1.2. Mối quan hệ giữa yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội của con ngƣời
1.2.2. Quan điểm của triết học Má c Lênin về mối quan hệ giữa yếu
nhiên và yếu tố xã hội của con người
Xuất phát từ nguyên lý quan trọng cho rằng, ngay bản chất con người cũng có tính lịch sử, triết học Mác - Lênin đã nhận thấy trong diễn biến của lịch sử, hoạt động chung của con người mà trước hết là lao động, yếu tố xã hội đã làm cho yếu tố tự nhiên của con người được trung gian hoá, biến đổi và phát triển, tức là yếu tố tự nhiên không còn độc lập mà nó đã hàm chứa cả yếu tố xã hội. Chúng ta đã từng biết luận điểm quen thuộc của C.Mác - con người trong khi biến đổi thế giới bên ngoài thì cũng đồng thời làm biến đổi chính bản thân mình, sự trung gian hoá giữa yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội đã xoá bỏ những quan niệm sai lầm về mối quan hệ giữa hai yếu tố này. Nhờ lao động mà yếu tố xã hội được hình thành, phát triển, yếu tố tự nhiên dần bị “lọc bỏ’ bởi yếu tố xã hội, tạo nên một chủ thể tồn tại toàn vẹn, một thực thể tự nhiên - xã hội. Khi nghiên cứu vấn đề con người cần xuất phát từ quan điểm thống nhất biện chứng giữa hai yếu tố đó.
Nói đến con người là đã hàm chứa cả hai mặt tự nhiên và xã hội trong một chỉnh thể, không thể có một ranh giới vô hình nào đó qui định một bên là bản năng của con người, một bên là bản chất xã hội của nó, nhưng khi xét đến vai trò trong mối quan hệ này, yếu tố xã hội là yếu tố quyết định chi phối yếu tố tự nhiên, yếu tố tự nhiên là cơ sở, là tiền đề, là điều kiện cho sự phát triển của yếu tố xã hội. Mối quan hệ này được xây dựng trên cơ sở học thuyết về các hình thức vận động cơ bản của vật chất mà Ph.Ăngghen đã trình bày trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”. Trong đó, các dạng vận động thấp không còn nguyên tính chất mà tồn tại dưới dạng bị “lọc bỏ” bởi hình thức vận động cao; như vậy có thể nói, hình thức vận động cao bao hàm các hình thức vận động thấp dưới dạng kế thừa và cải tiến cho phù hợp với nó. Mỗi hình thức tồn tại của sự vật bao giờ cũng chứa đựng một hình thức
vận động cơ bản, vận động sinh học là đặc trưng cơ bản của thế giới sinh vật, vận động xã hội là đặc trưng cơ bản của con người và xã hội loài người. Học thuyết về sự vận động của Ph.Ăngghen đã góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội của con người.
Thừa nhận con người là một động vật xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin cũng thừa nhận sự phát triển mọi mặt của con người tuân theo các qui luật tự nhiên, qui luật tâm lý và qui luật xã hội. Ở con người, vai trò của các yếu tố này cũng có sự thay đổi cả về cường độ và thời gian tác động. Yếu tố tự nhiên tác động mạnh ở giai đoạn đầu trong sự phát sinh và phát triển của con người, từ khi là hợp tử đến lọt lòng… càng về sau vai trò của yếu tố xã hội càng chi phối và quyết định mạnh hơn, nhất là việc hình thành nhân cách. Vai trò này của yếu tố xã hội được C.Mác nhấn mạnh qua luận điểm của ông về bản chất con người. Chúng ta cần hiểu con người ở đây là cụ thể, cảm tính với toàn bộ cơ thể sinh vật cùng với các các quá trình sinh lý, sinh hoá diễn ra trong đó như: hô hấp, bài tiết, biến dị, di truyền… đó là những điều kiện, tiền đề cần thiết để tạo nên mặt xã hội. Nếu thiếu những điều kiện sinh học đó thì không thể có quá trình phát triển thành con người một cách đầy đủ, như vậy, về mặt thời gian, yếu tố tự nhiên là có trước để hình thành nên yếu tố xã hội.
