1.3. Sức khoẻ con ngƣời
1.3.1. Một số quan điểm về sức khoẻ trong lịch sử
Trong lịch sử xã hội đã xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về sức khoẻ. Thông qua hoạt động thực tiễn, các quan điểm về sức khoẻ và bệnh tật ngày càng có nhiều tiến bộ. Nhìn chung, các quan điểm về sức khoẻ trong lịch sử là khá phong phú, mang đậm dấu ấn của lịch sử, tư tưởng triết học,
những điều kiện của các khu vực địa lý, phụ thuộc vào trình độ nhận thức và thế giới quan của người thầy thuốc.
Ở xã hội nguyên thuỷ tuy đã xuất hiện một số quan niệm tiến bộ về sức khỏe và bệnh tật, nhưng nhìn chung vẫn còn phụ thuộc và bất lực trước nhiều các hiện tượng thiên nhiên. Các hiện tượng sức khoẻ, bệnh tật phần lớn vẫn được giải thích là do các thế lực siêu nhiên, thần bí. Theo họ, con người mắc bệnh, sức khoẻ yếu là do sự trừng phạt của các thế lực siêu nhiên, thần bí như: sự trừng phạt của trời, của thượng đế hay do ma làm… qua đó, xuất hiện cách chữa bệnh, CSSK bằng thờ cúng, cầu khấn, bói toán [39, tr. 5]… những quan niệm này vẫn tồn tại lâu dài cho tới ngày nay.
Thời cổ đại, ở cả phương Đông và phương Tây đã xuất hiện những quan điểm duy vật về sức khỏe. Họ đã đặt con người trong mối quan hệ với tự nhiên, đã thấy được sức khoẻ con người là một phức hợp phức tạp bao gồm cả các yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể.
Người Ấn Độ cổ đại cho rằng, sức khoẻ con người bao gồm yếu tố thể xác và linh hồn, là sự thống nhất giữa yếu tố bên trong và môi trường bên ngoài. Theo họ, bệnh được coi là hậu quả của rối loạn lối sống, do thay đổi khí hậu, ăn uống thất thường, thể lực và tinh thần không ổn định. Nguyên nhân gây ra bệnh, ngoài những biến đổi thể chất còn do những biến đổi về mặt tâm thần của con người. Từ đó, họ đã đưa ra những phương pháp chữa bệnh nhằm cân bằng lại sự rối loạn cơ thể như xông hơi, thụt tháo, tiêu đờm, tĩnh tâm [33, tr. 172]…
Người Trung Quốc cổ đại quan niệm về sức khoẻ và bệnh tật dựa nhiều trên cơ sở lý luận của học thuyết âm dương, ngũ hành. Theo thuyết âm dương mọi sự vật, hiện tượng đều xuất phát và bị chi phối bởi hai thế lực âm và dương, hai thế lực âm và dương vừa thống nhất vừa đấu tranh với nhau qui định, chi phối các sự vật, hiện tượng. Từ đó, họ chia cấu tạo cơ thể, hoạt động sinh lý của nó dựa trên hai yếu tố âm và dương. Bệnh tật dẫn đến sức khoẻ kém là do mất cân bằng âm dương trong cơ thể, quá trình diễn biến của bệnh, tính chất của bệnh cũng là sự chuyển hoá lẫn nhau giữa hai mặt âm dương, bệnh ở phần dương có ảnh hưởng tới phần âm và ngược lại. Dựa theo
thuyết ngũ hành, người Trung Quốc cổ đại phân chia các phủ tạng trong cơ thể con người theo các hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Họ cho rằng, các bộ phận của con người có sự liên quan mật thiết với nhau, thúc đẩy nhau vận động biến đổi không ngừng theo qui luật sinh, khắc, chế, ước của ngũ hành. Trên cơ sở thuyết âm dương, ngũ hành người Trung Quốc cổ đại đã giải thích các hiện tượng sức khoẻ và bệnh tật con người trong mối liên hệ, tác động lẫn nhau giữa các bộ phận trong cơ thể; giữa cơ thể với môi trường bên ngoài. Các phương pháp chữa bệnh, CSSK của họ cũng dựa trên cơ sở các nguyên lý này và ngày nay vẫn còn ảnh hưởng ở nhiều nước trên thế giới.
