hưởng đến khí hậu và sức khỏe của nhân dân” [88, tr.622].

Triết lý Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên là triết lý của một vĩ nhân có tình cảm đặc biệt sâu sắc đối với tự nhiên, một nhà hiền triết của dòng tư tưởng đề cao nhân sinh quan “con người hòa hợp với tự nhiên”. Giới tự nhiên thể hiện trong tư tưởng và tình cảm của Người không phải chủ yếu là một đối tượng để chinh phục, cải tạo, mà là một bộ phận của cuộc sống con người, “thiên nhân hợp nhất”, hay nói theo cách của C.Mác, giới tự nhiên là một thân thể khác - “thân thể vô cơ” của con người.

Tự nhiên là nguồn cảm hứng, là đối tượng hưởng ngoạn trong các tác phẩm thơ ca và văn học của Hồ Chí Minh, ẩn dấu bên trong những bài thơ ấy là một triết lý sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.

Hồ Chí Minh còn là một lãnh tụ đã phát động phong trào trồng cây gây rừng và được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Phong trào này được đề xướng và thực hiện từ năm 1959 và được duy trì đến ngày nay. Với tầm nhìn xa trông rộng và tình yêu thiên nhiên đặc biệt, Hồ Chí Minh đã sớm thấy được những nguy cơ, hậu quả về môi trường do sự tác động tiêu cực của con người gây ra. Bác Hồ sớm nhận thức và luôn coi trọng, chú ý tới bảo vệ môi trường tự nhiên. Cách đây hơn nửa thế kỷ, Ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây” và kêu gọi: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Điều này cho thấy, Người đặt lợi ích của “trồng cây” và “trồng người” quan trọng như nhau và trong mối quan hệ gắn bó không thể tách rời của đời sống con người với tự nhiên. Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

Ngày nay, môi trường sống đã trở thành vấn đề toàn cầu. Thế giới lấy ngày 5 tháng 6 hàng năm làm Ngày Môi trường thế giới, khuyến cáo mọi người, mỗi quốc gia hãy quan tâm và có trách nhiệm, hành động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường sống trên khắp hành tinh. Có thể nói, thông qua “Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động đã cho thấy, Người chính là nguyên thủ quốc gia đầu tiên dự báo và đưa ra chiến lược bảo vệ môi trường.

Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tình yêu sâu sắc, gắn bó với thiên nhiên, biểu hiện qua cách ăn, cách mặc, đến cách ở…, thiên nhiên xung quanh Bác vô cùng rộng mở, gắn bó và hòa quyện vào cuộc sống của Người với vườn cây, ao cá… không gian mênh mông ấy và lòng người gắn bó hài hòa với nhau.

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ đầu tiên quan tâm thường xuyên và sâu sát đến vấn đề trồng cây gây rừng. Với Người, trồng cây không

chỉ là công việc đơn thuần, mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân; đặc biệt là giáo dục ý thức cho con người trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Cuộc sống của Người luôn gắn bó, gần gũi với thiên nhiên. Người coi thiên nhiên như một người bạn thân thiết, Bác Hồ đã sống và làm việc trong ngôi nhà sàn giản dị ở giữa vườn cây xanh mát. Người đã trồng cây, nuôi cá, sống hoà mình với thiên nhiên, như để tìm cái ung dung tự tại, sự bình tĩnh thanh thản ứng xử với mọi biến cố phức tạp. Cũng từ đó Bác đã đưa ra nhiều quan điểm về môi trường, đặc biệt là vấn đề trồng cây góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên, của cây xanh đối với đời sống con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tới việc gìn giữ, bảo vệ và xây dựng một môi trường sống trong lành cho nhân dân từ rất sớm. Và Người đã chọn việc bảo vệ và trồng cây xanh làm điểm tựa, đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường. Người cảnh báo nhân dân ta về sự nguy hại của việc chặt, phá khai thác rừng bừa bãi, dẫn đến sự phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái, ảnh hưởng nhiều đến khí hậu, đến đời sống sản xuất. Đồng thời, Người kêu gọi nhân dân phải có kế hoạch trồng rừng và phải tích cực bảo vệ rừng... như bảo vệ nhà cửa của mình, điều đó có ý nghĩa và tác dụng sâu sắc đối với vấn đề bảo vệ môi trường.

Phát động phong trào trồng cây của Bác Hồ đã để lại cho chúng ta hiện nay những bài học quý báu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi môi trường sống đang bị đe dọa, huỷ hoại nghiêm trọng. Đây cũng là một trong những hành động thiết thực góp phần vào phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, tất cả những nơi mà Người chọn làm chỗ ở và nơi làm việc đều là những địa danh ngoài giá trị về chính trị, quân sự còn có những giá trị thẩm mỹ, nhân văn.

Như vậy, ẩn chứa đằng sau mục đích trồng cây gây rừng là một triết lý đầy nhân đạo, thông minh và thiết thực về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, đề cao triết lý con người hòa hợp với giới tự nhiên. Con người là một bộ phận của tự nhiên, con người sống không chỉ biết dựa vào tự nhiên, mà còn phải biết cách khai thác và sử dụng một cách hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thiên nhiên đã ban cho chúng ta “rừng vàng, biển bạc”, nhưng nếu chúng ta không biết cách khai thác và sử dụng một cách hợp lý thì tài nguyên đó sẽ nhanh chóng mất đi và để lại đằng sau nó một bãi hoang mạc. Hồ Chí Minh coi thiên tai cũng là một loại giặc nguy hiểm, chẳng kém gì giặc ngoại xâm. Bởi vậy, con người cần phải biết cách đề phòng ra sức đấu tranh ngăn chặn và chiến thắng chúng [7, tr.47].

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên có giá trị vô cùng to lớn và lại bài học quý giá để lại cho đất nước ta. Đó là những tư tưởng rất gần gũi, với những vấn đề rất thực tiễn, nhưng đồng thời cũng là những tư tưởng thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, vượt trước thời đại của Người. Ngày nay chúng ta vẫn đang tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên ở việt nam hiện nay (Trang 50 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)