Các thành tựu của khoa học ngày nay đã chứng minh được những trường hợp bị rối loạn cơ chế di truyền hay hệ thần kinh bị tổn thương (những người phát triển không bình thường về mặt tự nhiên) sẽ bị rối loạn về mặt tâm lý và mặt xã hội. Mọi quá trình ý thức xảy ra trong cơ thể con người cũng phải dựa trên tiền đề vật chất tự nhiên tương ứng. Lý luận phản ánh đã luận giải, ý thức được hình thành và phát triển trên cơ sở hoạt động sinh lý bình thường của một dạng vật chất có tổ chức cao, đó là bộ não người. Bộ não người là cơ quan đặc biệt, là tiền đề tự nhiên của hoạt động ý thức. Tỷ lệ giữa khối lượng của não với khối lượng cơ thể ở con người là lớn nhất 1/45. Trong khi đó, ở tinh tinh tỷ lệ này là 1/90, đười ươi là 1/80, khỉ dạng người là 1/230, sư tử và voi là 1/500 chó là con vật tinh khôn cũng chỉ có tỷ lệ là 1/250 [38, tr. 219]. Với khoảng 14 - 15 tỉ nơ ron thần kinh, não người có hơn
50 vùng định khu chức năng khác nhau, mỗi vùng có cấu tạo riêng và đảm nhiệm một chức năng rõ rệt [38, tr. 223].
Nhìn chung, bộ não người gồm ba phần lớn. Phần não gốc là trung tâm điều khiển quá trình trao đổi chất cần thiết cho cuộc sống con người. Phần não giữa trẻ hơn, được phát triển về sau, ở đây tập trung toàn bộ cơ sở hệ thống hành vi, từ bẩm sinh và được phát triển thành bản năng. Phần chủ yếu chiếm 7/8 bộ não là vỏ đại não, là phần não trẻ nhất và là cơ sở của hoạt động ý thức. Phương thức hoạt động của nó là vô cùng phức tạp, những kích thích từ môi trường thông qua các cơ quan cảm thụ sẽ phản ánh vào não những dấu hiệu nhất định, sự kích thích đó tạo nên mối liên hệ giữa thông tin từ bên ngoài với những phản ứng của cơ thể - đó là cơ sở tạo nên khả năng tư duy, ý thức. Đây chính là tiền đề tự nhiên quan trọng để tạo nên ý thức và mặt xã hội của con người, nhưng điều khác biệt quan trọng ở chỗ các phản xạ có điều kiện ở người thuộc hệ thống tín hiệu thứ hai bao gồm tiếng nói và chữ viết có vai trò rất quan trọng đối với ý thức. Ngôn ngữ, chữ viết tạo điều kiện cho sự truyền bá kiến thức từ người này sang người khác, rút ngắn thời gian cần thiết cho sự tìm hiểu những qui luật của thế giới vật chất. Vậy là, hoạt động của não người không còn mang tính chất cá thể, mà đã trở thành một hoạt động liên tục từ cá nhân này đến cá nhân khác, từ tập thể này đến tập thể khác vượt qua giới hạn không gian và thời gian, đó chính là những điều kiện, tiền đề của các mặt hoạt động khác, để con người có sự phát triển cao hơn về chất so với loài vật.