Người Ai Cập cổ đại cho rằng, sức khoẻ là do “chất khí” qui định. Theo họ, quá trình hô hấp của con người là do sự thu hút “chất khí” vào trong cơ thể, nếu “chất khí” vào cơ thể mà trong sạch thì cơ thể khoẻ mạnh, còn khi “chất khí” nhơ bẩn sẽ sinh ốm đau, bệnh tật. Kỹ thuật ướp xác của thời kỳ này cho thấy, kiến thức của người Ai Cập cổ đại về con người rất tiến bộ, đó cũng là cơ sở quan trọng cho các quan niệm về sức khoẻ và bệnh tật của họ.
Quan niệm về sức khoẻ, bệnh tật của người Hy lạp thực sự có một cuộc cách mạng từ những quan điểm của Hyppôcrát. Ông đã tách y học ra khỏi sự ảnh hưởng của tôn giáo và thần quyền. Dựa trên quan điểm duy vật về thế giới ông nghiên cứu về con người, sức khoẻ và bệnh tật, qua đó, ông xây dựng các quan điểm tiến bộ về sức khoẻ. Theo ông, nền tảng vật chất của thế giới gồm bốn yếu tố: đất, nước, lửa, không khí (bốn yếu tố này cũng tạo nên sự thay đổi trong thiên nhiên như là ấm, lạnh, nóng, khô) do sự kết hợp và đối kháng lẫn nhau, như nước thì đối kháng với lửa nhưng lại kết hợp với đất. Hyppôcrát quan niệm, hoạt động sống của cơ thể con người dựa trên bốn loại thể dịch: máu ở tim cũng như không khí, nhầy ở não cũng lạnh như nước, mật vàng ở gan cũng nóng như lửa, mật đen ở lách cũng lạnh ẩm như đất. Theo ông, sự tác động qua lại giữa các thể dịch đó không chỉ quyết định tính tình con người (nóng nảy, trầm tĩnh, thờ ơ, buồn phiền) mà còn là nền tảng của sức khoẻ và nguyên nhân của bệnh tật. Bệnh tật là do rối loạn các thể dịch đó [39, tr. 8]. Ông quan niệm, bệnh tật, sức khoẻ yếu là hậu quả của
những thay đổi vật chất trong cơ thể chứ không phải là biểu hiện ý muốn của thượng đế, ma quái hay các lực lượng siêu nhiên; bệnh tật đều có những nguyên nhân hiện diện ở môi trường xung quanh con người và phát triển theo những qui luật tự nhiên chứ không phát triển một cách vô lý, ngẫu nhiên như nhiều người lầm nghĩ. Ông đã chú ý quan tâm đến vai trò của yếu tố môi trường đối với sức khoẻ và bệnh tật con người. Trong bộ sách “Về không khí, nước và nơi ở”, ông đã khẳng định môi trường và thiên nhiên xung quanh luôn tác động đến con người, vì vậy, thầy thuốc phải chú ý đến cách sinh sống, chế độ ăn, tuổi tác, hoàn cảnh người bệnh, lưu tâm cả đến đất đai, nguồn nước, thời tiết địa phương có dịch [39, tr. 9]. Từ đó, ông cho rằng, vai trò của người thầy thuốc là giúp cho cơ thể thêm sức khoẻ để tự điều chỉnh tốt hơn, trong đó cần chú ý đến vấn đề ăn uống, chế độ vệ sinh cho người bệnh. Hyppôcrát chia nguyên nhân gây bệnh do môi trường làm hai loại. Những nguyên nhân chung có sự tác động đến mọi người như: ảnh hưởng có hại của không khí, đất đai, nước tới sức khoẻ của con người. Những nguyên nhân riêng do điều kiện sinh hoạt, lao động, ăn uống, nghỉ ngơi của mỗi cá nhân gây nên. Đây là một quan điểm rất tiến bộ đã được thực tiễn y học chứng minh.