Là một thực thể tự nhiên - xã hội, con người và đặc biệt bộ não người là cơ sở cho sự xuất hiện NGƯỜI. Ở người, yếu tố tự nhiên không còn tồn tại theo nguyên nghĩa mà có sự liên hệ khăng khít, chịu sự ảnh hưởng chi phối của yếu tố xã hội. Điều này được thể hiện ngay cả trong các hoạt động đơn giản nhất của con người. Con người và các động vật khác đều có nhu cầu ăn uống, hoạt động, sinh con đẻ cái… nhưng cũng có sự khác biệt hoàn toàn về bản chất giữa người và động vật ngay cả ở những nhu cầu ấy. Ở các loài động vật khác, những hoạt động đó có tính bản năng còn ở con người là có ý thức, con vật có nhu cầu ăn uống khi đói nó đòi ăn tất cả những gì mà
nó có thể ăn được, còn con người cũng có nhu cầu ăn uống, song con người không xử sự như vậy. Hoạt động đó của con người không chỉ để thoả mãn nhu cầu sinh lý trực tiếp của mình mà còn vì nhu cầu của người khác, của đồng loại; vì sự tồn tại không những ở trước mắt mà cho cả sự tồn tại lâu dài của mình.
Trong mối quan hệ với yếu tố tự nhiên, yếu tố xã hội thể hiện một vai trò kép: một mặt, nó hạn chế yếu tố tự nhiên, làm cho yếu tố tự nhiên có tính xã hội không còn là yếu tố tự nhiên thuần tuý; mặt khác, nó lại tạo ra những điều kiện, những môi trường mới - môi trường xã hội rộng lớn giúp cho yếu tố tự nhiên phát triển hơn nữa, thể hiện tốt nhất khả năng của mình trong mối liên hệ với yếu tố xã hội. Triết học Mác - Lênin coi con người như một thực thể tự nhiên tự hoạt động với tư cách là một chủ thể tích cực sáng tạo. Theo đó, sự biến đổi của con người, một mặt chịu sự quy định bởi yếu tố tự nhiên, mặt khác lại do chính những hoạt động xã hội của con người qui định: “Con người vừa là sản phẩm của lịch sử lại vừa là chủ thể của lịch sử”, đó là một quá trình biến đổi có sự định hướng, có vai trò của ý thức và xã hội. Cho nên, sự thay đổi bản tính riêng của con người không phải chỉ là sự thay đổi bản tính tự nhiên mà quan trọng hơn, đó là sự phát triển các khả năng về xã hội của con người trên cơ sở một sinh vật phát triển cao, ngược lại, hoạt động của con người nhằm tạo ra môi sinh cho mình cũng có tác động rất mạnh mẽ đến đặc tính tự nhiên.
Con người không thể xuất hiện nếu không dựa trên một tiền đề tự nhiên, song nếu chỉ riêng sự hoạt động của các qui luật tự nhiên thì con người không thể có được bản chất xã hội. Có được điều này là vì con người chịu sự tác động của các qui luật xã hội chứ không phải chỉ do các qui luật tự nhiên. Sự phủ định biện chứng của yếu tố xã hội đối với yếu tố tự nhiên không có nghĩa là sự hoà tan, sự tiêu diệt làm mất đi yếu tố tự nhiên, ngược lại, tính chất của sự phủ định đó là quá trình chuyển biến từ thấp đến cao. Khi yếu tố xã hội được khẳng định, nó lại là cơ sở để yếu tố tự nhiên có thể phát huy hết tiềm năng của nó. Điều này có nghĩa là, ở con người yếu tố tự nhiên đã dần mất đi tính độc lập và càng ngày nó càng gắn bó chặt chẽ với
sự vận động của yếu tố xã hội. Trong đó, yếu tố xã hội là cái bao trùm, có chức năng là động lực hợp nhất và định hướng, còn yếu tố tự nhiên, một mặt được “lọc bỏ” những cái không còn phù hợp với điều kiện phát triển mới, mặt khác, nó lại được phát huy những tiềm năng tích cực, tốt đẹp và nếu không có mặt xã hội thì không thể thực hiện tiềm năng này. Tiền đề tự nhiên chỉ là điểm xuất phát góp phần tạo nên bản chất con người. Theo Ph.Ăngghen, con người nhục thể là cơ sở thực tế, là điểm xuất phát thực sự của bản thân con người. Điều đó cho thấy, triết học Mác - Lênin đã không tuyệt đối hoá sự đối lập giữa yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội của con người hay tuyệt đối hoá một yếu tố nào trong chỉnh thể ấy mà cho thấy, con người là động vật duy nhất nhờ lao động đã thoát khỏi tình trạng loài vật. Việc con người thoát khỏi tình trạng loài vật không có nghĩa là đi đến đối lập tuyệt đối với thế giới tự nhiên mà là sự thống nhất với tự nhiên ở một trình độ khác cao hơn, trong quá trình lao động sự thống nhất ấy mới được biểu hiện một cách triệt để. Quá trình lao động để chế tạo ra các công cụ lao động và thoả mãn các nhu cầu của mình trong sự thay đổi môi trường, con người đã khẳng định bản chất loài của mình và tự biến đổi thành một thực thể xã hội.