Thời kỳ Phục Hưng, y học thực nghiệm phát triển một cách mạnh mẽ, các nhà khoa học đã áp dụng những định luật trong giải phẫu học, cơ học và hoá học vào xem xét các hoạt động sống của cơ thể con người. Fracastoro (1483-1553) đã phát hiện ra một số nguồn gốc của quá trình lây nhiễm, lan truyền bệnh từ người sang người, từ vùng này đến vùng khác. Theo ông, “mầm lây nhiễm” có thể gây bệnh bằng ba cách: trực tiếp lây từ người này sang người khác; gián tiếp qua những vật thể lây truyền và từ những ổ lây nhiễm tiềm tàng có khả năng lan truyền bệnh thật xa. Các ổ lây truyền đó là những vật, dụng cụ xung quanh chúng ta như quần áo, vật dụng trong nhà đều có thể lưu giữ mầm bệnh, từ đó có thể gây bệnh, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người. Trên cơ sở đó, ông xác định được một số chất đặc hiệu có thể tẩy rửa và làm sạch các ổ lây nhiễm [39, tr. 24]. Có thể nói rằng, các quan điểm của ông rất gần với các quan điểm dịch tễ học hiện đại. Dựa trên
những kết quả nghiên cứu về giải phẫu cơ thể của Vesalius (1514-1564), Paré (1509-1590) đã tiến hành các phẫu thuật ngoại khoa để cứu chữa cho các bệnh nhân của mình [39, tr. 34]. Ph.Bêcơn (1561-1626) đã có nhiều nghiên cứu có giá trị đối với sự phát triển của khoa học tự nhiên và y học. Ông chia y học làm ba phần theo nhiệm vụ quan trọng của nó: nhiệm vụ đầu tiên của y học là giữ gìn, củng cố sức khoẻ con người; nhiệm vụ thứ hai là điều trị chống lại những bệnh tật đã có; nhiệm vụ thứ ba là kéo dài tuổi thọ cho con người [62, tr. 15]. W.Harvey (1578-1657) là người đã chứng minh hệ tuần hoàn trong cơ thể là một vòng khép kín [122]. Đây là một phát minh lớn, góp phần phá vỡ các giáo lý thống trị hàng chục thế kỷ của Galen (131- 201) mở đầu cho việc nghiên cứu sinh lý tuần hoàn và cho ra đời một phương pháp nghiên cứu mới - phương pháp thực nghiệm trong y học. R.Đêcáctơ (1596-1650) xem cơ thể con người như là một bộ máy. Các cơ, dây chằng và bộ xương được ông coi như một hệ thống cơ học gồm đòn bẩy, dây dẫn và các loại ròng rọc; hệ thống mạch máu được xem như một hệ thống thuỷ lợi phức tạp, gồm có vô số bình, ống, van, đập nước để cho máu chuyển động; tim được coi như một cái bơm. Hoạt động chuyển hoá trong cơ thể được xem như là một chuỗi các phản ứng hoá học nhằm đốt cháy thức ăn để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Bởi vậy, sức khoẻ con người là do tình trạng hoạt động của bộ máy này qui định. Ông cho rằng, cơ thể bị bệnh, sức khoẻ yếu là do bộ máy sinh vật bị hư hỏng, không khác gì cái máy bị thiếu nhiên liệu hoặc bánh xe bị gẫy mòn. Tuy nhiên, ông đã bất lực khi qui các hình thức phức tạp của hoạt động cơ thể thành hoạt động phản xạ kiểu máy móc [73].
Nhà sinh lý học Claude Bernard (1813 -1873) đã nhận thấy sức khỏe chịu sự tác động bởi cả yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể con người. Trong phần nhập đề cuốn “Nghiên cứu về y học thực nghiệm”, ông viết: “Hiện tượng về sự sống được quy định từ hai phía: một là từ cơ thể trong đó sự sống diễn ra, mặt khác là từ môi trường bên ngoài trong đó có cơ thể sống… tìm thấy những điều kiện chủ yếu cho sự xuất hiện những hiện tượng của bản thân mình. "Điều kiện cần cho sự sống tìm thấy không phải chỉ trong
cơ thể, cũng không phải chỉ ở môi trường bên ngoài, mà cả hai cùng một lúc” [29, tr. 84].
Páp-lốp (1849 - 1936) nhà sinh lý học Liên Xô đã có những phát minh về sự tuần hoàn của máu trong cơ thể, về sự tiêu hóa và về hoạt động thần kinh cao cấp. Ông là người đầu tiên chứng minh bằng thực nghiệm về sự hoạt động của thần kinh cao cấp, hoạt động của sinh lý động vật phụ thuộc vào điều kiện sống và ngoại cảnh. Trên cơ sở ấy, ông đã đi sâu nghiên cứu những bệnh về thần kinh và cho rằng sức khỏe con người được qui định bởi phản xạ của hệ thần kinh. Hệ thần kinh giúp cho việc bảo tồn sự hoạt động và toàn vẹn của cơ thể trong những điều kiện sống và ngoại cảnh luôn thay đổi. Theo ông, bệnh là do sự rối loạn phản xạ của hệ thần kinh của con người [59, tr.88]. Các nhà y học, khoa học theo khuynh hướng mácxít cho rằng, sức khoẻ, bệnh tật của con người luôn chịu sự tác động, ảnh hưởng biện chứng giữa hai mặt tự nhiên và mặt xã hội khi khẳng định: “Sức khoẻ là kết quả của sự tác động tổng hợp của các quá trình tự nhiên và quá trình xã hội. Bệnh coi như một quá trình mà xét đến cùng quyết định bởi những tác hại của hoàn cảnh xung quanh bao gồm các nhân tố tự nhiên và xã hội” [18, tr. 75]. Ở các giai đoạn khác nhau của sự phát triển, sự ảnh hưởng của yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội đến sức khoẻ là khác nhau, buổi bình minh của loài người, sức khoẻ phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố tự nhiên. Cùng với sự phát triển của xã hội thì mối quan hệ giữa sức khoẻ và tự nhiên cũng dần thay đổi, sức khoẻ con người ngày càng có xu hướng ít ảnh hưởng hơn của yếu tố tự nhiên mà ảnh hưởng nhiều hơn của các quá trình xã hội như: phương thức lao động, trình độ lao động, kinh nghiệm phòng chống, sự phát triển của khoa học và sự ứng dụng khoa học vào trong xã hội, đây là cách nhìn biện chứng và khoa học về sức khoẻ. Thực tế đã cho thấy, ở một con người thì sức khoẻ cũng luôn có sự biến đổi theo từng giai đoạn phát triển của cơ thể.
Ở Việt Nam, quan niệm về sức khỏe và bệnh tật đã được quan tâm nghiên cứu từ rất sớm, thế kỷ XVIII Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã dựa trên quan điểm duy vật về trời đất để xây dựng lý luận y học. Khi nghiên cứu về con người và sức khỏe con người ông cho rằng, “con người không
tách khỏi vạn vật”, “chung với trời đất”, “người với trời đất, vạn vật là nhất thể”. Ông quan niệm, “thân thể con người là một vũ trụ thu nhỏ lại, bẩm thụ được khí trọn vẹn của âm dương, có đủ sự biến hóa, nuôi dưỡng của ngũ hành” [105, tr. 539]. Từ đó, ông cho rằng sức khỏe và bệnh tật của con người chịu sự tác động của mối tương tác giữa con người và trời đất. Ông nói: “lạnh, nắng, ấm, mát hay thay đổi lẫn nhau lúc hơn lúc kém mà khí của bốn mùa đổi nhau làm tổn thương đến sự điều hòa của ngũ tạng”. Trên cơ sở đó, ông đưa ra quan điểm rất tiến bộ về y học dự phòng khi cho rằng, để phòng bệnh tật con người phải chú ý đến môi trường sống, cách sinh hoạt và giữ tinh thần thoải mái [104, tr. 72]. Đây là một tư tưởng rất khoa học về sức khỏe, bệnh tật và quan điểm dự phòng của y học hiện đại.
Tóm lại, trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, thì các quan niệm về sức khoẻ cũng có sự phát triển không ngừng, phụ thuộc vào trình độ nhận thức của con người, sự phát triển này là tất yếu trong lịch sử phát triển của tư tưởng nhân loại. Tuy rằng, trong quá trình phát triển của nó có những quan điểm còn thô sơ, mộc mạc; có quan điểm mang màu sắc duy vật hay duy tâm, thần bí; có quan điểm khoa học… chúng tác động ảnh hưởng lẫn nhau, bổ sung cho nhau làm cho quan niệm về sức khoẻ của con người ngày càng phát triển là cơ sở cho sự ra đời của quan điểm hiện đại về sức khoẻ ngày nay.