Con người được hình thành từ thế giới tự nhiên song, khi ra đời con người đã tạo ra lịch sử của mình và lịch sử xã hội càng phát triển thì sự tác động qua lại với giới tự nhiên càng do các quan hệ xã hội quyết định. Điều này cũng là một trong những luận điểm quan trọng để bác bỏ luận điểm của các nhà triết học tư sản khi họ cho rằng chủ nghĩa Mác không chú ý đến bản tính tự nhiên của con người. Nó cũng cho thấy chủ nghĩa Mác đã nhận thức được: thông qua tính xã hội, tính tự nhiên được thay đổi, yếu tố xã hội nảy sinh trên cơ sở yếu tố tự nhiên tách ra thành một yếu tố đặc trưng của con người. Nó tiếp tục phát triển theo các qui luật riêng, thông qua sự phát triển kế tiếp nhau của các qui luật xã hội cụ thể. Mặc dù có nguồn gốc từ tự nhiên nhưng bản chất con người khác hẳn con vật. Con người là một động vật đặc biệt, đặc điểm sinh học của con người chính là ở chỗ con người đã được chuẩn bị về mặt di truyền sinh vật để tiếp thu hình thái xã hội của sự vận động vật chất. Con người ngoài chương trình di truyền sinh học còn có
chương trình kế thừa xã hội. Bằng con đường rèn luyện giáo dục, chương trình này truyền lại kinh nghiệm của các thế hệ trước cho thế hệ sau. Mặc dù chương trình kế thừa về mặt xã hội không được ghi lại trong các gen nhưng vẫn thể hiện như một nguyên nhân bên trong của sự phát triển cá nhân. Chương trình đó có tác dụng quyết định đối với việc hình thành cá nhân, song nó cũng không thực hiện một cách tự động, tách rời với chương trình di truyền mà thực hiện trong sự tác động lẫn nhau với thông tin di truyền nhận được từ cha mẹ. Những đặc điểm di truyền của từng người vừa được đảm bảo những thuộc tính sinh học của mình, vừa đảm bảo để con người tiếp thu chương trình xã hội [44, tr. 72]. Vậy là, ở con người mọi quá trình hoạt động đều chịu sự chi phối của gen nhận được từ cha mẹ và những ảnh hưởng của môi trường xã hội. Điều này đã được thực tiễn khoa học chứng minh, chẳng hạn, trong trường hợp hai đứa trẻ sinh đôi cùng trứng, có gen đồng nhất về mặt di truyền nhưng phát triển trong những điều kiện xã hội khác nhau thì vẫn hình thành những đặc điểm, nhân cách khác nhau.
Thực tế cho thấy, sự tác động qua lại giữa yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội của con người khi tiếp nhận chương trình xã hội là rất phức tạp. Do đó, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề này một cách nghiêm túc, sâu sắc hơn mới có thể giải thích và có sự định hướng đúng trong quá trình nhìn nhận bản chất con người. Từ đó, đề ra những chương trình cụ thể để phục vụ đời sống con người, trong đó có việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người, giúp cho con người có cuộc sống khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần. Định hướng này, khai thác được những khía cạnh tự nhiên, xã hội của con người để phục vụ con người nhưng cũng lại có giá trị chống lại những khuynh hướng duy sinh vật và duy xã hội tầm thường trong nghiên cứu con người.